Ký ức những ngày đầu làm thầy thuốc

0
547

BS LÊ VĂN HẬU

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1995 – 27/2/2022), chúng tôi muốn giới thiệu về cảm nghĩ của một bác sĩ trẻ mới ra trường về làm việc tại quê nghèo Cần Đước vào thập niên 80. Với thiết bị y tế thô sơ, thuốc men thiếu thốn nhưng anh đã vượt qua những tháng ngày gian khó ấy để trở thành bác sĩ “mát tay” cho người dân Cần Đước.

BS Lê Văn Hậu quê Tân Trạch, anh nguyên là Phó giám đốc Sở Y tế Long An, hiện nay anh đã nghỉ hưu và làm cố vấn cho Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

                                                                            Người Cần Đước

Tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại ĐHYD TP. HCM năm 1987, tôi được phân công về làm việc tại Huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Như bao bạn bè, bác sĩ mới tốt nghiệp có cảm giác mình còn rất “non” về nghề nghiệp, ai cũng mong muốn được làm việc tại một bệnh viện lớn có “đàn anh, đàn chị” để học hỏi thêm cho kiến thức, kỹ năng được vững vàng trước khi “xuống núi”. Tôi thì không được như vậy, phải về làm việc ở một nơi có thể gọi là “tuyến tiếp cận đầu tiên” trong việc khám chữa bệnh cho người dân. Đó là một bệnh xá của huyện.


Huyện Cần đước thời đó có thể nói là một huyện “vùng dịch”. Có đủ loại dịch bệnh truyền nhiễm: sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả, viêm não màng não … Việc truyền đạt thông tin thời đó còn hạn chế nên có lẽ người dân chưa biết được tính trầm trọng của dịch bệnh, chỉ có những người làm công tác y tế mới “thấm thía” được hoàn cảnh đó. Mặt khác, do điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thế nào mà người tự tử cũng nhiều, đặc biệt là tự tử bằng thuốc trừ sâu.

Ngày trực đầu tiên tại bệnh xá, có một bệnh nhân bị vết cắt sâu, dài ở cẳng chân, máu chảy đầm đìa, được đưa đến bệnh xá bằng xe ba bánh. Bệnh nhân được đưa vào bệnh xá, đặt nằm trên một chiếc bàn gỗ tróc sơn loang lỗ để khâu vết thương. Tôi bảo chị y tá lấy cho tôi một tấm săng để đặt lên vết thương, khâu. Chị nói “ở đây làm gì có săng”. Tôi lại bảo chị lấy dùm kim chỉ khâu. Chị lấy ra một ống chỉ may áo, cắt một đoạn rồi dùng bông gòn tẩm cồn vuốt qua lại sau đó đưa cho tôi. Lúc đó, tôi có cảm giác như bị hụt hẫng. Lúc học được thực tập ở một bệnh viện lớn, đầy đủ điều kiện để chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhưng về làm việc thực tế thì như vậy. Tuy nhiên đây là lúc mình phải vận dụng tất cả những kiến thức kỹ năng đã học, áp dụng vào hoàn cảnh thực tế sao cho mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Tôi phải tự “xoay xở” để điều trị cho bệnh nhân và cuối cùng vết thương cũng lành tốt.

Tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – nơi BS Hậu làm cố vấn.

Khi về cơ sở lúc đó, chỉ có mình là bác sĩ duy nhất, người dân có quan niệm “Bác sĩ là biết điều trị tất cả các bệnh”, vì thế, lương tâm nghề nghiệp mình cũng không được từ chối bất cứ bệnh nào. Có những dạng bệnh mình chưa từng gặp, cũng chưa được học nhưng lại gặp trên thực tế, mình phải tự tìm sách đọc để biết cách xử trí và biết cách phân loại để chuyển tuyến trên kịp thời.

Đoàn cán bộ Trung tâm Y tế Huyện Cần Đước làm việc với Trung tâm Y tế Hóc Môn – TP.HCM

việc chuyển viện cũng rất gian nan. Bệnh viện thời đó chưa có xe chuyên dụng để chuyển viện. Khi muốn chuyển viện phải hợp đồng xe lam và giăng võng trên xe cho bệnh nhân nằm, hoặc để bệnh nhân nằm trên băng ca tùy theo trường hợp. Con đường chuyển viện thì không bằng phẳng, “gập ghềnh sỏi đá”, nên khi chuyển bệnh nhân lên đến tuyến trên an toàn thì mới an tâm. Vì thế, là bác sĩ, khi quyết định chuyển viện cũng là một quyết định “cân não”. Nếu chuyển những bệnh, mà bệnh đó có thể điều trị được tại chổ thì gây khó khăn tốn kém cho người bệnh, ngược lại nếu bệnh cần chuyển gấp mà không chuyển kịp thời thì sẽ dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh.

Trong công việc, khó khăn là như vậy, nhưng trong môi trường làm việc cũng có nhiều niềm vui. Anh chị em rất đoàn kết và lo lắng cho bệnh nhân mặc dù lương bổng rất eo hẹp. Đêm trực phải trải chiếu ngoài hành lang nằm nghỉ chờ đón bệnh nhân, khi bệnh vào thì cuộn lại. Ăn trưa thì người đem gạo, người đem thức ăn “hùn nhau” nấu ăn tại chỗ.

Đến giờ nhìn lại, đó là giai đoạn khởi đầu của sự nghiệp mà tôi “học” được nhiều nhất từ những “đánh đố” của người bệnh. Phải tự học liên tục để nâng cao kiến thức, học kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương và nhất là trau dồi kỹ năng xử lý tình huống. Đúng như bài viết trước đây tôi đã viết : “Bệnh nhân là người thầy của người thầy thuốc”.

BS Lê văn Hậu
Tháng 2/2022

Bài trướcChúc mừng Ngày Thầy Thuốc Việt Nam
Bài tiếp theoNgười Cần Đước trên bản đồ giáo dục: Tiến sĩ Lê Minh Hữu – Cha là người Thầy đầu tiên!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây