Nhà thơ – Người Cần Đước: TRẦN THY DẠ THẢO ( 1950-1993)

0
644

NHÂM HÙNG – LÊ HỒNG HOÀN

Chân dung Nhà thơ Trân Thuy Dạ Thảo (tên thật Lê Anh Dũng, quê Tân Lân, Cần Đước đăng trên báo Sài Gòn trước 1975.

Giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi chợt nhớ Cần Đước ngày nào, nhớ mái lá quê xưa, nhớ tiếng rao bánh vòng, bánh neo trong mấy vần thơ của người bạn cũ:
Gió chướng thổi sang mùa đông tới,
Lá chầm mẹ kết mái che sương…”,
Và, càng thấm thía hơn, với:
“ Cầu ván qua hai lần gãy nhịp,
Mẹ mua xuồng cũ chở hàng bông
Nửa khuya thức dậy chèo ra quận
Nhịp tiếng buồn khua nước ngược dòng…”
Đó là hình ảnh người mẹ Cần Đước, chèo xuồng ra chợ quận tảo tần, vất vả nuôi con, trong trường ca “ Hồn mẹ Á Đông”, của nhà thơ Trần Thy Dạ Thảo (Lê Anh Dũng).

Bài thơ đăng trên báo Sài Gòn 

Trong khói lửa chiến tranh, dù cuộc sống bôn ba, nhọc nhằn mưu sinh nơi đất Sài Gòn, nhưng tác giả luôn nặng nợ với văn chương thơ phú!

Thuở ấy, nhờ lớp áo ký giả, có thơ đăng báo, nên chúng tôi có cơ hội kết giao với nhiều bạn thơ miền Đông, miền Tây…Rồi bất ngờ, gặp Trần Thy Dạ Thảo qua tình thi hữu, nghĩa đồng hương vì biết anh là người Tân Lân, Cần Đước. Vậy là, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, đàm đạo đủ điều; lúc ở quán xá, khi thì qua nhà anh ở Thị Nghè nhấp nháp ly rượu hàn huyên. Nhớ ngày anh trình làng trường ca “Hồn mẹ Á Đông”, nhiều báo đăng tải, tạo nên “cơn sốt thơ” thật sôi nổi, đáng yêu. Với sở trường thơ bảy chữ, tác phẩm cùa anh luôn thấy bóng dáng quê nghèo Cần Đước, Cửa Tiểu, Kinh Nước Mặn, Lúa Nàng Thơm Rạch Đào, chiếc bánh vòng, bánh neo, con cá bống…Anh đã khắc họa hình tượng người Mẹ Cần Đước – phản phất tính chất phụ nữ Á Đông thật cao cả, chịu đựng bao gian lao, tiễn chồng đi kháng Pháp, đến nổi tiều tụy nặng oằn nổi đau:
Mặt nắm tay chai vì nắng phèn
Tin ngoài mặt trận chớm qua giêng
Cha vừa nằm xuống đêm mồng sáu
Mẹ đứng chiều hôm bóng ngã nghiêng

Để rồi, đứa con luôn khát khao tình cha, nghĩa mẹ như thèm chiếc bánh giữa chợ đời tan hợp:
Con đứng bên bờ cửa Tiểu Dương
Khát khao từng chiếc bánh neo đường
Chợ ngày nhóm muộn nên tan trễ
Bóng nắng nghiêng dài lên nhớ thương

Tình mẹ vô biên, đâu nề gian khó, từ: “…nhịn ăn trầu, thôi xĩa thuốc”, “…dầm mưa mẹ cắt đọt khoai lang…” “…để dành từng cắt gời ra đây” ( thị thành), nuôi con:
Từ đó lòng thương trẻ đậm đà
Mẹ làm quả phụ sớm già nua
Con ăn cá bống mồ hôi mẹ
Gạo lức thơm mùi châu thổ xưa…

Ngôi nhà gia đình Nhà thơ Trần Thy Dạ Thảo hiện nay tại Khu 1C, Thị trấn Cần Đước 

Không chỉ đề cao hình tượng người mẹ thời khói lửa, Trần Thy Dạ Thảo còn hòa tiếng thơ của mình vào nổi kinh khiếp của đạn, bom bằng một lối “viết lách”, hằn học – phản chiến trên đất Sài Gòn, trong bài thơ “Quỳ xuống”:

Vết thương cày châu thổ
Viên đạn xuyên đầu người
Ta còn đôi cẳng cụt
Làm sao đây Yến ơi ?

Cũng giọng thơ này, trong bài “ Hồi âm từ Rạch Đào”, Trần Thy Dạ Thảo miêu tả một quê nhà đau thương, tang tóc:
Nghe bỗng hồn quay về quá khứ,
Đọc thư thầy con nhớ làm sao.
Nửa đêm xé tập làm thi sĩ,
Con viết hồi âm đến nghẹn ngào.
Từ độ thầy xa Cần Đước ấy,
Chắc còn nhớ đám học trò xưa,
Thằng Nam, thằng Tiến thương thầy lắm,
Vì nhớ thầy nên cứ thẩn thờ.
Khói trắng lên thành mây trắng tang,
Rạch Đào một sớm giặc về ngang,
Bánh neo cô gái không làm nữa,
Vì xác vùi bên chiến trận tàn.
Không còn Mỹ Lệ tiếng Nàng Thơm,
Từng bác nông phu lệ ngập tròng,
Những chuyến xe lam về buổi sớm,
Rạch Đào xuôi xuống bánh neo vồng.
Nếu có bao giờ thầy ghé thăm,
Để nghe không dứt tiếng bom gầm,

Thầy ơi! Máu thắm hồn quê cũ,
Và Rạch Đào nay chết hút tăm

Sau năm 1975, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Mãi đến năm 1988 -1990, mới có dịp tới thăm Trần Thy Dạ Thảo tại quê nhà Tân Lân. Hỏi lúc này có sáng tác gì nữa không. Anh cười: “già rồi, thơ thẩn gì nữa, sắp làm sui đây…”. Từ đó, chúng tôi lại lao vào chuyện công tác nhà nước, mãi lo “ cơm, áo, gạo, tiền”. Mấy năm sau, nghe anh lâm bệnh qua đời. Nhớ lần gặp thi sĩ Kiên Giang- Hà Huy Hà tại Cần Thơ, chúng tôi hỏi ông về Trần Thy Dạ Thảo, người hay lên trang thơ Mây Tần, mà ông phụ trách trên báo Tia Sáng, hồi xưa, ông nói: “ Thằng đó làm thơ được lắm, đặc sệt chất Nam bộ”! Gia tài thơ anh khá nhiều, chỉ tiếc chưa sưu tầm được bao nhiêu. Hơn thế, tập thơ anh ấp ủ “ Những bàn tay thần chết” vẫn chưa xuất bản.

Mới đây, chúng tôi tìm đến nhà anh, được gia đình cung cấp mấy bài thơ đăng báo, trước năm 1975, thật quý.

Xin trân trân giới thiệu, như một cách tưởng nhớ một người bạn – nhà thơ – Người Cần Đước tài hoa!

Nhâm Hùng – Lê Hồng Hoàn

Bài trướcHương tình miền hạ
Bài tiếp theoChợ kinh ngày giáp Tết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây