Chùa Đông Lâm – Cần Đước và kỷ niệm xưa

1
892

Nhâm Hùng

Trong một lần về Cần Đước, sáng hôm ấy, tôi và Lê Hồng Hoàn bỗng “nổi cơn” hoài niệm, rủ nhau thăm lại chùa Đông Lâm…
Tại ngôi cổ tự này, cách đây hơn nửa thế kỷ, đám học trò trung học thời niên thiếu chúng tôi từng “làm quỷ làm ma”, bất kể chiến sự ác liệt vùng Cần Đước. Đêm ngày đại bác vanh rền, lính tráng đầy đường phố.
Tọa lạc gần Ngã ba Cây xăng, xã Phước Đông, ngang khu căn cứ pháo binh, trên tuyến đường đi Gò Công; Chùa Đông Lâm tỉnh lặng, ẩn mình sâu bên trong, có con rạch nhỏ uốn quanh, cùng rặng dừa nước dày bịt.

Chánh điện chùa Đông Lâm – Cần Đước 

Chúng tôi biết chùa, rồi thường xuyên lui tới chùa, là bởi: Anh bạn Đỗ Gia Trinh từ Kinh Nước Mặn lên tạm trú đi học ở một am cốc nhỏ, cùng mẹ và em…Do Sư cô trụ trì không khó tính mấy, nên ngoài buổi học ở trường, đám học trò chúng tôi như: Anh Hai Tưởng, Lê Hồng Hoàn, Nhâm Kính, Mãnh, Mân, Lâm Huỳnh Sen, Nguyễn Văn Ngọc cùng tôi,…hay tới chơi với Gia Trinh. Lại nữa, khuôn viên chùa rộng, thoáng, nhiều cây cao bóng mát, rất lý tưởng cho việc tự học.Thỉnh thoảnh có đứa cũng vào chánh điện đọc kinh, lạy Phật, chuông mõ công phu, để giữ lòng thanh tịnh.

Tác giả tại Chùa Đông Lâm – 1967

Đáng nhớ là có những đêm chúng tôi tụ tập, ôm đàn hát nhạc phản chiến. Được nước, còn cao giọng luận bàn thế sự, nói“chính chị chính em” cả triết thuyết Mác. Tranh cải hăng đến đỗ quạu; vì kẻ ngã theo “bên này”, người thiên về “bên kia”. May sao, bốn bề vắng vẻ, ít người lui tới. Nếu không, bọn cảnh sát nghe được sẽ tóm cổ cả đám.

Tụ tập thức khuya, ai bị đói đã có cơm nguội mẹ Gia Trinh đãi, khá lắm thì hùn tiền mua đậu đường nấu chè. Bạn Lâm Huỳnh Sen, tình nguyện nấu nên khỏi hùn. Chè chin, đám bạn cùng ăn, vui vẻ đàn ca, nói cười thân thiết.

Cây trôm ngày ấy và bây giờ – 2023

Sau chùa có cây trôm, ngày ngày ra mủ. Mủ trôm ngon lắm, nhất là pha đường, với nước đá cục.Ngày hè nóng bức, mủ trôm ra bao nhiêu chúng tôi gỡ ăn hết thôi.

Một hôm, Đại đức Thích Giác Thông không biết từ đâu về ở chùa, cùng lo Phật sự. Thầy Thông trẻ lắm, hợp với chúng tôi. Lắm lúc Thầy cũng thuyết pháp chút chút. Lần hồi Thầy thành lập, tổ chức “Gia đình Phật tử”. Vốn máu thanh niên, chúng tôi tham gia sinh hoạt ngay.Tôi và anh Hai Tưởng tập cho cả nhóm ca những bài hát về Phật Giáo, về sự tích Đức Phật, mà tới nay, vẫn còn nhớ:. “ Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh, kìa ! dòng nước biếc Thích Ca ngài vừa ra đời…”. Thời điểm này, Phật giáo mạnh lắm, vì mới đấu tranh lật đổ TT Ngô Đình Diệm mấy năm.

Những năm 1965, 1966… Chiến tranh lên đỉnh điểm, khu vực chùa được xem “ mất an ninh”, chúng tôi e sợ, ít tới lui. Nghe đâu Thầy Giác Thông cũng từ giả nhà chùa. Khi mẹ và em Gia Trinh chuyển chỗ ở khác, nhóm bạn tôi rủ Gia Trinh về tạm ngụ tại Kiều Quang học hiệu, cùng ông Thầy Tàu trẻ Hoàng Lăng Hải.

Nhóm bạn cũ tại chùa Đông Lâm: Nhâm Kính, Lê Hồng Hoàn,Nguyễn Văn Ngọc, Ngô Văn Tươi (Nhâm Hùng).

Những năm sau đó, mọi người tản lạc bốn phương, nhưng ký ức về chùa Đông Lâm và bao kỷ niệm vui buồn, cùng nhóm bạn cũ vẫn tươi nguyên. Tôi còn làm bài thơ về ngôi chùa, được đăng báo. Năm 1971, trên đường bôn ba, tôi ghé thăm Hai Tưởng ở Chi Khu Long Điền ( tỉnh Phước Tuy), được anh hướng dẫn đến “Tập Thiền Am”, nơi Thầy Giác Thông trụ trì. Mọi người xúc động, nhắc lại một thời ở chùa Đông Lâm, Cần Đước.
Hơn nữa thế kỷ trở lại chùa xưa, thấy khuôn viên chùa vẫn vậy, bên rặng dừa nước. Mừng nhứt là cây trôm còn đó , tuy già cổi. Có điều, ngôi chánh điện sáng đẹp, bề thế hơn. Ngoài sân, hiên chùa, các công trình bê tông dần thế chổ cây xanh bóng mát.

Đông Lâm Tự – ngôi chùa nhiều kỷ niệm với tôi và bạn bè, một thời ở Cần Đước. Và có lẽ, từ nơi này, tôi đã đến với Phật giáo…
12.2023
                                                                                                       Nhâm Hùng

Bài trướcSự khác biệt giữa tiếng chuông nhà thờ với tiếng chuông chùa?
Bài tiếp theoNgười lưu giữ lịch sử quê hương Cần Đước

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết hay quá ( tiếc là hơi ngắn ), mình nhớ rất nhiều về kỷ niệm ở Đông lâm tự . 1969 hay 70 gì đó mình có ghé Đất đỏ ở lại chùa chổ Giác Thông cả tuần và có ghé nhà của thầy chơi (hình như sau này thầy Giác Thông hoàn tục thì phải) mới đây lại nghe tin Trinh mất . Kỷ niệm của hơn 50 năm thâm chí gần 60 năm(?) như mới đây . Chùa ĐÔNG LÂM ở gần nhà sao quên được , nhất là thời học sinh “phá và ương ngạnh”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây