Đổi thay ở quê hương Cần Đước qua góc nhìn từ kỳ nghỉ lễ 2.9

0
412

KỲ QUAN

Cần Đước từ lâu được xem là xứ phèn mặn, người dân khó khăn, từ khi tìm được nguồn nước ngọt, nông thôn đổi mới đời sống người dân khá lên. Minh họa cho cuộc sống mới, chúng tôi giới thiệu bài viết của tác giả Kỳ Quan đăng trên Lao Động Online. Cám ơn chị Thuỵ Thắm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Long An – Người Cần Đước – giới thiệu.

Người Cần Đước

Trong kỳ nghỉ lễ 2.9 năm nay, về thăm quê nhà ở xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, người viết tình cờ được mời dự  buổi tiệc nhỏ và chợt giật mình về sự đổi thay kỳ diệu của quê hương, đất nước qua góc nhìn của “ngoại nhân” mà những người trong cuộc như tôi có khi thấy đó là chuyện bình thường, hiển nhiên.

Cánh đồng lúa Gạo Nàng Thơm Chợ Đào – Ảnh Thanh Minh

Khi tôi tốt nghiệp THPT và rời khỏi quê nhà thì 2 người họ mới vào lớp 10, vì vậy tuy nhà cùng xóm, nhưng lúc ấy tôi chỉ biết họ, chứ không thân thiết. Sau đó 1 trong 2 người họ đi định cư nước ngoài, tôi không có dịp gặp lại. Còn người kia học xong đại học, đi làm ở TP.HCM, nên thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau khi về thăm quê hoặc họp mặt “đồng hương” ở đâu đó.
Về thăm quê dịp 2.9 năm nay, bất ngờ tôi nhận tin nhắn của H, một trong 2 người họ: “Anh N có ở Cần Đước không, nhậu chơi!”. Tất nhiên là tôi đã không từ chối “bữa tiệc” của những người con xa quê nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh ở tại quê nhà. Quán nằm trên tuyến tránh Quốc lộ 50 qua thị trấn Cần Đước. Đây chắc chắn là quán mới mở vì tuyến đường tránh này mới làm cách đây không lâu. Lần đầu tiên đến đây, tôi bất ngờ khi ở quê mình có quán ăn quá “hoành tráng”, rộng khoảng 2ha, có hồ cá rộng ở giữa, chung quanh trang bị đủ các “đồ chơi”, khiến khách có cảm giác như đi chơi công viên chứ không phải chỉ đi ăn uống, không thua kém bất cứ nhà hàng lớn nào ở TP.HCM.

Huyện nghèo Cần Đước giờ trở thành huyện văn hóa – nông thôn mới. Ảnh: N.P.Đ
“Bữa tiệc” có 4 người: H, tôi, người bạn của H tên là T mới từ nước ngoài về thăm nhà và 1 người nữa tên C là bạn chung của H và T. Tôi và H đến nơi hẹn sớm, trong khi chờ đợi 2 người còn lại, H kể: Người bạn tên T sau khi tốt nghiệp đại học ở TP.HCM vào giữa thập niên 1980 đã vượt biên và bị “vướng” ở 1 trại tị nạn dành cho “thuyên nhân” ở Malaysia mấy năm, sau đó đã hồi hương bắt buộc. Về nhà anh cưới vợ, mấy năm sau vợ chồng anh được gia đình bên vợ bảo lãnh đi định cư bên Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình.

Một lúc sau T và C đến, cả 2 còn nhớ tôi, nhưng tôi không còn nhận ra họ. T vui vẻ nói: “Anh N không nhận ra em, nhưng em vẫn nhớ anh. Thời ấy anh học tập và công tác Đoàn đều nổi, nên em nhớ”.
Cũng giống như tôi, T tỏ ra bất ngờ khi ở vùng ‘quê nghèo” của anh ngày nào giờ có 1 quán ăn “không thua kém bất cứ nhà hàng nào ở California” (lời của T). “Bên ấy có thể có nhà hàng sang trọng hơn, nhưng không thể tìm đâu ra nhà hàng rộng mênh mông, phong cảnh đẹp như công viên, món ăn phong phú như ở đây. Mà cũng có thể do bên Mỹ em ít đi ăn nhậu nên không biết có những nhà hàng cao cấp hơn”, T nói.

Thị trấn Cần Đước đìu hiu ngày nào giờ khang trang, hiện đại. Ảnh: N.P.Đ
Không cần ai gạn hỏi, T tự nhiên bộc bạch: “Em biết có nhiều Việt kiều về nước “nổ” dữ lắm, nào là bên đó sống sung sướng như ông hoàng, muốn nhậu thứ gì cũng có, quanh năm đi du lịch… Thế hệ tụi em qua đó đều đã lớn tuổi, phải lo bươn chải cuộc sống, không còn điều kiện học hành, mà bằng cấp ở trong nước thì qua đó không được công nhận, nên phần lớn phải sống bằng lao động phổ thông, vất vả mà thu nhập kém, cuộc sống luôn chật vật với bao thứ chi tiêu bắt buộc”.
T thẳng thắn cho biết, có thể ở trong nước, những người như H, như tôi có thể hẹn nhau ở 1 quán khá sang khi nào cũng được. Nhưng ở bên Mỹ, muốn tổ chức được buổi tiệc như thế, T phải chuẩn bị nhiều tháng trời, vì chi phí rất cao, thu nhập của lao động phổ thông không cho phép; rồi thời gian đi làm đầu tắt mặt tối, rất khó hẹn hò bạn bè…


Nhà cửa người dân Cần Đước càng càng khang trang hơn – Ảnh Thanh Minh

T nói tiếp: “Có thể anh N và các bạn hàng ngày chứng kiến nên không thấy ấn tượng về những đổi thay. Riêng T, cứ sau khoảng 10 năm trở về đã không còn nhận ra quê hương mình, mọi thứ như khoác lên tấm áo mới, cuộc sống thay đổi ngoài sức tưởng tượng”. Rồi T kể, trong xóm có người trai tên Tèo nào đó từng phải đi “ở đợ” vì gia đình quá nghèo không có cơm ăn. Vậy mà lần này về nước, T thấy anh Tèo cất nhà “2 tấm”, đi xe SH… Về nhà, thấy bờ ao nhà cha mẹ bị sạt lở, T định kêu người đào đắp cho tươm tất. Nhưng cả xóm bây giờ không tìm đâu ra 1 lao động phổ thông, tất cả người còn sức lao động đều làm trong các khu công nghiệp hoặc các dịch vụ cao cấp khác, chứ không như cái thời cả xóm gần như thất nghiệp, có ai thuê làm gì thì người đó coi như gặp may. Ruộng đất trồng lúa bấy giờ hầu như đã cơ giới hóa chứ không như cái thời cha mẹ anh suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ ăn.


Quốc lộ 50 – đường về Cần Đước – Ảnh Thanh Minh

T còn kể nhiều về cái nghèo, cái khổ của 1 thời, như muốn biện minh cho việc anh đã rời bỏ quê hương, đất nước. Như muốn kết thúc đề tài “chuyện xưa, chuyện nay”, T trầm ngâm nói: “Việt Nam đang phát triển rất ấn tượng, bên ngoài họ phải công nhận điều đó. Với đà này, chẳng bao lâu Việt Nam sẽ qua mặt Thái Lan, Singapore… Vài năm nữa về hưu, mình chắc chắn sẽ trở về sống ở quê hương”.

Kỳ Quan – LDO 4/9/2022

Bài trướcChuyện nước ở Cần Đước (2)
Bài tiếp theoCần Đước có thể nuôi con càng đước được không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây