Cần Đước – Những bước ngoặt sau năm 1975…

0
248

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG


Những công trình thuỷ lợi lớn ngăn mặn giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt nông thôn

Sau tháng 4 năm 1975 cùng với những nổ lực khắc phục hậu quả chiến tranh rất nặng nề, chính quyền và nhân dân cũng ra sức khôi phục sản xuất nhằm nhanh chóng ổn định cuộc sống trong đó những thành quả đầu tiên là tiến hành những công trình thủy lợi lớn, đầu tiên là công trình đắp đập Cầu Chùa.


Cầu chùa là cây cầu sắt do người Pháp bắt ngang sông Cần Đước trên liên tỉnh lộ 5 nay là quốc lộ 50, đối diện bên kia sông là chợ Cần Đước, xóm Đáy nằm cạnh sông và ngay dốc Cầu Chùa. Với mục đích ngăn mặn giữ ngọt đưa sản xuất lúa một vụ thành hai vụ và trữ được nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt nên chính quyền tiến hành đắp đập Cầu Chùa. Ban đầu tiến hành bằng phương pháp thủ công với hàng ngàn lao động có mặt trên công trường nhưng đập đã bị vỡ. Sau đó thay bằng việc sử dụng cơ giới thì việc ngăn dòng đã thành công.
Từ kinh nghiệm đắp đập Cầu Chùa nhiều con đập lớn khác trong huyện đã được ngăn dòng thành công như các con đập Bến Bà (thị trấn), Bến Trể (Tân Ân), Xóm Bồ (Phước Tuy), Bà Xiễn (Tân Trạch), Đôi Ma (Long Cang)…và từ các con đập ngăn sông này từ chủ yếu là ruộng rẫy thì Cần Đước đã có khoảng 7 ngàn hecta đã được biến thành đất đồng làm lúa hai vụ, và các đòng sông chứa đầy nước ngọt sử dụng rất tiện lợi ngay bên nhà đã thay thế các ao làng nhỏ bé trên đồng, và cảnh gánh nước cũng không còn.
Các con đập thủy lợi đã làm thay đổi rất nhiều thiên nhiên và đời sống nhân dân như đất rẩy biến thành đất đồng, đất đã cao ráo hơn nên không còn cảnh lầy lội, có nguồn nước ngọt dồi dào cho sinh hoạt, ghe xuồng đi lại thuận tiện…Riêng hai con đập Cầu Chùa và Bến Bà đã góp phần phá thế cheo leo nằm ngay ngã ba sông của thị trấn Cần Đước, các khu 5 (chợ Cần Đước) với khu 1a (xóm Bà Lựu), khu 2 (xóm Đáy), khu 3 khu 4 (xóm Rổi) vốn bị sông chia cắt đã được nối liền nhau và trở thành các con phố trung tâm sầm uất của thị trấn. Các dự án dân cư dựa trên nền tảng này để mở rộng và Cầu Chùa, Cầu Chợ đã trở thành dĩ vãng, các thế hệ sinh từ năm 1970 không còn biết nó ở chỗ nào trong thị trấn bây giờ.

Còn về chuyện nước thì từ cái ao làng đến chiếc ghe đổi nước, cảnh gánh nước ao, nước đổi thì đã trở thành dĩ vãng, Cần Đước đã thật sự có một bước ngoặt cực kỳ quan trọng khi tìm được các mạch nước ngầm vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Từ đó các trạm cấp nước nông thôn đã được nhân dân đầu tư xây dựng dẫn nước sinh hoạt đến tận các hộ gia đình. Dù do đặc điểm tự nhiên nên chất lượng nước chưa được tốt như các nơi khác nhưng đây được xem là một bước đổi đời trong đời sống của người Cần Đước trong lịch sử 300 năm khai phá. Hiện nay với những nguồn nước mới đã mang lại chất lượng nước ngày càng tốt hơn cho hầu hết những hộ dân trong toàn huyện. Ao làng đã được san lấp thành mặt bằng cho những mục đích sử dụng chung.

Điện khí hoá nông thôn
Từ 1975 trở về trước Cần Đước là huyện nông thôn, dù cách Sài Gòn chỉ có khoảng 30km nhưng hầu như không có điện, ban đêm dân chỉ đốt đèn dầu leo lét và ngủ sớm. Xa xưa thì đốt đèn bằng dầu cá, dầu phộng, đến đầu những năm 60 thì xài đèn dầu hôi (dầu lửa), dầu này được nhập khẩu bằng những chiếc thùng thiếc, các tiệm tạp hoá trong xóm mua về bán lẻ dân mua từng xị để xài.
Ở chợ Cần Đước trước 1975 có một nhà đèn nhỏ của ông Ba Tưởng xài máy Cumins 4 có công suất 60 kw phục vụ điện sáng cho vài chục nhà ở chợ. Còn trong dinh quận trưởng thì có máy đèn riêng, ở bót Cầu Chùa cũng có máy đèn gắn bóng thật sáng ban đêm rọi chân cầu phòng đặc công lặn vào đặt mìn giật sập cầu. Ở dưới miệt chợ kinh nước mặn vài hộ sản xuất có máy nổ cũng cho bà con kéo điện xài ké.
Sau 1975 ngoài đắp đập Cầu Chùa và những con đập thủy lợi lớn khác phục vụ sản xuất nông nghiệp thì chính quyền đã tiến hành chương trình điện khí hoá nông thôn bắt đầu từ năm 1985. Việc nầy không dễ dàng vì do huyện chủ động tiến hành đầu tư chứ không chờ kế hoạch của ngành điện. Đây là quyết tâm và nổ lực của huyện nhưng đầu tiên phải ghi nhận sự đóng góp trong vai trò chính của ông Võ Nguyên Tâm, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện thời bấy giờ. Chương trình điện khí hoá nầy được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, cùng bỏ vốn tham gia kéo điện về xóm. Nguồn điện trung thế được nối với lưới điện quốc gia từ Gò Đen xuyên qua hầu hết các xã vùng Thượng để về thị trấn Cần Đước và chương trình điện khí hoá Cần Đước ở quy mô cấp xã được hoàn thành sau 10 năm với công trình điện trung thế đã vượt qua dòng kinh nước mặn về cù lao Long Hựu năm 1995. Điện về đã làm thay đổi cơ bản toàn diện và thay đổi hoàn toàn bộ mặt của huyện từ phố thị cho đến nông thôn, từ sản xuất cho đến sinh hoạt đời sống. Có điện có nước những phương tiện sinh hoạt hiện đại phục vụ đời sống không còn xa lạ với các hộ gia đình nông thôn Cần Đước.

Hành trình công nghiệp hoá
Từ một huyện thuần nông nghèo nàn lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề Cần Đước đã nhanh chóng vực dậy khôi phục sản xuất, cải thiện đời sống và nhanh chóng bắt tay vào sự nghiệp công nghiệp hoá nền kinh tế và đã thực sự trở thành huyện công nghiệp với hàng loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành và đi vào hoạt động với cả trăm ngàn công nhân. Hình ảnh từng đoàn xe buýt đưa rước công nhân sáng chiều về tận các xã xa đã trở nên quá quen thuộc. Đông đảo thanh niên nông thôn đã trở thành công nhân, có công ăn việc làm, có thu nhập và có điều kiện ổn định cuộc sống, từ đó sức mua đã gia tăng kéo theo sự phát triển thương mại dịch vụ nhanh chóng khởi sắc.


Dù còn rất nhiều khó khăn trên con đường phát triển của đất nước cũng như ảnh hưởng của biến động thế giới nhưng Cần Đước đã thực sự bước vào thế giới hiện đại hội nhập với xu thế chung để xây dựng lại huyện nhà đàng hoàng hơn to đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ. Hoàn toàn vững tin và hiện thực!

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcChuyện Xóm Đáy Cần Đước: ngày xưa làm ruộng
Bài tiếp theoCần Đước – Một thời gian khó (1)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây