Người Cần Đước kết nối đồng hương!

0
493

HUỲNH VĂN HẠNH

Ngay sau khi bài Người Cần Đước hiện sống tại Mỹ như thế nào có đăng ảnh của tôi được phổ biến đến cộng đồng đồng hương ở khắp nơi trên thế giới, có người nhận ra tôi ”Ảnh người đứng bên phải có phải là Út Hạnh, ngụ tại Xóm Bà Lựu nay là Khu 1 Thị Trấn Cần Đước không? Tôi rất ngạc nhiên và đoán người hỏi có tên Thomas Bùi là người quen đang sinh sống ở nước ngoài, nhưng  là ai?

Tôi liên lạc ngay và qua vài câu trao đổi được biết đó là Bùi văn Tiếng, con anh Tư Sáng ở Bà Lựu ngày xưa, người mà lúc nhỏ tôi thường hớt tóc, chỉ cách nhà tôi khoản 20m.


Vợ chồng Ông Bùi Văn Tiếng và vợ chồng Ông Huỳnh Văn Hạnh – Trương Thị Xuân Sơn.

Thật thích thú khi nhận được gặp Tiếng là người đồng hương Cần Đước cùng ở Xóm Bà Lựu, nay lại cùng sinh sống tại một thành phố trên đất Mỹ. Tiếng nhỏ hơn tôi 10 tuổi và sau 75 đã mất liên lạc với gia đình.

Tiếng kể lại những ngày trước tháng tư năm 1975, lúc đó Tiếng bị động viên và được đưa về binh chúng không quân. Không được đào tạo phi công mà được huấn luyện chuyên ngành kỹ thuật hàng không một năm tại Mỹ trước khi đưa về phục vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Những ngày trước biến cố tháng tư năm 1975, sân bay Tân Sơn Nhất có lần bị oanh kích, gây bất an cho mọi người phục vụ tại đây và cũng tạo điều kiện cho Tiếng và nhóm bạn rời khỏi Việt Nam. Từ Thái Lan liên lạc với quân đội Mỹ để được đưa sang Mỹ.

Tiếng mất liên lạc với gia đình và bị xem mất tích từ đó.

Tiếng cho biết lúc bấy giờ rất hoang mang, không liên lạc được với gia đình, đồng thời lo lắng nếu liên lạc gia đình sẽ bị đối xử như thế nào của chính quyền quân quản. Ở tuổi còn rất trẻ Tiếng xa gia đình, xa cha mẹ, xa anh em với tâm trạng bất an. Tuy vậy, nhờ một năm du học chuyên ngành kỹ thuật hàng không nên Tiếng rất dễ dàng được tiếp nhận và hội nhập nhanh chóng vào xã hội Mỹ.

Tại quê nhà, sau hơn ba năm không nhận được tin tức nào của con, ba mẹ chỉ còn xem như con mất tích và lập bàn thờ, lấy ngày ra đi của con là ngày mất. Tiếng bộc bạch ngay lần đầu hai chú cháu gặp nhau. Mặc dù Tiếng chỉ nhỏ hơn tôi 10 tuổi nhưng vai vế xưa nay Tiếng gọi tôi bằng chú vì tôi gọi ba Tiếng là anh.

Mấy hôm sau chúng tôi liên lạc nhau để tìm hiểu thêm nơi cư ngụ tại Mỹ để có điều kiện tìm biết nhau nhiều hơn. Khi được Tiếng cho biết đã có gia đình 4 người con hai đứa lớn đều tốt nghiệp ngành y, 1 nha sĩ ,1 bác sĩ và hai cháu nhỏ đang học Đại học. Các con tuy có sự nghiệp nhưng không muốn lập gia đình dù ở tuổi 40, nên đến nay gia đình chưa có đứa cháu nào.

Ông Bùi văn Tiếng và Ông Huỳnh Văn Hạnh

Khi Tiếng cho biết hiện ngụ tại Houston bang Texas, tôi rất vui vì cùng ở gần nhà tôi. Là chuyên viên kỹ thuật nên qua liên hệ với nhau trên FB, Tiếng tìm ra nơi cư ngụ gia đình tôi là TP Katy, gần Houston và cách nhà Tiếng hơn 1 giờ lái xe. Chủ Nhật vừa qua chúng tôi có cuộc hẹn gặp đầu tiên để thăm viếng lẩn nhau vào cùng ăn trưa.

Trưa hôm ấy chuyện quê nhà đã dành hết thời gian và Tiếng cho biết sau gần 4 năm tìm hiểu tin tức tại Việt Nam Tiếng mới liên lạc với gia đình, ba mẹ Tiếng rất vui mừng, bàn thờ được dẹp đi. Chúng tôi nhắc lại chuyện xóm Bà Lựu của mình, những vị tiền hiền nay đã ra đi, hỏi thăm các gia đình bà con trong xóm, những bạn bè lúc nhỏ của Tiếng, nhắc đến cúng Miễu Bà Lựu. Tiếng hỏi Bà Lựu là ai, tôi giải thích cội nguồn của dân xóm Bà Lựu để giúp Tiếng biết được tại sao trong xóm mọi người đoàn kết và quý mến nhau. Tiếng và tôi kể lại từng nhà từ xóm ngoài đến xóm trong, con rạch chia cắt xóm thành hai phần trong, ngoài nhưng rất thân kính nhau. Cùng nhắc lại những người thành công trên thương  trường cũng như thành đạt học vấn. Đây là lần đầu chúng tôi  “vẽ” lại bản đồ xóm Bà Lựu thân yêu của chúng tôi.

Tiếng dù xa quê rất lâu chỉ vài lần về Việt Nam vì đang nghỉ hưu, nhưng quê hương đã ở trong máu của mọi người nên luôn nhớ rất rỏ những anh chị có cá tính ngày xưa. Câu “quê hương nếu ai không nhớ, Sẽ không lớn nổi thành người” thật ý nghĩa làm sao!

   Hơn 3 giờ hai chú cháu ôn lại kỷ niệm ngày xưa về Xóm Bà Lựu quê nhà, giúp tôi nhớ lại những gì đã quên đi qua tuổi tác mà Tiếng nhắc lại.

Cám ơn Người Cần Đước đã kết nối có cuộc hội ngộ giữa chú cháu tôi!

 Huỳnh văn Hạnh

Bài trướcChợ Sài Gòn!
Bài tiếp theoMột ngày ở Cần Đước – Cần Giuộc!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây