Tết ở xứ người: Ước gì được món thịt kho của nội!

0
405

LÊ MINH HỮU

Lê Minh Hữu quê Tân Trạch, Cần Đước trong gia đình có truyền thống hiếu học, Hữu là một trong những người hiếm hoi lấy bằng tiến sĩ không qua thạc sĩ. Hiện nay Hữu đang làm việc ở Thụy Điển. Những năm ăn Tết xa nhà, nhớ gia đình, nhớ bạn bè…nhớ nhất là món thịt kho của Nội. Ước ao đơn sơ ấy sao mà quá khó ở xứ lạ quê người!

Người Cần Đước

Tết năm nay mình lại một mình giữa cái lạnh giá băng của đất trời Thụy Điển. Lúc này tuy lạnh nhưng sáng nay vẫn có chút nắng, tuy không ấm và không đủ nhiệt lượng để làm tan lớp tuyết dày ngoài kia, nhưng vẫn đủ chan hoà để gợi cho mình nhớ tới cái màu rực rỡ của nắng xuân quê nhà hoà quyện với màu hoa mai vàng rực mỗi khi Tết về. Cái vị nắng ngọt thanh đó cũng làm mình thấy ấm áp hơn giữa cái lạnh âm sáu độ. Hôm nay là cuối tuần, lòng mình mới có chút thảnh thơi để cảm nhận một chút hương vị xuân giữa trời đông Bắc Âu, mặc dù núi công việc vẫn còn đó và không biết chừng nào mới xong.

Hơn 5 năm rồi mình toàn đón xuân một mình ở đất khách quê người. Vài người bạn hỏi mình có nhớ nhà không, thì mình lại trả lời là mình quen rồi. Nhưng nói vậy thôi chứ trong sâu thẳm lòng mình, và chắc là hết thảy những người con đất Việt xa xứ, cái sự nôn nao vẫn quẩn quanh đâu đó. Mùa xuân ở quê mình bắt đầu từ đêm hai mươi ba, khi nhà nhà đưa ông Táo về trời, cầu mong những điều tốt đẹp. Chưa ai bao giờ thấy ông Táo, cũng như không ai chắc rằng ông Táo có thật sự tâu xin với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp về họ hay không, nhưng nếu không có đưa ông Táo, cái Tết sẽ mất đi hương vị của nó. Trong ký ức của mình, những mùa xuân đẹp nhất là mùa xuân thời còn nhỏ xíu, lúc đó tất cả những việc cúng kiếng đều do một tay Nội đảm trách, những gì mình thắc mắc lại chạy theo hỏi Nội, nhưng thật ra hồi xưa mình cũng không để tâm lắm, vì thật ra là mình chỉ chạy theo để xin bánh kẹo sau khi cúng xong. Nếu sau này có sống ở nước ngoài, mình cũng muốn giữ những truyền thống của nước Việt mình mỗi khi tết về, để cho con cháu mình phần nào đó có một sự gắn kết với nơi mình đã từng chôn nhau cắt rốn. Phong tục, truyền từ đời này sang đời khác, cũng từ những con người hoặc là vì niềm tin, hoặc là vì tình yêu mà họ dành cho nơi quê nhà. Dù cho họ có tin vào những phong tục hay không thì cũng không quan trọng, miễn là họ thấy nó đẹp và nó vẫn nối được một sợi dây vô hình nào đó tới quê cha đất tổ.


Thuỵ Điển những ngày mùa đông đúng vào dịp Tết Việt Nam

Nhiều năm không sống ở quê hương không làm cho mình quên, mà làm cho mình thương nước Việt mình nhiều hơn. Người phương Tây, tuy họ có những thứ người Việt mình cần phải học, nhưng người Việt mình cũng có những thứ mà không người phương Tây nào có được. Cái sự đặc biệt đó chỉ có những người mang trong mình dòng máu Việt mới cảm nhận được. Thử hỏi có người con Việt xa xứ nào mà không vào chợ Việt để mua chai nước mắm, dù cho chỉ là một chai nước mắm sản xuất ở Thái Lan. Mặc dù sau này mình nấu đồ chay là đa số, nhưng lâu lâu vẫn dùng nước mắm để nêm, vì lâu lâu mình lại nhớ vị thịt kho của Nội, vì đó là vị quê hương.


Đôi bạn trẻ Lê Minh Hữu – Phạm Thị Trà My vừa kết hôn cuối năm 2022

Ngày xưa mình rời Việt Nam ở cái tâm thế phải làm cho thế giới biết về người Việt, để khẳng định người Việt mình cũng không thua kém người phương Tây. Ra đi rồi mới thấy thế giới rộng lớn, mình cũng không đủ bản lĩnh để chứng tỏ gì cả, mình may mắn là tìm được một việc làm nhỏ để vẫn có thể trụ lại và tiếp tục làm những chuyện mình yêu thích. Nhưng không cần đợi tới mình thì có rất nhiều người con đất Việt khác đã thay mình làm chuyện đó. Nếu ai đó đã từng dùng chức năng dịch ngôn ngữ của Google, thì đứng đằng sau nó có sự đóng góp của một tài năng đất Huế kinh kỳ. Hoặc không xa nơi mình ở, một trường đại học danh giá của Thụy Điển đã từng vinh danh thầy Hoàng Tụy, một giáo sư toán học Việt Nam, cho những đóng góp của Thầy trong tối ưu toán học. Còn nhiều tài năng lắm nhưng anh Quốc ở Google và thầy Hoàng Tụy là hai người mà mình hâm mộ nhất. Kể ra để thấy, ở một khía cạnh nào đó, trí tuệ người Việt mình không thua kém người phương Tây.
Dù vậy, mình vẫn thương nước Việt mình nhiều lắm, thương vì nhiều thứ mà mình cũng không thể nói ra hết. Có một lần nhập cảnh ở châu Âu, vì vội vàng, mình đứng nhầm sang hàng dành cho công dân châu Âu. Khi tới nơi kiểm tra thì mình phát hiện là nhầm, mình xin lỗi anh nhân viên an ninh và quay lại hàng bên kia. Sau khi mình quay đi, anh ấy còn vọng theo “Mày chỉ là công dân ở một nước ở thế giới thứ ba” (Họ dùng “thế giới thứ ba” để chỉ những nước chưa phát triển). Lúc đó mình nghe lòng nhói lên, không phải vì mặc cảm, mà vì mình thương quê mình. Dĩ nhiên, có thể anh nhân viên đó chỉ là một tên cà chớn, không đáng để mình phải bận tâm, nhưng nếu mình nhìn thẳng vào sự thật, thì nước Việt mình có nhiều điều cần phải làm lắm.
Nhiều lần, vì cái tình thương đó mà mình thành nôn nóng, thậm chí nó làm mình mất đi những tình bạn quý giá. Hay có những lần những bài viết của mình cũng đổi văn phong, làm nhiều người bạn thân của mình hỏi mình sao ra nước ngoài rồi lại có cái nhìn tiêu cực về đất nước. Không, mình không nhìn tiêu cực, mình muốn nhìn một cách nghiêm khắc. Mình trải lòng, để mong là bạn bè mình có thể hiểu hơn về nỗi lòng của những người sống xa quê hương. Sự nghiêm khắc của họ nếu có, thì có lẽ do họ quá thương nơi mà họ thuộc về.

Đây không phải là một bài tập làm văn, hay một bài nghị luận gì đó to tát, nên mình cũng không biết phải làm gì tiếp theo, hoặc ra giải pháp này nọ, vì mình phải quay lại với những công việc cá nhân chưa hoàn thành. Mình chỉ có thể dùng tình thương của mình cho quê nhà để cầu chúc cho mọi thứ tốt lành sẽ tới trên quê hương mình, và chúc cho người với người thương nhau nhiều hơn.

Lê Minh Hữu

Bài trướcChợ kinh ngày giáp Tết
Bài tiếp theoTrái cây ngày Tết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây