ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG
(Trích hồi ký Chuyện Ngày Xưa)
Đóng đáy tuy cực nhưng cũng có cái vui. Giữa trời nước mênh mông, trăng thanh gió mát. Đêm đêm ghe về bến, vừa chèo ghe vừa hát vọng cổ tình tang, tôm cá đầy khoang. Các ghe đáy tụ lại, đám nhỏ thì nổi lửa nấu cơm, còn mấy người lớn ngồi uống trà với đường tán nói chuyện rôm rả. Quên nổi nhọc vui nghề hạ bạc!.
Đi đóng đáy thỉnh thoảng được ăn món chè hột vịt. Vốn là gần đáy có cái chòi nuôi vịt đẻ của ông Năm, do hai người con trai của ông trông coi. Mỗi ngày vịt đẻ rất nhiều trứng. Ban đêm ghe đáy ghé chơi và mua theo đường tán để hùn nấu chè hột vịt. Thường thì chỉ lấy những trứng vịt bị bể. Nấu loại chè nầy thì nước đường phải nấu thật ngọt và hơi đặc, có bỏ thêm mấy lát gừng. Khi nước đường thật sôi thì đập hột vịt bỏ vào. Tròng trắng nhanh chóng bao tròng đỏ lại, vậy là có thể ăn được. Có khi người ta luộc hột vịt trước rồi mới bỏ vào. Loại chè nầy ăn khá ngon, ăn khoảng hai trứng thì đủ ngán rồi và thật là bổ dưỡng. Một trong hai người con trai nầy của ông Năm sau đó cũng thoát ly vào bộ đội và cũng hy sinh.
Thời đó đóng đáy có cá tôm nhiều lắm vì môi trường còn tự nhiên và ruộng cũng chưa bị xịt thuốc trừ sâu nên tôm cá có điều kiện sinh sống và sinh sản nhiều. Nhất là tôm, có tôm đất và tôm bạc. Tôm đất thì sống rất khỏe. Còn tôm bạc đem lên khỏi nước là chết. Trên ghe đáy có rất nhiều loại rổ để đựng tôm cá, có cái rổ xảo là loại lớn nhất. Tới mùa nước rông thì đổ đụt tôm đựng cả rổ xảo. Tới mùa cá kèo chạy thì ôi thôi đổ lên muốn chìm ghe. Con nào con nấy mập ú. Bán không hết phải trãi đệm phơi khô. Còn tôm thì mấy bữa đóng con nước ngày về trễ bán không kịp cũng đem làm mắm tôm. Loại nầy thì rất quí, thường được đem làm quà.
Cái xóm phía trước miệng đáy ông Út Son có nhà ông Ba Giò chuyên nuôi vịt đẻ. Một buổi chiều tối, nước vừa ròng và đáy đã cày xong thì con ông Ba lùa bầy vịt qua sông để về nhà nhốt. Nhưng do nước đã chảy hơi mạnh, mà bầy vịt lại được lùa sát trước đáy quá, nên cả bầy đã bị nước cuốn hết vô miệng đáy đang đóng. Miệng đáy đang chìm dưới sông gặp bầy vịt chun vô bỗng nổi cả lên mặt nước trắng phao. Bầy vịt đẻ mấy trăm con là cả một gia tài trong phút chốc bị ngộp chết hết. May mà cũng nhờ mấy cái vựa vịt ở trên Xóm Củi nhận tiêu thụ dùm.
Làm nghề đóng đáy cũng phải đăng ký và đóng thuế. Đóng đáy cũng có thu nhập nhưng không hiểu sao nhiều gia đình cũng nợ thuế dây dưa. Hồi nhỏ đi học về ngang cầu Chợ, có bữa tôi thấy các ghe đáy bị kéo về buộc ở chân cầu có gần cả chục ghe. Thì ra đây là những ghe đáy thiếu thuế lâu ngày nên bị chính quyền quận giam ghe cảnh cáo.
Cột đáy thường làm bằng thân cây dừa. Ở xứ Cần Đước không có dừa cao nên phải xuống tận Bến Tre mua về cắm làm miệng đáy. Mỗi lần cắm đáy thì đàn ông trong xóm xúm nhau lại giúp. Có lần một buổi sáng mười mấy người thanh niênn xóm Đáy đang phụ cắm đáy ông Ba Chiến ở trong Vàm Tắc thì gặp trực thăng Mỹ đổ quân. Lính Mỹ không biết đám đông nầy đang làm gì nên bắt hết cả chục người bỏ lên trực thăng chở về thị xã Tân An nhốt mấy tháng!.
Chim chài chài có mỏ bén nhọn, thích đụt cột đáy làm tổ sinh con. Mỗi lần con nước kém đáy nghỉ lâu lâu, khi trở vào đóng lại thì thường bắt được ổ chài chài con trong cột đáy. Tội nghiệp hai con chim bố mẹ khi phát hiện con bị bắt chúng bay quần thảo bên trên kêu la thảm thiết, nhưng tụi tôi còn nhỏ mà, cứ ham bắt chim chứ có biết thương xót gì đâu!. Nhưng chơi chim chài chài cũng rất nguy hiểm vì mỏ của chúng nhọn và rất sắt, nó mổ vào mắt thì nguy.
Thỉnh thoảng có đáy bị đứt đõi chằng, hai cột đáy sập chìm xuống sông thì xem như tai nạn nghề nghiệp. Vì vậy phải thường xuyên kiểm tra đõi để thay. Những con nước rong chảy xiết, mặt lưới căng như dây đàn, gặp gốc dừa nước chun vô làm đáy rách tơi tả. Vậy là cả xóm cũng xúm lại phụ vá đáy cho xong trong ngày để tiếp tục đóng cho kịp con nước.
Có bữa mọi người đang tập trung vá đáy ở nhà ông ba Khối, thì khoảng 3 giờ chiều lính quận vô bắt lấy ghe chở họ đi hành quân. Gặp lúc nước đang ròng sát, phải đẩy ghe xuống để đi. Ông Tư Trận và một người nữa bị bắt xuống chèo ghe. Thường thì lính đi hành quân vào buổi sáng. Bữa nay không biết họ có tin tức gì mà đi hành quân cấp tốc vào giờ nầy?. Khi hai chiếc ghe chở lính vừa chèo đến xóm Thầy Cai thì gặp chú Xồm, là chiến sĩ đội biệt động thị trấn, đang chèo xuồng đi ngược lại ở mé sông bên kia. Sông chỗ nầy có một khúc ngoặt, vả lại đang nước ròng cạn, nên khi hai bên thấy nhau thì đã sát bên rồi, nên chú Xồm không lùi được nữa. Chắc khi thấy lính chú Xồm biết gặp nguy rồi nên đã chuẩn bị tìm cách thoát. Tôi nghĩ chú định giả như người dân đi làm ruộng và chèo xuồng qua luôn. Nhưng đã muộn rồi, lính đã nghi.
Nghe kể lại lính nói với nhau: -thằng nầy ở trong đồng mà sao coi trắng quá, kêu thử coi. Và lính đã kêu chú lại để kiểm tra. Thấy tình thế không xong, chú Xồm ôm cây sung mút nhảy lên ruộng định chạy đi nhưng lính đã bắn theo. Không may chú bị trúng đạn vào đùi nên không chạy được. Lính hò hét bắt chèo ghe qua nhanh để đuổi theo chú. Ông Tư Trận thấy chú Xồm nguy rồi nên giả bộ trật tay chèo nhào xuống sông, cố tình kéo dài thời gian cho chú Xồm chạy thoát, vì vậy lính đã đòi bắn ông. Hôm ấy nếu lính không bắn được chú Xồm thì không biết ông Tư Trận sẽ ra sao!. (Chú Xồm và ông Tư Trận ở cùng xóm Bà Lựu).
Lính sang đến nơi kêu chú đầu hàng, chú chửi lại, lính đã bắn chú chết và kéo thây về phơi trước chợ Cần Đước (1968). Sáng ngày đi học tôi thấy thây chú nằm trước bức tượng Nữ thần tự do, một bên mặt bị bắn nát, dân hiếu kỳ vây đông quanh xác chú xem!. Khoảng năm 1964 Quận trưởng Cần Đước có cho dựng một tượng Nữ thần tự do trước công sở xã Tân Ân và chợ Cần Đước. Nghe nói tượng này do một nghệ nhân tài hoa ở thị trấn Cần Đước là bác Tám Phủ nghiên cứu đúc nên. Nhưng tượng chỉ đứng đó được vài năm thì bị hạ xuống mang đi đâu mất không biết vì lý do gì!. Chỗ đó bây giờ là Nhà bia ghi tên liệt sĩ thị trấn Cần Đước.
ThS Nguyễn Văn Đông