Năm dần nói chuyện cọp: Phụ nữ Cần Đước đấu với cọp!

0
732

 

NGUYỄN VĂN THIỆN

Xuân Nhâm Dần sắp đến, NGƯỜI CẦN ĐƯỚC Online giới thiệu hai người phụ nữ Cần Đước võ nghệ cao cường, lừng lẫy một thời đã từng đứng lên chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa chống Pháp. Với sức mạnh phi thường hai bà đã từng hợp sức với nhau dùng côn đánh chết con cọp. Đó là hai chị em Nguyễn Thị Hớn và Nguyễn Thị Hở người dân Phước Tuy, Cần Đước. Đây là bài viết của Anh Nguyễn Văn Thiện quê Tân Trạch, hiện nay anh là Phó giám đốc Bảo tàng Long An.

Từ lâu, đất Cần Đước đã nổi danh ở Lục tỉnh Nam Kỳ qua câu tục ngữ:”Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai” với sự phong phú, dồi dào về lúa gạo, nhất là gạo Nàng Thơm Chợ Đào- một đặc sản được dùng để tiến vua dưới triều Nguyễn. Không những thế, trong một lần đua tài đờn ca tài tử tại Bến Tre vào đầu thế kỷ XX, ông Cai Tổng Đinh Văn Dõng (người Chợ Lách) phải buột miệng khen:” Cần Đước võ vô  địch, đờn xuất chúng”. Thật vậy, đất Cần Đước đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ đàn ca tài tử nổi tiếng và những nhân vật võ nghệ cao cường, lừng lẫy một thời. Trong số đó, có những bậc anh thư như Bà Hớn, Bà Hở mà đến tận bây giờ nhiều người còn nhắc nhở.

Theo lời kể của nhiều cụ già ở xã Phước Tuy và Phước Đông, hai bà có tên là Nguyễn Thị Hớn và Nguyễn Thị Hở, con thứ năm và thứ sáu của ông Thống Sô (Nguyễn Thuyết Xã), người thôn Phước Tuy, tổng Lộc Thành Hạ, huyện Phước Lộc. Hai bà sinh khoảng năm 1855-1857 và lớn lên trong hoàn cảnh thực dân Pháp đang xâm lược Lục Tỉnh Nam Kỳ. Cha của hai bà – vốn là người nổi tiếng về sức khỏe và võ nghệ, đã từng đứng lên chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa chống Pháp ở tổng Lộc Thành Hạ-được Trương Định phong chức Thống Lãnh Binh. Kế thừa truyền thống của gia đình, ở tuổi thiếu niên, bà Hớn và bà Hở đã có sức khỏe hơn người đặc biệt là rất giỏi võ nghệ, nhất là đường roi (côn). Vùng Hạ Cần Đước thưở ấy vẩn còn rừng rậm và thú dữ, giao thông đường bộ chưa phát triển như bây giờ, việc đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng trên hệ thống sông rạch chằng chịt. Tương truyền, mỗi khi gặp những con rạch nhỏ, hai bà chỉ cần chống ngọn côn xuống đất là có thể nhảy qua dễ dàng. Có lần, một đôi cọp dữ đã xuất hiện tại Phước Tuy, làm hại một số người và gia súc. Với tài võ nghệ của mình, hai chị em bà Năm Hớn và Sáu Hở đã hợp sức nhau dùng côn đánh chết con cọp cái và đánh bị thương con còn lại. Lớn lên, hai bà đã theo cha đánh Tây, ban đầu chỉ lo việc cơm nước, về sau trực tiếp chiến đấu cùng nghĩa quân.

Sau khi Tổng Lãnh Binh Nguyễn Văn Tiến bị Pháp bắt và xử chém tại Chợ Trạm (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) vào năm 1883, phong trào vũ trang kháng Pháp ở Cần Đước bước vào giai đoạn thoái trào. Ông Thống Sô vì sức yếu, tuổi già, bị giặc Pháp bao vây phải tự tử ở Phước Tuy. Bà Hớn và bà Hở nối chí cha lãnh đạo một nhóm nghĩa quân tiếp trực chống Pháp. Tuy nhiên, vì chiến đấu đơn độc, thiếu vũ khí, lương thực, nên hoạt động của nhóm nghĩa quân do hai bà lãnh đạo dần dần đi vào bế tắc và biến tướng trở thành một nhóm cướp chuyên cướp của nhà giàu và các ghe buôn lớn chia cho dân nghèo.

Có lần, toán cướp của hai bà định cướp một ghe bầu lớn đang chở đầy hàng hóa. Từ trên bờ, bà Năm Hớn phi thân xuống ghe nhẹ nhàng như chiếc lá rơi. Lúc bấy giờ, người chủ ghe đang ăn cơm, tiện tay bưng chiếc mâm gỗ lên đỡ, buộc bà phải đạp vào mâm gỗ lấy đà để nhảy trở lên bờ. Sau màn giáo đầu ấy, hai bên đều rõ tài nhau nên hai bà chào người chủ ghe rồi dẫn bộ hạ đi nơi khác.Về sau, bà sáu Hở bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù, đày đi Côn Đảo. Bà Năm Hớn sau khi giải tán đám cướp thì phiêu bạt khắp nơi, thỉnh thoảng có người nhìn thấy bà về quê thăm mộ cha, về sau thì không ai rõ tung tích. Riêng bà sáu Hở mãi đến năm 72 tuổi mới được thực dân Pháp thả về. Tuy sống lâu năm dưới chế độ lao tù, nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh và đầy hào khí như xưa. Một lần, bà đi chợ Rạch Kiến, bọn lính trong đồn biết tiếng bà mới thách thức, hỏi đùa rằng bà còn đủ sức nhảy qua hàng rào đồn không. Bà chỉ cười không nói và mượn một cây sào dài chống xuống đất làm điểm tựa, tung người bay qua mái đồn giữa sự ngạc nhiên và thán phục của mọi người.

Tuy bà Năm Hớn và Sáu Hở qua đời đã lâu, nhưng nhân dân vùng Cần Đước, Thuận Mỹ (Châu Thành), Nhựt Ninh (Tân Trụ) vẫn còn nhắc nhở về hai bà với sự khâm phục về tinh thần thượng võ và lòng yêu nước của người phụ nữ Long An trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc.


Nguyễn Văn Thiện

 

Bài trướcVề quê tảo mộ
Bài tiếp theoBữa cơm chiều 29 Tết!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây