Thầy tôi, Thầy Trương Văn Tráng

0
645

HUỲNH VĂN HẠNH 

Sau khi đậu xong Tiểu Học năm 1956, tôi bắt đầu chuẩn bị học tiếp bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp. Lúc đó tại Cần Đước chưa có Trường trung học công lập mà chỉ có hai Trường trung học tư thục Trương Văn Tráng và Tấn Thành, do hai nhân sĩ  nổi tiếng tại địa phương bấy giờ đứng tên trường để giúp nền giáo dục địa phương phát triển.


Thầy Trương Văn Tráng, đứng giữa thắt cà vạt.

Tôi được ba mẹ chọn Trường trung học tư thục Trương Văn Tráng để tiếp tục việc học. Trường Tư thục Trương văn Tráng mở ra từ năm 1954, ban đầu chỉ có bậc tiểu học. Giáo viên ngoài thầy Tráng, còn một số thầy cô lớn tuổi có uy tín của trường công như cô Mười, thầy Điện, thầy Long được mời giảng dạy. Trường tọa lạc sát đầu cầu Cần đước, cũng là nhà ở của thầy. Đến năm 1956 trường Trương Văn Tráng được dời ra Quốc lộ 50 đối diện với sân vận động Cần Đước, cạnh ao Bà Sáu nơi có nước ngọt để cung cấp cho dân địa phương vào mùa hè, vì Cần Đước nước sông chỉ ngọt vào mùa mưa.


Ông Huỳnh Văn Hạnh và Bà Trương Thị Xuân Sơn

Khu vực mới của trường rất rộng, phía trước có sân để sinh hoạt học sinh, văn phòng làm việc và nghỉ ngơi để chờ tiết dạy mới của giáo sư và có 3 phòng học. Năm học Đệ Thất của tôi có 2 lớp, Thầy dạy đa số ở Sài Gòn và Gò Công. Thầy Trương Văn Tráng là chủ trường và quản lý tất cả việc giảng dạy của tất cả giáo sư, tuy vậy thầy có mời thêm thầy dạy cũ của mình là cựu Đốc học của quận để làm Hiệu trưởng. Tuy là Hiệu trưởng, ông không hề ghé trường, nếu có vấn đề gì thầy Tráng qua nhà báo với ông.


Đám cưới con gái út của Thầy Trương Văn Tráng

Chương trình dạy ngoài các môn chính theo qui định của chính phủ, Thầy còn mời các thầy dạy năng khiếu để rèn luyện thêm cho học sinh như: vẽ, thể dục, âm nhạc, nữ công …Từ năm Đệ thất (lớp 6) trường dạy 2 sinh ngữ Anh và Pháp, và để dễ dàng trong học tập môn Địa lý, trong văn phòng có treo bàn đồ Việt Nam và thế giới lớn như tấm bảng treo ở lớp, còn các môn Lý, Hoá đều có dụng cụ thí nghiệm để học sinh thự hành. Do đó, học sinh rất hứng thú khi được các giáo sư bộ môn hướng dẫn học tập. Ngoài môn Pháp văn, Thầy còn dạy môn Vẽ, tôi còn nhớ có lần nộp Thầy bản vẽ để chấm điểm, tôi quên ghi tên nên bị Thầy cho điểm O. Khi nhận được bài tôi quá xúc động nên bậc khóc tại lớp, Thầy thấy vậy sữa lại cho điểm 4, các bạn biết sao không vì với kết quả không điểm thì  tháng đó khó đạt bảng danh dự mà đôi khi tôi có được.


Con gái “rượu” và chàng rể người nước ngoài đã làm thay đổi cuộc sống hai vợ chồng con gái út Thầy Trương Văn Tráng.

Các thầy dạy đôi khi bị trở ngại về di chuyển hoặc nghỉ bất thường thì Thầy dạy thế bằng môn dạy chính của Thầy là Pháp văn , Thầy là cựu học sinh Trường Chasseloup Laubat nên dạy rất dễ hiểu và học sinh của trường đi đến đâu cũng rất giỏi về môn tiếng Pháp, nhất là văn phạm được phân tích rõ ràng.

Để giúp học sinh biết thành tích học tập của mình hằng tháng Thầy cho cộng điểm xếp hạng, 5 học sinh đứng đầu của lớp được phát bằng danh dự và được ghi tên trên bảng danh dự được treo một cách trang trọng trong văn phòng.


Tết cổ truyền ở xứ lạ quê người nhưng vẫn giữ nét cổ truyền của người Việt Nam.

Đa số học sinh của Thầy là ở vùng quê như bên phía Gò Công, Long Hựu, Tân Chánh, Phước Tuy, có người từ Chợ Trạm vì thời gian này vùng Cần Đước chỉ có hai trường tư thục nói trên. Đa phần học sinh của trường là con nhà nghèo nên học phí thường đóng trễ, đôi khi nợ hoặc bỏ học nửa chừng. Điều này gây không ít khó khăn cho Thầy, nhưng thầy rất thông cảm với gia đình các học sinh nói trên. Thầy tánh tình hiền hoà, vào lớp dạy nơi nào ồn Thầy im lặng đứng nhìn không la mắng thế mà học sinh đều im lặng.

Đối với các thầy dạy, trường đài thọ bữa ăn đầy đủ và ngon miệng, do đó có thầy còn đưa gia đình xuống chơi. Thầy sống rất chân thành với mọi người, với các giáo sư trẻ Thầy như người cha, các giáo sư lớn tuổi Thầy như người anh cả. Thỉnh thoảng thầy cũng lên Sài Gòn để thăm viếng, chuyện trò và động viên các thầy cô nên tình cảm rất khăng khít làm các giáo sư càng hết lòng giảng dạy học sinh.

Ngoài việc dạy văn hoá, phong trào thể thao cũng được Thầy quan tâm, trường có nơi đặt bàn bóng bàn để học sinh chơi trong giờ nghỉ. Có lần Thầy mời học sinh ở Gò Công sang giao hữu.
Để giúp các học sinh nhà trường biết Thành phố Sài Gòn và phim ảnh, Thầy tổ chức thuê xe đưa học sinh lên Rạp Olympic đường Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai để xem phim.

Tôi rời trường năm 1960 sau khi học xong 4 năm ở đó và tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhất cấp qua một kỳ thi tập trung thật nghiêm khắc tại Thị xã Tân An. Xa trường nhưng những ngày Tết hay Hè tôi vẫn thường về ghé trường thăm thầy.

Đối với trường thầy thật tận tâm, đối với địa phương thầy là một nhân sĩ rất được kính trọng. Các ông Quận trưởng thường mời thầy đến để tham khảo về việc nâng cao giáo dục cho quận nhà và các ý kiến của thầy rất được ghi nhận.

Năm 1963 tôi đậu Tú Tài 2 và ghi danh học chứng chỉ Toán Lý Hoá ở ĐHKH, hè năm đó Thầy có mời các học sinh cũ đang học Đại Học để về giúp giảng dạy học sinh. Thầy phân công tôi dạy môn Vật Lý cho nhóm chuẩn bị thi Tú Tài 1 và môn Toán lớp Đệ Tứ (lớp 9). Việc dạy không trọn vẹn vì sau đó tôi đậu vào Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn (Đại Học Nông Lâm) năm học 1964. Các bạn còn lại vẫn tiếp tục dạy. Tuy nhiên vì thời gian này giáo dục ở Cần Đước và Cần Giuộc phát triển, các trường công lập được mở ra, nhu  cầu học trường tư giảm dần và Thầy cũng nghỉ ngơi sau đó .

Đến giữa năm 1968 Thầy bất ngờ bị tai biến, gia đình và chính quyền địa phương hết sức chăm lo và quan tâm cho sức khỏe Thầy. Được tin không lành tôi vội về thăm Thầy tại nhà, lúc đó Thầy hôn mê sâu và cô gái út Xuân Sơn luôn bên cạnh cha chăm sóc ngày đêm nhưng thầy cũng không qua khỏi và qua đời vào ngày 4 tháng 8 năm Mậu Thân 1968. Tôi và đa số học trò Thầy đều qui tụ về để tiền biệt người Thầy đáng kính.

Vài năm sau tôi được phân công về làm việc ở Ty Điền Địa, có về dự ngày giỗ Thầy và có giúp làm hồ sơ truất hữu đất của gia đình và có dịp gặp lại cô con gái út Xuân Sơn của Thầy. Đây là lần thứ hai gặp nhau kể từ ngày Thầy đi xa, sau lần đầu gặp ở trường Đại học Văn Khoa, nơi Sơn đang học. Lúc đó các trường Nông Lâm Súc, Dược và Văn Khoa nằm sát bên nhau.

Vài tháng sau khi tôi làm hồ sơ bồi thường ruộng đất của Thầy, tôi nhận thư cám ơn của Xuân Sơn. Cũng từ lá thư đầu tiên ấy giúp tôi nhớ lại cô con gái út của Thầy mà bao nhiêu năm mãi lo công việc mà quên mất. Rồi những dòng thư đi về giúp chúng tôi hiểu nhau hơn và Mùa Thu 1972 chúng tôi tổ chức Lễ thành hôn. Cầu mong Thầy mà cũng là Ba luôn dõi theo và phù trợ chúng con trong cuộc sống.

Huỳnh Văn Hạnh

Bài trướcSoạn giả Kha Tuấn và nổi nhớ Xoài Đôi!
Bài tiếp theoChuyện Ma Da xứ Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây