Ca ngợi đất và người Long An (1)

0
770

NGUYỄN GIA VIỆT

Tỉnh Long An nằm sát nách xứ Sài Gòn Gia Định, dân Nam Kỳ lục tỉnh nào cũng phải bước qua Long An vì mọi con đường ,thủy lộ lớn nhỏ nào dẫn về Miền Tây đều phải đi qua tỉnh nầy.

⁃ Quốc Lộ 4 (QL1) là con lộ độc đạo dẫn từ Sài Gòn về Miền Tây phải đi qua Long An.

⁃ Tàu bè đi từ Miền Tây về SG qua kinh Chợ Gạo phải đi qua sông Vàm Cỏ, kinh Nước Mặn quày vô sông Rạch Cát về Sài Gòn.

Long An là một tỉnh châu thổ sông nước hữu tình nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có nước màu xanh ngọc bích “biêng biếc” khi thủy triều lên và vàng đục khi thủy triều xuống.


Thành phố Tân An về đêm – Ảnh Internet

Những ngày trăng tròn tháng Giêng du khách đi đò trên sông Vàm Cỏ đẹp không thua gì chốn bồng lai.

Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm
Mái chèo khua nhẹ tựa sóng vỗ lòng ta
Mê say em hát mắt sáng long lanh
Mà cả dòng sông là hương lúa ngọt lành”

Hai con sông ở sát Sài Gòn đã tạo ra một đồng bằng nhỏ và vùng văn hóa riêng biệt của Long An.

Vàm Cỏ đứng hiên ngang với Đồng Nai và Cửu Long, tạo ra một tiểu đồng bằng lúa gạo thơm tho nổi tiếng của Long An không hề lẫn lộn, Pháp viết là Vaico oriental (Vàm Cỏ Đông) và Vaico occidental (Vàm Cỏ Tây)

Anh ở đầu sông em cuối sông
Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông”

Sông Vàm Cỏ Tây từ Đồng Tháp Mười rợp hương tràm (chảy qua cầu Tân An) và Vàm Cỏ Đông từ Tây Ninh chảy xuống (cầu Bến Lức) gặp nhau tại một ngã ba hòa thành Vàm Cỏ là ranh giới giữa Cần Đước và Tân Trụ kêu là ngã ba Bần Qùy.

Từ ngã ba Bần Quỳ kéo dài ra sông Soi Rạp thuộc địa phận Cần Đước là con sông Vàm Cỏ, nhiều người gọi là sông Bao Ngược, Pháp kêu là Grand Vaico lớn khủng khiếp nổi tiếng với dòng bao ngược.

Kinh nước mặn – Ảnh Thanh Minh

Tại khúc sông Bần Quỳ, một địa danh rất lạ, nhưng nếu bạn có đi đò qua chổ này bạn sẽ hiểu vì ven bờ sông ở đây có những lùm, bụi bần hoang có cái tư thế chồm và quỳ hẳn ra sông.

Bần de bần ngã bần quỳ
Sống mà chịu cảnh chia ly thêm buồn”

Phải kể tới hai cây cầu trên hai con sông này

Thiết lộ xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho xây năm 1881

Ngày 20/7/1885 chuyến xe lửa đầu tiên rời ga Bến Thành Sài Gòn hụ còi ầm ầm, khạc lửa tiến về Mỹ Tho. Tuy nhiên, xe lửa thúc thủ ở Tân An vì 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Tây. Tới bờ sông, xe lửa ngừng lại, tách toa ra lên bắc qua sông.

Tháng 5/1886, Pháp đặt hãng Eiffel bắt 2 cây cầu sắt Bến Lức và Tân An qua sông Waico oriental-Vàm Cỏ Đông, Waico occidental-Vàm Cỏ Tây đã xong, vậy là xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho chạy thẳng

Cầu sắt Tân An có cái dốc rất cao, đầu máy xe lửa bằng hơi nước yếu như bà đẻ, thành ra có khi tuột, trổ ngược lại phía sau, bắt trớn thụt lùi cả trăm thước, sau đó lấy trớn hì hụi ba bốn lần mới leo qua cầu nổi.

Từ Sài Gòn đi Mỹ Tho có 72 km mà xe lửa chạy mất 3 tiếng đồng hồ.

Xe lửa chạy tới Tân An
Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào”

Sông Vàm Cỏ ở khúc Cần Đước, Gò Công tạo ra đồng bằng hai bên sông, sản vật gồm cá tôm rất nhiều, nổi tiếng là cá chìa vôi, cá úc, cá phèn, cá lù đù, gạo nàng thơm Chợ Đào.

Tân An là đất của xứ Vũng Gù xưa, tiếng Khmer gọi là Kompong Kou tức là bến sông có nhiều bò.

⁃ Từ Vũng Gù qua tới Tân An

Ðịa danh Tân An xuất hiện từ năm 1779 khi chúa Nguyễn Phước Ánh chiếm lại thành Gia Ðịnh từ tay Tây Sơn

Tổng Tân An rồi phủ Tân An

. 新 Tân là mới
. 安 An là yên ổn

Tân An là vùng đất mới bình an sát nách Gia Định thành

Từ năm 1899-1900 người Pháp lập tỉnh Tân An và tỉnh Chợ Lớn sau khi cắt 4 quận của Tân An ra.

Ngày 22/10/1956 Tổng thống Ngô Ðình Diệm ký sắc lệnh 143/NV đổi tên tỉnh Tân An thành Long An sau khi xóa tỉnh Chợ Lớn, cắt 4 quận của tỉnh nầy về Long An.

Phần đất Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức là tỉnh Chợ Lớn.

TP Chợ Lớn lúc đó cách Sài Gòn 11 km, TP Chợ Lớn riêng nằm trong tỉnh Chợ Lớn và cũng là tỉnh lỵ Chợ Lớn.

Trước đó, nhà Nguyễn đã lập phủ Tân An, tỉnh Gia Định là đất tỉnh Long An ngày nay.

Thành ra:

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”


Mô hình ghe Cần Đước – Ảnh Thanh Minh

Lại có câu:

Ghe ai mũi đỏ, xanh lườn
Phải ghe Gia Ðịnh xuống vườn thăm em?”

Là bài thơ ca ngợi ghe Cần Đước. Ghe Cần Đước của Gia Định nhìn không lẫn vào đâu được bởi nét đặc trưng có mũi sơn màu đỏ tươi, lườn sơn màu xanh, mắt vẽ hai bên đầu mũi tròn xoe, tròng đen bự gần hết mắt.

Cánh đồng lúa Nàng thơm Chợ Đào – Ảnh Thanh Minh

Ca dao Nam Kỳ lại có câu:

Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai
Ai về xin nhớ cho ai theo cùng”

Sắc lịnh số 143 – NV ngày 22. 10. 1956 của TT Ngô Đình Diệm lập tỉnh Long An bằng đất tỉnh Tân An và một nửa tỉnh Chợ Lớn.

Trong “Tân An xưa” ông Đào Văn Hội hờn oán ông Diệm vụ bất chợt moi đâu ra chữ Long An:

“ Tân An đã có trong bản đồ Nam Kỳ gần ba trăm năm nay, thì dầu ai có oai lực kinh thiên động địa làm sao cũng không thể một sớm một chiều làm cho Tân An đương nhiên mất tích”

Từ phủ Tân An, tỉnh Tân An, tỉnh Chợ Lớn ra tỉnh Long An

Long An là gì?

• 隆 Long: đầy đủ, hưng thạnh, thạnh vượng
• 安 An: yên ổn, an toàn

“Thạnh vượng và an ổn”

Tỉnh Long An không thuộc châu thổ Cửu Long, không thuộc sông Đồng Nai, nó là đồng bằng sông Vàm Cỏ riêng.

Nhưng Vàm Cỏ trổ qua Soi Rạp hòa chung sông Sài Gòn, Đồng Nai, về phong thủy thì Long An bà con với Miền Đông đậm đà hơn Miền Tây.

Dân Long An nói chung gần Sài Gòn nên hiện đại, rất thẳng thắn, thẳng băng, muốn là làm không ai cản nổi.

Tánh tốt của người Long An là rất open, chuộng cái mới.

Nguyễn Gia Việt

 

Bài trướcTÂN CHÁNH Vùng quê lưu giữ nhiều giá trị văn hoá lịch sử lâu đời huyện Cần Đước
Bài tiếp theoCa ngợi đất và người Long An (2)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây