Nghề truyền thống Cần Đước xưa: Nghề đóng ghe xã Phước Đông

0
1362

ĐẶNG TRƯỜNG VÂN

Phước Đông (PĐ) nằm ở vùng đất thấp, tiếp giáp hai sông lớn là Vàm Cỏ và Rạch Cát và bị chia cắt nhiều sông rạch lớn nhỏ, vì vậy ngay buổi đầu khai hoang ông cha ta đã chú trọng việc đóng ghe xuồng để làm phương tiện đi lại. Khi đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhu cầu lưu thông hàng hoá ở Nam Bộ nói chung và PĐ nói riêng phát triển mạnh nên việc đóng ghe lớn được chú trọng, từ đó chính thức làng nghề đóng ghe ở PĐ được hình thành.

Để có những chiếc ghe chở số lượng lớn nông sản từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn – Chợ Lớn ngày một gia tăng nên việc đóng ghe lớn đi sông lớn được chú trọng. Vào giai đoạn này nghề đóng ghe đã được phát triển mạnh tại nhiều địa phương Cần Đước, trong đó có xã Phước Đông.

Đầu thế kỷ XX, Vàm Mương Ông Huỳnh (sau này gọi Vàm Cầu Nổi – khi Pháp làm  Cầu Phà để các ông Tây bà Đầm cuối tuần đi nghỉ dưỡng ở biển Tân Thành Gò Công) trở thành trung tâm đóng ghe nổi tiếng ở Cần Đước, với các nghệ nhân như: Phạm Văn Dung; Năm Châu; Bảy Thạch… Sở trường của những nghệ nhân này là đóng những chiếc ghe chài, ghe chài lồng để chở lúa gạo; heo… từ miền Tây lên Sài Gòn và chở hàng hoá từ Đồng Nai, Sài Gòn – Chợ Lớn đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.


Những tín ngưỡng trong việc đóng ghe
Lễ ghim Lô.
Khi đóng ghe, người thợ cần tính xem ghe tải trọng bao nhiêu tấn để tính việc chọn cây để làm trục xương sống cho ghe gọi là “Lô”. Sau khi chuẩn bị nền hạ, đặt đôn, thả dầm cho vững chắc rồi đặt Lô (trục cây chính) lên và chuẩn bị làm lễ cúng “Ghim Lô”, chọn lúc con nước lớn đầy sông (với mong ước ghe sẽ nổi cao trên sông nước) người chủ ghe và chủ trại làm lễ cúng “Ghim Lô”. Sau lễ cúng ghim lô các thợ tập trung vào việc đóng ghe theo hướng dẫn của “Thợ Cả”.

Lễ khai nhãn
Đến khi ghe hoàn thành thì làm lễ “Khai nhãn” sau khi sơn mặt ghe, cúng để khai mắt ghe, mong muốn cho đôi mắt ghe thông tuệ, đi lại được thuận lợi và bình an trước mọi sóng to gio lớn.

Đặc điểm ghe Cần Đước
Đặc điểm ghe Cần Đước là mũi nhọn, còn giữ theo nét ghe lón đi biển của dân đất “Quảng”, nhưng có cải tiến về độ cong của mũi, thợ đóng ghe gọi là “Lô mũi” và hai vế mũi. Độ cong làm sao khi sóng to đánh vào mũi ghe nước sẽ tạt ngược về phía trước, không văng vào khoang hàng của ghe… đây là nghệ thuật đóng ghe hoàn thiện nhất của nghệ nhân Cần Đước, khác với “ghe Chài dom” của người Khmer” [xem phần kỹ thuật nghề đi ghe của dân Cần Đước].

Về mặt kỹ thuật, người thợ ghe PĐ đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong quá trình lao động nên đã cho ra đời những chiếc ghe Cần Đước nổi tiếng trên vùng sông nước Nam bộ. Ngày nay, tuy nghề đóng ghe ở PĐ không còn thịnh vượng như xưa nhưng nó vẫn tồn tại qua hình ảnh, qua thơ ca… về ghe Cần Đước là minh chứng cho thấy làng nghề đóng ghe ở Cần Đước trong đó có nghệ nhân xã PĐ sáng tạo nên, đã là nét son rực rỡ tô đậm cho một làng nghề truyền thống trong việc phát triển kinh tế văn hoá xã hội của nhân dân Phước Đông từ xa xưa./.

Cần Đước, ngày 16/4/2022 (16 tháng Thìn năm Nhâm Dần)
Đặng Trường Vân

Bài trướcTây Nguyên vẫy gọi!
Bài tiếp theoNghề truyền thống Cần Đước xưa: Nghề đi ghe xã Phước Đông

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây