Chuyện nước ở Cần Đước (2)

0
529

 

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Sau năm 1975 trong chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, ngoài chương trình hỗ trợ xây nhà vệ sinh trong trường học, UNICEF còn có chương trình hỗ trợ khoan giếng nước ngầm trên địa bàn huyện. Với sự giúp đở kỹ thuật của UNICEF huyện đã tiến hành nhiều mũi khoan thăm dò nhưng chưa tìm được nguồn nước ngầm. Họ đã đi đến kết luận là Cần Đước không có mạch nước ngầm và khuyên huyện nên chuyển sang phương án xử lý nguồn nước mặt để phục vụ cho nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân.

Nhờ có nguồn nước đưa đến tận nhà đời sống người dân Cần Đước sung túc hơn, nhà cửa khang trang hơn.

Trong một đợt nghiên cứu lập quy hoạch phát triển thị trấn Cần Đước giữa những năm 80, các chuyên gia đã đề xuất phương án sử dụng khoảng vài hec-ta đất ruộng ở xã Tân Ân để đào thành ao chứa nước mưa và xử lý để cung cấp cho dân thị trấn xài.
Nhưng thật ra huyện Cần Đước không phải là không có nước ngầm, mà là do thiết bị khoan giếng lúc đó chưa có trình độ khoan sâu. Ngay cả thời trước năm 75, người Mỹ cũng đã từng tiến hành khoan một mũi ở ngay khu 5 thị trấn Cần Đước nhưng với kỹ thuật còn hạn chế thời đó họ cũng không thành công. Ở huyện Cần Giuộc tình hình cũng tương tự như vậy.


Giếng khoan làm thay đổi diện mạo Cần Đước

Vào cuối thập niên 80 thì nghe thông tin là huyện Cần Giuộc đã khoan tìm được mạch nước ngầm tại thị trấn với độ sâu khoãng 250m nhờ thiết bị của Liên đoàn địa chất 2 (LĐĐC2). Từ đó Cần Đước đã vội liên hệ với LĐĐC2 và kết quả thật phấn khởi là cũng đã khoan thành công một mũi 250m tại cạnh cống Cầu Chùa, khu 1A thị trấn Cần Đước. Kết quả nầy đã mở ra một bước ngoặt trong việc khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất và đời sống ở trên địa bàn huyện. Cơ quan UNICEF vẫn tiếp tục hỗ trợ một phần ống nhựa cho dân xin khoan giếng nước ngầm.

Kết quả khoan thăm dò cho thấy Cần Đước có ba tầng nước ngầm có thể khai thác sử dụng được ở những độ sâu 175m, 250m và 350m. Tầng 350m sâu nhất nhưng chất lượng nước tốt nhất tập trung ở hai xã Tân Chánh và Tân Ân.
Lúc nầy tư nhân họ cũng đã nắm bắt được nhu cầu khoan giếng nên đã bỏ vốn đầu tư những dàn khoan gọn nhẹ có thể di chuyển sâu vào trong nông thôn. Nhờ vậy mà số lượng giếng khoan tăng vọt lên ở các xã, chỉ trừ 05 xã nằm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông như Long Định, Long Cang, Long Sơn, Tân Trạch, Phước Tuy thì không tìm được mạch nước ngầm do đặc thù của cấu tạo địa chất.

Nhưng nước ngầm ở Cần Đước ở sâu và chất lượng cũng không được tốt lắm so với vùng Củ Chi, Đức Hòa vì hàm lương sắt và phèn trong nước khá cao. Muốn sử dụng được thì phải đầu tư hệ thống lọc khá nhiều tiền và cũng chỉ phục vụ cho sinh hoạt thôi, còn nước phục vụ cho ăn uống thì cũng phải sử dụng nước mưa. Nhưng có còn hơn không vì giải quyết được nguồn nước sinh hoạt cho xứ Cần Đước vốn nước mặn phèn chua là một thành tựu không nhỏ của lịch sử 300 năm khai phá vùng đất nầy, mà trước đó người ta phải dựa chủ yếu vào nước ở các ao làng.

Giàn phun mưa lọc phèn

Tình cờ đọc báo thấy ngoài Hà Nội tư nhân người ta đầu tư xây dựng trạm cấp nước mini. Từ đó đã gợi cho tôi có ý tưởng mới về việc tổ chức cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Chủ trương cho phép và kêu gọi tư nhân đầu tư khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt dân cư nông thôn được hình thành. Những hộ có chút tiền ở nông thôn đã tham gia chủ trương đầu tư xây dựng trạm cấp nước mini nầy, vì nó cũng phù hợp túi tiền, dễ làm và cũng là một lĩnh vực đầu tư an toàn nhất. Chỉ cần hút nước lên cho phun mưa lắng lọc và bơm lên một cái đài cao thì nước tự động chảy tới tận hộ dân xài. Đầu vào đầu ra quá dễ dàng, thuận lợi. Nước mà ai không cần xài nên có sợ ế ẩm, thiu thúi gì đâu. Cho nên những người nông dân có đầu óc làm ăn đã tìm được một hướng đầu tư mới ăn chắc tại địa phương. Vậy là các “cây nước” đã đua nhau mọc lên khắp huyện. Chủ cây nước chỉ đầu tư khoan giếng xây đài lắng lọc khoảng vài trăm triệu đồng còn tiền đầu tư đường ống dẫn nước thì do dân hùn, phương án nầy vừa sức rất phù hợp nên ai cũng đồng tình.

Trước tình hình nầy huyện đã chủ động nghiên cứu ban hành nhanh một số quy định để vừa tạo điều kiện cho nhân dân đầu tư, vừa có cơ sở để quản lý hoạt động của những trạm cấp nước nầy. Mỗi trạm cấp nước mini nầy có thể cấp nước cho từ 100 đến 300, 500, 700 hộ.


Nhờ có nguồn nước ngọt vườn lan Bách Việt (Út Hụi) xã Phước Đông phát triển tốt.

Đâu có ai ngờ xứ Cần Đước bao đời nước mặn phèn chua mà giờ đây đâu đâu ở những xóm thôn cũng có nước phông-tênh xài như ở thành thị Sài Gòn. Như là một giấc mơ!.
Trong vòng vài năm, toàn huyện đã có khoảng 200 giếng khoan của dân.Trong đó có khoảng 100 giếng được xây dựng thành trạm cấp nước mini và đáp ứng cung cấp nước sạch cho khoảng 95% hộ dân (>20.000 hộ) trong huyện hoàn toàn bằng vốn đầu tư của tư nhân và nhà nước không phải tốn đồng bạc nào.
Trong khi đó về phía nhà nước chỉ có một trạm cấp nước được xây dựng trên mũi khoan thử nghiệm thành công đầu tiên và cung cấp nước cho vài trăm hộ ở trung tâm thị trấn, chiếm khoảng 3% tổng số hộ, phần còn lại dân cư ở các khu phố thị trấn cũng do các trạm cấp nước của tư nhân đảm nhiệm.

Đây là một bài học sinh động về việc đề ra chủ trương hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn và bài học về huy động sức mạnh của nhân dân. Nó chứng minh hùng hồn cho quan điểm: -“cái gì dân làm được thì hãy để cho dân làm, nhà nước chỉ cần tạo điều kiện về chính sách, về quy hoạch cho dân làm, dân đầu tư mà thôi”.
Ngoài việc sử dụng nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt thì dân trồng rau chuyên canh ở các xã vùng Thượng như Long Trạch, Long Khê, Phước Vân, Long Hòa… cũng xin được khoan giếng nước ngầm để tưới rau. Để tránh việc khoan giếng tràn lan không kiểm soát được nên huyện đã chủ trương các giếng phải cách nhau tối thiểu là 500m. Từ đó các hộ có ruộng rau gần kề đã hùn vốn khoan một giếng chung và thay nhau lấy nước theo một lịch được thống nhất chung. Vì nước có phèn và sắt nhiều nên họ đã có sáng kiến bơm nước xuống ao cho tự lắng lọc rồi mới bơm tưới rau. Qua thực tế cho thấy dùng nước nầy tưới thì rau lại phát triển rất tốt và nhờ vậy mà chương trình trồng rau ở các xã vùng Thượng phát triển khá ổn định với khoãng hơn 700 ha.


Chủ động nguồn nước tưới vườn rau Long Hoà hàng ngày cũng cấp rau cho các siêu thị lớn tại TP.HCM.

Bây giờ hình ảnh cái ao xóm và cái miễu ao nằm cạnh bên cũng còn thấy nhiều ở các xã vùng Hạ Cần Đước. Nhưng người dân không còn xài nước ao, cảnh gánh nước ao hay cảnh quảy thùng đi “đổi nước” ghe đã trở thành chuyện cổ tích. Nên chăng cần bảo tồn những hình ảnh nầy để giáo dục truyền thống về một thời gian khó và lao động sáng tạo, quyết tâm trụ lại khai mở vùng đất nầy cùa tiền nhân để ta có một Cần Đước đáng yêu như hôm nay.

Bây giờ bọn trẻ Cần Đước ngay cả ở những xóm ấp vùng nông thôn khi sinh ra là đã có nước máy xài. Những trạm cấp nước mi-ni cũng đã nhường chỗ cho nguồn nước mới dẫn từ xa về với chất lượng tốt hơn. Ở những vùng đô thị thì nước là chuyện bình thường nhưng ở Cần Đước quê tôi vốn nước mặn phèn chua thì đây là một thành tích lớn lao, một cuộc đổi đời ngoạn mục thay đổi hẵn cuộc sống nhân dân. Có nước rồi có điện thì đi theo biết bao tiện nghi làm cho đời sống trở nên văn minh hiện đại. Cần Đước quê mình đáng sống lắm thay!

ThS. Nguyễn Văn Đông

Bài trướcChuyện nước ở Cần Đước (1)
Bài tiếp theoĐổi thay ở quê hương Cần Đước qua góc nhìn từ kỳ nghỉ lễ 2.9

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây