Mắm Còng – Câu chuyện của tôi!

1
1093

KIM DUNG

Hủ mắm còng là câu chuyện hôm nay, không phải chuyện ngày xưa nhé.

Chuyện về một gia đình được xếp vào loại bần nông của Ấp 4 Cầu Hòa, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Một người phụ nữ ngoài công việc đồng áng hằng ngày, hằng tối đến phải soi đèn đi bắt còng. Còng rang muối cho các con ăn cơm, còng làm mắm để chờ có dịp gởi vào chiến khu cho chồng và cho đứa con trai lớn theo cha khi chỉ mới mười ba tuổi.

Chính những hủ mắm còng từ quê nhà và mặn mòi tình thương của mẹ đã trở thành món ăn hàng ngày để nuôi sống anh và đồng đội trong chiến tranh và cũng là món ăn tinh thần đã đi vào ký ức của anh.

30/04/1975, ngày Việt Nam thống nhất anh trở về Sài Gòn. Anh Bộ đội mặt còn rất trẻ bởi anh chỉ vừa tròn 20 tuổi. Vai mang balo đầu đội nón tai bèo, anh đã mất ba ngày đi tìm nhà của dì để hỏi thăm tin tức của mẹ và gia đình ở quê nhà. Công việc tiếp quản đơn vị mới và ổn định nhiệm vụ mới tới nửa tháng sau anh mới theo dì về thăm nhà.

Sự vui mừng đoàn tụ của anh và gia đình rồi bà con lối xóm sau nhiều năm không gặp là không thể diễn tả được. Vậy mà bữa cơm đầu tiên với gia đình với gà, với vịt nhưng anh cũng hỏi. “Má nhà còn mắm còng hôn má”. Đó là lời kể lại của bà dì mà sau này tôi được nghe.

Bữa ăn đó và tiếp mấy ngày hôm sau là không có mắm. Anh hết phép phải trở lại Sài Gòn để tiếp tục nhiệm vụ mới. Một tuần sau anh nhận được hủ mắm còng của má anh gởi lên. Bà vì thương con biết sở thích của con nên bà đã đi đến nhà từng người để xin được hủ mắm còng gởi cho anh.

Tôi gặp và biết anh năm 1980, chúng tôi là một nhóm bạn thân nhau qua công tác đoàn, tôi không nhớ rõ lắm nhưng có vẻ như thời điểm đó mắm còng ở Bến Tre cũng không có nhiều, nên lâu lâu anh mới nhận được một hai hủ dưới quê nhà gửi lên.

Thời điểm này tôi cũng đi làm ở Hợp tác xã tiêu thụ phường. Thực phẩm lúc bấy giờ trong thời kỳ gọi là “phân phối nhu yếu phẩm”. Có khan hiếm nhưng cũng không đến mức độ thiếu hụt và tôi nghĩ các đơn vị bộ đội, công an vẫn có chính sách hỗ trợ đầy đủ về nguồn thực phẩm. Nhưng không hiểu vì sao anh cứ vẫn xin má anh món mắm còng này. Biết thế thôi chứ nào đâu tôi dám hỏi. “Tại sao ?”.

Một lần chúng tôi được anh rủ về quê chơi là nhà có đám giỗ. Trong không khí thân tình của quê nhà với vườn cây, mương rạch bao quanh, thêm tình cảm người nhà quê chất phác, thật thà, chúng tôi người Sài Gòn được chào đón nồng hậu. Thức ăn bày la liệt với trên dưới chục món ăn dân dã, cả nhà cả xóm vui như trẩy hội.

Giờ ăn bắt đầu, anh vui cười nâng ly mời mọi người rồi nhìn thức ăn, anh vô tư nói với má anh rằng: “Má ơi, nữa con có chết má đừng có nấu nhiều món như vầy cực lắm. Má chỉ cần nấu nồi cơm rồi lấy một chén mắm còng cúng cho con là đủ rồi”.Tôi ngồi cạnh anh lúc này và câu nói đó nhập tâm tôi đến tận bây giờ.

Thời gian cứ thế trôi qua, chúng tôi yêu nhau và cưới nhau. Hạnh phúc chưa được bao ngày anh đã mất đi vì bệnh tật bởi hậu quả của chiến tranh.

12/05/2022 vừa rồi cũng là ngày 12/04 âm lịch là ngày giỗ lần thứ ba mươi hai của anh.

Điều gì đã xảy ra! Không thể tin nổi là trong ngày này tôi đã nhận được hủ “mắm còng” do chính người địa phương của xứ sở làm ra loại mắm này. Đây cũng chính là một trong những đặc sản của vùng miền Cần Đước – Long An đã tặng cho đoàn Cựu sinh viên của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Lớp KT 1-1 về họp mặt và kết hợp tham quan. Tôi và một người bạn vinh dự được đoàn mời tham gia chuyến đi này.

Tâm trạng tôi lúc này không biết phải nói sao. Vừa vui, vừa bất ngờ, vừa bồi hồi và lâng lâng niềm cảm giác thích vì “mình đã có mắm còng cúng cho ông Trung nhà mình rồi”. Chuyện này là câu chuyện của tôi, tôi không thể nói với ai hết. Nhưng rồi không kìm chế được tôi đã quay sang kể hết cho cô bạn ngồi cạnh bên tôi và nói rằng ngày mai về mình sẽ cúng thêm lần nữa.

Hai chị em trên đường về cứ ngồi tiếc cho chuyến đi và muốn thời gian kéo dài thêm tí nữa. Nhưng có được hủ “mắm còng” rồi tôi chỉ mong trở về nhà.

Trưa ngày hôm sau, một chén cơm và một chén mắm còng được đặt trên bàn thờ anh ấy. Đốt cây nhang và cảm nhận lòng mình thanh thản đến lạ thường.

Tôi nhớ rõ lời anh Trần Việt Hùng dặn trên xe lúc quay lại Sài Gòn là mắm còng đừng sử dụng chanh hòa vào mà hãy dùng giấm mới ngon. Thế là tôi đã làm y như lời anh dặn.

Úi trời đất! Công nhận là ngon thiệt, tôi đã không ăn mắm còng với cơm mà là ăn với bún thịt luộc và rau sống. Thật là ngon, ngon đến tuyệt vời.

Thế đấy! Câu chuyện này là của riêng tôi của một gia đình có hai người, ấy vậy mà ba mươi hai năm trước chỉ có một người thích ăn và ba mươi hai năm sau thì người còn lại mới khám phá là mắm còng ngon rồi cũng thích luôn.

Qua hũ “mắm còng” này tôi cảm nghĩ rằng. Thịt có hương vị riêng của từng loại thịt, cá có dinh dưỡng riêng của từng loại cá, gạo có vị ngọt và mùi hương riêng của từng loại gạo, bánh kẹo có riêng mùi vị của từng loại bánh kẹo. Quan trọng là chúng ta hãy trải nghiệm để đồng điệu với trái tim và cảm xúc ở mỗi thứ đặc sản của từng vùng miền mà chúng ta đã đặt chân đến.

 

12.05.2022

Kim Dung

Bài trướcChiếc áo mới!
Bài tiếp theoThương thay hai mùa mưa nắng!

1 BÌNH LUẬN

  1. Câu chuyện dung dị nhưng thấm đẫm tình người, tình quê! Cảm ơn chị đã chia sẻ một bài viết hay!

Trả lời Uy Danh Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây