ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG
Tức lãnh binh Nguyễn Văn Thế, người làng Phước Đông huyện Cần Đước. Làng Phước Đông là một trong những nơi được khai phá sớm ở Cần Đước vào đầu thế kỷ 18. Tương truyền Bà Mọi là những người đầu tiên từ Đồng Nai, goá chồng dẫn theo hai người con trai đến khai phá vùng Phước Đông. Và ông lãnh thế là con cháu trực hệ của Bà Mọi.
Bài vị Ông Lảnh Thế và Thống Sô tại đình Phước Đông – Ảnh Nguyễn Văn Đông
Năm 1836 Địa bạ Minh Mạng ghi nhận vùng Phước Đông lúc đó có hai phường là Phước Yên phường và Phước Yên Đông phường. Gọi là phường vì kinh tế không còn thuần nông mà đã có thêm những ngành nghề khác, có thể là nghề đóng ghe, nghề hàng xáo, và hoạt động mua bán ở khu vực chợ Cần Đước.
Địa bạ ghi: “Phước Yên phường ở xứ Cần Đước Rạch Su” tức từ Rạch Su ngược về hướng Tây nam tức mương Ông Huỳnh giáp với Tân Chánh, Tân Ân, bây giờ là khu 2, 3, 4 thị trấn Cần Đước, và ấp 1, 3, 4 xã Phước Đông. Còn Phước Yên đông phường ở “xứ Cần Đước Rạch Gốc” tức từ Rạch Su hướng về phía đông nam giáp sông Rạch Cát, sông Vàm Cỏ, và thôn Long Hựu, phía Bắc giáp sông Cần Đước và xã Tân Lân, bây giờ là địa bàn ấp 2, 5, 6, 7 xã Phước Đông. Phước Yên phường thì phát triển nhanh hơn và dân số đông hơn Phước Yên đông phường.
Mộ Ông Thống Sô trong khuôn viên đình Phước Đông – Ảnh Nguyễn Văn Đông
Ông Lãnh Thế cũng sinh trong giai đoạn đầu thế kỷ 19 và đến khi thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ vào giữa thế kỷ 19 thì ông đã là một điền chủ giàu có, có nhiều ruộng đất ở Phước Đông, Long Hựu và tinh thần yêu nước rất cao.
Tháng 2/1859 thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, và sau khi chiếm được đại đồn Chí Hoà (2/1861) làm chủ Sài Gòn thì thực dân Pháp đánh lan ra chiếm Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công, Mỹ Tho, Biên Hoà…Những thủ lĩnh nghĩa quân ở Cần Đước tham gia chiến đấu ở đại đồn Chí Hoà đã nhanh chóng trở về địa phương huy động nghĩa binh tổ chức đánh Pháp tại quê nhà như Bùi Quang Diệu, Nguyễn Thuyết Xã (Thống Sô), Nguyễn Văn Thế (Lãnh Thế), Huỳnh Khắc Nhượng…
Cổng đình Phước Đông – Ảnh Nguyễn Văn Đông
Trận đánh chìm tàu giặc ở Vàm Nhật Tảo do Nguyễn Trung Trực chỉ huy cùng phó tướng Huỳnh Khắc Nhượng, người Long Định, cũng có nhiều nghĩa binh Cần Đước tham gia. Sau đó Pháp đã bắt Nguyễn Văn Nên (Đội Nên) treo cổ ở đình Long Cang.
Đình Phước Đông – Ảnh Nguyễn Văn Đông
Trận đánh đồn Pháp ở chợ Trường Bình (Cần Giuộc) ngày 16/12/1861 đi vào lịch sử do Bùi Quang Diệu chỉ huy có sự tham gia của Lãnh Thế và Thống Sô và nhiều nghĩa
binh Cần Đước. Trận này nghĩa binh đã chiến đấu anh dũng giết được nhiều lính Pháp, đâm tên đồn trưởng Dumont bị thương. Chiến công này được Nguyễn Đình Chiểu khắc họa đậm nét và kiêu hùng trong Bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và đã trở thành một áng văn bất hũ đi vào kho tàng văn học Việt Nam thế kỷ 19.
Ông Nguyễn Văn Thế vốn là điền chủ giàu có, lại có tinh thần hào hiệp yêu nước nên khi quê hương bị xâm lược ông đã bỏ tiền của chiêu mộ nghĩa binh, tổ chức thành đội ngũ kháng chiến chống Pháp ở vùng Hạ Cần Đước nên được Trương Định phong cho chức Lãnh binh, vì vậy nhân dân thường gọi là Lãnh Thế.
Tác giả cùng gia đình Ông Thống Sô và lãnh đạo xã Phước Đông tại định Phước Đông
Tương truyền ông Lãnh Thế thường cởi ngựa, đội nón lông chỉ huy nghĩa quân đánh giặc rất gần dạ. Tại vùng Phước Đông ông Lãnh Thế đã phối hợp với ông Thống Sô huy động và chỉ huy nghĩa binh đắp nhiều chướng ngại vật để ngăn cản bước tiến của quân Pháp nay vẫn còn những đi tích như Gò Hội, Xóm Lũy…
Tháng 2/1863 quân xâm lược Pháp tập trung lực lượng tiêu diệt căn cứ Gò Công của nghĩa binh Trương Định. Tháng 4/1864 Trương Định hy sinh ở bên kia sông Vàm Cỏ đối diện Phước Đông. Do tương quan lực lượng nên phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp ở Cần Đước cũng suy yếu. Trong tình hình đó thực dân Pháp ra sức truy lùng tiêu diệt nghĩa binh và bắt các thủ lĩnh. Chúng đã bắt được ông Lãnh Thế cùng các cộng sự là Đội Vạn, Đội Chương đưa đi giam giữ tại Sài Gòn.
Tháng 8/1867 thực dân Pháp chiếm hết Nam Kỳ. Để mua chuộc những người yêu nước thực dân Pháp đã dùng âm mưu ly gián, chúng tha tù ông Lãnh Thế cùng Đội Chương, Đội Vạn và ép tham gia bộ máy cai trị của chúng. Ông Lãnh Thế buộc nhận chức Cai tổng Lộc Thành Hạ, Đội Chương Đội Vạn nhận chức phó tổng.
Tuy vậy nhưng các ông vẫn ngấm ngầm bắt liên lạc với Lãnh binh Nguyễn Văn Tiến và các thủ lĩnh nghĩa quân khác từng chiến đấu ở Cần Đước dưới cờ Trương Định như
Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Vàng (Long Cang), Đinh Phát, Đinh Đạo (Long Sơn) để mưu tính tiếp tục chống Pháp.
Nhưng từ những năm 70 thế kỷ 19 hoạt động vũ trang chống Pháp ở Cần Đước đã lâm vào bế tắc. Bùi Quang Diệu từ sau khi Trương Định hy sinh 1864 đã đưa nghĩa quân lên căn cứ Đồng Tháp Mười tham gia chiến đấu cùng với thủ lĩnh Võ Duy Dương. Ở Phước Đông kế hoạch khởi binh của Lãnh Thế bị bại lộ nên ông đã kịp chạy thoát xuống Châu Đốc, còn Đội Chương Đội Vạn bị Pháp bắt và đem xử chém tại Xóm Luỹ (Tân Lân).
Vị thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp ở vùng Hạ cùng với ông Lãnh Thế là ông Thống Sô (Nguyễn Thuyết Xã) cũng bị Pháp vây bắt nhưng ông đã tuẫn tiết không để giặc bắt ngày 13/3 âm lịch năm 1870. Mộ chôn ở ấp 3 xã Phước Tuy, năm 2001 được cải táng về trong khuôn viên đình Phước Đông.
Còn ông Lãnh Thế xuống Châu Đốc có thêm một người vợ rồi già yếu mất trong u uất, được con cháu an táng tại ngay quê nhà ấp 5 xã Phước Đông. Hậu duệ ông vẫn còn sống tại đây gọi là xóm Lãnh Thế hay xóm Hàng Xáo.
Hiện người dân Cần Đước và xã Phước Đông vẫn còn kính phục tấm lòng yêu nước và tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của ông Lãnh Thế, ông Thống Sô, ông Bùi Quang Diệu, ông Nguyễn Văn Tiến những thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19 ở Cần Đước. Ông Nguyễn Văn Tiến có đền thờ riêng ở xã Mỹ Lệ. Ông Bùi Quang Diệu được lập bài vị thờ trong đình Vạn Phước, Mỹ Lệ. Còn ông Lãnh Thế và ông Thống Sô bài vị được thờ trong đình Phước Đông. Đền thờ Nguyễn Văn Tiến và đình Vạn Phước đã được công nhận là Di tích văn hoá lịch sử cấp tỉnh Long An.
ThS Nguyễn Văn Đông