Chuyện Xóm Đáy Cần Đước: ngày xưa làm ruộng

0
418

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Dân Xóm Đáy vừa làm ruộng vừa đóng đáy nên cuộc sống cũng tương đối ổn định. Ruộng thì trước đây làm tá điền cho bà Sáu Chắc, do ông Hai Chình bao tá. Bà Sáu Chắc có cả ngàn mẩu ruộng ở khắp nơi. Sau 1945 thì được cách mạng cấp luôn. Người Xóm Đáy làm toàn là ruộng rẫy, mỗi năm làm có một vụ. Mỗi ngày hai lần con nước lớn ròng mang phù sa bồi đắp nhưng mùa khô thì nước sông mặn chát cả sáu tháng trời. Khi mưa xuống nước sông trở ngọt thì mướn đất trên đồng gieo mạ, được hơn một tháng thì nhổ về cấy và gần Tết thì gặt.


Ảnh minh họa

Đất rẫy mà lại cấy những giống lúa xưa thường cao giàn nên hay bị ngã đổ, năng suất không cao chừng 70 giạ/ha. Ngày xưa cũng có giống lúa sớm ngắn ngày gọi là lúa Sa mo. Chắc đó là giống lúa sớm Sa Mo của người Kmer. Sau thì không còn thấy giống Sa Mo nữa mà có giống Nàng Quớt, Móng Chim. Gạo lúa mới hồi xưa nấu chín thường nhão nhẹt, lại ăn với tôm rang cộng thêm món canh khoai nên ăn rất ngán.
Thời đó chưa có cái bồ đập lúa mà thường gặt lúa bó thành từng bó, dùng đòn xóc gánh về nhà chất thành bả cho trâu đạp. Cây đòn xóc thường được làm bằng thân cau già nên rất cứng và chắc. Thường ba bó lúa thì được một giạ lúa, cho nên có câu: -chắc như “Ba bó một giạ”. Hay khi có người đâm thọc gây mâu thuẫn nhau thì thường bị mắng là thứ: -“Đòn xóc hai đầu”.
Vì sân nhà toàn là sân đất nên phải lấy cứt trâu để trét sân phơi lúa. Sáng sớm thì sai trẻ con xách thúng lên chuồng trâu nhà ông Hai ở xóm trên để xin cứt trâu. Đi trễ thì có người đi trước lấy hết. Cứt trâu lấy sớm còn nóng hổi. Đem về quậy với nước cho tan ra rồi dùng chổi quét cho đều khắp sân. Làm vậy mà sân cũng phơi được một mùa lúa.
Trẻ con chạy cà còng theo đánh trâu đi quanh bả lúa cũng là một thú vui. Đang đi mà thấy trâu tự dưng dừng lại và cong đuôi thì biết nó chuẩn bị ỉa. Trẻ con thường được giao nhiệm vụ canh chừng phần nầy, khi thấy vậy thì vội chạy đi xách thúng hứng cứt trâu. Đánh một hồi thì cho trâu nghỉ để người ta dùng mỏ sải trở rơm. Trở được khoảng ba bận như vậy thì lúa đã rụng hết, xem như xong một bả và trời thì cũng đã quá khuya rồi!.
Sau nầy không biết ai đã nghĩ ra được cái bồ đập lúa quá đơn giản nhưng rất hiệu quả, xem như là một sáng kiến lớn trong hệ thống công cụ sản xuất nông nghiệp. Bộ phận chính của cái bồ là cái thang. Nhờ cái thang nầy mà lúa rụng xuống nhiều và gọn. Song thang được làm bằng gỗ, sau nầy cải tiến làm bằng sắt. Có nhà nghiên cứu cho rằng ý tưởng sáng tạo cái bồ đập lúa là lấy từ hình ảnh của cái cộ trâu kéo lúa, được cải tiến nhỏ lại và đóng thêm cái thùng chứa lúa. Cho nên cái bồ cũng có hai cái càng cong về phía trước để dễ kéo khi di chuyển như cái cộ. Sau năm 1975 xuống Chùa Dơi, Sóc Trăng và ra ngoài ngoại thành Hà Nội thì thấy người ta còn mang lúa đập vào những phiến đá hay miếng gỗ, lúa rụng văng tung tóe chứ không gọn như đập bồ. Và đập lúa kiểu nầy phải cần không gian rộng và hạt lúa bị va chạm quá mạnh có thể làm nát gạo.
So ra thì dùng bồ đập lúa thì quá gọn nhẹ và tiện lợi hơn nhiều. Nhờ cái bồ đập lúa mà con người và con trâu cũng bớt cực trong việc làm ruộng. Con trâu xong mùa cày ruộng thì được nghỉ ngơi chứ không còn bị bắt đạp lúa đến nửa đêm nữa.

Đến giữa những năm 60, với việc áp dụng các giống lúa mới IR thân ngắn hơn đã đi liền với việc thay đổi cả một hệ thống công cụ làm ruộng. Cái liềm cắt lúa nhỏ nhắn đã thay cái vòng hái gặt lúa cồng kềnh. Lúa cắt xong không phải dùng cộ mang vào bờ và lấy đòn xóc gánh về nhà, xây bã đạp trâu mà lúa gặt xong được để tại ruộng và dùng bồ để đập.
Như vậy cái cộ, cây đòn xóc, cái mỏ sãi cũng không còn sử dụng. Lúc nầy cây đòn xóc người ta không còn biết làm gì nên được dùng để gài cửa và cái mỏ sãi chỉ còn được dùng để phơi rơm mà thôi. Vậy là chỉ với cái liềm, cái bồ đập lúa đã thay thế cả một hệ thống công cụ là cái vòng hái, cái cộ, cây đòn xóc, cái mỏ sãi…và công việc đồng án thì gọn nhẹ hơn. Nếu những công cụ làm nông nầy không được đưa vào nhà bảo tàng hay nhà truyền thống thì các thế hệ sau nầy sẽ không biết và hình dung được các công cụ làm ruộng của tổ tiên. Và đám nhỏ cũng không hiểu được ý nghĩa của các câu : -“ba bó một giạ” hay  “đòn xóc hai đầu”!.
Bây giờ với đà phát triển nên trên đồng đất Cần Đước đã không còn hình bóng con trâu và ngay cả cái bồ đập lúa. Cái bồ chứa lúa trong nhà cũng không còn. Thay vào đó là những chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp hiện đại của Nhật Bản. Lúa được máy gặt xong cho vô bao bỏ tại ruộng, có thương lái vào mua chở về nhà máy sấy khô. Nếu không muốn bán ngay thì lúa sấy xong gửi lại kho của nhà máy và được miễn phí lưu kho, khi nào cần thì bán, cần bao nhiêu bán bấy nhiêu, giá cả tính theo thời điểm. Trẻ con bây giờ đâu có cái thú đi gánh cứt trâu về tri sân phơi lúa và cái thú đánh trâu đi vòng vòng trên bã lúa như ngày xưa. Không còn chơi trò đánh trỏng, nắn đất làm trâu, thả diều, đánh đáo, bắn bi, lội sông, hái bần, trèo cây bắt chim, bơi xuồng câu cá chốt…mà thay vào đó là những đồ chơi điện tử.
Hồi nhỏ khi tới mùa trẻ con cũng phụ đi làm ruộng. Thường là nhổ cỏ để chuẩn bị cấy. Đến trước ngày cấy thì phụ kéo mạ, dăm mạ và ngay bữa cấy thì phụ bỏ mạ cho công cấy cấy. Công việc nầy cũng phải học mới làm được. Phải canh bỏ nắm mạ làm sao cho khi người ta vừa hết tay mạ, thì đã có một nắm mạ khác ngay chân để lấy cấy ngay, không phải chờ mất thời gian. Thời đó mấy bà lớn tuổi đi cấy còn mặc áo dài đen, để cho gọn thì hai cái vạc áo buộc chéo vào nhau.


Và trong những buổi cấy thì cũng còn được nghe công cấy hò. Nghe nói hồi đó có cái kiểu mấy ông đàn ông hò giỏi chuyên tới mấy đám cấy để rủ hò. Mỗi buổi sáng sớm họ cũng mặc áo dài, có một đệ tử đi theo. Tới một đám cấy thì đứng trên bờ hò ướm vài câu. Dưới đám cấy sẽ có một tay hò nữ hò đáp lại. Hò qua hò lại vài câu nếu thấy được thì dưới đám cấy sẽ mời ông hò nầy xuống cùng cấy và cùng hò cả buổi. Người ta thì cấy một lối bốn cây, còn ông hò thì giữ lối bên ngoài và chỉ cấy tượng trưng một lối hai cây mà thôi và thầy trò cũng được chủ ruộng cho ăn bữa lỡ như công cấy.
Trong xóm có Bà Năm ngày xưa cũng là một người hò có tiếng và và nghe nói cảm mến lấy ông Năm cũng từ những buổi hò cấy nầy. Tiếc rằng có lần nhạc sỹ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang về Cần Đước sưu tầm hò lý dân gian có đến thăm thì bà đã già và không còn nhớ những câu hò ngày xưa!.
Tới mùa cấy, đối với những người công cấy tuy cực mà cũng vui. Sáng sớm, khi nghe tiếng trống chùa công phu thì thức dậy nấu cơm. Cơm nước xong thì trời mờ sáng, chị em xách nọc đi lại chỗ hẹn để trùm vạn dẫn đến ruộng cấy. Một mùa cấy như vậy cũng đủ mang công về cấy cho ruộng nhà mà không phải mất tiền. Cứ yên tâm mà đi cấy, ra ruộng thì có hát có hò cũng là niềm vui, quên đi những vất vả nắng mưa. Cái cán nọc cấy thường cũng được chạm trổ khá đẹp. Sáng thì ăn cơm nhà cho vững bụng. Khi vào ruộng cấy được vài lối thì được chủ ruộng cho ăn bữa lỡ. Khi thì xôi bắp, khi thì bánh mì thịt. Gặp chủ ruộng chơi xộp thì có khi còn cho ăn bì bún.
Trùm vạn có vai trò rất tốt trong việc điều công và họ cũng có ý thức tạo điều kiện cho những thiếu nữ mới học cấy. Vì có vài chủ ruộng khó tánh, thường là những ngưởi có ruộng nhiều, sợ tốn công và hư mạ nên họ chỉ mướn những người cấy giỏi chứ không cho mấy cô gái trẻ mới học cấy xuống ruộng của họ.
Làm ruộng có lúa gạo ăn, thêm đóng đáy có thu nhập và tôm cá cho bữa ăn hàng ngày. Vì vậy người Xóm Đáy có cuộc sống khá ổn định và nhất là ít có bị ăn cực, trẻ con được nuôi nấng khỏe mạnh, ít bị suy dinh dưỡng.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcTín ngưỡng dân gian ở Xóm Đáy Cần Đước (tiếp theo và hết)
Bài tiếp theoCần Đước – Những bước ngoặt sau năm 1975…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây