Sông Cần Giuộc

0
981

ThS. TRẦN NGỌC TRIẾT

Sông ngòi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử hình thành & phát triển vùng đất Nam bộ, khi mà các loại phương tiện giao thông chưa “nở rộ” như ngày nay thì việc giao thương giữa các địa phương gần như phụ thuộc vào các phương tiện đường thủy.

Nằm ở cửa ngõ giao thương giữa Gia Định (TP. HCM & Long An)và Định Tường (Tiền Giang) xưa kia, vùng đất miền hạ nằm về phía đông của Long An (bao gồm 2 huyện Cần Giuộc & Cần Đước) luôn được biết đến đầu tiên khi nói về các tuyến “Thủy lộ” nối Sài Gòn với phần còn lại của Nam kỳ lục tỉnh


Tượng đại Nghĩa sĩ Cần Giuộc- Ảnh Trần Ngọc Triết

Vai trò của sông Cần Giuộc

Cùng với kênh Tham Lương kết nối sông Sài Gòn với sông Vàm Cỏ

+ Kênh Tham Lương dài 20km bắt đầu từ Gò Vấp (tiếp giáp sông Vàm Thuật – một nhánh sông Sài Gòn) chảy qua các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và kết thúc tại huyện Bình Chánh (ngã 3 sông Chợ  Đệm), cầu Nước Lên trên đại lộ Đông Tây bắc qua con kênh này.

Cầu Tham Lương ngang kênh Tham Lương – nối rạch Chợ Cầu với rạch Bà Hom – chảy qua rạch Chợ Đệm thông ra sông Bến Lức, nhờ con kênh này, nước sông Sài Gòn được hòa vào với sông Vàm Cỏ Đông.

Có thể nói Tham Lương chính là tuyến thủy lộ ngắn nhất để đi từ Bình Dương, Sài Gòn..xuống vùng Tân An khi xưa (và ngược lại).

Những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Sài Gòn Gia Định, nhất là vùng 18 thôn vùng trầu…đều gắn liền với kênh này.

Nếu như Chợ Đệm là điểm kết thúc của kênh Tham Lương thì cách đó chỉ 1km là bến đò Phú Định quận 8 nơi xuất phát của dòng sông mang tên Cần Giuộc.

Lịch sử ghi nhận “thương bến” trọng yếu nhất của thành Gia Định năm xưa nằm ở khu vực bến Bạch Đằng ngày nay. Tuyến đường thủy quan trọng nhất đưa thương thuyền từ các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng như khu vực Chợ Lớn về thương bến này là sông Cần Giuộc – Tàu Hủ (thời Pháp đào thêm Kênh Đôi)-Bến Nghé ngày nay

+ Sông Cần Giuộc

Sông Cần Giuộc  (hay sông Rạch Cát, sông Phước Lộc) là một dòng sông nhỏ, có chiều dài khoảng 38km chảy qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh (quận 8 và huyện Bình Chánh) và tỉnh Long An (huyện Cần Giuộc và Cần Đước)

Đoạn chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 10 km từ ngã ba sông Chợ Đệm đến qua khỏi cầu Ông Thìn

28km còn lại chảy qua Long An bắt đầu tại địa bàn huyện Cần Giuộc

tiếp giáp nhiều kênh rạch của lưu vực sông Vàm Cỏ và sông Soài Rạp tới địa phận xã Phước Đông, huyện Cần Đước thì gặp kênh Nước Mặn nối với sông Vàm Cỏ rồi tiếp tục chảy theo hướng Đông ra sông Soài Rạp.

Sông Cần Giuộc trong dòng chảy Lịch sử & Văn hóa

Có thể nói Long An rất xứng đáng và tự hào với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”

Do có vị trí hết sức quan trọng, qua các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử Nam bộ đều gắn liền với vùng đất này

+ Cần Giuộc – Trận đánh đã đưa người  nông dân vào lịch sử văn học

Trận đánh này có tên gọi là trận “công đồn Tây Dương” diễn ra vào đêm 16/12/1861 (chỉ 1 tuần sau trận Nhật Tảo)

Chỉ huy nghĩa quân ở vùng Cần Đước, Cần Giuộc lúc bấy giờ là Bùi Quang Diệu (thường gọi là Quản Là, Đốc binh Là), quê ông ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, cùng thời với Lãnh binh Nguyễn Văn Tiến, hoạt động một thời gian khá dài trong phong trào vũ trang kháng Pháp cho đến kết thúc phong trào của Võ Duy Dương

Bùi Quang Diệu chỉ huy 3 cánh quân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương Đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính Mã tà, Ma ní. Giặc Pháp phải dùng đại bác từ tàu chiến đậu trên sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn. Phía nghĩa quân hy sinh 15 người (có tài liệu ghi là 27 người).

Cảm kích trước tinh thần quả cảm của những người “dân ấp dân lân” trong trận đánh này, bằng ngòi bút và tâm hồn trung nghĩa, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (lúc bấy giờ về Cần Giuộc, ở chùa Tôn Thạnh bốc thuốc, dạy dọc và sáng tác thơ văn yêu nước) viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để truy điệu các nghĩa sĩ hy sinh trong trận đánh này theo yêu cầu của Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang.

+ Đình Chánh Tân Kim tại Khu phố Tân Xuân, Thị trấn Cần Giuộc.


Đình Chánh Tân Kim – Ảnh Trần Ngọc Triết

Đình được xây dựng năm 1860, thờ ông Mai Văn Giã – Tiền hiền, người có công khai hoang mở đất, lập làng. Tuy đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng đình vẫn còn giữ được những nét cổ kính ban đầu. Những hiện vật bày trí trong đình như câu đối, hoành phi, khánh thờ, linh vị cũng có niên đại trên dưới 100 năm. Trong hai cuộc kháng chiến, đình là nơi che chở, bảo vệ cho cán bộ cách mạng; là điểm hội họp và trao đổi những thông tin mật hiệu liên tục với những vùng căn cứ lân cận.

+ Di tích Rạch Núi tại Ấp Tây, xã Đông Thạnh, Cần Giuộc

Rạch Núi là tên một con rạch nhỏ, là một nhánh sông của sông Cần Giuộc( Rạch Cát) bao quanh một khu vực cao được dân gian gọi là Gò Núi Đất. Trên đỉnh gò có chùa Linh Sơn Tự hay chùa Núi được sư Nguyễn Quới xây dựng năm 1867.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia nghiên cứu: “Rạch Núi, trên căn bản thuộc văn hóa Đồng Nai, nhưng có nhiều sắc thái riêng biệt do môi trường tại chỗ quy định. Đó là môi trường sình lầy, nước mặn, khác với vùng Đông Nam Bộ, do vậy đời sống của chủ nhân Rạch Núi cũng khác với cư dân Đông Nam Bộ”.

Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có ngôi mộ của Mỹ Đức Hầu (Nguyễn Văn Mỹ) quan thần đại phu chính trị thời Kiến Hưng Quốc, có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII.

Di tích khảo cổ – kiến trúc nghệ thuật Rạch Núi là minh chứng sự có mặt từ rất sớm của cư dân bản địa trên đồng bằng sông Cửu Long với những hiện vật phong phú và có giá trị. Bên cạnh đó, di tích còn là minh chứng cho công cuộc phát triển bờ cõi của nhà Nguyễn ở phương Nam với ngối mộ của Mỹ Đức Hầu.

 + Đồn Rạch Cát tại Xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước

Với vị trí quan trọng của vùng cửa sông Cần Giuộc, nhằm để bảo vệ Sài Gòn – thủ phủ của lục tỉnh Nam kỳ, trước sự dòm ngó của các cường quốc phương Tây cũng như các lực lượng từ bên ngoài theo đường thủy vào giúp Việt Nam  qua các cuộc khảo sát thực dân Pháp cho người đến thám sát thực địa, thiết kế lập pháo đài ở đây vào năm 1902, pháo đài này kiểm soát được cả 3 con sông lớn là Rạch Cát, Vàm Cỏ và Nhà Bè (Theo tài liệu của Pháp, chi phí xây dựng pháo đài khoảng 7 triệu francs thời ấy).

Tác giả tại Đồn Rạch Cát

Đồn Rạch Cát từng được sử dụng làm cảnh quay rất đẹp nhiều bộ phim lịch sử, trong đó có phim “Đất phương Nam” như là nơi đồn trú của quân Pháp bởi toàn miền Nam không có pháo đài nào sánh được với đồn Rạch Cát về mức độ hoành tráng, cổ xưa và thơ mộng…

* Ngày nay cùng với sự phát triển của 2 huyện Cần Giuộc & Cần Đước, sông Cần Giuộc càng được biết đến nhiều hơn khi đóng vai trò không thể thiếu trong lịch sử hình thành và phát triển.

Tương lai Cần Giuộc còn được quy hoạch xây dựng trở thành đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ. Cần Giuộc có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng tại cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh.

ThS Trần Ngọc Triết
Sưu tầm & tổng hợp

Bài trướcThơ – Quê anh
Bài tiếp theoCung đường vùng hạ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây