BS LÊ VĂN HẬU
Thời gian thắm thoát thoi đưa. Mỗi năm, cứ đến những ngày đầu năm âm lịch thì nhà nhà lại đón tết. Gia đình dòng họ tôi cũng không ngoại lệ. Những ngày tết là những ngày “gia đình đoàn tụ”, dù ai bận bịu thế nào cũng phải thu xếp để nghỉ ngơi.
Gói bánh tét ngày Tết – Ảnh minh họa (Internet)
Không biết tự bao giờ, dòng họ tôi ở xã Tân Trạch, có một “tập quán” là đi thăm gia đình dòng họ vào những ngày đầu năm mới. Nhớ thời tôi còn nhỏ, tôi sống với mẹ tôi ở Sài Gòn, nhưng mỗi lần đến ngày tết là trong lòng tôi náo nức – không phải vì được mua sắm áo quần mới … – mà là được về quê thăm Ngoại. Mẹ tôi cũng bận rộn, sắm sửa một ít đồ dùng để đem về cho Ngoại.
Thời chiến tranh, Bà Ngoại tôi sống với người dì ở Rạch Kiến. Mỗi lần tết đến, tôi được mẹ dẫn về thăm Ngoại. Gặp được Ngoại, lúc đó Ngoại đã già, không đi lại được, nhưng Ngoại rất mừng rỡ khi được gặp cháu. Chỉ được cái ôm hôn của Ngoại mà lòng tôi vô cùng ấm áp. Bên cạnh đó, với khu vườn rộng của nhà dì và những đứa cháu cùng lứa tuổi, tôi đã thỏa sức “tung tăng” với những trò chơi tuổi thơ.
Hòa bình lập lại, bà con dòng họ tôi cũng trở về quê “hồi hương” thì những ngày tết càng vui hơn. Mỗi năm, vào ngày mồng một tết, anh chị em trong dòng họ tụ họp thành một nhóm, đi thăm lần lượt từ nhà này đến nhà kia. Đến mỗi nhà, chúng tôi đều được hưởng những không khí vui tươi, đầm ấm bên những chung rượu, chén trà, bánh mứt đầu xuân … Những câu chuyện được “rôm rả” kể ra giữa anh em họ hàng, chuyện làm ăn, chuyện gia đình, chuyện đạo đức xã hội … Con cháu được một dịp “trải nghiệm” những “kỹ năng sống” từ những “cuộc đời thực” của chú bác của mình bên cạnh những câu chúc tết thật ý nghĩa.
Đây cũng là một dịp để bà con dòng họ có dịp gặp gỡ nhau sau một năm xa cách. Do mỗi người có hoàn cảnh và công việc riêng nên hiếm có dịp để gặp mặt đông đủ. Vì thế, truyền thống gia đình xưa nay là ngày tết phải có mặt ở nhà để đón tiếp anh em bà con đến thăm viếng. Mặt khác, nhà nào có thờ ông bà, cha mẹ thì còn một “nhiệm vụ” nữa là cúng cơm đầy đủ trong những ngày tết – ngày ba mươi tết, “rước Ông Bà” đến ngày mồng ba tết là “kiếu Ông Bà”.
Ngày tháng trôi qua, ông bà, cha mẹ, cô bác cậu dì … tôi lần lượt qua đời. Bây giờ đến lượt anh em bà con cùng trang lứa, có người còn sống, có người cũng đã lần lượt ra đi … Không khí tết những năm gần đây không còn vui như trước nữa! Nhóm anh em bà con đi chúc tết đã vắng đi nhiều người, con cháu thì đi làm ăn xa, có vợ, có chồng ở xa và có cuộc sống riêng cũng không “nối gót” được tục lệ của cha ông trong dòng họ.
kết quả của truyền thống gia đình – thay cho lời cám ơn đến tổ tiên
Ngày nay, trong môi trường kinh tế năng động, “văn hóa phương Tây” tràn về, nhiều người có những quan điểm khác nhau – “tết là dịp đi chơi, đi du lịch”, tuổi trẻ thì “giao lưu bạn bè” … Lớp con cháu ngày nay cũng có nhiều ảnh hưởng theo trào lưu xã hội. Văn hóa “truyền thống” có phần phai nhạt. Riêng tôi vẫn cảm nhận cái đẹp trong văn hóa truyền thống của gia đình dòng họ. Mặc dù có thể có những quan niệm cho rằng nó “xưa”, nhưng nó cũng là một nét giáo dục con cháu không quên nguồn cội tổ tiên ông bà cha mẹ, giúp cho con cháu học hỏi được những cái hay, cái đẹp, đạo đức tốt đẹp của cha ông mà noi theo.
BS Lê Văn Hậu