Con cá leo cây

0
693

THANH NGUYỆT

Ngày về nhà chồng, với tôi, cái gì cũng lạ, lạ cả từ gốc cây, ngọn cỏ. Nội, ngoại tôi đều ở vùng nước ngọt quanh năm, có đâu như cái xứ tôi đi lấy chồng, mùa khô nước mặn xám da, phèn lưng đỏ rạ. Hồi nào giờ, có chăng thì chỉ nhìn thấy ghe chài, ghe lưới, hoặc ghe buôn bán nhỏ trên con rạch Cầu Tràm, lâu lâu có chiếc tàu bự bự đi ngang cũng chực chờ mắc cạn. Từ khi lấy chồng, tôi được nhìn sông nước mênh mông, mù mịt bến bờ, thấy được những con tàu tải trọng hàng ngàn tấn chạy nổi sóng, còi rúc từng hồi chỗ Ngã Ba Kinh. Càng xuôi về Vàm Láng, Cần Giờ tôi như càng bị lạc vào một thế giới mới mẻ “cây mắm đi trước, cây đước theo sau, rừng tràm bám sát”. Nhiều loài trước đây tôi chỉ được đọc trên sách vở thì giờ được “sờ tận tay, day tận mặt”: tôm tích bự bằng cườm tay đưa lưỡi gươm bén ngót, ông nược đầu hói họi chạy bám theo mạn tàu đùa giỡn, thoảng một vài con đuối ó bụng trắng hếu lượn nhẹ đôi cánh điểm sao lấp lánh dưới mặt sông rồi mất hẳn… Nhưng đó là chuyện của 30 năm trước, giờ thì các loài cá này bị khai thác cạn kiệt, chúng dường như đã lùi xa về phía thăm thẳm đại dương!


Cá thòi lòi (cá leo cây)- Ảnh Internet

Trong cái thế giới nửa chìm nửa nổi kia, tôi thật sự bị thu hút bởi một loài cá lưỡng cư, bình dị mà có những kỹ năng đặc biệt. Con trưởng thành to độ hơn gang tay, sinh sống trong hang hốc vét ở bãi lầy. Để có một nơi trú ngụ, chúng chăm chỉ hụp đầu xuống ngoạm đất vào tận cuống họng rồi phun ra thành từng ống sình nhão nhoẹt độ bằng lóng tay cho đến khi đủ độ sâu mong muốn, thông nhau qua nhiều ngóc ngách có khi dài đến 2-3m. Hang không chỉ là nơi trú ẩn khi thủy triều lên, đường hầm có hình chữ U này còn là nơi cất giữ trứng thật an toàn.

Cá thòi lòi có thể phóng lên cao – Ảnh Internet

Đó là một loài cá có hình dáng thuộc hàng “xấu nhất nhì”, da dẻ xù xì, hai mắt trồi lên như mắt ếch, miệng đầy răng lổn nhổn, lợi hại nhất là hai cái vây mang được sử dụng như hai mái chèo khi dưới nước và như hai cánh tay khi leo lên bờ. Nhìn những đôi mắt giương to nhô lên mặt nước, chuyển hướng một cách đồng bộ qua qua, lại lại liên tục, hoặc chạy ngờ ngờ tán loạn, hoặc lăn tròn tròn trên mặt bùn, hai cái vây trước bươn đi sai sải, miệng ngoác to, gai lưng tua tủa, tôi không khỏi ghi vào lòng ấn tượng đầu tiên – bất ngờ và thú vị. Chúng cũng có khả năng hóa trang rất điêu luyện, thoắt thấy nó màu xanh đen trên bãi sình, đã biến thành màu xám nâu của rễ mắm, biệt tài này đã giúp chúng có thể lẩn trốn kẻ thù một cách khá hiệu quả.

Khi thủy triều xuống thì cá chui ra, nhất là những ngày nắng ráo. Do chỉ có vài giờ nước rút, bắt buộc chúng phải kiếm ăn thật nhanh, món khoái khẩu là cá nhỏ, sinh vật phù du và cả côn trùng. Mặc dù thức ăn không hề thiếu, nhưng những con đực lại rất thích đánh nhau, đôi khi chỉ vì lý do muốn tự thể hiện mình. Chúng gồng người lên phồng mang to tướng, trợn mắt, giương vây trước khi lao vào cấu xé, đánh nhau hết trên bờ, lăn quay xuống nước rồi lại nhảy lên bờ, không khác gì các võ sĩ võ đài tỷ thí. Khi muốn tìm bạn gái, chúng dùng hết khả năng của mình để làm óng ánh thêm những đốm màu lúc xanh, lúc đỏ trên lưng, đôi khi còn thể hiện những màn nhảy lưng tưng trên mặt nước, hoặc phóng từ chỏm đất này đến chỏm đất kia để thu hút con cái.Thòi lòi là đặc sản của vùng sông nước – Ảnh Thanh Minh

Khi thủy triều lên, mọi hoạt động lập tức dừng lại, dẫu cuộc so tài có đang hồi cao điểm, chúng vội vã chui vào hang tránh sóng. Những con về không kịp, phải tất tả tìm chỗ cao hơn, thoăn thoắt leo lên những chang bần, chang đước. Sự hỗn loạn bây giờ lại tập trung ở đây, chúng tranh giành nhau từng xăng ti chỗ đứng, té xuống rồi lại chen chúc ngoi lên. Thì ra khả năng leo cây của chúng xuất phát từ cuộc sinh tồn mà tạo hóa đã đặt để cho chúng.

Nếu như cái thời tôi mới lấy chồng, con cá mắt mũi thòi lòi này ít được ai ngó ngàng đến, có lẽ người ta không thích mấy cái thân hình xấu xí của chúng, thì ngày nay, qua nhiều cách chế biến khác nhau, chúng đã trở thành đặc sản. Dưới lớp da xù xì ấy là những thớ thịt thơm lừng, mềm, lại không có mỡ, kho hoặc nấu đều đượm vị, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là đem nướng muối ớt, một lần thử qua sẽ còn muốn thêm lần nữa.

Cảm tình đối với loài cá này không chỉ riêng tôi hay những con người vùng hạ lưu sông nước. Tôi nhớ những câu thơ đẫm chất ngôn tình của bạn tôi đã nhắc đến tên loài cá tưởng chừng chỉ lặn ngụp bùn non.

Đứng trước sông

Mới thấy sông dịu dàng như người con gái

Từng hạt yêu thương lắng bồi xanh cồn mượt bãi

Mơ làm cây đước cội bần ngày ngày cắm rễ tình em

Mà đợi phù sa trở giấc đêm đêm

Thương con cá leo cây ăn bờ ngủ bụi

Ai khua mái cho tiếng lòng chìm nổi

Chia tay con nước lại ròng…

(Đoang Hồ)

Thanh Nguyệt – 18/10/2022

Bài trướcKinh nghiệm trồng cây dầu ở vùng phèn mặn!
Bài tiếp theoNhớ Thầy xưa – Phượng Ngân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây