Hồi ức những ân tình!

0
319

LÊ HỒNG HOÀN

Viết tặng NHÂM HÙNG*
Dù ai có đi khắp năm châu bốn bể, nhưng lúc về già thường hoài vọng cố hương.

Tôi được sinh ra và lớn lên ở ấp 3 Ao Xoài, xã Phước Đông, thôn ấp nghèo của vùng hạ huyện Cần Đước. Tôi nhớ rất nhiều về bà nội của tôi. Bà rất cưng chiều tôi vì tôi là cháu trai duy nhất của gia đình. Ngày xưa ở những vùng nông thôn đâu có đồ chơi cho trẻ con như ở tỉnh thành, bà nội tôi lấy đất sét nắn thành tượng con trâu, con voi…cho chúng tôi chơi. Đi học về tôi thường la cà cùng nhóm bạn trang lứa tắm ao, thả diều, chèo ghe, xuống rạch hái bần chấm mắm còng, muối ớt và nhiều kỷ niệm khác vẫn còn cô động trong tôi. Trong đó có hai anh em Chạnh và Cưng, đó là hai người bạn thân thiết cùng học chung với tôi từ chữ ê a vỡ lòng mà bà ngoại tôi coi như những người cháu trong gia đình. Chạnh là tên của Nhâm Hùng, Cưng là tên Nhâm Kính em của Nhâm Hùng.

Ao Xoài xã Phước Đông, Cần Đước ngày nay

Gia đình Bác ba ở Cần Thơ nằm trong tầm ngắm của giặc, nên nữa đêm cả nhà xuống ghe bỏ xứ trốn lên nhà bà con ở Phước Đông xóm Ao Xoài để trốn giặc.

Hình ảnh quen thuộc trẻ em nông thôn tắm sông với cây chuối làm phao

Xóm tôi là một xóm nghèo nhưng giàu tình tương thân tương ái, trong xóm biết bác ba chạy loạn nên bà con trong xóm yêu thương đùm bọc lẩn nhau. Ba tôi (tức bác hai Khối mà Nhâm Hùng nhắc đến trong bài viết Cần Đước quê hương thứ hai) biết bác ba là gia đình theo cách mạng nhưng cả hai “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” nên hai người rất thân nhau coi nhau như ruột thịt.

Bác được bà con trong ấp giúp đỡ cưu mang giúp bác dựng nhà bán quán, nên trong xóm gọi là bác ba quán, mặc dù tên của bác là Nhâm văn Xường.

Nhâm Hùng – Lê Hồng Hoàn, đôi bạn từ ngày xưa cho đến bây giờ

Chiến tranh ngày càng ác liệt, mỗi người tìm cho mình con đường sống mưu sinh. Bác ba ra chợ Cần Đước mua nhà bán hủ tíu với mong ước được sinh sống lâu dài. Thế nhưng ít lâu sau, quận trưởng Cần Đước mới thay ông Tô Văn Vân là Ông Lê Đăng Sỹ người Cần Thơ, ông ấy biết quá trình hoạt động của bác ba, tuy ông không tố giác, nhưng bác ba phải theo lời khuyên của ông quận trưởng đồng hương rời Cần Đước đến Hậu Nghĩa để lập nghiệp. Gia đình bác ba chọn Hậu Nghĩa là quê hương thứ ba cho đến ngày thống nhất đất nước.

Tham dự lễ hội bánh dân gian nam Bộ từ sáng kiến của anh Nhâm Hùng năm 2019 tại Cần Thơ.

Tuy bác ba chuyển đến Hậu Nghĩa nhưng Chạnh và Cưng ở lại đi học trường trung học Cần Đước, chỗ thân thiết hơn nữa nhà xa nên tôi thỉnh thoảng ở lại vài hôm nhà Chạnh gần trường để đi học. Rồi lệnh tổng động viên chúng tôi xếp bút nghiên từ giã học đường mỗi người tìm cho mình một hướng đi tránh né để không tham gia vào cuộc chiến. Người lo đi lính kiểng, người lo giấy hoãn dịch giả, người đi tu… Ôi chiến tranh!

Bác ba trai mất năm 1968, đất nước thống nhất bác gái đưa gia đình về quê cũ Cần Thơ sinh sống.

Nhâm Kính trước khi mất có viết tặng Cần Đước bài ca vọng cổ “Cần Đước ơi! một mảnh ân tình“

Nhâm Hùng thỉnh thoảng có về dự đám giỗ ba tôi như người thân trong gia đình, anh còn tạo cơ hội cho lãnh đạo huyện Cần Đước kết nối với huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, các địa phương ở Cần Thơ trao đổi tìm hiểu hoạt động văn hoá mà anh là một trong những nhà nghiên cứu tên tuổi về văn hoá Nam Bộ. Đó là tình cảm trân quý, có nhưng cái trôi theo thời gian nhưng có những cái tồn đọng mãi, đó là ân tình.

Hy vọng Soạn giả, Nhà nghiên cứu…Ao Xoài, coi quê hương thứ hai – nơi in dấu nhiều ký ức tốt đẹp – dành nhiều thời gian để cho ra đời nhiều tác phẩm “để đời” của xứ Cần Đước!

Cần Đước ngày 26/11/2022

Lê Hồng Hoàn

*Nhâm Hùng khi đi học lấy tên là Ngô Văn Tươi

Bài trướcMắm còng Phước Đông Cần Đước tìm trong ký ức!
Bài tiếp theo1/1/2023 – Người Cần Đước tròn 1 tuổi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây