Rạch Kiến có tự bao giờ?

0
1990

Th.S NGUYỄN TẤN QUỐC

Một số hình ảnh Rạch Kiến năm 1969

Rạch Kiến là một địa danh thuộc xã Long Hòa, một thời từng là tên của một đơn vị hành chính cấp quận. Địa danh Rạch Kiến – một đoạn của sông Đôi Ma (con sông chảy từ tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông đi qua các xã Long Cang, Long Sơn, Tân Trạch, Long Hòa) theo dân gian giải thích là xưa có nhiều kiến làm tổ trên những lùm cây hoang dại nên gọi rạch Kiến (kiểu kết cấu địa danh theo tên vật, như Rạch Kiến Vàng …); nhưng cũng có ý kiến là do có người đàn bà tên Kiến, rồi từ rạch bà Kiến (kiểu kết cấu địa danh theo tên người, như rạch bà Tượng…) sau nói gọn dần thành quen là Rạch Kiến. Từ năm 1776, tên gọi Rạch Kiến đã thấy ghi nhận trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “… ba trại Bả Canh, Ba Lai, Rạch Kiến có 100 thôn, số dân 4.000 đinh, số ruộng hơn 4000 thửa”, những ở chỗ khác trong tài liệu này lại ghi là “… Bả Canh, Ba Lai, Bà Kiến…”. Dù chưa thống nhất cách lý giải địa danh này cũng như rất nhiều địa danh khác ở Cần Đước và Nam Bộ nói chung, nhưng cho thấy địa danh này là rất sớm, gắn với quá trình khai phá rất sớm ở Cần Đước, Long An và Nam Bộ, ít nhất cũng trước năm 1776 rất lâu.

Sau khi Vương triều Nguyễn được thiết lập (1802), đến năm 1808, làng Long Hòa và một số làng thuộc Long Hòa ngày nay ngày nay là Long Hòa Đông và Phước Hưng Đông xuất hiện trên bản đồ hành chính. Đến khi Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng đo đạc ruộng đất, lập sổ địa bạ toàn Nam Kỳ (1836), Long Hòa là 1/19 thôn của tổng Phước Điền Thượng, huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định, với thành quả khai phá đất đai đáng khâm phục của các thế hệ tiền nhân trên vùng đất này sau gần hai thế kỷ khai hoang mở đất .

Dù có chậm lại do tình hình biến động về kinh tế – xã hội khi thực dân Pháp xâm lược (1858) nhưng sau khi Pháp lập tỉnh Chợ Lớn (1909) thì Long Hòa cũng hoàn tất công cuộc khai phá và định hình địa giới hành chính khi hai làng Phước Hưng Đông, Long Hòa Đông nhập vào và lấy tên chung làng Long Hòa, thuộc tổng Lộc Thành Thượng, sở đại lý (delegation) Cần Giuộc, một tụ điểm thương mại sầm uất, như Nguyễn Liên Phong mô tả trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca, năm 1909:

Bình Tây, Rạch Cát ghe nhiều
Gò Đen, Rạch Kiến, Rạch Đào chợ sung.

Năm 1923, thực dân Pháp thành lập sở đại lý Rạch Kiến (Delegation de Rach Kien) gồm ba tổng Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung và Lộc Thành Hạ, thuộc tỉnh Chợ Lớn, đến năm 1928 thì dời về Cần Đước và đổi thành sở đại lý Cần Đước. Long Hòa từ thời gian này thuộc tổng Lộc Thành Thượng, sở đại lý Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn và ổn định trong địa giới hành chính này cho đến cách mạng tháng Tám 1945.

Thực dân Pháp tái xâm lược sau cách mạng tháng 8-1945, giai đoạn 1945-1954 có hai chính quyền song song quản lý, Long Hòa vẫn thuộc tổng Lộc Thành Thượng, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn, nhưng phía chính quyền kháng chiến thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn, thuộc Quân khu 7, từ giữa 1951, thuộc Liên Huyện, thuộc tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn, thuộc Phân liên khu miền Đông, đến sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) thì phục hồi lại như cũ.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm lập tỉnh Long An , từ năm 1957, Long Hòa thuộc tổng Lộc Thành Thượng, quận Cần Đước , tỉnh Long An. Năm 1967, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ban hành Nghị định số 40-NĐ/ĐUHC ngày 7-1-1967 của Chủ tịch Ủy ban hành pháp TW VNCH, lập quận Rạch Kiến gồm 9 xã: Long Hòa (trước thuộc quận Cần Đước, nay thêm cả 2 ấp Thuận Tây (xã Thuận Thành) và Phước Thuận (xã Phước Lâm) của quận Cần Giuộc), Long Cang, Long Định, Long Khê, Phước Vân, Long Trạch, Long Sơn, Tân Trạch (8 xã này thuộc quận Cần Đước) và Phước Lý (trước thuộc quận Cần Giuộc), quận lỵ đặt tại chợ Rạch Kiến, xã Long Hòa. Xã Long Hòa trong thời gian này có thêm hai ấp Thuận Tây (xã Thuận Thành) và Phước Thuận (xã Phước Lâm) của quận Cần Giuộc) và thuộc địa giới hành chính này đến sau năm 1975 thì trở lại thuộc huyện Cần Đước cho đến ngày nay.

Th.S Nguyễn Tấn Quốc

Bài trướcVăn học dân gian Cần Đước
Bài tiếp theoNhà thờ Nha Ràm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây