ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Ông Thống Sô tên thật là Nguyễn Thuyết Xã, người làng Phước Tuy, Quận Cần Đước, sinh vào khoảng thập niên 20 thế kỷ 19, là một trong những thủ lĩnh nghĩa binh chống Pháp nổi tiếng ở Cần Đước cùng với Bùi Quang Diệu, Lãnh Thế, Trần Kỳ Phong, Huỳnh Khắc Nhượng… từ 1861 về sau. Tên gọi Thống Sô có thể ông được phong chức Thống binh, cũng giống như Trương Định được phong chức phó lãnh binh Gia Định sau khi đại đồn Kỳ Hoà thất thủ và lui binh về Gò Công tiếp tục chống Pháp (2/1861).
Ông Út Đồn cháu cố dòng thứ 9 của Ông Thống Sô ở Khu 2 Thị trấn Cần Đước – Ảnh Nguyễn Văn Đông.
Làng Phước Tuy ngày ấy cũng còn hoang vu, tương truyền ông Thống Sô có nuôi trong nhà một con cọp rất khôn luôn đi theo bên cạnh bảo vệ ông và ông đặt cho tên là Hai Mạnh. Ông Thống Sô rất giỏi võ nghệ và có hai cô con gái cũng rất nổi tiếng nghề võ, dân trong làng thường gọi là Bà Hớn, Bà Hở. Nghe nói ông Thống Sô có đến chín bà vợ và Bà Hớn, Bà Hở thuộc dòng thứ bảy.
Sau khi Trương Định hy sinh năm 1864 thì phong trào kháng chiến chống Pháp cũng dần đi vào thoái trào, Lãnh Thế phải lánh xuống miền Tây, Bùi Quang Diệu đưa quân theo Võ Duy Dương về xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười rồi sau đó cũng bị thất bại, thủ lĩnh Nguyễn Văn Tiến bị Pháp bắt và xử chém ở Chợ Trạm năm 1883. Riêng ông Thống Sô vẫn tiếp tục chống Pháp tại địa phương trong sự vây ráp của kẻ thù.
Một hôm do bị lộ bí mật Pháp đã bao vây nơi ông ở cùng với cọp Hai Mạnh. Tương truyền biết không thể thoát được nên ông Thống Sô kêu Hai Mạnh đi trốn, còn riêng mình thì ông Thống Sô đã tuẩn tiết, kiên quyết không để rơi vào tay giặc. Sau đó cọp Hai Mạnh cũng bị Pháp bắn chết ở đám lá ven sông Vàm Cỏ nay thuộc ấp 4 xã Tân Ân. Dân làng đã lập miễu thờ đến nay vẫn còn là miễu Ông hổ Tân Ân, con rạch kế bên cũng gọi tên là rạch miễu ông hổ, nay một cây cầu bắt ngang vừa được xây dựng cũng đặt tên là cầu rạch miễu ông hổ.
Nghe người lớn tuổi kể là đám tang ông Thống Sô kéo dài trong ba tháng và ông được an táng tại ấp 3 xã Phước Tuy, mộ ông rất lớn, kiên cố còn tồn tại đến những năm 90 mới được con cháu cải táng về ở đình Phước Đông và bài vị ông cũng được thờ trong đình nầy.
Tác giả cùng các cháu sơ Ông Thống Sô
Riêng Bà Hớn Bà Hở thì sau khi ông Thống Sô mất, trong thế cùng đường đã trở thành thủ lĩnh một đảng cướp nổi tiếng chuyên hoạt động trên sông, theo kiểu anh hùng hảo hớn cướp nhà giàu cho người nghèo. Tương truyền một lần Bà Hớn chống sào nhảy từ trên bờ xuống một chiếc ghe đang chạy trên sông để ăn hàng, ông chủ ghe đang ăn cơm đã dùng cái mâm đang ăn đưa lên đở gót chân bà, biết là gặp cao thủ bà Hớn đã nhón chân trên mâm nhảy trở lên bờ và vòng tay bái phục. Sau đó bà bị Pháp bắt bỏ tù một thời gian, ra tù bà trở lại sống đời thường. Nghe kể: Một hôm bà đi chợ ngang qua một đồn lính, bọn lính biết tiếng bà nên thách tài và bà đã bẻ gậy chống nhún chân nhảy qua hàng rào vào trong bót trước sự bất ngờ và khâm phục của làng lính. Còn bà Hở thì nghe nói cũng hoàn lương lập gia đình và biệt tích giang hồ.
Hậu duệ ông Thống Sô hiện còn rất nhiều sống ở thị trấn Cần Đước, ở xã Phước Đông, có nhánh sống ở Tân Trụ. Hậu duệ đời cố ông Thống Sô dòng thứ chín là ông Út Đồn hiện ở khu phố hai thị trấn Cần Đước hàng năm vẫn giỗ ông vào ngày 13 tháng 3 ÂL. Đình Phước Đông cũng làm lễ giỗ ông.
ThS Nguyễn Văn Đông