Lê Công Hiệp – Người sưu tầm máy may cổ ở Cần Đước!

0
667

NGỌC THẠCH

Tiếc những chiếc máy may gia đình lần lượt bị bán ve chai, anh Lê Công Hiệp (51 tuổi), ngụ ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An bắt tay tìm kiếm để mua lại sử dụng và làm tài sản cho nhà mình. Cứ như vậy, anh Hiệp trở thành người sưu tầm máy may gia đình từ lúc nào không hay. Hiện anh Hiệp sở hữu 140 chiếc máy may gia đình vẫn còn hoạt động tốt.


Anh Lê Công Hiệp – chủ nhân của 140 máy may gia đình

Hành trình tìm máy may gia đình

Ngôi nhà của anh Hiệp đơn giản nhưng lại rất đặc biệt, bởi đâu đâu cũng có máy may gia đình được sắp xếp gọn gàng vào một góc từ phòng khách đến dọc lối đi, hành lang, nhà kho,… Những chiếc máy may gia đình đó là tài sản vô giá mà anh Hiệp cất công tìm kiếm, gìn giữ trong hơn 20 năm qua. Tất cả chúng đều được lần lượt vệ sinh, tra dầu và sử dụng thường xuyên, trong đó có một cặp máy may khoảng 100 năm tuổi.
Anh Hiệp bắt đầu “sự nghiệp” sưu tầm máy may gia đình rất tình cờ như cách anh đến với nghề may vậy. Anh Hiệp kể: “Khi còn học phổ thông, tôi muốn có một cái nghề trong tay để có tham gia nghĩa vụ quân sự thì được phân vào đúng chuyên môn. Vậy là hè năm lớp 10, tôi chọn nghề may để học và trở thành thợ may 1 năm sau đó. Tuy nhiên, do các anh cũng đi nghĩa vụ quân sự và nhà có mẹ già nên tôi được miễn nhưng nghề may vẫn “dính” lấy tôi kể từ khi bắt đầu. Học hết phổ thông, lên cao đẳng, có việc làm ổn định khác, tôi vẫn duy trì cho đến nay. Là thợ may nên nghe tin máy may gia đình bị bán ve chai, tôi rất xót xa. Bởi, nó từng là vật dụng rất quen thuộc và quý giá trong mỗi gia đình người Việt. Vậy là nghe tin ở đâu bán, tôi lại tìm đến mua về để bảo dưỡng, gìn giữ và sử dụng”.
Được biết, ngày xưa, máy may gia đình là vật dụng quen thuộc của mọi nhà. Nó được xem là tài sản quý của mỗi gia đình. Hầu như nhà nào cũng sắm 1-2 chiếc để vừa sử dụng may đồ cho cả nhà, vừa “làm của”, đặc biệt là các gia đình khá giả, giàu có. Tuy nhiên khoảng năm 1998-2000, máy may công nghiệp bắt đầu thịnh hành và nhiều gia đình lựa chọn mua đồ may sẵn thay cho tự may tại nhà. Vậy là, máy may gia đình dần bị “ra rìa”. Nhiều nhà bán máy may như bán ve chai.
“Khi bắt đầu, tôi mua máy may gia đình là vì tiếc nhưng càng mua càng thích. Khoảng từ năm 2003-2008, tôi mua hơn 10 chiếc/năm. Mua về là tôi bảo dưỡng lại ngay để chống gỉ sét, hư hại. Khi ấy, tôi chỉ có suy nghĩ phải trân trọng và gìn giữ những chiếc máy may bị chủ nhân hắt hủi, cho chúng được hoạt động để duy trì “sự sống”. Số lượng máy may cứ tăng dần, tôi mới phát hiện ra mình đang thực hiện việc sưu tầm. Vậy là tôi càng có trách nhiệm hơn trong việc tìm kiếm và giữ gìn giá trị của những chiếc máy may gia đình xưa cũ này” – anh Hiệp tâm sự.


Không sử dụng cố định 1 máy, anh Hiệp lần lượt sử dụng tất cả máy trong bộ sưu tập của mình để chúng được hoạt động như một cách “thổi hồn” vào từng chiếc máy
Có những chiếc máy may anh Hiệp bỏ không ít tâm tư, thời gian để “chiêu mộ” về “đội” của mình, đặc biệt là những chiếc máy may đẹp, có năm tuổi cao. Trong đó, có 1 chiếc máy may 100 năm tuổi, anh Hiệp phải kiên nhẫn theo đuổi 19 năm mới sở hữu được. Anh Hiệp thổ lộ: “Hồi còn học phổ thông, tôi nghe người bạn kể về chiếc máy may của gia đình anh ấy. Đó là chiếc máy may hiệu Pfaff của Đức rất đẹp và đắt giá thời điểm đó. Gia đình họ rất ít sử dụng nhưng không bán dù tôi hỏi mua rất nhiều lần. Mãi đến 19 năm sau, họ mới quyết định bán để tôi tiếp tục giữ gìn và sử dụng. Với tôi, nó như một món quà lớn”.

Mỗi chiếc máy may là một đứa con quý giá
Xuất phát từ tình yêu nghề, trân trọng những chiếc máy may gia đình nên anh Hiệp không ngại bỏ công sức, tiền của mua lại những chiếc máy may cũ. Mỗi năm trôi qua, máy may nhà anh Hiệp lại tăng lên và trách nhiệm với chúng càng lớn hơn. Cứ có thời gian rảnh, anh Hiệp lại lần lượt lau chùi, vệ sinh và tra dầu cho máy.
“Mỗi chiếc máy may mới mua về, tôi đều vệ sinh kỹ từng bộ phận, tra dầu và sắp xếp ngăn nắp vào không gian của gia đình. Với tôi, mỗi chiếc máy may là một đứa con tinh thần quý giá. Tôi thương chúng đều như nhau nên cứ lần lượt đem ra sử dụng để chúng được hoạt động, chứ không sử dụng cố định bất cứ chiếc máy may nào” – anh Hiệp bày tỏ.
Hiện anh Hiệp sở hữu 140 chiếc máy may gia đình với hơn 50 chiếc hoàn toàn khác nhau từ các thương hiệu như Misumisi, Mesides, Pagoda, Pfaff,… của Pháp, Nhật, Đức,… Những chiếc máy may của anh Hiệp không chỉ còn nguyên màu sơn mà hoa văn máy cũng đa dạng như hoa văn hoa cúc, hoa sen, hoa hồng, hình quạt, hình tháp, bông lúa,… Và điều đặc biệt là tất cả các máy đều hoạt động bình thường và chạy rất êm.


Người Cần Đước tham quan bộ sưu tập của anh Lê Công Hiệp

Tuy năm tuổi lớn nhưng những chiếc máy may gia đình của anh Hiệp vẫn giữ được màu sơn và hoa văn rất đẹp
“Đi làm về mệt, không có gì thư giãn bằng ngồi vào ghế để may và nghe tiếng máy chạy. Chỉ cần như vậy là tôi thấy vui vẻ, thoải mái rồi. Tôi rất biết ơn khi gia đình luôn ủng hộ sở thích này của tôi” – anh Hiệp trải lòng.
Tuy nhiên, anh Hiệp cũng có không ít trăn trở khi sưu tầm máy may gia đình này. Trong đó, tìm người kế thừa để giữ gìn và lưu giữ những “đứa con tinh thần” của anh là một trong những vấn đề nan giải. Bởi, anh mong muốn người tiếp quản những chiếc máy may không chỉ biết giữ gìn, bảo quản mà phải có tình yêu với chúng. Vừa qua, anh Hiệp tặng Bảo tàng – Thư viện tỉnh 5 cái máy may gia đình trên 50 năm tuổi. Thông qua hoạt động đó, anh Hiệp mong muốn mọi người, nhất là thế hệ trẻ biết đến máy may gia đình nhiều hơn.
Không còn là sở thích đơn thuần mà việc sưu tầm máy may gia đình với anh Hiệp còn là đam mê, tình yêu thật sự. Anh cũng mong muốn góp công sức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc và lưu giữ, trao truyền những chiếc máy may cổ xưa cho thế hệ mai sau./.

Ngọc Thạch – Báo Long An

Bài trướcĐắk Nông – Cảnh đẹp duyên lành.
Bài tiếp theoRạch Gầm – Xoài Mút – Trang hồng Đất Phương Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây