Tôn Thọ Khương: Người anh hùng trên sông Sài Gòn

0
420
Tôn Thọ Khương sinh ngày 05/11/1925 tại xã Tân Trạch, huyện Cần Đước.
Năm 22 tuổi ông rời Trường Taberd Sài Gòn để theo học ngành hàng hải Trường Bá nghệ Sài Gòn (nay là Trường Cao đẵng Kỹ thuật Cao Thắng), kể từ đó cả cuộc đời ông gắn liền với sông nước.
Lúc đương thời, ông là một người tận tụy với công việc và hết lòng giúp đỡ đồng đội. Trong suốt quá trình công tác ông đã có nhiều sáng kiến làm sống lại nền kinh tế vận tải biển Việt Nam và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều huân chương, huy chương khác.
Trước năm 1975, ông là hoa tiêu Đoàn Hoa tiêu sông Sài Gòn. Từ sau giải phóng đến năm 1991, ông giữ chức Trưởng Hoa tiêu cảng Sài Gòn. Đây là thời điểm ông có nhiều đóng góp, xây dựng với 815 sáng kiến có giá trị. Ngoài ra, còn đưa đón trên 550 tàu vận tải có trọng tải lớn. Thời gian từ 1975 – 1982 ông cùng Hoa tiêu đoàn đã đưa tàu Sông Hương có sức chứa 10.000 tấn, tiếp đó là tàu Đồng Nai, từ Hải Phòng đưa vào hàng trăm cán bộ và chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam; đưa tàu Liên Xô International có sức chứa 20.000 tấn, tiếp theo là loại tàu 30.000 tấn, chiều dài 200m cập cảng Sài Gòn an toàn, mà trước đây chế độ cũ chưa bao giờ dám đưa vào. Bên cạnh, còn mở luồng đưa tàu vào cảng dầu khí làm lợi hàng trăm triệu đồng cho Nhà nước. Ông còn là người tiên phong mở luồng đưa tàu vào cảng Kongpong Xom (Campuchia) giúp nước bạn khôi phục kinh tế sau nạn diệt chủng, được thế giới biến đến và khâm phục.
Ở tuổi 80, ông vẫn còn “đứng cạnh” người hoa tiêu học trò, dẫn dắt con tàu du lịch 5 sao Super Star Leo cập bến Nhà Rồng an toàn! Không riêng chuyên môn, với kinh nghiệm của mình, ông luôn nhắc các bạn trẻ về tư cách của người hoa tiêu. Ông tâm sự
“Hàng chục năm theo nghề, ông chưa bao giờ ngồi bên cạnh thuyền trưởng trong lúc thi hành nhiệm vụ. Theo luật, người hoa tiêu có quyền đi, đứng, ngồi, nhưng theo ông – nên đứng là cách tốt nhất; đối với các tàu nước ngoài, nếu thuyền trưởng mời ngồi chớ có vội vàng làm theo họ, mình chẳng bị khinh khi đâu, nhưng chắc sẽ không được coi trọng”.
Trên 100 hoa tiêu, hoa tiêu trưởng đang giữ vai trò cốt cán ở các khu vực cảng TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hòn Gai, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Hậu Giang… là học trò của ông đều được ông truyền đạt không chỉ về chuyên môn, kinh nghiệm mà còn về phong cách sống và làm việc đúng như phẩm chất cao đẹp của nghề hoa tiêu.
Anh hùng Lao động Tôn Thọ Khương mất ngày 17-10-2007 năm ông 83 tuổi.
Thanh Minh
Theo L.P. & Công Toại Báo SGGP
Bài trướcPhản hồi từ bạn đọc: Nỗi nhớ quê hương da diết
Bài tiếp theoNgười Cần Đước trên bản đồ giáo dục: Cô giáo TRẦN THỊ NGỌC DIỆP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây