Lịch sử sông Vàm Cỏ

0
5123

ThS. TRẦN NGỌC TRIẾT

Vàm Cỏ là tên gọi dòng sông ở Nam Bộ thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Sông có chiều dài 280 km trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam dài hơn 190 km. Lưu vực sông rộng 8.500 km² và lưu lượng là 96 m³/s.


Sông này có khoảng 10 phụ lưu trong đó hai phụ lưu trực tiếp tạo nên dòng sông là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, rồi hợp lưu tại ngã ba Bần Quỳ (Tân Trụ) trước khi đổ ra biển.

Vai trò:
Vì có nhiều nhánh sông nhỏ của Vàm Cỏ Đông nên nó rất thuận tiện cho việc lưu thông bằng đường thủy để vận chuyển hàng hóa từ các nơi về Tây Ninh hay ngược lại từ Tây Ninh đến những nơi khác (chủ yếu là các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long), điển hình là tại cảng Bến Kéo (huyện Hòa Thành) rất tấp nập.

Nơi bắt nguồn:
Khác với đặc điểm chung của các sông khác ở VN khi hầu hết được bắt nguồn từ các dãy núi cao, sông Vàm Cỏ Tây bắt nguồn từ vùng trũng thấp bên nước bạn Campuchia rồi chảy vào Việt Nam.

Vàm Cỏ Đông
Vào Việt Nam tại xã biên giới Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Vào thời nhà Nguyễn, sông Vàm Cỏ Đông mang tên là sông Quang Hóa vì chảy qua gần lỵ sở và cắt ngang chính giữa huyện Quang Hóa, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định thời nhà Nguyễn. Với thủy trình dài khoảng 98 km tiếp tục qua các huyện: Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng. Đoạn tiếp theo dài khoảng 6 km là ranh giới hai tỉnh Tây Ninh, Long An.
Sông vào địa phận tỉnh Long An qua các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước với thủy trình khoảng 86 km rồi kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ để đổ vào sông Soài Rạp và đi ra biển Đông.


Vàm Cỏ Tây

Vàm Cỏ Tây là phân lưu của sông Tiền, lấy nước từ sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười rồi hợp lưu với sông vàm Cỏ Đông (tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) tạo thành sông Vàm Cỏ.
Trong lãnh thổ Việt Nam sông Vàm Cỏ Tây được tính từ rạch Long Khốt, với thủy trình 186 km, chảy qua các huyện Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành và Thành phố Tân An của tỉnh Long An (Thành phố Tân An của tỉnh Long An nằm bên hữu ngạn con sông này)
Vàm Cỏ Tây được xem là ranh giới phía đông bắc của đồng bằng sông Cửu Long.”

Tên gọi chung Sông Vàm Cỏ
Tính từ chỗ ngã ba Vàm Cỏ Đông – Vàm Cỏ Tây đến ngã ba sông Soài Rạp, Vàm Cỏ dài 35,5 km
Sông Vàm Cỏ chảy trong địa phận tỉnh Long An (huyện Châu Thành ở hữu ngạn, huyện Cần Đước ở tả ngạn), đồng thời tạo thành ranh giới tự nhiên và ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Long An (huyện Cần Đước ở tả ngạn) và Tiền Giang (thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông ở hữu ngạn)
Sông Vàm Cỏ chảy theo hình chữ W từ tây sang đông và đổ nước vào sông Soài Rạp, cách cửa Soài Rạp khoảng 12 km
* Đặc điểm: Sông Vàm cỏ Tây và Đông nước có màu xanh khi thủy triều lên và vàng đục khi thủy triều xuống. Đây là nét đặc trưng riêng của sông Vàm cỏ khác với các sông khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Tại sao gọi sông Vàm Cỏ?
Nguồn chính chảy từ tỉnh Prey Veng Campuchia, qua phía bắc tỉnh Svay Riêng có tên Khmer gọi là Prek Kampong Spean (tức là suối bên bến có cầu)
Đoạn đầu nguồn của nguồn chính khi vào Việt Nam nay gọi là sông Suối Mây, xưa gọi là Cái Cậy.
Đoạn trung lưu chảy từ Bến Lức tới Tân Trụ, vào thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn gọi là sông Bến Lức (hoặc sông Lật Giang hay sông Cửu An). Sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây hợp lưu lại (tại Tân Trụ) thành sông Vàm Cỏ.
Theo Tự điển Việt Nam thì: “Vàm: ngã ba sông rạch, nơi một con rạch giáp với sông hay một con sông nhỏ giáp với sông lớn”, khác với “Cửa: nơi vàm sông đổ ra biển”.
Riêng từ “Cỏ” có thể hiểu theo hai giả thuyết:
+ Giả thuyết 1: “Cỏ” chính là cỏ dại mọc đầy trên sông do tốc độ dòng chảy thấp.
Giả thuyết 2: Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco”, nó được bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là “vàm (piăm) đánh/lùa (vaï) bò (co)” .
Điều này cho biết sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây chính là con đường lùa trâu bò thuở xưa.
Trên địa bàn nước Chân Lạp xưa (gồm cả Nam Bộ hôm nay) có rất nhiều trâu bò. Năm 1296, Châu Đạt Quan theo sứ đoàn nhà Nguyên (Trung Quốc) sang đất Chân Lạp có ghi nhận điều này.

Tại Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông chảy từ phía tây bắc hướng Bến Cầu có cảng Bến Kéo qua Gò Dầu Hạ, rồi xuôi hướng đông nam chảy qua thị trấn Bến Lức của tỉnh Long An.
Đoạn trung lưu chảy từ Bến Lức tới Tân Trụ, vào thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn gọi là sông Bến Lức hoặc sông Lật Giang hay sông Cửu An. Sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây hợp lưu lại (tại Tân Trụ) thành sông Vàm Cỏ
Đoạn sông mang tên chung Sông Vàm Cỏ tuy ngắn nhưng có đến 3 tên gọi. Ngoài tên gọi Vàm Cỏ ra, đoạn gần ngã ba Bần Quỳ còn gọi là sông Xá Hương, đoạn giáp với sông Soài Rạp gọi là Vàm Bao Ngược.


Những trầm tích văn hóa & lịch sử bên dòng sông Vàm
Trên đất miền Đông hay Nam bộ nói chung, các nhà khoa học (thời thuộc địa) đã thám hiểm và nghiên cứu khá kỹ càng. Công cuộc thăm dò, đào bới của các nhà nghiên cứu thực dân còn được tiếp tục cho tới giữa thế kỷ 20.
Với tìm thấy những di vật, sớm nhất là thuộc nền văn hoá đá mới muộn, thuộc thời kỳ Sơ sử theo cách phân loại trên. Nền văn hoá này còn được coi là một truyền thống văn hoá lớn được gọi là văn hoá Đồng Nai, bắt đầu từ 5.000 năm trước đây cho đến đầu công nguyên.

Lần trở lại lịch sử toàn bộ vùng đất Nam Bộ ngày nay (Đồng Nai trở vào) xưa kia từ TK1-TK6 (SCN) vốn thuộc vương quốc Phù Nam với nền văn hóa Óc Eo rực rỡ, bằng chứng là hiện nay nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông tồn tại cụm di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Bình Tả tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa.
Nền văn hoá Óc Eo gắn liền với lịch sử phát triển của vương quốc Phù Nam, từng tồn tại từ thế kỷ thứ 6-7 trên miền đất Nam bộ. Đây là một quốc gia có nền văn minh phát triển rực rỡ cả về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngoại thương và các loại hình nghệ thuật.

Sau Óc Eo với cuộc chinh phục của Chân Lạp, chiến tranh liên miên đã làm cho văn hoá Óc Eo bị lụi tàn, cộng với các đợt tấn công của đế quốc Nguyên Mông vào các nước Đông Nam Á trong thế kỷ 13 đã đưa Nam bộ trở lại hoang hoá, cho đến khi những cư dân người Việt đến khẩn hoang vào thế kỷ 17 một trang sử mới trên vùng đất Nam bộ đã được bắt đầu.

– Đầu TK18 (1705) Chân Lạp có nội chiến dẫn đến việc cầu viện các quốc gia lân cận khi đó của các hoàng tử Chân Lạp mà chủ yếu là Xiêm La (phía tây) và Chúa Nguyễn (Phía đông). Vùng đất Long An đặc biệt là đôi bờ sông Vàm cỏ hiện nay chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Ngày nay ngay vị trí hợp lưu 2 dòng vàm cỏ đông & tây có di tích miễu ông Bần Quỳ (Miếu Ông Bần Quỳ, Xã Nhựt Ninh- Tân Trụ)-cách Cầu Bến Lức 20km) nơi thờ nhân vật Mai Bá Hương trong thời gian giao chiến với giặc Cao Miên để không rơi vào tay giặc ông đã cho đánh chìm tàu chở lương thực rồi nhảy xuống sông tử tiết. Tục truyền khi ông Mai Công Hương tử tiết những cây bần mọc ở ven sông đều quỳ xuống như tỏ lòng khâm phục nghĩa cử của ông. Vì vậy, ngôi miếu này còn được gọi là Bần Quỳ.

Dấu ấn Nguyễn Trung Trực trên sông Vàm Cỏ
Vàm cỏ chính là nơi xảy ra nhiều trận đánh ác liệt trong các cuộc chiến tranh.Nổi tiếng nhất là trận tập kích của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực diệt pháo hạm Experaxơ (Hy Vọng) của Pháp đang tuần tra trên sông Vàm Cỏ Đông (ngã 3 Sông Rạch Giáo – Vàm cỏ đông) ngày 10/12/1861, thuộc địa phận làng Nhật Tảo (nay Xã An Nhựt Tân thuộc tỉnh Long An).

Đám lá tối trời
– Tỉnh Tiền Giang có đám lá tối trời thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông là căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của nghĩa quân Trương Định trong những năm 1861-1864. Trước đây, đám lá tối trời kéo dài mấy xã, toàn là dừa nước mọc chen chúc nhau, tán cao bóng rợp che khuất ánh mặt trời, đi vào vùng ấy như ban đêm nên gọi là đám lá tối trời. Đám lá tối trời được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 10-8-2004.
– Trà Vinh có đám lá tối trời là căn cứ chống Mỹ ở xã Nhị Long, huyện Càng Long
-Tại Long An, khu vực chung quanh Miểu ông Bần Quỳ cũng là một đám lá tối trời đã được tỉnh Long An đưa vào danh sách di tích lịch sử.

Quê hương 8 chữ vàng
Cách đây 55 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn phát triển sôi nổi và mạnh mẽ nhất, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II họp ở miền Đông Nam bộ, ngày 17.9.1967, Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.Danh hiệu cao quý ấy chính là kết tinh truyền thống của vùng đất Long An có bề dày lịch sử và văn hóa, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của quân và dân Long An.

ThS Trần Ngọc Triết

Bài trướcCa ngợi đất và người Long An (2)
Bài tiếp theoCon tèn hen thời thơ ấu!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây