THANH NGUYỆT
Cách thành phố Mỹ Tho khoảng 12km về hướng Tây, nằm trên tỉnh lộ 864, khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút là một công trình kỷ niệm ghi dấu lại kỳ tích chiến thắng quân xâm lược của nhân dân xứ Đàng Trong dưới sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Tượng đài chiến thắng Gạch Gầm – Xoài Mút
Trên diện tích chừng 2ha, khu di tích được phân ra nhiều cụm: Nhà cổ Nam bộ, Khu tượng đài, Khu nhà lưu niệm và đoạn sông nơi diễn ra trận thủy chiến đánh tan 5 vạn quân Xiêm.
Bước vào khu nhà cổ, diện tích hơn 200 m², chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự tinh tế về bố cục và chất liệu của ngôi nhà vùng đất phương Nam thời khai khẩn, tái hiện cuộc sống của tầng lớp phú nông Nam Bộ xưa. Đó là kiến trúc nhà 3 gian, 2 chái, có 48 cột gỗ căm xe đứng tán trên các tảng đá xanh được mài nhẵn thín, nền lót gạch nung hình lục giác, mái lợp ngói âm dương trên khung vì kèo toàn gỗ quý. Gian nhà chính to và cao, bàn ghế, tủ nĩa sắp xếp thông thoáng, chừa lối đi rộng rãi, các vật dụng trong nhà được chạm khắc khá tinh xảo, đường nét phóng khoáng. Bên trong các tủ gỗ mang hơi hướng phương Tây, người ta trưng bày các đồ vật bằng gốm sứ có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, được trục vớt trên đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút. Tham quan qua từng gian nhà cổ, chạm tay vào từng kỷ vật chứa đựng hồn đất, hồn người, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự phát triển toàn diện của Nam bộ về cả kinh tế và văn hóa từ thế kỷ XVI đến thể kỷ XVIII. Mỗi di vật đều mang một thân phận riêng, nổi chìm theo thời cuộc!
Bên trong nhà gỗ Nam Bộ
Đối diện với khu nhà cổ là đài Chiến Thắng bằng đồng, nặng 20 tấn, cao 8m. Tượng vua Quang Trung với tư thế oai phong, tay tuốt gươm, mặt nhìn thẳng ra sông Tiền. Dưới chân ông là hai tượng biểu trưng cho người dân Định Tường và nghĩa quân Tây Sơn. Ngay sát đó là nhà trưng bày hiện vật có hình dáng của một chiến thuyền, bên trong nổi bật lên hai bức tranh ghép gốm miêu tả quá trình khẩn hoang lập ấp của cư dân Việt từ thế kỷ XVII và diễn biến của trận thủy chiến hào hùng cuối thế kỷ XVIII. Giọng cô thuyết minh khi trầm khi bổng dẫn chúng tôi về với bối cảnh nội chiến giữa hai tập đoàn phong kiến kéo dài hơn hai thập kỷ mà điểm nhấn là chiến thắng quân Xiêm trên đoạn sông lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút. Chiếc mỏ neo bằng gỗ sao, cao gần 3,5m, nặng hơn 200kg, được trưng bày ngay giữa nhà và các loại vũ khí được hai bên sử dụng đã giúp chúng tôi hình dung được kích cỡ của các tàu chiến, sự khốc liệt của cuộc giao tranh, cũng như tương quan lực lượng giữa quân Xiêm và quân Tây Sơn, càng ngưỡng mộ hơn tài thao lược của một Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ lừng danh thế giới. Một vài đoạn trong chính sử triều Nguyễn được trích dẫn và đóng khung cẩn thận làm người đọc không khỏi nao lòng trước sự tàn ác của quân Xiêm. Dù Nguyễn Ánh là người đích thân cầu viện họ cũng phải thốt lên đầy đau xót: “Nay thì Xiêm binh tự do cướp giật, cưỡng hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản, giết bừa không tha già trẻ. Vậy nên, “giặc” Tây Sơn ngày một mạnh, thế quân Xiêm ngày một suy” hoặc “Muốn được nước phải được lòng dân. Nay Chu Văn Tiếp đã mất, quân Xiêm không ai chế ngự được. Nếu được Gia Định mà mất lòng dân thì ta cũng không nỡ làm”.
Hiện vật trưng bày về cuộc chiến Rạch Gầm – Xoài Mút
Cầu tàu của khu di tích là nơi đón khách tham quan du lịch đường thủy cũng là nơi du khách được tận mắt nhìn thấy nơi xảy ra trận thủy chiến năm xưa. Thời điểm chúng tôi đến, nước sông Tiền đang ròng, lòng sông dường như hẹp lại bởi các cồn nổi xanh rì, chen chúc những rặng bần và dừa nước. Dòng nước đục ngầu cuộn chảy xiết từ thượng nguồn về phía biển, lôi theo từng tảng lục bình lớn, ghe tàu thuận hướng xuôi về cửa Tiểu, cửa Đại và cửa Ba Lai. Ít ai có thể ngờ rằng gần 240 năm trước, lúc triều kiệt nhất, đoạn sông này đã trở thành cái bẫy khổng lồ nuốt chửng hơn 200 tháp thuyền Xiêm đồ sộ, hung hãn tràn về từ đại bản doanh Trà Tân (Sa Đéc) và bị thiêu rụi hoàn toàn bởi hỏa công từ quân mai phục của Tây Sơn. Đứng bên bờ sông lộng gió, chúng tôi hình dung về cuộc chiến diễn ra, liên tưởng đến một Bạch Đằng Giang từng đi vào huyền thoại, để rồi càng tự hào về quá trình dựng và giữ nước của cha ông, càng hiểu hơn giá trị to lớn của địa hình sông nước Nam phần thời mở cõi.
Nhà gỗ Nam Bộ
Được biết kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút tổ chức vào ngày 20/01hàng năm. Người dân địa phương và du khách được xem mít tinh, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố… và các cuộc thi nấu bánh tét, nấu xôi, nấu cơm trong lúc hành quân… Trong các hoạt động phát huy giá trị di tích, nổi bật là chương trình “Bước chân thần tốc”, tái hiện lại chiến công lẫy lừng Rạch Gầm – Xoài Mút và Ngọc Hồi – Đống Đa, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc đến công chúng.
Bên trong nhà gỗ Nam Bộ
Với những giá trị đặc biệt, Di tích lịch sử Rạch Gầm- Xoài Mút (Châu Thành, Tiền Giang) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Nguyệt 07/12/2022.
Đồng hành cùng Topgo Tourist – Loại bài “Tìm về di sản trăm năm”