Cần Đước – Một thời gian khó (1)

0
449

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Bây giờ Cần Đước là huyện công nghiệp, huyện nông thôn mới, huyện văn hoá nên chuyện giao thông, chuyện điện, chuyện nước sinh hoạt đã trở nên rất bình thường như đô thị, nhưng trở lại vài mươi năm trước đây đó chỉ là chuyện mơ ước xa vời…

Ngay đến thời những năm 80 thế kỷ 20!
Như Xóm Đáy ở sát chợ Cần Đước, vùng nước lợ nên nhu cầu nước sinh hoạt rất khó khăn. Nhà nào cũng có sắm một số mái (lu) để chứa nước mưa dùng để nấu ăn và uống trong cả năm. Những nhà khá giả thì sắm nhiều mái vú, loại mái nầy to chứa được nhiều nước, lớn nhất thì có mái sáu vú đựng được đến 06 đôi nước. Còn nước tắm giặt thì xài nước sông trong mùa mưa vì lúc đó nước sông đã ngọt. Nước sông được chứa trong mái, dùng phèn để lóng cho trong để xài.

Đến mùa khô nước sông đã trở mặn thì phải đi gánh nước ao về xài. Việc biết đào ao để trữ nước mưa phục vụ cho sinh hoạt dân cư ở vùng đất khắc nghiệt phèn chua nước mặn nầy là một sáng kiến cực kỳ quan trọng và thông minh của những người tiên phong đi khai hoang mở đất. Không có nước ngọt thì không thể tồn tại được và họ đã nghĩ ra chuyện đào ao. Ao thường hình tròn và được đào ở trên vùng đất đồng, tức là vùng đất rẫy đã được đắp bờ bao ngăn không cho nước mặn xâm nhập và giữ được nước ngọt. Có những bờ bao lớn được gọi là Bờ mồi. Ở vùng Hạ đến giờ vẫn còn có mấy cái tên như Bờ mồi Xóm Bến và Bờ mồi Xóm Trễ.

Ngoài xài nước ở ao, thỉnh thoảng có ghe đổi nước vào xóm. Nghe tiếng tù và thổi là biết có ghe đổi nước vào. Có ghe nước phông-tênh dùng để uống và ghe nước dai dùng để tắm giặt. Nước phông-tênh thì được lấy từ nước máy ở Sài Gòn, còn nước dai được lấy từ nước sông ở Mỹ Tho. Cái cảnh gánh nước mỗi khi ghe vào xóm cũng rất nhộn nhịp và vui !.
Có người nói dân mình dùng từ “đổi nước” để tránh từ “bán nước” nghe không hay. Nhưng thật ra ngày xưa người ta đổi nước thật. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí ông Trịnh Hoài Đức có ghi chuyện đổi nước lấy lúa gạo vào mùa khô của dân cư vùng nầy. Theo tôi, vì thời ấy đa số là nông dân nghèo, không có sẵn tiền mặt nên người ta phải lấy lúa gạo sẵn có để đổi nước. Và vì đã quen gọi nên từ “đổi nước” được dùng luôn dù sau nầy đã được trả bằng tiền mặt.

Còn một loại ghe nữa cũng hay vào xóm để buôn bán là ghe củi. Thời đó người ta hay mua củi vựa để dành chụm khi làm đám giỗ hay chụm nấu bánh. Còn thường ngày thì tận dụng rơm rạ, lá dừa nước, tàu dừa…để đun nấu. Các ghe củi xuống tận rừng Sác để đốn củi, thường là củi bần, củi mấm. Củi mấm thì thẳng nên dễ chẻ và giá mắc hơn. Củi được sắp thành thước ngang và bán theo đơn vị thước. Ở cái xóm nầy nhà nào có được hàng mái vú đựng nước mưa và vựa được vài thước củi thì được coi là khá giả lắm!. Các ghe củi mỗi lần về ngoài chở củi, còn chở thêm các loại cây mầm, cây đước, cây trỉ…bán cho người ta làm nhà và những khúc mắm cong để làm nài đóng đáy.

Và có một loại ghe nữa thỉnh thoảng hay vào xóm là ghe muối, có muối bọt và muối hột, bán bằng lít hoặc bằng giạ và các gia đình cũng đổi muối để dành ăn cả năm. Không biết từ đâu mà khi lỡ hỏi thăm môt người đã chết rồi, người ta nói là họ “đi bán muối” rồi.

Về mặt tự nhiên thì vùng Hạ toàn là đất rẩy và bị ảnh hưởng nặng hoạt động của thủy triều, hết mặn rồi tới ngọt và chỉ có thể làm một vụ lúa. Đất đồng là những vùng đất rẩy ở trên cao và những người điền chủ có tiền cho đắp những bờ bao ngăn không cho nước mặn tràn vào dần dần đất được cải tạo có thể cấy được hai vụ lúa và còn được những người làm ruộng rẫy thuê đất để gieo mạ mang về rẫy cấy. Do đó người làm ruộng rẫy ngoài đóng lúa ruộng còn có thêm khoản đóng lúa mạ. Nhưng do khả năng ngày xưa có hạn nên diện tích được ngăn thành đồng cũng không lớn. Đất đồng là biểu hiện của sự khá giả, giàu có. Nhà ngói thường đi đôi với đất đồng cao ráo, đó là nơi của những người phú nông. Còn đất rẫy thấp, đường xá thường bị sạt lỡ, lầy lội và chòi lá là của những người nông dân nghèo khó. Đất đồng thì làm được hai vụ lúa, năng suất cao, lại còn thu lúa mạ. Còn đất rẫy thì bấp bênh một vụ lúa gặt được chừng 60, 70 giạ là cao, lại thường khi còn bị ngã đổ thất bát!.
Người nông dân nghèo ngồi dưới đất rẫy nhìn lên đồng với niềm ao ước đổi đời : -“ước gì được mẫu ruộng đồng!”.
Từ thực tế đất đồng, đất rẫy mà có câu ca dao:
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
   Về sông ăn cá về đồng ăn cua

Vì ở rẫy thì có con còng, còn ở trên đồng thì có con cua đồng. Từ ngày có các con đập lớn ngăn mặn cho hàng ngàn héc-ta thì rẫy biến thành đồng trên diện tích lớn và con còng cũng biến mất luôn. Con cua đồng thì lại sinh sản nhiều hơn. Con nhái rẫy cũng không còn. Vì vậy cũng không còn cái thú xách đèn đi soi nhái khi trời vừa mưa xuống. Nhái mà đem nấu canh chua lá me hay xào với lá chùm ruột, xào cà ry thì ăn rất ngon. Người ta hay kể chuyện đi soi nhái mà bị ma dẫn vào nhị tì (nghĩa địa), bắt được nhái nhiều vô kể, nhưng đem về nhà sáng ra chỉ thấy toàn là đất cục!.

Sau mùa gặt bọn trẻ sáng nào đi học cũng dậy sớm lên đồng rình bắt dế. Lúc nầy trên đồng đất đã khô nứt nẻ và có rất nhiều dế, nào là dế than, dế lửa… Đi chưa đến nơi đã nghe dế kêu vang trời làm cho mình quá nôn nao, hồi hộp. Bò bò gần đến thì nó im re, rồi lại nghe kêu chỗ khác và cứ thế cho đến khi trời sáng lúc nào không hay, vội ôm cặp chạy đi học muốn không kịp. Nhiều đứa giỏi bắt được rất nhiều dế, mang ra trường không đủ bán cho mấy đứa học trò ở chợ chơi đá dế. Vô trong lớp thầy đang giảng bài mà mấy con dế đang sung độ cứ kêu ré ôm sồm.

Nhà cửa trong xóm Đáy thường cao ráo và thoáng mát. Thường là nhà ba căn cất xấp đội, cửa ván và lợp lá dừa nước. Sau này mới thay bằng tôn fibrô. Nhà lá nếu được lợp bằng lá tốt, lợp khéo và sau ba năm xóc nóc lại một lần thì có thể ở từ năm đến bảy năm. Nhà lá ở rất mát, mỗi lần lợp nhà thì cả xóm xúm lại làm vần công. Các nhà ở gần nhau và cất thành một dãy dài, trước nhà thường có một cái sân rộng và đặc biệt là không thấy trồng cây ăn trái ngoài vài cây dừa và me. Bên hông nhà người ta thường ví một cái bồ để trồng một ít rau thơm, bạc hà để xài cho bữa ăn trong gia đình. Đây cũng là một sáng tạo để thích nghi với hoàn cảnh sống của người dân vùng thiếu nước ngọt khó trồng rau. Cái bồ trong nhà thì để đựng lúa còn cái bồ này được ví bằng lá dừa nước chừng 2m vuông sát bên cửa nhà sau. Người ta đổ lá mục, tro trấu để làm phân trồng ít rau và tận dụng nước thải trong sinh hoạt hằng ngày để tưới. Có khi còn trồng hành, ớt trong những cái chậu nhỏ để trên dàn cao và được tưới tẩm cẩn thận để có mà xài !.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcCần Đước – Những bước ngoặt sau năm 1975…
Bài tiếp theoGiáo sư Nguyễn Chấn Hùng – Bác sĩ đa tài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây