Tây Nguyên vẫy gọi!

0
575

THANH MINH 

Nói đi Tây Nguyên cho oai chớ đi hết đâu, theo Tour du lịch của TST chỉ qua hai tỉnh Đắk Nông và Buôn Ma Thuộc phải mất bốn ngày và vượt qua 1000 cây số đi – về, người già U70, 80 như chúng tôi muốn hết hơi rồi! Tuy vậy, cảnh đẹp núi rừng, vẽ đẹp lạ lùng của Tà Đùng như réo gọi chúng tôi đến với Tây Nguyên lần nữa!

Núi lửa Nâm Kar Đắk Nông – Ảnh SGTT

Đầu tháng tư thời tiết Tây Nguyên khá mát mẻ ban ngày nhiệt độ cao nhất 28 – 29 độ, nhưng khi chúng tôi chuẩn bị khởi hành thì dự báo thời tiết cho biết nhiệt độ tăng lên 3 – 4 độ, ban ngày thì nóng nhưng ban đêm khá lạnh. Nhờ vậy, buổi sáng các bà, các cô có cơ hội “điệu một chút”khi đi lễ nhà thờ Chánh toà Ban Mê Thuộc, đi thăm bảo tàng thế giới Cà phê của Trung Nguyên. Đến trưa chúng tôi vào Bản Đôn (tên mới hiện nay là Buôn Đôn) có nhiều cây xanh với dòng sông Sêrepôk nhưng nước thì cạn , nhiệt độ khoảng 31-32 độ nhưng cảm giác 34-35 độ. Những chiếc cầu dây giăng là lạ, nghĩa trang người săn voi, ngôi nhà sàn người Lào với huyền thoại thang thuốc rượu Amakong “thần thánh” chưa đủ “trả công” cho chúng tôi đi gần 50 cây số để “hạ nhiệt” của cái nóng Buôn Ma Thuột!

Tượng đài chiến thắng tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột

Tôi khá ngạc nhiên một thành phố lớn nhất Tây Nguyên có nhiều di sản văn hoá lại có nhiều tên gọi khác nhau, nào là Ban Mê Thuộc, Ban Mê Thuật, Buôn Ma Thuộc, Buôn Ma Thuột và nhiều tên khác có phát âm na ná nhau nhưng không ai biết chính xác ý nghĩa của từng tên ấy, hiện nay thành phố này có tên chính thức là Buôn Ma Thuột – mặc dù trong lịch sử không có buôn nào mang tên Ma Thuột!


Các bạn đừng ngạc nhiên khi nghe Siu Black hát “ Ly cà phê Buôn Ma…” thay vì Ban Mê và nhạc sĩ Phạm Tuyên sẽ không buồn khi bài hát được sửa lời “có chú voi con ở Buôn Đôn”! Thay vì Bản Đôn như tên gọi cũ!


Một góc chùa Khải Đoan – Buôn Ma Thuột

Sau hai ngày ở Buôn Ma Thuột chúng tôi trở lại Đắk Nông để ngắm nhìn “Hạ Long trên cạn” – Hồ Tà Đùng. Thấy nhiều thông tin, hình ảnh trên báo chí nhưng khi tận mắt mới thấy “vẽ đẹp tiềm ẩn” như Slogan của ngành du lịch Việt Nam mấy năm trước đây. Tà Đùng cách thành phố Gia Nghĩa – Đắk Nông khoảng 45 cây số. Hồ Tà Đùng vốn là hồ nước được tạo nên bởi việc xây đập thủy điện Đồng Nai 3, 4. Mực nước dâng cao ngập các thung lũng chừa lại những ngọn núi cao thành các đảo nhỏ tạo thành cảnh quan như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Từ trên Ta Đứng Topview Homstay có thể nhìn toàn cảnh Hồ Tà Đùng với hơn 40 đảo li ti trên “biển” nước, du khách có thể ngao du trên “biển” bằng ca nô, thuyền nhỏ, bơi thuyền kayak…dưới tầng mây bay lãng lãng đãng vào những buổi chiều. Sáng sớm toàn cảnh “biển lặng” Tà Đùng được bao phủ bởi màn “sương khói mờ nhân ảnh, ai biết tình ai ai có đậm đà”!

Lửa trại tại Tà Đùng – Đắk Nông

Ngoài việc chụp ảnh phong cảnh, du khách còn tham gia nhiều hình thức giải trí khác như bơi trên hồ, câu cá, sinh hoạt lửa trại, cùng nhau múa hát bên “ngọn lửa trên cao nguyên”. Không khí se lạnh mới thấy giá trị của những củ khoai lang nướng, cơm lam với gà quay và nồng ấm của rượu cần Tây Nguyên.

Các bạn trẻ tổ chức Picnic bên hồ Tà Đùng

Tà Đùng còn khá hoang sơ phù hợp cho giới trẻ khám phá thiên nhiên, các bạn trẻ có thể cắm trại, câu cá, bơi trên hồ, bơi thuyền kayak… Với những người lớn tuổi thì dịch vụ phục vụ du lịch chưa theo kịp nhu cầu du khách. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương mọi người đổ xô về khách sạn Tà Đùng Topview khá đông. Đơn giản nơi nầy. Do vị trí cao nhất, hơn nữa du khách không còn chọn lựa nào khác vì nơi đây là khách sạn duy nhất tương đối đủ tiện nghi. Một điểm son cho Tà Đùng Topview dù “cháy phòng” vào ngày lễ nhưng giá cả như ngày thường, các món ăn khá rẽ, khoảng 30-40 ngàn đồng/món và được công khai giá cho du khách.

Cầu treo Buôn Đôn

Một điều đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam là Công viên địa chất Đắk Nông nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử văn hoá với các di sản văn hoá như văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Vườn quốc gia Tà Đùng…mở ra cơ hội phát triển du lịch cho tỉnh nghèo có nhiều tiềm năng nầy.

Hy vọng, một ngày không xa ngành du lịch Đắk Nông phát triển, điều quan trọng là các nhà chiến lược phải có cái nhìn toàn cục để công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã được UNESCO công nhận xứng tầm với vị trí của nó.

Bài và ảnh Thanh Minh

Bài trướcCổ nhạc Cần Đước
Bài tiếp theoNghề truyền thống Cần Đước xưa: Nghề đóng ghe xã Phước Đông

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây