Trở về xóm cũ!

0
469

HẠNH NGUYỄN

Mỗi lần về quê vô xóm cũ là mình thích đi bộ – Mình cảm nhận đâu đó trên con đường này đều có dấu chân đất của mình- hít thở đâu đây cái mùi hơi thở nuôi mình lớn – mình cứ nhắm mắt nhớ mùi rạ – mùi tro – mùi mạ non – mùi đòng đòng và tìm cả những dấu chân trần vừa đi vừa bấu ngón trên cái đường sìn những ngày mưa mù mịt ! Mình nhớ cái góc này hay vét hầm nhiều cá – góc kia mình chuyên đi đặt vó kiếm tép bò – mấy con tép to – cái bụng trứng xanh um. Mấy con tép cứ nhảy lưng tưng trong cái thúng có đậy bằng nhánh lá tràm lá ổi  nhìn đã con mắt lắm!


Bạn Hạnh Nguyễn Người Long An luôn nhớ về quê hương!

Dọc theo đám ruộng bà Sáu mình nhớ như in mỗi lần tới mua lúa chín xong cả xóm tối tối tháng giêng ra đồng cắt rạ đốt lấy tro bán!

Chừng 3-4 h chiều – ăn cơm chiều xong – mấy chị em mình lấy liềm ra đồng cắt từng gốc rạ gom thành đống. Gom được đống rạ to to -3-4 ngày là đốt rồi về nhà ngủ 1 giấc – khuya tro nguội – dậy sớm – lấy cái thúng nửa giạ -xúc vô bao đi bán! Một giạ 2 thúng! Mà thấy cái đống to đùng chứ đốt ra có 1 -2 giạ tro – vô tới vựa – người ta leo lên đạp cho xẹp bớt – nhìn nó xẹp mà cái bao tử mình cũng như cái mặt đang hăm hở cũng méo mó xẹp theo vì nó xẹp thì công ngồi mấy đêm bán ra có khi mua ko được 1/2 ký cá nục!


Rồi đi vô cái đường bờ tre nhà anh Hai – nhớ mấy lúc mưa đầu mùa -cầm cái thùng thiếc chạy đi bắt cua với cá lên bờ – mà bữa nào trời mưa càng to – sấm sét gầm gừ càng dữ – cứ lao ra là nhiều cua cá lắm – có khi chân đạp gai tre – miễn chai chảy máu mà tụi mình chỉ cho nước nó rửa một chút rồi lạnh tím chân máu tự cầm luôn hà!

Về nhà tay chân còn móp vì dầm mưa – người còn run vì lạnh – má đã xong nồi cháo cua đồng với đậu bắp (cháo bồi)-vừa thổi vừa húp ta nói nó đã làm sao…!

Vậy đó!

Giờ làm kinh doanh đi nhiều nơi và làm công việc khác nhau nhưng mình vẫn cám ơn cái gốc rạ – tro rơm – cái thùng thiếc đầy cua đồng – cái vó tép bầu – cái lộp vẫn là những ký ức quý báu mà không phải ai cũng có được trong đời.

Hạnh Nguyễn

Bài trướcNghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy-một lòng vì nghệ thuật cải lương
Bài tiếp theoĐặc điểm phát triển tôn giáo ở Cần Đước thế kỷ 18, 19 (phần 1)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây