Cổ nhạc Cần Đước

0
595

HUỲNH NGỌC TRẢNG

Ngày 18-02-2006, Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam đã cử hành Lễ Trao bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho nghệ nhân cổ nhạc Phan Văn Nhứt tại Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Việc làm này không chỉ ghi nhận công lao bảo tồn và truyền dạy âm nhạc truyền thống của lão nghệ nhân Phan Văn Nhứt mà còn là sự thừa nhận giá trị của dòng nhạc Cần Đước, nói rộng ra là Cần Đước-Cần Giuộc (Long An) -một dòng nhạc có vai trò quan trọng đối với sinh hoạt đờn ca từ trong lễ tục gia đình đến lễ hội đình, chùa, miếu vũ và các cuộc tiệc vui chơi ở đất Gia Định-Sài Gòn-Chợ Lớn xưa và cả thành phố Hồ Chí Minh bây giờ.

1. Không biết rõ từ thời điểm nào, xứ Cần Đước được nổi danh về đặc sản gạo, với câu tục ngữ phổ biến “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”. Nhưng điều có thể chắc là vùng đất này, do nối với biển Đông là cửa Soài Rạp, lại từ đó thông vô đất liền là sông Vàm Cỏ, Rạch Cát…nên là nơi đón các nhóm lưu dân Nam tiến sớm. Bởi vậy nên năm 1679 (trước khi Nguyễn Hữu Cảnh lập bộ máy hành chính ở Phủ Gia Định năm 1698), chúa Nguyễn đã lập “Cửu Trường biệt nạp” để thu thuế lưu dân ở vùng đất mới thì vùng Cần Đước – Cần Giuộc đã có đến hai trường biệt nạp là Cảnh Dương và Thiên Mụ. Dấu tích nay còn chép trong Địa bạ Minh Mạng và còn tồn tại là tên chùa làng xứ này: chùa Thiên Mụ. Nói là vậy, song sự thể có lẽ có qui mô liền lạc là năm 1756, khi Nguyễn Cư Trinh chính thức tiếp quản hai phủ Tầm Bôn và Lôi lạp và nói chung, cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều vất vả vì đây là vùng đất ngập, nhiễm mặn lại kết phèn. Sách Gia Định thành thông chí (biên soạn hồi đầu thế kỷ XIX) cho biết ở vùng đất này, hồi đó: “Chín nhà làm ruộng mới có một nhà buôn bán nên tập tục còn chất phác như xưa” và xác định đây là xứ “ruộng bùn, nước mặn, nếu có đào ao, vét giếng thì nước tuy lạt nhưng nấu sôi lại mặn cũng không thể dùng để ăn uống.  Cho nên hàng năm từ tháng 10 lúc hết mùa mưa tới tháng 4 lúc cuối mùa khô có người chuyên dùng ghe rửa sạch chở đầy nước ngọt tới các nơi ấy đổi lấy lúa”

Cái khó ló cái khôn, lời tục đó thường là đúng. Nhưng thấy được và khai thác được cái lợi thế của mình luôn là một quá trình có phần hơi bị lâu cũng là một điều thường thấy. Ở đây, lợi thế lớn nhất là vùng đất này là một trạm trung chuyển của tuyến giao thông-vận tải đường sông nối miền đồng bằng sông Cửu Long với vùng đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn và cả với miền Đông Nam bộ qua sông Vàm Cỏ và Rạch Cát. Năm 1879, đào kinh Nước Mặn nối Vàm Cỏ vào Rạch Cát, có thể coi là cái mốc đánh dấu sự chuyển biến từ xứ sở “chất phác như xưa” đến một bước phát triển đáng kể.

Một trong những lối ra nổi bật là nghề đóng ghe. Ghe Cần Đước “mũi đỏ lườn xanh” và đặc biệt là con mắt ghe tròn, tròng đen ngó vào trừng trừng vang danh khắp giang hồ lục tỉnh. Nghề đóng ghe phất lên là do nghề đi ghe thịnh hành. Ghe lúa (mua bán chở về bán cho nhà máy xay, bạn hàng xáo), ghe đi lọp (mua cá tươi ở tận vùng Đồng Tháp Mười, Sở Thượng…), ghe mua “cá ngọn” (cá nhỏ ở miền Tây về bán cho người ta muối mắm), ghe phân (chở phân cá, tro), ghe heo (thu mua heo tứ xứ chở về bán cho lò mổ ở Chợ Lớn-Sài Gòn), ghe cát (xúc cát sông phục vụ nhu cầu xây dựng), ghe đi rừng (ghe xuồng đi đốn/ mua củi đước, mắm, su, vẹt…bán để chụm, đốt lò chén, lò lu ở Lái Thiêu, Tân Vạn). Vô số nghề sông nước hình thành và chuyển biến lớn là từ nông qua thương nghiệp. Nghề đi đổi đặc biệt phát triển: họ xuôi ghe lên lấy đồ gốm, đồ gỗ Lái Thiêu, Biên Hoà đi đổi lúa khắp lục tỉnh. Chợ búa, tụ điểm buôn bán ở các bến thuyền sung túc.

Bình Tây, Rạch Cát ghe nhiều,
Gò Đen, Rạch Kiến, Rạch Đào chợ sung

(Nam kỳ nhơn vật phong tục diễn ca, 1909)

Trong số chợ, sung túc đáng kể là chợ kinh Nước Mặn. Nó phát triển vì đây là “trạm đình” chờ con nước thuận mà đi lên Sài Gòn, miền Đông hay xuống miền Tây. Đây là một thị tứ: tiệm, quán bán gạo, củi, mắm, muối, tạp hóa; xuồng bán vàm bán chè, cháo, thức ăn…Tác động lớn nhất là sự mở rộng giao lưu không chỉ kinh tế mà cả văn hoá: lối sống thị dân lan toả, ảnh hưởng, hình thành các cụm văn xã theo các “xóm chùm” (những người đồng nghiệp cư trú tập trung). Do đi đây đó, họ phải học võ để phòng thân và bảo vệ nhau. Đám bối (trộm đường sông) Ba Cụm, Cây Khô, đám du côn chợ, du côn vườn đều cạch mặt dân thương hồ Cần Đước. Lối sống “điệu nghệ, giang hồ” không chỉ có vậy, phải “văn võ song toàn”, tức phải biết ca, biết hát đôi bài để giao lưu, thời thượng là rao được vài bản đờn, thuộc đôi bài ca tài tử, mấy bài vọng cổ…làm vốn để phong lưu nơi xứ lạ quê người, thù tạc với bạn bè bên chén rượu, chung trà, không phải nơi cao lâu tửu điếm thì cũng ở quán chè, tiệm cà phê hủ tíu. Đời giang hồ “tứ hải giai huynh đệ” kia mà. Nhạc Cần Đước, đờn ca tài tử Cần Đước hình thành và phát triển trong môi trường đó và từ cuộc sống đó mà lan toả đây đó.

Mặt khác, xứ ruộng biền nương rẫy, một năm một vụ, thời nông nhàn, người không làm nghề sông nước phải chọn cách “bán công bán nông”. Họ lên Chợ Lớn-Sài Gòn làm ăn. Người ở Long Cang, Long Định đi bán chiếu. Nghề mộc (tủ, giường, bàn ghế), nghề điêu khắc gỗ cũng lấy chốn đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn là nơi hành nghề. Ấy vậy, nên cuộc sống của người Cần Đước không khuôn vào “bổn xứ” mà là tứ xứ. Đi xa làm ăn là chuyện thường tình. Nhạc cổ Cần Đước cũng vậy, nó theo đường đi của các nghệ nhân mà đi…

2. Nói chung, từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, âm nhạc cổ điển ở miền  Đông, miền Tây Nam kỳ đã có phần phát triển mạnh mẽ. Long An nằm giữa hai khu vực này đã đón nhận được thành quả nghệ thuật hai phái nhạc miền Đông và miền Tây này, do vậy số lượng bài bản ở đây có phần phong phú. Quá trình phát triển nhạc cổ Long An nói chung cũng là quá trình phát tiển từ nhạc lễ đến nhạc tài tử, cải lương, từ hoạt động bán chuyên nghiệp đến chuyên nghiệp. Một đặc điểm khác là lịch sử phát triển của âm nhạc cổ điển ở Long An trong từng khu vực tương đối độc lập nhau, nổi bật là khu vực Cần Giuộc, Cần Đước, khu vực Đức Hoà và khu vực Tân An, Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ.

Ở khu vực Cần Giuộc, Cần Đước, theo tục truyền từ nửa sau thế kỷ XIX đã có bốn danh cầm kiệt xuất:

Sâm, Hồ, Ngô, Đạo,
Nhứt vĩ quán chi

Bốn ông Sâm, Hồ, Ngô, Đạo được các nhạc công đời sau coi như những danh cầm bậc thầy, một vĩ nhạc do họ diễn tấu quán xuyến được tất cả những gì ưu tú nhất của nghệ thuật âm thanh.

Trên đây là lời tục truyền. Trong thực tế, vào những năm bản lề của thế kỷ XIX, XX truyền thống nhạc cổ của địa phương được các thầy đờn như Hai Trì cùng hai người con gái là Sáu Giỏi, Bảy Lung, Nhạc Hộ, Nhạc Viên …tiếp tục truyền bá, thì nhạc sư Nguyễn Quang Đại (thường gọi Ba Đợi, người mà đời sau xưng tụng là hậu tổ của nhạc cổ Nam Kỳ) đã được mời về Cần Đước và những môn đệ của ông như Mười Kỳ, Hương sư Sự, Hương giáo Lễ cũng đã về Cần Giuộc để dạy nhạc.

Đầu thế kỷ XX ở khu vực này đã có nhiều vạn nhạc lễ và một số nhóm đàn cây tài tử diễn tấu trong cúng đình, miễu, tang lễ và những cuộc tiệc vui chơi, cưới xin. Những danh cầm nhạc tài tử xuất sắc nhất của thời kỳ này là bộ tứ Tịnh-Khiết-Thoàn-Chiêu. Về nhạc lễ ở Phước Lâm (Cần Giuộc) có vạn nhạc của Chủ Ngoan và các con của ông ta: Bảy Nhì (đàn cò), Nhạc Khanh (giỏi về kèn). Kế tiếp Chủ Ngoan là Nhạc Tho (giỏi về kèn) cùng với em là Mười Thiệu (học đàn cò của Bảy Nhì, học trống nhạc của Hai Huệ, người Chợ Lớn) là những nhạc công thời danh lúc bấy giờ. Ngoài ra, Bảy Vô và Tám Ra (quê Phước Vĩnh Đông, Cần Giuộc) là hai nghệ nhân nổi tiếng về kèn và trống nhạc lễ được giới chơi nhạc lục tỉnh khâm phục.

Ở Cần Đước, Nhạc Láo tên thật là Nguyễn Văn Láo (1901-1943) (người Tân Lân, Cần Đước, con của Nhạc Viên) cùng Bảy Quế (con nhạc Hộ) và các học trò của mình là Năm Lồng, Năm Giai, Hai Đạm, Tám Nhứt…lập thành một vạn nhạc diễn tấu cả nhạc lễ lẫn nhạc tài tử.

Nếu với bộ tứ Tịnh-Khiết-Thoàn-Chiêu, nhạc cổ khu vực Cần Đước, Cần Giuộc chiếm được vị trí quan trọng trong giới đàn ca tài tử Nam kỳ thì tiếng tăm của Nhạc Láo, nhạc Cần Đước đã thật sự đạt đến tột đỉnh, đánh bạt uy tín những vạn nhạc nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Tây Ninh, ở Gò Vấp, Gia Định.

Phần đóng góp lớn lao của Nhạc Láo, nhạc Cần Đước là đầu tiên diễn tấu thành công một cách sáng tạo các bài bản nhạc cổ theo nhịp 8, khi các nơi khác vẫn còn chơi theo nhịp 4. Khi ca nhạc tài tử bước đầu biểu diễn ca ra bộ và khi gánh cải lương của thầy Năm Tú ra đời Ở Mỹ Tho và liên tiếp mấy thập niên sau đó, ở Cần Giuộc, Cần Đước đã xuất hiện nhiều danh cầm: Ba Đồng (Tân Kim), Chín Kỳ (kinh Nước Mặn), Tư Huyện (Phước Lâm), Mười Còn (Chợ Núi), Bảy Hàm (Trương Văn Đệ, Phước Lâm), Sáu Quí (em ruột Tư Huyện) và sau đó có Năm Ơn (Nguyên giám đốc nhà hát cải lương Việt Nam, Hà Nội), Hai Biểu (Chợ Đào), Mười Hinh (Tân Lân)…Họ đã từng diễn tấu cho nhiều gánh cải lương, đài phát thanh, các hãng dĩa Béca, Pathé, Asia và giảng dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Trong thực tế các nhạc công Cần Giuộc, Cần Đước đã chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong giới nhạc cổ. Bốn người hàng đầu được chọn ở thời kỳ này là Huyện-Còn-Hàm-Có. Trong số này, đặc biệt có Tư Huyện là người đầu tiên thành công trong việc dùng vi-ô-lông diễn tấu nhạc cổ và Bảy Hàm, người nhạc công đã từng chơi đàn cho gánh cải lương thầy Năm Tú, đã nghiên cứu tạo ra cây đàn kìm 4 dây được Viện Nghiên cứu âm nhạc (Bộ văn hoá) công nhận.

Cần Đước, Cần Giuộc không những đã cung ứng một số lượng nhạc công cho Sài Gòn và hiện nay, những nhạc công thế hệ sau vẫn còn giữ một vai trò quan trọng ở khu vực này.

Năm 1930, vì tham gia hoạt động “quốc sự”, Nhạc Láo đã rời Cần Đước lánh lên Gò Vấp. Từ đây, nhạc Cần Đước bắt đầu hình thành một chi phái tại Gia Định. Sau đó, Chín Láo cùng Chín Thau và sau đó là Tám Nhứt (Phan Văn Nhứt), Phan Văn Lựa, Phan Văn Hai (Hai Tò Le) đã thành lập vạn nhạc lễ Gò Vấp. Ở đây, nhạc Cần Đước càng ngày càng phát triển mạnh mẽ và đến nay đã trở thành một lò nhạc lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Từ lò nhạc này và ngay tại quê hương Cần Đước đã sản sinh ra những thế hệ nhạc công mới: Tư Tuội (Ngô Văn Tuội), Ngọc Ánh (nhạc công của Đoàn hát bội thành phố Hồ Chí Minh), Ba Tu (Trương Văn Tự, nhạc công của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) v.v… là những người kế tục và hiện nay các thế hệ sau của nhạc Cần Đước, Cần Giuộc là một đội ngũ đông đảo.

Ngoài vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, nhạc Cần Đước, Cần Giuộc cũng lan truyền trên vùng đất  Đức Hoà, Tây Ninh. Ở Đức Lập, năm 1932, ông Bùi Văn Giúp (1914-1970) mời thầy đờn Tư Đồng từ Cần Giuộc về đây dạy nhạc. Sau 4 năm học, Tư Đồng và nhiều người khác, ông Bùi Văn Giúp, đã trở thành nhạc công sở trường cả nhạc tài tử lẫn nhạc lễ. Nhạc Giúp đã hành nghề liên tục suốt mấy chục năm. Ông có mặt ở nhiều gánh hát trong tỉnh và khắp vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Tây Ninh.

Em ruột Nhạc Giúp là Bùi Văn Thiện cũng theo học thầy Tư Đồng và đã thụ đắc được sở trường về trống nhạc. Ông đã từng đánh trống cho gánh Tân Thành ban và cùng nhạc Giúp đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Nhạc Giúp đã đào tạo một thế hệ nhạc công đông đảo khắp vùng Đức Hoà, Củ Chi, Hốc Môn. Một số nhạc công thuộc thế hệ sau trong nhóm nhạc Cần Đước ở Gò Vấp cũng đã thụ giáo Nhạc Giúp. Riêng ở Đức Hoà, đa số những nhạc công như Bùi Văn Hai, Bùi Văn Quây (con Nhạc Giúp), Út Dăm, Việc Lớn, Việc Nhỏ, Năm Mạo, Hai Tề, Tư Đáng, Hai Khánh, Năm Bao, Bầu Tây, Năm Trực..v.v đa số đều là học trò của Nhạc Giúp. Đó là đội ngũ nhạc công hậu duệ của dòng nhạc Cần Đước, Cần Giuộc ở Đức Hoà từ những năm trước cánh mạng Tháng Tám đến nay.

3.Nhìn chung, với một thời gian ngắn, nhạc cổ ở Long An đã phát triển mạnh và đóng góp quan trọng cho hoạt động đờn ca ở Sài Gòn Gia Định từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Nghệ nhân Phan Văn Nhứt, người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian hôm nay là một điển hình. Đây là việc làm có nhiều ý nghĩa, quan trọng hơn hết là việc thừa nhận và tôn vinh công lao to lớn của một lão nghệ nhân đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dòng nhạc Cần Đước, Cần Giuộc, của nhạc cổ Long An, của vùng đất Gia Định-Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh chúng ta. Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ Hội Thảo khoa học và lễ húy kỵ Đức nghệ nhân tiên phong của nhạc lễ và nhạc tài tử Nguyễn Quang Đại được tổ chức vào năm 1996 ở Cần Đước, nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều dữ liệu liên quan tiến trình truyền dạy và thừa kế dòng nhạc của Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại. Ở đó, chúng ta có được một danh sách các bậc nghệ nhân thời danh rất đáng tôn kính. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần truy tôn các bậc nghệ nhân xuất sắc đã qua đời, cũng như tiếp tục công nhận các nghệ nhân xứng đáng khác còn sống. Mặt khác, theo chúng tôi, cũng rất quan trọng là chúng ta cần lập bài vị khắc danh tính các bậc nghệ nhân xuất sắc thuộc các thế hệ học trò của Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại để đặt thờ ở đình Vạn Phước (Mỹ Lệ, Cần Đước), nơi hiện thờ Đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại.

Công việc này là việc làm có ý nghĩa lớn lao, mà về sau, ý nghĩa và tác dụng ắt là rất quan trọng. Điều rõ ràng hơn hết là ở mảnh đất phương Nam này, chúng ta sẽ có một ngôi miếu thờ trang nghiêm các Tổ của ngành nhạc…

Bài tiếp theoTác phẩm: Thầy xưa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây