Mùa Xuân thăm đình Vạn Phước, Chợ Đào…

0
756

Th.S NGUYỄN VĂN ĐÔNG


Đình Vạn Phước ở xứ Chợ Đào có gạo Nàng Thơm nổi tiếng. Đúng ra là chợ Rạch Đào vì chợ nằm ngay cạnh Rạch Đào, nối với kinh Xóm Bồ ra sông Vàm Cỏ, lâu dần người ta nói gọn lại là Chợ Đào, hiện vẫn còn cầu Rạch Đào ở đây…

Kinh Xóm Bồ có lẽ được đào từ thời Gia Long năm 1819 cùng một lượt với sông Bảo Định, kinh Tàu Hủ và kinh Ruột Ngựa để thông thương đường thủy từ Sông Tiền qua sông Vàm Cỏ, sông Rạch Cát về Sài Gòn ngang qua địa bàn Cần Đước…

Vạn Phước là một địa danh có từ lâu đời ở xã Mỹ Lệ, ngoài Đình Vạn Phước còn có nhà thờ Vạn Phước cạnh gần bên, là một nhà thờ công giáo có lịch sử rất xưa…

Đình Vạn Phước được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2021. Ngoài là một ngôi đình làng thờ Thành Hoàng bổn cảnh, nơi đây còn thờ ông Bùi Quang Diệu và ông Nguyễn Quang Đại.

– Ông Bùi Quang Diệu còn gọi là Quản Là, người xứ Chợ Đào, Mỹ Lệ, là vị tướng chỉ huy đánh quân xâm lược Pháp tại trận Cần Giuộc nổi tiếng đêm Rằm tháng 11 (16/12/1861), (chỉ 6 ngày sau trận đánh chìm tàu Esperance (10/12/1861) do Nguyễn Trung Trực chỉ huy).

Từ hào khí của trận đánh oai hùng nầy mà nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên bài điếu văn truy điệu các nghĩa sỹ đã hy sinh và đã trở thành một áng văn bất hủ: Văn tế nghĩa sỹ chết trận Cần Giuộc…

– Ông Nguyễn Quang Đại người xứ Quảng Bình, hoạt động âm nhạc trong cung đình Huế. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm kinh thành Huế 1885, vua Hàm Nghi ra hịch Cần Vương…thì ông Nguyễn Quang Đại lưu lạc vào Nam, ở Sài Gòn rồi về Cần Đước truyền bá âm nhạc, đào tạo được những nhạc sỹ tài danh và góp phần hình thành nên nền âm nhạc tài tử Nam Bộ, được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể thế giới và được xem là hậu tổ của nền âm nhạc nầy.

Là người tài danh nhưng nhạc sư Nguyễn Quang Đại chết trong nghèo khó, một chiếc xe thổ mộ đưa quan tài vào nghĩa địa Bình Đông và chịu cảnh mồ xiêu mả lạc. May sao người ta tìm được trong cuốn sổ chép nhạc của một người học trò của ông có ghi ngày ông mất là 19/1 âl, không biết năm nào.

Từ đó Bài vị ông được lập và đưa vào thờ ở Nhà văn hoá Q8, TP.HCM, hàng năm đều tổ chức giỗ. Sau đó đến năm 1996 thì Bài vị được rước về thờ ở đình Vạn Phước và giỗ đến nay đã được 26 năm, và ông đã được chính thức vinh danh xứng với công lao to lớn đối với văn hoá dân tộc.

Đây cũng là niềm vinh dự của huyện Cần Đước, huyện văn hoá điễn hình của tỉnh Long An.

Th.S Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNghệ nhân TRƯƠNG VĂN TỰ (BA TU)
Bài tiếp theoCần Đước quê hương tôi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây