Có một người Nhật ở cù lao Long Hựu

0
680

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Cù lao Long Hựu là một xã thuần Việt. Theo tìm hiểu tư liệu thì vùng đất này được khai phá nửa đầu thế kỷ 18, bắt đầu từ năm 1741. Nhưng do thiên nhiên quá khắc nghiệt dân không sống được phải bỏ đi, chỉ còn vài hộ ở lại. Sau đó có người đứng ra kêu gọi dân trở lại khai phá đến năm 1762 mới thành công và lập nên thôn Long Hựu, đến nay đã có lịch sử khoảng 250 năm.
Vùng đất này có vị trí địa lý đặc biệt vì năm nơi giao nhau của ba con sông Soài Rạp, Rạch Cát (Cần Giuộc) và Vàm Cỏ, và khi người Pháp cho đào con kênh Nước Mặn thì Long Hựu trở thành cù lao với bốn bề sông nước.


Để kiểm soát cửa sông này từ thời các chúa Nguyễn đã cho xây dựng một đồn kiểm soát gọi là Thủ sở Soài Rạp, bây giờ ở đây vẫn còn Xóm Thủ. Đến thời vua Minh Mạng thì cho xây Lôi Lạp Tấn Bảo. Và đến năm 1910 thì thực dân Pháp cho xây xong pháo đài Rạch Cát hiện đại bậc nhất Đông Nam Á để bảo vệ Sài Gòn trước nguy cơ nổ ra Thế chiến lần thứ nhất và cho một lực lượng lớn quân Pháp đồn trú ở đây.
Tháng 10/1940 quân phát xít Nhật vào chiếm Đông Dương và cho quân chiếm đóng pháo đài Rạch Cát thay thế quân Pháp. Ngoài ra Nhật còn xây dựng một xưởng đóng tàu cây ở ngay đầu Vàm Mương thuộc xã Tân Chánh mà dân thường gọi là Trại Nhật.
Tháng 8/1945 sau khi bị Mỹ bỏ hai trái bom nguyên tử thì phát xít Nhật đầu hàng Đồng mình. Lợi dụng tình thế đó Việt Nam phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 25/8/1945 ở Cần Đước cách mạng Tháng Tám thành công. Đêm 24/8 quân Nhật đã vội vã rút chạy khỏi pháo đài Rạch Cát và xưởng đóng tàu Tân Chánh trước khi quân cách mạng đến chiếm pháo đài.
Được biết ở Cần Đước sau cách mạng tháng tám có một số lính Nhật không chạy trốn mà ở lại tham gia quân cách mạng và có một người lính Nhật ở pháo đài Rạch Cát đã ra khỏi pháo đài và ở lại làng Long Hựu, lập gia đình với một cô thôn nữ làng và sinh nhai bằng nghề đóng đáy ở ngọn rạch Chanh, giờ là ấp Tây thuộc xã Long Hựu Tây.
Người dân ở đây gọi ông là ông Năm Trụa, chắc là gọi trại theo cái tên Nhật của ông. Nghe kể ông Năm dáng nhỏ người, mặt thường đỏ ao. Ông sống chan hoà với bà con Long Hựu, được dân quý mến. Ông bà sinh được khoảng năm người con, có trai có gái, nay họ cũng tuổi 70.


Từ nghề đóng đáy ông bà Năm cũng dành dụm sắm được ghe lớn chuyên chở thuê hàng hoá, lúa gạo lên chợ Cần Đước. Nghe nói Ông Năm có cảm tình với cách mạng trong giai đoạn chống Mỹ và cũng có những đóng góp trong điều kiện của mình.
Sau ngày đất nước hoà bình tháng Tư 1975, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên bà con vùng Hạ Cần Đước đi ghe băng ngang sông Soài Rạp qua rừng Sác mót gốc củi mục mưu sinh. Ông Năm Trụa có ghe nên cũng đưa bà con Long Hựu đi mót củi. Không may một lần ghe bị sóng lớn đánh chìm, ông Năm đã nhường phao cho những người phụ nữ không biết bơi và ông đã bị chết vì đuối nước. Bây giờ người ta vẫn nhắc ông Năm Trụa với lòng kính mến và tiếc thương.

Như trên đã nói Long Hựu là xã thuần Việt nhưng trong lịch sử của nó cũng tiếp nhận những người nước ngoài đến sinh sống và hiện ở Long Hựu có những người con lai mang dòng máu Hoa ở chợ kinh nước mặn, và những người con mang dòng máu Nhật của ông Năm Trụa. Lịch sử thật lý thú!

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNhững giai thoại về Lạp xưởng Cần Đước xưa và nay
Bài tiếp theoSách mới: Lịch sử – Văn hóa Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây