Ca ngợi đất và người Long An (2)

0
2668

 

NGUYỄN GIA VIỆT

NHÂN VẬT LỊCH SỬ LONG AN

* Khâm Sai Chưởng Tiền Quân, Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819)

Năm 1781, ông gia nhập đạo quân Đông Sơn của tướng Đỗ Thành Nhơn.Về sau Đỗ Thành Nhơn bị chúa Nguyễn Ánh giết chết đoạt binh nhưng Nguyễn Huỳnh Đức vẫn đi theo Nguyễn Ánh,có tiếng trung thành với Nguyễn Ánh,từng lấy đùi gối làm gối cho chúa ngủ và thức đuổi muỗi cho chúa suốt đêm

 

Lăng Nguyễn Huỳnh Đức

Vì thuộc hàng đệ nhứt công thần,lại luôn thần phục, trung thành tuyệt đối nên vua Gia Long ban họ Nguyễn đổi từ Huỳnh Đức qua Nguyễn Huỳnh Đức.

Nguyễn Huỳnh Đức không có chiến công vang dậy như nhiều tướng khác, nhưng ông tham gia hầu hết chiến trận. Sử chép về ông toàn khen ông trung thành.

Và cả đời làm quan cũng không có sở trường gì đặc biệt, chỉ là sự tà tà. lấy trung thành làm nền.

* Thống Chế -Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn (1767 – 1823) là một võ quan của vua Gia Long

Vua Minh Mạng phong tước lúc ông còn sống là Khâm sai-Chưởng cơ thống quản Trung quân trấn định thập cơ, tước Hầu (Xuân Quang Hầu).

Sau khi ông mất vua Minh Mạng cho di quan tài ông về Tân Chánh chôn, đình Tân Chánh là nơi thờ tự ông.

Thống Chế Nguyễn Khắc Tuấn là niềm tự hào của người Cần Đước

* Quản Lịch Nguyễn Trung Trực (1839 -1868)

Nguyễn Trung Trực sanh ra tại Cửu An (Tân An) vào năm Minh Mạng thứ 19 trong một gia đình sống bằng chài lưới,tên cúng cơm là Nguyễn Văn Chơn ,sau này là Nguyễn Văn Lịch (Nên có danh Quản Chơn hay Quản Lịch)


Tượng đài Nguyễn Trung Trực tại Khu đi tích Vàm Nhựt Tảo huyện Tân Trụ – Ảnh Internet

Ngày 10/12/1861 Nguyễn Trung Trực đốt cháy chiến hạm Espérance của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ở tỉnh Tân An

Ngày 16/6/1868 Quản Lịch bất thình lình đem quân tấn công đồn Rạch Giá, chiếm tỉnh lỵ này trong tay Pháp năm ngày.

* Thủ tướng Trần Thiện Khiêm (1925 – 2021) là một nhân vật “có thớ” xuất thân Miền Nam trong bộ máy Việt Nam Cộng Hòa ,là cánh tay phải của ông Nguyễn Văn Thiệu.

* Sầu nữ Út Bạch Lan

* Tiếng hát liêu trai Mỹ Châu

* Khôi nguyên vọng cổ Minh Vương

Long An có đặc sản gì?

gạo Nàng Thơm Chợ Đào, lạp xưởng Cần Đước, khóm Bến Lức, dưa hấu Long Trì, thanh long Châu Long An có rượu đế Gò Đen vang danh xưa nay, có bánh tét nổi tiếng, có bún Xiêm Lo ở Kiến Tường

Bánh tét Long An sao mà có tiếng? Vì nó là nguyên bổn xưa của ông bà, gói bằng dây lát, bánh có màu xanh lá chuối mộc, tức là không có xanh đỏ tím vàng nhìn như bình bông di động như vài tỉnh khác đang làm.

Bánh tét Long An không quá bự, nó cứ roi roi đặng ăn không ngán.

Khi cuộc sống màu mè lên ngôi, bánh tét làm năm màu như tắc kè bông, nhét hột vịt muối,thịt chà bông tùm lum ,dây ni lông,gói bự một đòn chà bá mà bánh tét Long An vẫn “như ngày xưa” thời nó mới là viên ngọc sáng lóa mà người ta thấy thương yêu quý giá vô cùng.

Lạp xưởng Cần Đước ngon nổi tiếng, bạn thử một lần đi sẽ biết cái mùi đặc biệt của nó mà Gò Công,Sóc Trăng làm y vậy nhưng ăn lại có vị khác.

Người Long An nấu canh chua cá lóc nấu bằng me và bông so đũa, còn Tây Ninh nấu lá giang,xuống Đồng Tháp,An Giang có bông điên điển

Bánh canh thì Long An xài sợi bánh trong veo, dẻo như Sài Gòn,nhưng bước qua Gò Công,Mỹ Tho thì sợi bún gạo bự như bún bò

Cháo lòng Long An ngon nổi tiếng cũng vì giữ nguyên bổn với “dồi chiên” xưa rày.Trong khi cháo lòng Sài Gòn đã bị Bắc hóa với dồi luộc đen thui.

Ăn cháo lòng thì Long An bỏ giò chéo quẩy, còn Cần Thơ bỏ rau má, Gò Công bỏ bánh mì,rồi có nơi bỏ bún, có nơi bỏ giá sợi.

Long An là quê hương bánh tráng trộn của các bạn teen. Bạn đi ban đêm trên QL 1 đoạn Long An thấy bán đùm đùm.

– Người dân Long An kiên cường từ thời lưu dân lận, không phải “kiên cường” từ khi được định hướng

Người Long An nào ,già trẻ lớn nhỏ, từ dân tới quan, tới cán bộ lão thành đều thuộc câu ca dao ..chợ đen:

Long An trung dũng kiên cường
Toàn dân đánh giặc mượn xuồng hổng cho
Long An đâu phải cái kho
Ai muốn đánh giặc tự lo sắm xuồng”

Thiệt!

Xưa mỗi nhà có cái xuồng ba lá làm cần câu cơm sông nước,mấy anh chị cứ ghé là mượn rồi không trả,mà một tháng mấy chục đoàn,xuồng nào cho mượn đủ?

Nghe câu này phải tư hào,rất tự hào về tánh thực dụng của dân Long An, chẳng có chi phải quê xệ hay xuyên tạc gì ráo.

Long An với Tân An, Cần Đước, Cần Giuộc. Bến Lức quá có tiếng tăm rồi, chép vài địa danh ở Long An nữa cho mọi người biết.

* Bình Cách

Đó là một xóm nhỏ giữa Định Tường và Tân An xưa (Tiền Giang và Long An nay)

Bình Cách là đại bản doanh của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân trong cuộc kháng Pháp hồi năm 1872 tới 1874

* Tầm Vu

Tầm Vu là tên tiếng Hán Việt, tuy nhiên chưa biết chữ gốc của nó có nghĩa là gì ?
Tầm Vu là tên một cái rạch ở quận Bình Phước xưa (Châu Thành) tỉnh Tân An, sau thành tên chợ.

Chợ Tầm Vu nằm trên đất của làng Dương Xuân, sau là Dương Xuân Hội, sau 1975 Tầm Vu thành thị trấn quận lỵ của quận Châu Thành Long An.

Chiều chiều mượn ngựa đi đua
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Đưa về tới chợ Tầm Vu
Mua một cây dù che nắng che mưa”

Câu ca dao này nhắc ta nhớ tới xứ Tầm Vu là xứ nuôi ngựa nổi tiếng xưa, ngựa Tầm Vu là ngựa đua, ngựa chiến, ngựa nòi, chuyên cung cấp cho Sài Gòn.

Dân Tầm Vu nuôi ngựa và cũng làm nài ngựa.

Còn câu này vui nhứt:

Gái Tầm Vu đồng xu ba đứa
Con trai Thủ Thừa cưỡi ngựa xuống mua”

Hơn trăm năm trước chợ Tầm Vu nhiều lần bị cháy, rồi bị dịch bịnh nên người dân lo sợ ,vậy là họ thỉnh Ông Tiêu lập đàn cầu siêu, cầu an cho bá tánh vào dịp rằm Nguyên Tiêu.

Lâu thành lệ, đó là “Lễ làm chay” của Tầm Vu ngày nay

Tầm Vu có hai nhơn sĩ chống Pháp bổn địa là Đỗ Tường Phong Đỗ Tường Tự

Ông Đỗ Tường Phong bị chém ở Tân An và Đỗ Tường Tự bị xử bắn tại chợ Tầm Vu

* Chợ Núi

Tại Cần Giuộc có chợ Núi, tên chánh thức là chợ Rạch Núi mà dân gian cứ kêu chợ Núi. Nghe thiệt lạ lùng vì giữa đồng bằng,sát bên sông Rạch Cát núi non đâu mà có?Rạch Núi hay chợ Núi xuất xứ từ một cái gò đất tự nhiên có từ ngày xưa, gò đất rộng 1 ha hình núm tròn ,cao chừng 6 mét so với mặt đất xung quanh.

Trên gò có vô số cây cổ thụ lâu năm tươi tốt ,bao quanh gò là một con rạch nhỏ tên Rạch Núi-một nhánh nhỏ bắt từ sông Cần Giuộc (Rạch Cát).
Dân gian gọi gò này là gò Thổ Sơn tức Núi Đất. Rất kỳ lạ, dân ở đây không gọi là Gò Đất mà gọi là Núi Đất.
Phàm giữa vùng sông rạch mà có gò cao thì người xưa hay cất chùa chiền trên đó.Trên đỉnh gò có ngôi chùa cổ tên là “Linh Sơn Tự” tên tục là chùa Núi có từ năm 1867.
Xế bên chùa có ngôi chợ quê gọi là chợ Rạch Núi, gọi tắt là chợ Núi, rồi sau đó nguyên vùng này được mặc định là vùng chợ Núi.

* Long Hựu và Kinh Nước Mặn

Long Hựu ở Cần Đước có nghĩa là bảo hộ cho sự thịnh vượng.

Có một con kinh tên là Kinh Nước Mặn,trên bản đổ tỉnh Long An thì xứ này là cái cù lao doi ra mé sông Vàm Cỏ,điểm cực nam của Long An.

Xưa thiệt xưa, đất xứ nầy là Long Hựu thôn sau đó lên làng, thuộc tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc Cần Đước -Long An.

Năm 1879 thực dân Pháp sai Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương bắt xâu dân vùng Lộc Thành Hạ đào kinh Nước Mặn nối sông Vàm Cỏ với sông Rạch Cát.

Con kinh Nước Mặn dài 1,9km đào xong rút ngắn mà ghe tàu không còn phải chạy qua đoạn đầu vàm Bao Ngược nữa –tiện bề đôi đàng, tuy nhiên lại cắt đất làng Long Hựu ra làm hai thành một cái đảo giữa sông.

Trên xứ nầy có chợ Kinh nằm sát Kinh Nước Mặn một thời nhôn nhịp vì ghe tàu qua lại ghé qua mua đồ tiêu dùng, xứ nầy cũng là xứ đóng ghe tàu nổi tiếng, chiếc ghe mặt đỏ của Cần Đước vang danh đóng ở nơi nầy.

Gánh hát mai về Kinh Nước Mặn
Vẫn tuồng Tam Quốc, ngả Huê Dung
Mỗi lần nhớ tới vai Tào Tháo
Ai biết Quan Hầu nước mắt tuông”

Gần xế chợ Kinh có cái nhà cổ trăm cột nổi tiếng của ông hương sư làng Long Hựu Trần Văn Hoa, cái nhà bề thế dài 42m, ngang 21m gồm 3 gian 6 chái, 32 lớp cửa, 160 cột. Sau này còn 120 cột ,nhà nầy là bối cảnh cho nhiều bộ phim.

Ngay chổ vàm Bao Ngược với sông Soi Rạp Pháp cho xây một pháo đài lớn nhứt Đông Dương mà nay có tên đồn Rạch Cát.

* Vạn Phước

Vạn Phước là một làng xưa trù phú của vùng Chợ Đào tỉnh Gia Định.

CLB Đờn ca tài tử xã Mỹ tưởng xuyên sinh hoạt tại Đình Vạn Phước

Nhắc tới đình Vạn Phước thì chẳng ai biết ở chổ nào. Nhưng nói đình Vạn Phước là nơi thờ tổ sư đờn ca tài tử Nam Kỳ Nguyễn Quang Đại thì người ta sẽ biết đình Vạn Phước đó nằm ở vùng Chợ Đào –xã Mỹ Lệ – Cần Đước.

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại nổi tiếng với ”bộ ngũ châu” và tám bài ngự,
Ông sống rày đây mai đó, lang thang khắp Gia Định, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Cần Đước.

Trong bước đường lưu lạc đó ông sống ở vùng Chợ Trạm Cần Đước một thời gian khá dài, đờn ca hát xướng tài tử và nhận học trò truyền nghề. Những đệ tử chân truyền của ông ba ở Cần Đước rất đông, đờn ca bài bản,đúng bản tổ và rất chắc nhịp.

Người Nam Kỳ cực lắm, khai khẩn đất mới mà, nhưng cực thì cực và rất ham mê hò hát.

Tới đây không hát thì hò
Sao đứng bợ cột, giả đò làm thinh?”

* Chùa cổ Phước Lâm

Phước Lâm tự là ngôi chùa cổ từ 1880 rất sang trọng của đất Cần Đước và Gia Định xưa

Toàn cảnh Chùa Phước Lâm – Ảnh Nguyễn Công Toại

Chùa sang vì giàu,nó thuộc sở hữu của gia tộc nhà đại điền chủ làng Tân Lân là ông Bùi Văn Minh

Kiến trúc ngày nay của chùa là kiến trúc những năm 1920 ở Nam Kỳ,nó lai Pháp

Một dãy nhà ngói xưa có những hàng cột tròn đen bóng cất kiểu bánh ít, chánh điện nối với nhà tổ, nhà tăng là những mái chồng mái kiểu sắp đọi có máng xối.

Nền chùa đúc đá xanh Biên Hoà rất cao, có tam cấp bước lên.

Chùa có tường, trên cửa và cột có nhiều hoa văn trang trí kiểu thuộc địa Pháp.

Là chùa cổ và có tính gia tộc nên Phước Lâm rất yên tĩnh, chùa chỉ có hai sư một già một trẻ, tiếng kinh kê khoai thai dè dặt rất đời thường.

Đây là ngôi chùa cổ rất có giá trị của đất Cần Đước.

* Chùa Tôn Thạnh

Ngôi chùa của làng Thanh Ba đất Cần Giuộc đã xuất hiện trong một bài văn tế của Đồ Chiểu.

Chùa Tôn Thạnh – Ảnh Thanh Minh

Ôi thôi thôi!
Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm
Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”

Tôn Thạnh là ngôi chùa cổ mái ngói vách ván đậm màu mộc của cây, không sơn phết màu mè

Thanh Ba là quê vợ Đồ Chiểu, bà Lê Thị Điền là người đàn bà Thanh Ba tảo tần, vun vén nổi tiếng trong lịch sử Miền Nam.

– Long An có lợi thế gần Sài Gòn, song du lịch không phát triển cũng vì gần sát Sài Gòn.

Tân An ngày nay là thành phố loại hai tỉnh lỵ của tỉnh Long An.Tân An đang được vun vén cho khang trang và hiện đại hơn ,nhìn ra dáng thành phố lớn và đẹp

Vì quá sát Sài Gòn nên Tân An từng có đô thị tỉnh lỵ không phát triển, chợ búa quán xá cũng thưa thớt,không sung túc.

Có một thời gian đi ngang Tân An, ngồi trên xe đò lục tỉnh nhìn ra thấy Tân An như một thị trấn buồn ngủ, hiu hắt ở vùng khỉ ho cò gáy đâu đó.

Trong cuốn” Tân An xưa –Đào Văn Hội “ chép rằng:

”Châu thành Tân An là một trong các châu thành chậm tiến nhứt về vấn đề đèn nước”

Nguyên nhân là do nằm sát Sài Gòn –Chợ Lớn nên hầu như không phát triển thương mãi được.

* Làng Bình Lập
Ít ai biết rằng làng Bình Lập tức tỉnh lỵ Tân An là quê của ông huyện Lê Phát Đạt tức Huyện Sĩ, người giàu nhứt Nam Kỳ thời Pháp.

Các con của ông Huyện Sĩ như Lê Thị Bình, Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân đều sanh ra ở làng Bình Lập –Tân An. Bà Lê Thị Bình là mẹ của Nam Phương hoàng hậu mang tên Bình là làng Bình Lập mà ra.

Tân An –làng Bình Lập cũng là nơi người sáng lập đạo Cao Đài, ông phủ Ngô Văn Chiêu sống lâu và gắn bó như quê nhà. Ngày 18 tháng 4 năm 1932, khi thấy yếu trong người và muốn mất ở quê nhà làng Bình Lập Tân An nên ông cùng người con gái và một số môn đệ gấp rút đi xe từ Cần Thơ về nhà ở Tân An. Khi xe qua bắc Mỹ Thuận và đang giữa dòng sông thì ông qua đời vào 3 giờ chiều.

Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài Tây Ninh cũng sanh ra ở làng Bình Lập.

Có thể nói Long An là cái nôi của Cao Đài

Quận Cần Giuộc là cái nôi của Cao Đài Bến Tre do ông Nguyễn Ngọc Tương từng ngồi chủ quận nơi này khá lâu.

Ngày nay tỉnh Long An tuy không có thánh thất nào là thánh địa, trụ sở trung ương của các chi phái Cao Đài, tuy nhiên Long An là tỉnh có số thánh thất Cao Đài nhiều nhứt nước.

Cao Đài Đàn Chiếu Minh – Ảnh Thanh Minh

Và ngày nay, thành phố Tân An đã được tôn tạo, xây dựng,chấn chỉnh đô thị rất hiện đại nhưng vẫn là thành phố rất an bình, yên ả không quá sôi động trong mắt du khách vì không có du khách nào muốn ghé dù chỉ là một đêm.

Khách sạn ở Long An không phát triển vì người ta ù về Sài Gòn cho tiện cho dù Sài Gòn có cái gì thì Long An có cái đó, người Long An chi xài bạo không thua dân Sài Gòn.

Người Long An luôn tự hào về tỉnh của mình. Long An rất có thớ trong dòng lịch sử, văn hóa, con người và kinh tế Miền Nam.

Nguyễn Gia Việt

Bài trướcCa ngợi đất và người Long An (1)
Bài tiếp theoLịch sử sông Vàm Cỏ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây