Dăm ba con chữ một thời trận mạc

0
307

PHƯƠNG HÀ

Nhân ngày Báo chí Cách mang Việt Nam, chúng tôi giới thiệu bài viết của Nhà báo Phương Hà, anh đã có thời gian dài “ăn dầm nằm dề” với Người Long An. Với giọng văn dí dỏm, phong cách “người miền Tây”, anh đã lại nhiều bài viết về đồng bằng sông Cửu Long có giá trị ở các báo trung ương và địa phương.
Anh đã nghỉ hưu hơn 15 năm nay nhưng vẫn còn gắn bó với nghề, với Báo Doanh Nhân Sài Gòn.

Người Cần Đước 

1.

Báo Giải Phóng có bốn người “tà ru”, là Tổng biên tập Hai Khuynh, họa sĩ Dũng Tiến, phụ trách tư liệu Xuân Huy, phóng viên Phương Hà. Hai Khuynh “tà ru” từ năm 1967, ba người còn lại “tà ru” mới toanh, gần cuối mùa khô 1973.
“Tà ru” – tù ra mà được về làm phóng viên báo Giải Phóng như tôi quả là “ngoài sức tưởng tượng”! Số là sau khi được trao trả tù binh ở sân bay Thiện Ngôn, Bắc Tây Ninh, tôi viết một loạt bài về nhà tù của Mỹ và chính quyền Sài Gòn và lên án không lực của họ đánh phá những vùng do Mặt trận kiểm soát sau Hiệp định Paris 1973, cho ba cơ quan truyền thông chủ yếu thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, cũng là viết cho thỏa ngòi bút sau mấy năm bị đối phương giam cầm, nên được Tổng biên tập Hai Khuynh kêu về làm phóng viên. Có lẽ đều là dân “tà ru”, lại viết khá, nên tôi được ông Hai “cưng”, cử xuống Vành đai Bình Đức vào cuối mùa mưa 1973.
Cấp trên đã liên lạc với đường dây giao liên vũ trang nên tôi được một cô gái tên Sáu đón ở bờ nam sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa phận Đức Huệ, tỉnh Long An. Dù đã quen với chiến trường Trị – Thiên – Huế vô cùng ác liệt, nhưng khi chuẩn bị băng Đồng Tháp Mười, tôi vẫn hồi hộp.
Đã hết một buổi chiều mà chiếc xuồng của chúng tôi chưa đi được bao xa do máy bay trinh sát L19 của đối phương không ngừng quần thảo. Sáu phải neo xuồng giữa rừng tràm, cách tỉnh lỵ Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) một tầm chèo mỏi tay. Chưa tối hẳn mà muỗi đã kêu át cả tiếng gió xôn xao đồng nước. Sáu nhóm bếp giữa lòng xuồng, vừa nấu cơm vừa hun muỗi, rồi bẻ hai nhánh tràm buộc dây câu, bảo tôi lấy trứng kiến vàng trên ngọn tràm làm mồi. Sáu nói trống không: “Cơm chín là dư cá ăn”.
Tôi đã nghe những đồng chí ở Đồng bằng sông Cửu Long công tác tại R (chiến khu C, Bắc Tây Ninh) nói ở Đồng Tháp Mười “cá lền nước như bánh canh”, nhưng khi hai tay một lúc giật hai cần câu cho Sáu gỡ cá lóc, cá rô, cá chốt, tôi mới tin họ không dóc tổ. Cơm vừa sôi, Sáu bảo tôi không câu nữa, đã thừa ăn, cứ rộng cá giữa đồng cho nó tươi!
Chiếc xuồng kẹp giữa hai cây tràm to bằng cột nhà rường mà vẫn bị sóng đánh nghiêng ngả, chúng tôi phải tựa lưng vào nhau mới ngồi vững. Sáu nói quê Sáu sát nách tỉnh lỵ Kiến Tường, khi chưa làm giao liên Giải phóng, mùa nước nổi như hiện giờ là Sáu thích nhất, ở đâu cũng bơi được xuồng, ngồi đâu cũng câu được cá; có nước nổi, phù sa về, phèn được xả bớt, năm sau lúa trúng mùa, cây tràm lớn nhanh hơn, cây điên điển mới cho bông vàng hực, cây hẹ nước mới thơm tho nồi lẩu cá linh, cá rô mề.
Tối đó chúng tôi không đi được. Có thể Sáu biết đâu đó trên một cung đường giao liên giữa Đồng Tháp Mười có địch phục kích. Thế là tôi được sống một đêm giữa rừng tràm chỉ có hai người. Trăng sáng vằng vặc bỗng dưng bị mây che, đồng hoang xao động những âm thanh đùng đục, tưng tức. Sáu giải thích đó là tiếng cá quẩy vì hoảng sợ bởi bóng mây bất ngờ làm tối mặt nước.
Càng khuya, mùi hương càng nồng nàn, không biết là hương tràm hay hương nồng ngắn ngủi một nụ hôn dài…

Vất vả, hiểm nguy, nhưng sau một tuần tôi đã tới được Ban chỉ huy Vành đai Bình Đức. Đầu năm 1966, quân Mỹ xây căn cứ thủy bộ lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long sát bờ bắc sông Tiền thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, đặt tên là Đồng Tâm. Căn cứ cấp sư đoàn này khống chế cả một vùng rộng lớn dọc sông Tiền, khống chế cả Đồng Tháp Mười. Vì thế Bộ Tư lệnh Quân khu 8 phải thành lập một lực lượng vũ trang gồm du kích 6 xã Bình Đức, Phước Thạnh, Long Hưng, Song Thuận, Vĩnh Kim, Kim Sơn, bổ sung thêm lính huyện đội, hình thành một vành đai bao vây căn cứ Đồng Tâm, mà khi tôi đến, quân dân ở đây đã trải qua 7 năm đánh địch và tránh địch. Tôi được các đội du kích cho theo phục kích đối phương, được bà con bảo bọc trong mấy tháng trời nên đã hoàn thành những bài báo sếp Hai Khuynh giao.
Chiếc xuồng giữa xôn xao mùa nước nổi và tinh thần xã thân cho giang sơn thu về một cõi của lực lượng vũ trang và nhân dân Châu Thành đã vĩnh viễn neo vào ký ức tôi một thời chiến tranh làm phóng viên báo Giải Phóng…

2.

Ngày 8/5/1975, một bạn đồng nghiệp từ Rạch Giá lên Sài Gòn, thì thầm: “Tàu chiến của Pol Pot đổ bộ lên đảo Phú Quốc. May mà có hải quân không thì đồng bào nguy to”. Nếu như ở thời điểm khác thì chúng tôi rất quan tâm đến cái tin ấy, nhưng lúc đó, báo Giải Phóng mới từ chiến khu Bắc Tây Ninh về, ra được ba số báo Sài Gòn Giải phóng, anh chị em phóng viên đang tràn ngập niềm vui, lại quá bận rộn với tờ nhật báo 8 trang khổ lớn lần đầu xuất bản giữa Sài Gòn, nên không mấy để ý đến tính chất nghiêm trọng của nguồn tin mà bạn cho biết.
Một tuần sau, bạn tôi lại có việc lên Sài Gòn, bằng giọng nói không giữ ý nữa, thông báo, ngày 10/5, Pol Pot đã cho quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, đốt sạch các làng đánh cá, giết nhiều người và bắt đi hơn 500 ngư dân. Chúng tôi bàng hoàng trước cái tin khủng khiếp đó nhưng vẫn nghĩ có lẽ một bộ phận nào đó của quân địa phương Campuchia làm bậy. Thế nhưng cái tin đó vẫn ám ảnh, nhất là vào đêm khuya khi máy in báo đã chạy đều, chúng tôi quây quần bên ấm trà, nhớ lại sau Hiệp định Paris 1973, Khmer đỏ đã bắt cóc rồi đòi tiền chuộc và bắn lén không ít cán bộ, nhân viên công tác ở các cơ quan Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, trong đó có mấy phóng viên băng qua vùng Mỏ Vẹt để xuống đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, chúng tôi linh cảm rồi đây, quân Pol Pot còn tiếp tục đánh phá và tàn sát đồng bào ta với quy mô ngày càng lớn và man rợ hơn. Chúng tôi hiểu việc chưa được đưa tin trên các phương tiện truyền thông quốc gia là biểu hiện sự kiên nhẫn của Đảng và Chính phủ ta muốn qua con đường đàm phán buộc Phnom Penh ngừng ngay hành động lấn chiếm đất đai, giết hại đồng bào Việt Nam, nhưng chúng vẫn ngày càng lấn tới.
Sự kiên nhẫn của ta đã quá giới hạn. Các cơ quan truyền thông lại được cử phóng viên ra biên giới, trong đó báo Đại đoàn kết có một nhóm xuống huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang – nơi mà 3.157 người dân ở xã Ba Chúc vừa bị quân Pol Pot tàn sát. Hơn một tuần, chúng tôi theo các đơn vị bộ đội Quân khu 9 đánh tan quân Pol Pot lấn chiếm biên giới.
Đêm cuối cùng trước khi trở lại tòa soạn, chúng tôi được một gia đình dưới đồi Tức Dụp đãi cháo đầu bò và rượu thốt nốt. Trong nhóm có tôi và M.Đ từng nhiều năm ở chiến trường, thay nhau canh cho anh em ngủ sớm, đề phòng lính Khmer đỏ mò qua biên giới. Khoảng 3 giờ sáng, đến phiên tôi và M.Đ ngủ. Tôi vừa nằm xuống đã nghe anh ngáy, lúc đầu rền rền giống tiếng xe tải nổ máy, rồi ầm ào như mô tô nẹt ga, rồi lại liên hồi chẳng khác AK47 kéo từng tràng dài. Tiếng ngáy của M.Đ làm căn nhà tranh rung rinh, làm chó của chủ nhà sủa, chó trong xóm sủa, chó những xóm khác, làng khác, làng khác nữa đua nhau sủa, sủa “dây chuyền”. Thế là cả một dải biên giới báo động có lính Pol Pot! Những anh bộ đội, những cô du kích vừa được thay phiên phải tức tốc lao ra tuyến phòng thủ, đồng bào phải nhớn nhác chạy tìm chỗ nấp!
Sáng hôm sau, tôi phải thay mặt nhóm phóng viên thú thật nguyên nhân báo động là do tiếng ngáy của M.Đ, xin lỗi ban chỉ huy các đơn vị vũ trang, xin lỗi bà con.
Sau cái đêm gần cuối tháng 4/1978 ấy, tôi lại nhiều lần ra biên giới, sang chiến trường Campuchia, lên tận dãy núi Dangrek giáp Thái Lan, thông thuộc đất nước bạn như đất nước mình, chứng kiến những mồ chôn tập thể trong bốn năm bè lũ Pol Pot giết hại hơn 2 triệu đồng bào của chính họ, chứng kiến người dân Campuchia coi bộ đội Việt Nam là “Quân nhà Phật” đã giúp họ chặn đứng họa diệt chủng và lao động khổ sai trên những “cánh đồng chết” trong chính sách điên rồ hiện đại hóa Campuchia bằng cách xây dựng một xã hội không tiền tệ, không trường học, không tôn giáo, không sở hữu tư nhân. Tôi nghĩ, đó là di chứng từ “đại cách mạng văn hóa” bên Trung Quốc truyền qua.

3.

Đờn ca tài tử thế mạnh của Long An – Ảnh Thanh Minh

Đầu tháng 2/1979, tôi tháp tùng Tổng biên tập Lê Điền đi viết về Cà Mau. Hai thầy trò lang thang qua các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Năm Căn rồi dừng ở Đất Mũi – huyện Ngọc Hiển. Trưa ngày 17/2, Huyện ủy Ngọc Hiển mời cơm Tổng biên tập Lê Điền thì được điện từ Hà Nội báo, sáng sớm nay, quân Trung Quốc đã đánh sang 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Bữa tiệc phải bỏ dỡ vì tâm trạng ai cũng nặng nề âu lo. Sếp Lê Điền đăm chiêu hút thuốc, vẫy tôi đến, bảo, cậu phải ra Hà Nội, xin giấy giới thiệu lên biên giới ngay. Ông động viên tôi, báo Đại đoàn kết chỉ có cậu quen chiến trường nhất, sức khỏe còn tốt, cứ đi, chắc chắn viết được nhiều. Tôi tự hào được sếp tin cậy, nhưng vẫn băn khoăn con trai còn quá bé, bỏ mẹ con lại Sài Gòn không đành. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, hai ba chặng xe đò, sáng sớm hôm sau tôi về đến nhà, chỉ kịp lấy chiếc ba lô con cóc đựng tăng võng, bi đông, áo mưa, súng K54 từ R mang về để lưu giữ kỷ niệm một thời trận mạc, tạm biệt vợ con, ra sân bay Tân Sơn Nhất trình bày việc phải lên biên giới ngay, nên được ưu tiên mua vé đi Nội Bài.
Gần hai tháng đi từ Lạng Sơn lên Hà Giang, quay lại Tiên Yên, Cao Ba Lanh – Quảng Ninh, tôi viết được khá nhiều chuyện về chiến sĩ, sĩ quan, thanh niên xung phong trên tuyến đầu bảo vệ biên cương, về tội ác của giặc Tàu đối với đồng bào ta. Giặc Mỹ thì dùng bom pháo hủy diệt, giặc Tàu thì thâm hiểm đến mức, ở bất cứ nơi đâu lấn chiếm được, chúng đều ném từng lạng bộc phá phá hủy từ chuồng heo đến cái hố xí, dùng túi ni lông phủ từng gốc chuối sau khi đã phạt ngang để cây chuối không thể sống.
Ở Cao Ba Lanh – một vùng biên ải núi non trùng điệp, tôi được tiếp xúc với một đại đội thanh niên xung phong, toàn những cô gái trẻ của Đồng bằng sông Hồng. Không như sự mạnh bạo có khi đến táo tợn của những cô gái thanh niên xung phong Bắc miền Trung thời kháng Mỹ, những cô gái sửa đường, tiếp tế quân nhu cho bộ đội đánh Tàu luôn tế nhị và ý tứ trước người lạ, nhất là khi được hỏi về thành tích phục vụ chiến trường, nhưng họ đều giống nhau là vì tình yêu Tổ quốc mà không quản thân gái dặm trường.
Chính trị viên đại đội thanh niên xung phong giới thiệu tôi viết về trung đội trưởng Nguyễn Thị Hạnh. Hạnh không nói nhiều về mình mà kể những công việc thường nhật của đồng đội, như hai ba giờ sáng, có lệnh là ào dậy vác đạn lên chốt, mưa lớn, suối chảy xiết vẫn bám dây mây cõng bột mì, gùi muối cho bộ đội, mưa phùn, rét căm căm vẫn bấm từng bước chân trên những con dốc trơn trượt tải nước lên tuyến trước…
Bài báo viết về Hạnh tôi gửi cho gia đình em ở vùng quan họ Kinh Bắc, bên bờ sông Cầu. Từ đó đến nay, đã 44 năm, gia đình Hạnh vẫn coi tôi là người không họ hàng mà thân thiết như những liền anh liền chị…

4.

Chùa Tôn Thạnh – Cần Giuộc – Ảnh Thanh Minh

Cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, tôi và nhà báo Trần Thanh Phương là “cặp đôi ăn ý” thường đi viết về Đồng bằng sông Cửu Long. Anh Thanh Phương là dân Cà Mau tập kết ra Bắc từ năm 13 tuổi, học xong đại học được phân công nhận công tác ở báo Nhân Dân, sau ngày đất nước thống nhất chuyển về báo Giải Phóng (năm 1977, báo Cứu Quốc và báo Giải Phóng sáp nhập thành báo Đại đoàn kết), tôi có mấy năm tác nghiệp ở một số tỉnh Tây Nam bộ trong chiến tranh nên khá am hiểu vùng đất Chín Rồng. Thường một đợt đi viết của hai anh em tôi ở hạ nguồn Mekong là trên dưới nửa tháng, hết tỉnh này sang tỉnh khác. Mỗi đợt như thế, nếu tấp vô hội văn học – nghệ thuật bất cứ tỉnh nào thì phải “lai rai” một hai ngày, kéo sang đêm, chưa say, anh chị em văn nghệ chưa cho đi. Vì thế mà có đợt từ Long An xuống Cà Mau phải mất cả tuần! Hồi ấy rượu đế miền Tây ngon lắm chứ không nhạt nhếch như bây giờ, mồi thì quăng chài, quăng câu xuống rạch, xuống kinh là tha hồ tôm càng xanh, các lóc, cá rô… Ngó sen, bông súng, bông điên điển, hẹ nước, bồn bồn, đọt choại, rau dệu, rau đắng, rau trai, năn bộp thì dưới ao, sau hè cơ quan đã có, hoặc sang nhà dân xin, nên những cuộc nhậu không mấy khi “hao tổn” đồng lương quá ít ỏi.
Sướng nữa là nếu không đi xe con của toà soạn, nhảy xe đò xuống một tỉnh nào đó rồi vào làm việc với uỷ ban hay tỉnh uỷ là mấy hôm sau văn phòng cho xe công vụ đưa xuống bất cứ địa phương nào anh em chúng tôi đề nghị. Vì thế mà thời đó, chúng tôi quen thân với hầu hết anh chị em chánh – phó văn phòng uỷ ban, tỉnh uỷ, chánh – phó văn phòng uỷ ban, huyện uỷ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài tình nghĩa còn để được… ưu tiên! Có thể hồi ấy cơ quan báo chí rất ít, phóng viên không có mấy, lại say nghề và đạo đức nghề nghiệp “đầy mình” nên được cưng!
Thường thì sau khi hòm hòm bài và ảnh, chặng cuối của hai anh em tôi là thị xã Long Xuyên, tỉnh lỵ của tỉnh An Giang vì sản lượng lúa của tỉnh này lúc ấy dẫn đầu cả nước và manh nha du lịch vùng Bảy Núi. Đặc biệt, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ An Giang là Hai Vũ – nguyên phóng viên báo Giải Phóng, bạn vong niên của tôi, rất nhiệt tình giúp đỡ anh chị em từng là đồng nghiệp trong những năm chiến tranh vệ quốc vô cùng gian khổ. Là chỗ trên cả mức thân tình, nên có một lần, sau bữa ăn tối tại nhà Hai Vũ, khi ngồi trên xe để về nhà khách tỉnh uỷ, anh bảo: “Hôm nay tao cho hai đứa bay ngủ trong phòng đặc biệt”.
Phòng ngủ đặc biệt ấy gần phòng làm việc của Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Lê Văn Nhung, rộng khoảng 20 mét vuông, có tivi, giường đệm, máy điều hoà nhiệt độ, tất cả đều sản xuất trước năm 1975.
Anh Hai kêu cô nhân viên văn phòng trực đêm pha trà rồi hỏi hai anh em tôi: “Tụi bay biết phòng này của ai không?”. Tôi mau mắn: “Là phòng nghỉ trưa của Bí thư Tỉnh uỷ”. Hai Vũ bảo: “Trật lất. Của Tổng bí thư Lê Duẩn!”.
Tôi và anh Thanh Phương ngạc nhiên không chỉ vì trang thiết bị trong căn phòng khá cũ kĩ mà còn ngạc nhiên vì “vinh dự” được ngủ trên giường Tổng bí thư.
Biết Hai Vũ bố trí cho phóng viên chỗ ngủ như vậy là sai nguyên tắc, nhưng chắc vì tình thân và tin tưởng những người cộng sản chân chính như hai anh em tôi mà anh “phá lệ”.
Đêm ấy, anh Thanh Phương và tôi chuyện trò mãi về mối tình thuỷ chung son sắt từ năm 1950 của ông Ba Duẩn và bà Bảy Vân. Có lẽ Tỉnh uỷ An Giang chuẩn bị căn phòng này cho Tổng bí thư nghỉ ngơi mỗi lần về làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, và cũng vì lúc này bà Bảy Vân đang làm Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh An Giang.

5.
Cá thòi lòi, đặc sản của vùng Cần Đước, Càn Giuộc – Ảnh Thanh Minh

Những năm 1976 – 1984, có chủ trương cấm triệt để tự do lưu thông hàng hoá để Nhà nước quản lý, phân phối, dân gian gọi là “ngăn sông cấm chợ”. Đi bằng xe con ít khi bị bắt dừng kiểm tra, nhưng đi xe đò thì “khốn khổ”, bởi vào thành phố Hồ Chí Minh có ba trạm kiểm soát khét tiếng, từ miền Tây lên là trạm Tân Hương trên lộ 4 (bây giờ là quốc lộ 1A), huyện Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang, ở miền Trung vào là trạm 2 trên xa lộ Đại Hàn (bây giờ là xa lộ Hà Nội), ở miền Đông xuống là trạm Suối Sâu trên quốc lộ 22, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Với danh nghĩa chống buôn lậu, quản lý thị trường là những “ông trời con” lục soát, tịch thu từ lon gạo, bịch đường táng, con cá, con cua đến mét vải, túm trái cây… của dân.
Hồi đó, anh chị em phóng viên đi công tác các tỉnh thường được các cơ quan biếu khi thì cân tôm khô, khi thì cân đậu phụng, lúc thì vài ba ký gạo… Khi qua các trạm ấy, hầu hết bị tịch thu vì cho là hàng lậu, năn nỉ ỉ ôi rằng đây là quà của tỉnh A, của huyện B biếu đều không được tha.
Có lần nhóm phóng viên báo Đại đoàn kết đi viết ở tỉnh Long An, khi về, dù chúng tôi đi xe cơ quan, đã bị bắt dừng lại kiểm tra. Trên xe có chở 40 kilôgam gạo. Gã trạm trưởng trạm Tân Hương mừng ra mặt vì bắt được vụ buôn lậu to. Chúng tôi trình bày đây là quà của Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh các anh cho, nếu tịch thu, chúng tôi sẽ méc ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính). Gã trạm trưởng vênh váo: “Méc Đỗ Mười, Đỗ Mười Một tôi còn không sợ nữa là…”.
Tôi cảnh báo gã trạm trưởng: “Ông mà đem bán 40 kilôgam gạo này thì sẽ bị cách chức”.
Không có điện thoại để gọi về Văn phòng Tỉnh uỷ Long An, chúng tôi vừa tức, vừa buồn, bàn nhau quay xe về thị xã Tân An, cách Tân Hương khoảng 20 kilômét. Nghe chúng tôi trình bày, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Long An bảo các anh cứ về thành phố, ngày mai sẽ nhận được gạo.
Không biết Văn phòng Tỉnh uỷ giải quyết thế nào nhưng chiều hôm sau, chính gã trạm trưởng chở 40 kilôgam gạo lên Sài Gòn trao cho chúng tôi với lời xin lỗi.
Sau này tôi được biết, Văn phòng Tỉnh uỷ báo cáo chuyện ấy với Bí thư Chín Cần, ông trầm ngâm một hồi rồi nói, đại ý, cái trạm kiểm soát ấy làm theo chủ trương sai. Phải sớm bỏ ngăn sông cấm chợ.
Ông Chín Cần làm bí thư Tỉnh uỷ Long An từ tháng 4/1977 đến năm 1984. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên chủ trương “bù giá vào lương”, mở đầu chủ trương xoá bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Chuyện thí điểm bù giá vào lương “khá vui”, bởi nó được bắt đầu với cục xà bông: Tiền chi mua xà bông theo tiêu chuẩn bao cấp được tính lại, bù đủ vào lương, còn xà bông được bán tự do, không phân phối nữa, như vậy tiền lương cán bộ cũng tăng tương ứng. Thành công của mặt hàng xà bông giúp Long An chuyển sang một số mặt hàng bao cấp khác là thịt, rồi gạo… Toàn bộ số hiện vật bao cấp đều được quy ra tiền theo mức giá thị trường (thịt 3 đồng giá bao cấp bằng 300 đồng theo giá thị trường), được đưa vào lương.
Từ chính cách “xé rào” của Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, như tự mua lương thực về bán cho dân theo giá thị trường, mở rộng quyền chủ động cho các cơ sở sản xuất khai thác nguyên liệu, vật liệu thay vì chờ phân phối, được xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác với các tỉnh thay vì chỉ được làm kế hoạch do Nhà nước cân đối, được thực hiện chính sách ba lợi ích, xây dựng lương khoán, trả lương theo sản phẩm…, cùng với chủ trương “bù giá vào lương” của Tỉnh uỷ Long An mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Khoá V (6/1985) đã quyết định xoá bỏ hoàn toàn cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sản xuất, kinh doanh sang cơ chế hạch toán kinh tế.
Nhờ thế mà các trạm ngăn sông cấm chợ cát cứ từng vùng bị giải tán, anh em phóng viên chúng tôi tác nghiệp ở các tỉnh có thêm nhiệm vụ mua tôm khô, cá khô, đậu phụng và một số thực phẩm ở Sài Gòn không có nhiều, giá lại thấp về cho toà soạn chia nhau cải thiện bữa ăn vẫn còn thiếu thốn cho đến nửa cuối những năm 1990, sau Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12/1986.

Phương Hà
Sài Gòn, tháng 6/2023

Bài trướcGặp lại đồng hương Cần Đước nơi xứ người!
Bài tiếp theoÔng Lãnh Thế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây