“Công tử” Cần Đước !

1
565

THANH MINH

Nếu ở Phan Thiết, Phú Quốc việc nhà nhà làm nước mắm là chuyện bình thường. Thế nhưng ở Cần Đước làm nước mắm nhất là để kinh doanh dù quy mô lớn hay nhỏ cũng được coi là ông chủ, nhà giàu có. Ở Cần Đước Ông chủ hãng gọi là Ông hãng, con ông chú gọi là Con ông hãng, được xếp vào hạng “công tử” như công tử xứ Bạc Liêu vậy.


Cần Đước có bốn hãng nước mắm gồm Tam Hiệp Hương, Tiếng Hương, Công Thành và Việt Tân. Việt Tân  là thương hiệu của gia đình tôi chính thức đăng ký từ năm 1957.

Với quy mô khá khiêm tốn, không quá 10 thùng chượp ướp cá, lao động trong hãng chủ yếu là anh em trong họ hàng. Anh em chúng tôi cùng tham gia các khâu sản xuất từ rửa tĩn, lăn vôi, vô nước mắm, trét xi măng, dán nhản đến thắt quay tĩn như người lao động thật sự. Riêng khâu vận chuyển nước mắm đến các tiệm ở Cần Đước tôi được giao nhiệm vụ kết hợp với đi học.

Năm tôi 15 tuổi đang học lớp đệ tứ (lớp 9 ngày nay), tôi được Ba tôi giao chiếc xuồng tam bản gắn máy đuôi tôm hiệu Koler vừa đi học vừa giao hàng. Hàng ngày tôi phải đi sớm để giao nước mắm ở các tiệm hoá ở chợ  Cần Đước. Tuỳ theo tiệm tôi cập bến chợ cá, có khi Xóm Trầu, có khi gần nhà vệ sinh công cộng phía sau tiệm tạp hoá Đồng Hoà! Việc giao hàng gắn liền với thu tiền, thu hồi tĩn, thùng chứa và chạy xuồng về Xóm Rỗi gửi nhà người quen trước khi đến trường.

 “công tử” hãng nước mắm Việt Tân

Do vận chuyển nặng nề nhất là những ngày nắng gắt, mồ hôi trộn lẩn mùi nước mắm được mang theo vào trong lớp học. Tôi nhớ, có lần cô bạn trong lớp phản ứng mạnh về cái mùi năng nặng mà tôi phải chịu đựng ngày này qua ngày khác!

Vào thời điểm đó, xuồng gắn máy còn hiếm hoi nên khi chạy qua làm mọi người chú ý, nhất là chiếc xuồng chỉ có một mình cậu thanh niên mặc áo trắng là biết công tử con ông hãng đi học! Nhưng đâu ai ngờ cậu công tử ấy phải khuân vác nước mắm như một shipper trước khi đến trường!

Thật ra tôi nhớ lại câu chuyện “Công tử” Cần Đước khi anh Nguyễn Văn Đông nhắc chuyện ngày xưa về “tứ đại nước mắm” ở Cần Đước được xếp vào hàng đại gia lúc bấy giờ.

Tôi còn nhớ mang danh là đại gia nhưng Ba tôi không chỉ biết làm giàu cho riêng mình mà còn quan tâm đến bà con trong xóm. Nhờ quan hệ với chính quyền như các ông hãng khác để dễ dàng kinh doanh, quan hệ với giới làm ăn, qua đó Ba tôi bảo lãnh cho thanh niên trong xóm khỏi đi lính, giới thiệu việc làm cho họ. Đó là chưa kể Ba tôi hiến cơ sở sản xuất nước mắm cũ để làm trường sơ học cho trẻ con trong xóm, khi di dời và mở rộng quy mô sản xuất nơi khác.

Có lúc tôi trách Ba tôi tại sao con ông chủ hãng phải đi giao hàng nặng nhọc, nhất là khi đối diện cô chủ nhỏ là bạn gái học cùng lớp. Hai tay xách nước mắm với mồ hôi nhuễ nhại của thiếu niên tuổi 15!

Bây giờ tôi mới hiểu, những công việc vất vã ấy, những lời thị phi “hồi đó” đã tập cho tôi đối diện với cuộc sống, đối diện với chính mình để có ngày hôm nay.

Thanh Minh

Bài trướcNgười Cần Đước Hiếu học: Trường Rạch Kiến – Lò đào tạo nguồn nhân lực
Bài tiếp theoHai Lúa đi khám bệnh!

1 BÌNH LUẬN

Trả lời Lê Thị Nhĩnh Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây