Nghệ nhân nhạc sư Trương Văn Tự (Ba Tu) sinh năm 1938 tại làng Tân Lân, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhạc lễ, nhạc tài tử Nam Bộ, nghệ nhân Ba Tu là con của nghệ nhân Tư Hơn, phụ trách ban nhạc lễ có tiếng trong vùng thường được gọi là ông Nhạc Hơn. Nhận thấy con mình có năng khiếu nghệ thuật đặc biệt nên ông cho theo cộng tác với ban nhạc lễ của nghệ nhân nhạc sư Bảy Quế, là ban nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ, để không ngừng nâng cao tay nghề. Qua nhiều năm hoạt động nhạc lễ và nhạc tài tử ở Cần Đước và các vùng lân cận thì nhạc sỹ Ba Tu lên ở hẵn Sài Gòn. Tại đây ông được dịp đua tài cùng các nghệ nhân nhạc sỹ nổi tiếng khắp các địa phương của Nam Bộ tập trung tại đất Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trừ nhạc khí thuộc bộ hơi, còn lại hầu hết các nhạc khí trong dàn nhạc lễ, nhạc tài tử ông đều sử dụng khá thành thạo, trong đó điêu luyện nhất tranh, kìm, cò. Với ngón đờn kìm và đờn cò độc đáo của mình ông được nhạc sư Hai Biểu hướng dẫn tham gia dàn nhạc hát bội của Ban Vân Hạc nổi tiếng một thời ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Tài năng âm nhạc của nghệ nhân Ba Tu không dừng lại ở nhạc lễ, nhạc hát bội, nhạc tài tử mà cả trên sân khấu cải lương, ông đều tỏ ra xuất sắc điêu luyện.
Ông được nhà nước phong danh hiệu ưu tú từ khi còn cộng tác với dàn nhạc sân khấu cải lương nhà hát Trần Hữu Trang. Hầu hết các hãng băng đĩa, đài phát thanh, truyền hình thực hiện các chương trình nhạc lễ, nhạc hát bội, nhạc tài tử, nhạc sân khấu cải lương đều có sự cộng tác của ông. Đặc biệt nhất là ông đã thu thanh độc tấu đờn kìm trọn bộ gồm 5 đĩa CD với tất cả 20 bản tổ của nhạc tài tử Nam Bộ mà trước đó chưa có ai thực hiện.
Trung tâm văn hóa các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ thường mời ông dạy nhạc lễ và nhạc tài tử cho các lớp tập huấn chuyên môn. Ngoài ra tại nhà ông còn có nhiều nhạc sỹ trẻ thường xuyên đến học học hỏi chuyên môn để nâng cao tay nghề.