Đời sống tâm linh ở Xóm Đáy – Cần Đước.

0
1116

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Ngoài hoạt động kinh tế là làm ruộng và đóng đáy thì người dân xóm Đáy ở thị trấn Cần Đước cũng có những sinh hoạt tâm linh mạng tính tín ngưỡng dân gian và dường như không riêng ở xóm Đáy mà nó có tính phổ biến ở những xóm khác trong vùng Hạ Cần Đước.
Ngoài thờ Bà và cúng Bà ở miễu thì những người làm nghề đóng đáy ở Xóm Đáy còn có Hội cúng Bà hằng năm. Xóm Đáy ở ấp Long Hưng (Long Hựu) cũng có lễ cúng như vậy. Tục nầy do lưu dân mang từ miền trung vào do ảnh hưởng tục thờ Bà Thiên Hậu của người Hoa, được xem là vị thần thường cứu giúp những người làm nghề biển bị nạn mà dân gian thường nói là thờ Bà cậu, vái Bà cậu. Cậu đây là cậu Tài (Chài) cậu Quý con của Bà.


Thường lễ nầy được tổ chức vào ngày Mùng 10 tháng Giêng, cúng Bà Thủy Long công chúa. Mỗi năm luân phiên có một gia đình đăng ký cúng bằng hình thức bắt thăm. Lễ vật cúng chính là một con heo quay do gia đình cúng chuẩn bị, các gia đình khác mang đến lễ vật cúng như mâm hoa quả, xôi, bánh…
Phần lễ trong lễ cúng Bà cũng do bà bóng Tót (Trương Thị Tốt) và ông đờn cò phụ trách. Bắt đầu lễ vào sáng sớm, gia đình chủ lễ sai mấy thanh niên khỏe mạnh chèo ghe chở bà bóng đi một đoạn sông, đủ thời gian cho bà rổi một bài để rước Bà Thủy đang ngự ở dưới sông về nhà. Sau này khi có máy đuôi tôm thì phải chạy xa hơn để đủ thời gian cho bà bóng rổi. Khi rước Bà lên nhà, bà Bóng tiếp tục phần lễ gồm vừa gõ trống vừa rổi, rồi múa bông, múa mâm vàng…
Xong phần nầy thì Bà sẽ về nhập vào bà bóng qua hình thức lên đồng. Bà về thì trước tiên Bà vui vẻ chào mọi người, rồi chúc mọi người mạnh khỏe, gia đạo bình an, làm ăn suông sẻ. Và sau đó ai có hỏi gì thêm thì Bà sẽ trả lời. Thường thì chỉ có mấy bà phụ nữ thích hỏi về bệnh tật hay chuyện gia đạo. Chừng thấy hơi lâu và không còn ai hỏi nữa thì Bà thông báo là: -“Bà thăng”.
Cuối phần lễ là phần bắt thăm chọn người lảnh phần cúng năm tiếp theo. Ai bắt được thăm thì xem như là một may mắn cho gia đình mình và rất vui vẻ đón nhận. Sau cùng từ người lớn đến trẻ con nhập tiệc ăn uống vui vẻ. Hàng năm sau khi ăn Tết và cúng Bà xong người dân xóm Đáy sẽ yên tâm đi vào một năm làm ăn mới với niềm tin là đã có Bà chứng giám và phù hộ.
Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh thì lệ cúng Bà hằng năm ở Xóm Đáy cũng là dịp người dân thể hiện sự đoàn kết tương trợ trong cộng đồng, xóm làng ngày càng gắn bó vượt qua những khó khăn trong cuộc sống…

Ngoài ra hồi nhỏ đâu khoảng những năm 50 đầu những năm 60, bọn trẻ nít cũng thường hay nghe người lớn hù dọa “cô Hiên”. Trẻ con thường bị dọa là: -trời nắng đứng bóng thì không được đi ra ngoài đường, vì đi nhằm lúc đó sẽ gặp “cô Hiên” và sẽ bị “cô Hiên” hớp hồn và sẽ bị điên. Người ta nói “cô Hiên” thường hay xuất hiện giữa trưa và chân đi không chấm đất. Cho nên hồi nhỏ sợ “cô Hiên” lắm.
Sau này qua tìm hiểu mới biết câu chuyện về cô Hai Hiên. Đó là cô Phạm Thị Hiên con gái ông Cả Cần, nhà ở chợ Nha Mân, Sa Đéc (Đồng Tháp) hồi đầu thế kỷ 20. Cô vốn xinh đẹp, một hôm vì chèo xuồng cứu người mà bị chết đuối. Là gái đồng trinh lại chết oan nên cô rất linh thiêng thường hiện hồn giữa ban ngày làm dân tình rất kính sợ và lập miễu thờ.
Chuyện cô Hiên có từ Sa Đéc nhưng đã lan toả ảnh hưởng lớn trong tâm thức người Cần Đước chắc là do những người đi ghe thương hồ mang về. Bây giờ nghĩ lại chắc là người lớn cũng muốn mượn oai “cô Hiên” để dọa cho con nít không dám đi ra đường khi trời nắng gắt vì sẽ rất dễ bị bịnh. (Còn tiếp…)

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcĐảo Long Hựu – Khu nghỉ dưỡng gia đình đầu tiên ở Cù lao Long Hựu – Cần Đước!
Bài tiếp theoTín ngưỡng dân gian ở Xóm Đáy Cần Đước (tiếp theo và hết)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây