ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Tôn giáo thường gắn liền với dân cư. Trong tiến trình dân cư từ miền ngũ Quảng từ thế kỷ 17, 18 đi về phương Nam thì cũng mang theo Phật giáo và Phật giáo cũng đã được ghi nhận có mặt từ rất sớm ở Cần Đước với sự xuất hiện của tiền thân chùa Thiên Mụ ở thôn Tân Trạch từ đầu thế kỷ 18 (1726) và hơn 60 năm sau (năm 1790) chùa được mang tên Thiên Mụ gắn với câu chuyện chúa Nguyễn Ánh ban tặng để đền ơn cưu mang thời bôn tẩu năm 1783.
Tượng Phật Chùa Thiên Mụ cao nhất tỉnh Long An
Trở lại lịch sử khai phá vùng Cần Đước tính từ mốc năm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định thì Cần Đước thuộc huyện Phước Long, phủ Gia Định. Lúc nầy toàn phủ có khoảng 4 vạn hộ với 200 ngàn di dân tự phát, như vậy ở Cần Đước chắc chắn đã có dân cư dù có thể còn thưa thớt.
Từ sau 1698 đến giữa thế kỷ 18, với những chính sách khuyến khích di dân cụ thể của các chúa Nguyễn thì qua tư liệu cho thấy vùng Cần Đước được khai phá mạnh hơn, dân cư tăng nhanh và hình thành nhiều xóm làng. Theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì khoảng giữa thế kỷ 18 người ta đã thấy ở cửa sông Soài Rạp ghe thuyền mua bán rất tấp nập, chủ yếu là ghe thuyền từ Thuận Hóa vào mua gạo và có tư liệu cho rằng hàng năm có khoảng 1000 thuyền chuyên buôn gạo cung cấp cho Thuận Hóa. Cần Đước về mặt địa lý thì nằm ngay cửa sông Soài Rạp nên chắc chắn dân cư và kinh tế cũng đã khá phát triển trong bối cảnh chung nầy.
Hiện vật do Chúa Nguyễn bạn cho chùa Thiên Mụ
Nhưng ngoài chùa Thiên Mụ xuất hiện khá sớm ở thôn Tân Trạch (1726) thì suốt thế kỷ 18 không ghi nhận thêm một ngôi chùa nào nữa ở Cần Đước. Tuy nhiên có thể lý giải là tuy chưa có nhiều nhưng chùa Thiên Mụ không phải là ngôi thảo am duy nhất có ở Cần Đước trong giai đoạn nầy, mà có lẽ vì chùa Thiên Mụ có gắn với chuyến tạm trú của chúa Nguyễn Ánh năm 1783 nên được biết đến nhiều hơn!
Mõ cổ do Chúa Nguyễn ban cho đang được lưu giữ tại Chùa Thiên Mụ
Mãi sang đến thế kỷ 19 mới thấy xuất hiện thêm chùa mới và trong suốt thế kỷ ghi nhận cũng chỉ có 10 ngôi chùa. Các ngôi chùa này rải đều từ vùng Hạ tới vùng Thượng và xuất hiện cách nhau từ 10 đến 20 năm mới có thêm một ngôi chùa.
Chùa gắn liền với dân cư nên qua đó cũng cho thấy vào thế kỷ 19 nầy dân cư đã quần tụ nhiều khắp trên địa bàn Cần Đước. Từ Tân Ân, Phước Tuy, Tân Lân, Phước Đông ở vùng Hạ cho đến Long Định, Long Trạch, Tân Trạch, Long Hòa ở vùng thượng.
Trống sấm do Chúa Nguyễn bạn cho Chùa Thiên Mụ
Tính từ đầu thế kỷ 19 đến thời điểm thực dân Pháp bắt đầu đặt chân đến Nam Kỳ 1860 thì ở Cần Đước mới có 07 ngôi chùa. Ba mươi năm đầu được ghi nhận sự xuất hiện 03 ngôi chùa là chùa Phước Hưng năm 1805, làng Phước Tuy; chùa Long Phước năm 1823, làng Long Định và chùa Phước Lâm năm 1826, làng Tân Ân. Đây là những địa bàn nằm cạnh sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Đước, là những vùng dân cư đầu tiên được hình thành sớm ven sông do đặc điểm di chuyển lúc ban đầu từ miền Thuận Quảng vào chủ yếu đi bằng đường biển rồi rẻ vào các con sông. Chùa Phước Lâm được xây dựng sớm từ năm 1826 tại khu vực chợ Cần Đước (nay là khu phố 5 thị trấn Cần Đước), vùng kinh tế phát triển sớm của vùng Hạ Cần Đước.
Đến thập niên 40 thế kỷ 19 ghi nhận sự xuất hiện thêm hai ngôi chùa là chùa Hội Phước năm 1840 ở làng Long Trạch và chùa Long Nghĩa năm 1847 ở làng Long Hòa. Qua đó chúng ta thấy từ ngoài ven sông thì dân cư đã tiến sâu vào nội địa như vùng Long Hòa, Long Trạch và cùng với đó thì cũng lập chùa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Chùa Long Nghĩa được xây dựng ngay chợ Rạch Kiến nơi đã có đông dân cư và kinh tế phát triển đã thành chợ. Sau khi có chùa Long Nghĩa ở Long Hòa năm 1847 thì 13 năm sau, năm 1860 xuất hiện chùa Khánh An ở xã Long Sơn. Đến thời điểm nầy trên địa bàn Cần Đước về mặt tôn giáo đã có đạo Phật với 07 chùa.
Sau sự xuất hiện của chùa Khánh An xã Long Sơn năm 1860 thì 20 năm sau đó không thấy có thêm ngôi chùa nào do xã hội mất ổn định từ cuộc xâm lược của thực dân Pháp trên địa bàn huyện.
(Còn tiếp)
ThS Nguyễn Văn Đông
Ảnh Thanh Minh