Nghề truyền thống Cần Đước xưa: Nghề đi ghe xã Phước Đông

0
673

ĐẶNG TRƯỜNG VÂN

Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (được viết vào năm 1820) “… ở Gia Định, xứ Cần Đước có nhiều sông rạch, cù lao nên việc 10 người đã có 9 người quen việc chèo ghe thuyền, bơi nước, chỗ nào cũng có ghe thuyền, họ dùng ghe thuyền làm nhà ở, làm phương tiện đi lại…” Như vậy, cho thấy ông cha ta từ khi mở cõi đất Nam Bộ phương tiện quan trọng nhất là ghe xuồng. Tuy nhiên nghề đi ghe đến cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX mới hình thành rỏ nét ở những cư dân ở Phường Phước Yên và Phước Yên Đông (nay là xã Phước Đông).

Trong giai đoạn này công cuộc khai hoang đã hoàn tất về cơ bản, dân cư đông đúc và là nơi giao thương đi lại giữa Đồng Nai, Gia Định và các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, đặc biệt sau khi Pháp đào Kinh Nước Mặn kết nối sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát ngang qua xã Phước Đông (PĐ), từ đó hình thành nghề đi ghe ở Phước Đông, chủ yếu là tập trung vào việc ghe buôn lúa, gạo. Đây là loại ghe chài lồng trên 20 tấn (do dân Cần Đước đóng) đi xuống các tỉnh miền Tây thu mua lúa chở về xay giả rồi chở gạo lên Sài Gòn- Chợ Lớn bán lại cho các chủ dựa…và lên Đồng Nai mua hàng hóa (Lu, hủ, kiệu, khạp….) chở xuống các tỉnh Miền Tây bán lại. Sau này nhu cầu xây dựng nhà ở bằng bê tông, các ghe Cần Đước chở cát, đá, gạch, ngói… phục vụ cho nhu cầu xây dựng miền Tây.
Do tác động của nghề đi ghe nên xóm Lãnh Thế có vài chục cối xay tay chuyên xay lúa, giã gạo và có hơn 100 ghe có tải trọng từ 15 đến 50 tấn. Nên sau này Xóm Lãnh Thế có tên gọi khác là Xóm Hàng Xáo, có câu ca dao:
Anh đi ghe cá mũi son?
Để em sàng gạo cho mòn móng tay.

Những tín ngưỡng liên quan đến việc đi ghe
⁃ Thờ cúng Bà cậu trong mỗi chiếc ghe đều thờ cúng Bà Cậu và thường cúng vào ngày 14 hoặc 23 hàng tháng, lễ vật cúng là một con vịt luộc, 3 chén cháo, bình rượu, bình trà và bánh ngọt, nhang đèn.
⁃ Thờ Phật bà Quan Âm bên cạnh thờ Bà Cậu, nhiều ghe còn thờ hình tượng bà Quan Âm tay cầm bình nước Cam lồ để ban sự bình an.
⁃ Cúng lên nề là hoạt động cúng trước khi kéo lên bờ để đại tu ghe khi sửa chữa lớn.
⁃ Sau khi lên nề đại tu xong thì làm lễ cúng hạ thuỷ trước khi cho ghe xuống nước trở lại.
⁃ Cúng xuất hành, hàng năm sau khi chọn ngày tốt chủ ghe bày lễ vật cúng xuất hành và cho ghe xuất bến chạy một vòng rồi về chỗ cũ neo đậu và đến khi nào thuận lợi thì cho ghe đi.

Những điều kỵ
⁃ Kỵ việc ghe đang chạy có rắn, ngỗng lội ngang, đặc biệt là Kỳ đà, xác người chết trôi trên sông…Khi có những vấn đề như trên thì người lái ghe phải trực tiếp lấy nước sạch đến rửa mặt ghe để xoá đi sự xui ruổi.
⁃ Khi ghe đang di chuyển mà cá nhảy vào ghe phải bắt thả trở lại sông, vì cho đó là điềm không thuận lợi, theo câu: chim sa, cá lỵ…
⁃ Những điều kỵ qua lời nói: tránh những từ: Chìm, lật, úp…
⁃ Sáng sớm tránh ngồi kiểu: bó gối khoanh tay; ngồi hai khuỷ tay chống gối hai bàn tay chống cằm…


Kinh nghiệm và nghệ thuật người đi ghe
⁃ Khi ghe chở hàng từ nơi nước mặn đi vào vùng nước ngọt thì phải trừ hao cho nổi thêm 15 -20 cm (dân gian gọi 2 tấc). Vì khi đi vào vùng nước ngọt ghe sẽ bị chìm xuống thêm 15-20cm tuỳ độ mặn nơi lấy hàng.
⁃ Dân đi ghe truyền miệng câu: “Nam sát hôm, Nồm sát mai”, do sông nước miền Nam ảnh hưởng hai dòng chảy giữa biển Đông và biển Tây nên thủy triều ngày đêm lên xuống 4 lần trong 24 giờ (2 lần lên và 2 lần xuống). Khi mùa gió Tây Nam thổi thì nước ròng sát đáy vào ban đêm, khi mùa gió Chướng ( Đông Bắc) thổi thì nước ròng sát đáy vào ban ngày.

⁃ Nghệ thuật lái ghe chịu sóng to: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, khi ghe khẳm đi qua sông lớn trời có gió thì người cầm lái phải có kinh nghiệm và nghệ thuật, người lái ghe phải nhìn ngọn sóng mà xử lý để không ảnh hưởng đến hàng hoá trong ghe hoặc nước tràn vào ghe. Sóng nước chia làm hai loại: những lượn sóng nhỏ lăng tăng ( gọi là sóng đá gà, như gà đá vào mạn ghe) lâu lâu sẽ có lượn sóng lớn cao trên 50cm và dài gọi là sóng lưỡi búa (sóng cả), thì người cầm lái đánh lái ghe đưa mũi hứng sóng (nếu sóng từ phía trước ghe) để sóng không đánh ngang vào ghe nước sẽ vào ghe hoặc làm chìm ghe, còn nếu sóng từ phía sau đến thì lái ghe đánh lái đưa lái ghe chịu sóng (đưa đít chịu).
⁃ Nhập giang tuỳ khúc: Do đặc điểm tuỳ khúc sông lớn nhỏ khác nhau, dòng chảy khác nhau giữa bên voi và bên vịnh; đặc biệt tại những nơi có ngã ba giữa sông và rạch thì khi nước ròng nước từ rạch chảy ra thì thường tạo thành dòng nước xoáy (tại nơi giáp nước). Hướng gió ở mỗi khúc sông cũng khác nhau. Do đo nghệ thuật người lái ghe quan trọng làm sao lợi dụng dòng chảy để cho ghe đi tránh tốn hao công sức (chèo) nhiên liệu (máy) hoặc tuỳ theo hướng gió ở mỗi khúc sông lớn mà đi sao cho an toàn tránh được gió to sóng lớn. Vì vậy, nghệ thuật đi ghe vào mỗi khúc sông là việc quan trọng của người cầm lái.

Có câu: Lèo lái con tàu, đối với người Cần Đước là lèo lái ghe, do khi xưa ghe đi buồm nên người lái ghe Cần Đước ngoài việc lái ghe còn phải có kinh nghiệm nắm và điều khiển dây Lèo của cánh buồm để cho ghe đi thuận lợi theo gió mà không bị nguy hiểm…

Còn nhiều kinh nghiệm khác mà ông cha ta đã đúc kết và truyền miệng cho nhau về những kinh nghiệm sống ở vùng sông nước miền Nam.

Cần Đước, ngày 18/4/2022
Đặng Trường Vân

Bài trướcNghề truyền thống Cần Đước xưa: Nghề đóng ghe xã Phước Đông
Bài tiếp theoBa Má tôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây