Nguồn gốc người Cần Đước

0
983
ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Người Cần Đước gốc ở miền Trung vào thường gọi là dân Ngũ Quảng gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên – Huế), Quảng Ngãi, Quảng Nam. Nhưng qua tìm hiểu thực tế cho thấy người Cần Đước có gốc gác chủ yếu từ Huế trở ra Quảng Bình.

Qua khảo sát một số địa danh mang tên người trên địa bàn Cần Đước còn gọi hiện nay, thì được gọi theo cách gọi của miền Trung, mà cụ thể là từ Huế trở ra. Tức là gọi tên không kèm theo thứ như cách gọi của người Nam bộ (anh hai, anh ba), mà gọi thẳng tên như bến đò Ông Du, bến đò Bà Nhờ, cầu Bà Tượng, rạch Ông Bán, rạch Bà Xiễng, mương Ông Huỳnh, xóm Bà Chủ, xóm Bà Lựu, xóm Bà Thoại, xóm Bà Đông, xóm Bà Lành.
Chắc chắn đây là tên của những ông, những bà đầu tiên từ ngoài Trung vào khai khẩn vùng đất nầy và còn để lại tên qua những địa danh. Còn những địa danh hình thành sau này thì đều gọi có kèm theo thứ như cách gọi của người Nam bộ như cống Tám Bụng, cống Tư Quan, xóm Chín Chiêu…
Gốc gác Huế còn thể hiện qua câu ca dao:
Anh về ngoài Huế lâu vô
Vẽ bức tranh đồ để lại em xem
Họ hát là “về Huế” chứ không phải “ra Huế”, có nghĩa là về thăm quê ngoài Huế.
Người Cần Đước từ ngoài miền Trung đi vào Nam bằng đường biển, đi bằng ghe bầu. Vì ghe chạy bằng buồm nên phải nương theo con gió mùa mà đi. Theo con gió Bấc (tháng 11 – 3) đi vào, gió Nồm (tháng 4 – 10) thì đi ra. Cho nên theo câu ca dao trên có thể hiểu: -“về Huế” là về thăm quê hương sau nhiều năm vào Nam lập nghiệp. Còn -“lâu vô” là vì phải chờ đến mùa gió Bấc, gặp xuôi gió mới vào được.
Ngoài ra, qua tìm hiểu thực tế, thì có dòng họ Hồ ở Ngã ba Tân Lân, xã Tân Lân có quê quán tận ngoài Nghệ An. Dòng họ Nguyễn Đăng ở xã Tân Ân, có quê quán ở ngoài Hương Điền, Thừa Thiên-Huế.
Thời thập niên 40, 50 thế kỷ xx vẫn còn những ông “Thầy Huế” vào Cần Đước tá túc ở nhà dân trong xóm để bán thuốc Bắc trị bệnh. Người ta không biết họ tên gì mà chỉ nghe giọng nói thì gọi chung là “Thầy Huế”. Ở xóm Bà Chủ (nay là khu phố 1B, thị trấn Cần Đước) cũng có hai ông “Huế”.
Một người thì bà con trong xóm cũng không biết tên là gì mà nghe kể là thời đầu thập niên 40 ông lưu lạc đâu từ Sài Gòn – Chợ Lớn xuống vùng Cần Đước một thân một mình và vào tá túc ở chùa thất cao đài trong xóm làm công quả để ăn cơm. Lâu ngày nhờ siêng năng lao động và hiền lành nên được một chức sắc trong thất nhận làm con nuôi, giúp cưới vợ và do cũng đã cứng tuổi so với đàn con trong nhà nên ông có tên là “Hai Huế’.
Một người nữa thì lớn tuổi và có trình độ hơn về chữ nghĩa và nghề thuốc cũng lưu lạc về đây. Ở tá túc một thời gian thì gá nghĩa với một bà giá chồng và cùng nuôi mấy người con của bà. Người ta gọi ông nầy là ông “Thầy Huế”.
Những người nầy giờ không còn nhưng cũng đã để lại dấu vết gốc “Huế” của lưu dân Cần Đước!
Họ là ai, thuộc tầng lớp nào?
  • Đó là những người nông dân nghèo khó, bần cùng do thiên tai mất mùa, sưu cao thuế nặng, chiến tranh tàn phá (Trịnh- Nguyễn)… sống không nổi phải tha phương cầu thực.
  • Là những người phạm tội phải chạy trốn chính quyền .
  • Là những tù binh bị đi đày
  • Là những người giàu có được chính quyền khuyến khích đi mở đất.
  • Là những giáo dân đạo thiên chúa chạy trốn sự đàn áp của chúa Nguyễn.
  • Là những tàn binh của Tây Sơn và chúa Nguyễn rã ngũ tại chỗ. (vì Cần Đước là đường hành quân và cũng từng là chiến trường trong khoảng 10 năm chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1776 – 1789). Chúa Nguyễn Ánh cũng có lệnh cho nhân dân không được truy bức tàn quân Tây Sơn mà phải giúp đở tạo điều kiện cho họ sinh sống.
  • Ngoài ra, người Cần Đước còn gồm một nhóm nhỏ người Hoa. Người Hoa đến Biên Hoà, Mỹ Tho rất sớm từ năm 1679 tức cuối thế kỷ 17 và thời huyện Phước Lộc đã có hơn 300 người Hoa. Tư liệu cho thấy năm 1836 người Hoa buôn bán ở chợ Rạch Kiến đã hiến tặng cho đình Long Hoà một tấm liễn thờ. Và người Hoa đã đến Cần Đước nhiều đợt cho đến năm 1945. Hiện toàn huyện có khoảng 100 gia đình người Hoa. Phần đông là người Tiều (Triều Châu), một số ít người Quảng Đông. Có cả người Hà Nàm (Hải Nam) và người Hẹ. Họ sang Cần Đước làm nhiều đợt và đợt sau cùng có lẽ từ năm 1945 đến 1949.
Người Hoa thường tập trung ở các chợ trung tâm như chợ Cần Đước, chợ Kinh Nước Mặn, chợ Trạm, chợ Rạch Kiến và những khu đông dân. Người Tiều chuyên bán tạp hóa và sửa đồng hồ. Người Quảng bán cà phê, hủ tiếu và mở tiệm bán và hốt thuốc Bắc. Người Hà Nàm chuyên trồng răng…
Họ lấy vợ người Việt, sinh được con trai đầu thì gửi về bên Tàu. Sau năm 75, những người nầy có qua Việt Nam thăm mẹ và anh em. Nhưng họ không nói được tiếng Việt, còn anh em bên Việt Nam thì qua mấy đời không còn nói được tiếng Tàu. Thành ra anh em ruột mà nói chuyện với nhau phải có người thông dịch!. Có lần sau năm 75, một anh vừa từ bên Tàu mới qua đến Cần Đước tìm thăm mẹ thì mẹ cũng vừa mất và kịp dự đám tang của mẹ mình luôn!.
Người Hoa ở Cần Đước tính toán rất hay. Ngày xưa khi mới đến thì nghèo khó và không có gì. Rồi họ lấy vợ Việt và được những người đi trước giúp đở, lần hồi họ chiếm lỉnh hầu hết việc bán buôn ở chợ. Hai dảy phố chính ở Chợ Cần Đước đều thuộc người Hoa. Sau khi làm ăn khá giả họ đã mua đất lập trường học, lấy tên là Kiều Quang Học Hiệu để dạy tiếng Hoa cho con em. Rồi họ còn mua cả mẫu đất ở xã Tân Ân để làm nghĩa trang, chuyên dành chôn cất người Hoa. Họ có cất ở đây một ngôi miếu thờ Quan Công mà dân thường gọi là chùa Tiều.
ThS Nguyễn Văn Đông
Bài trướcNgôi nhà trăm cột
Bài tiếp theoNguồn gốc của từ “Cần Đước”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây