Nữ hiệu trưởng đại học nổi tiếng ở TPHCM là ứng viên giáo sư, quê ở Cần Đước Long An

0
1305

Lê Huyền – Viet NamNet

Bà là nữ hiệu trưởng nổi tiếng của một trường đại học lớn ở TPHCM, ứng viên giáo sư ngành Sử học. Bà tốt nghiệp thạc sĩ ở đại học số 1 Canada hiện nay.

Theo danh sách ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học, duy nhất 1 ứng viên giáo sư, đó là bà Ngô Thị Phương Lan.
Bà Ngô Thị Phương Lan (sinh năm 1974) hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Bà Lan quê ở xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, từng tốt nghiệp đại học ngành Đông Phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM năm 1997.
Đến năm 2002, bà Lan tốt nghiệp thạc sĩ ngành nhân học, chuyên ngành Nhân học văn hóa xã hộI của Đại học Toronto, Canada. 10 năm sau, bà được cấp bằng tiến sĩ ngành Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM với đề tài “Hành vi giảm thiểu rủi ro và vận dụng nguồn vốn xã hội của nông dân người Việt ở Đồng bằng sông Cửu long trong quá trình chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm”.
Năm 2018, bà Lan được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, chuyên ngành Dân tộc học.

Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (Ảnh: ĐHKHXHNV)

Trong công việc, bà Lan từng trải qua các vị trí từ trợ giảng, khoa Đông Phương đến giảng viên phó trưởng khoa Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Từ năm 2012 đến 2018, bà làm phó hiệu trưởng trường này. Đặc biệt, năm 2018, bà Ngô Thị Phương Lan được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM khi mới 44 tuổi và được tái bổ nhiệm vị trí này vào năm 2023.
Trong nghiên cứu khoa học, nữ hiệu trưởng từng hoàn thành nhiều đề tài, nhiệm vụ, được nhiều khen thưởng. Bà đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 19 học viên thạc sĩ, hoàn thành 9 đề tài NCKH từ cấp ĐH Quốc gia TPHCM, cấp trường, cấp bộ. Bà cũng đã công bố 53 bài báo khoa học, trong đó có 5 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín. Ngoài ra, bà Lan còn có 13 cuốn sách được xuất bản.

Hướng nghiên cứu của hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM là Nhân học, Dân tộc học kinh tế; Sinh kế tộc người – Nhân học sinh thái và môi trường; Du lịch nông nghiệp – nông thôn; Nhân học phát triển. Nữ hiệu trưởng nhận được nhiều khen thưởng của nhà nước, các bộ ngành và các tổ chức quốc tế.
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng, bà đã và đang thực hiện tốt tiêu chuẩn và nhiệm vụ của Nhà giáo tại khoản 2 điều 61 Luật giáo dục. Từ năm 2018 đến 2023, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và luôn đạt các danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Giảng viên giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp đại học quốc gia và cấp bộ.
Điều này được thể hiện qua các nhiệm vụ như: Hoàn thành tốt các các nhiệm vụ đào tạo, bao gồm việc hoàn thành định mức giảng dạy, thiết kế các học phần chuyên ngành cho cả bậc đại học và sau đại học, đảm bảo tính phù hợp giữa nội dung, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; Hoàn thành việc hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên thực hiện các đề tài luận án, luận văn đạt kết quả tốt.
Bà cũng hoàn thành tốt việc biên soạn các ấn phẩm sách, các nhiệm vụ khoa học phục vụ đào tạo được xuất bản bởi các nhà xuất bản uy tín trong nước và quốc tế; Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cho cả bậc đại học và sau đại học; Tham gia các nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế, công bố các ấn phẩm khoa học trên các tạp chí và hội thảo uy tín, và chủ trì tổ chức các hội thảo, toạ đàm khoa học…

Lê Huyền – VietNamNet 

Bài trướcNhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Cám ơn bạn đọc gần xa đã đón nhận Người Cần Đước!
Bài tiếp theoNhân vật lịch sử-văn hoá Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây