NGUYỄN THẾ PHONG
Cần Đước là một huyện thuộc Miền Hạ của tỉnh Long An, là vùng đất được khai phá, khẩn hoang cùng thuở với việc hình thành vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Đất đai, dân cư được hình thành từ rất sớm, lại ở sát gần Sài Gòn – Gia Định nên cư dân Cần Đước có mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội thường xuyên, mật thiết với vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Do vậy, từ lâu lắm rồi, ngoài đức tính siêng năng, cần cù chịu khó làm ăn cùng với phong cách phóng khoáng như những người dân Nam Bộ nói chung, thì Người Cần Đước còn có tính cách riêng, đó là truyền thống hiếu học. Rất nhiều thế hệ người Cần Đước đã học hành giỏi giang, thành đạt, chắp cánh tung bay khắp các phương trời, mang bao tâm huyết, trí tuệ để xây đắp, đóng góp nhiều giá trị tốt đẹp cho đời, góp phần vun đắp quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Hôm nay, tôi muốn kể về một người bạn thân thương của tôi, một người Cần Đước hiền lành, chịu thương, chịu khó và tài năng.
Hồi xưa, tôi học bậc tiểu học và bậc học cấp II ở Tân Lân, sau đó vào học cấp III ở Trường PTTH Cần Đước tại Thị trấn Cần Đước. Ngô Trần Công Luận cùng khoá với tôi nhưng học cấp II ở Long Hoà và học cấp III ở Trường PTTH Rạch Kiến. Hồi thời chúng tôi đi học thì huyện Cần Đước đã có hai trường học cấp III như vậy.
Mặc dù không học chung trường, nhưng Ngô Trần Công Luận rất nổi tiếng do đạt nhiều giải học sinh giỏi của huyện Cần Đước trong nhiều năm học nên rất nhiều học sinh cùng thời nghe tên, biết mặt. Ban đầu, tôi biết Luận cũng qua cách thức như vậy.
Cuối năm 1985 khi tôi đang học lớp 12 thì ngành giáo dục tỉnh Long An tổ chức cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh đối với các môn Văn, Toán, Lý và Anh Văn. Năm đó tôi tham gia thi học sinh giỏi môn vật lý và kết quả là tôi đạt giải học sinh giỏi vật lý cấp tỉnh với thứ bậc là hạng năm. Ngô Trần Công Luận đạt giải hạng nhất học sinh giỏi vật lý cấp tỉnh. Đội học sinh giỏi vật lý cấp tỉnh lúc đó là 10 học sinh, gồm 08 chính thức và 02 dự khuyết.
Vào mồng 6 Tết Âm lịch năm 1986, tất cả học sinh giỏi cấp tỉnh được tập trung xuống Nhà mát Công Đoàn tỉnh Long An tại Thị xã Tân An để ôn luyện 03 tuần, chuẩn bị tham dự kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc. Tôi được bố trí ở cùng một phòng với Luận trong suốt thời gian ôn thi. Tôi và Luận cùng các bạn trúng tuyển kỳ thi học sinh giỏi đã quen biết nhau từ đó. Ngô Trần Công Luận không chỉ giỏi riêng môn vật lý, mà giỏi đều tất cả các môn học. Đặc biệt là thời chúng tôi, ở Cần Đước quê mình rất ít học sinh giỏi tiếng Anh. Thế nhưng Luận rất chịu khó học tiếng Anh và đã giỏi tiếng Anh từ hồi còn học phổ thông. Luận có lợi thế hơn các học sinh khác là cả cha và mẹ đều là giáo viên. Thân sinh của Luận là thầy Ngô Văn Lương, là giáo viên môn tiếng Anh của trường PTTH Rạch Kiến. Do vậy, ngoài việc học ở trường, Luận còn được bổ sung kiến thức từ cha mẹ.
Mùa hè năm 1986, Luận trúng tuyển vào Đại học Bách khoa TP.HCM và theo học ngành xây dựng cầu đường. Thời gian học đại học, Luận ở Ký túc xá Đại học Bách Khoa tại Quận 10, TP.HCM. Lúc đó, tôi thỉnh thoảng sang chơi, cùng ăn cơm kiểu ký túc xá, tuy đạm bạc nhưng mà vui. Đến năm 1991 Luận tốt nghiệp Đại học Bách khoa, đi làm cho một doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM. Năm 1993 Luận đã đạt được học bổng và du học, thực hiện nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại Đại học Oxford, Anh Quốc.
Tôi còn nhớ năm 1997, Ngô Trần Công Luận đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Oxford chuyên ngành về cơ học địa chất. Khi đó nhiều báo chí trong nước có đưa tin. Năm đó, Luận là tiến sỹ trẻ nhất của Việt Nam.
Luận trở về Việt Nam làm việc, vừa tham gia giảng dạy đại học, vừa tập trung nghiên cứu, tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực môi giới bất động sản và đầu tư kinh doanh bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Với bản tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, và nhất là luôn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành doanh nghiệp nên các doanh nghiệp mà Luận tham gia thành lập luôn thể hiện tính tiên phong, hiện đại và đã kết nối được với rất nhiều đối tác trên thương trường. Từ một học sinh nghèo hiếu học ở vùng quê Cần Đước vào những năm 1980, với nỗ lực phấn đấu không ngừng, cộng với một phần do tài năng thiên bẩm, ngày nay Ngô Trần Công Luận đã khẳng định vị thế của mình trong xã hội, đạt được nhiều thành công về kinh tế, xã hội. Luận có gia đình hạnh phúc, con cái học hành giỏi giang, nay đã trưởng thành và cả hai cháu đều được học hành tử tế, được du học ở Mỹ, Canada.
Trong những năm tháng Luận dấn thân trên thương trường, tôi vừa là người bạn, vừa là một luật sư, đã có sự liên hệ, phối hợp với Luận trên một số vấn đề về pháp lý doanh nghiệp. Do vậy, tôi và Luận có nhiều gắn kết.
Mặc dù cá nhân đạt được nhiều thành công, Luận vẫn rất gắn bó với quê hương Long An, tham gia nhiều hoạt động khuyến học của tỉnh nhà nói chung và Trường PTTH Rạch Kiến nói riêng. Với bạn bè, Luận luôn là một người bạn hiền lành, dễ thương, dễ gần và giàu nhiệt huyết.
Tản mạn đôi điều về một người bạn đồng niên, người đồng hương ưu tú mà tôi luôn quý mến. Giờ chúng tôi đều đã sắp đến ngưỡng tuổi 60 nên mỗi người đã tự giảm bớt đi một phần công việc để giữ gìn sức khoẻ trước sự tàn phá của thời gian. Chúng tôi ít găp nhau hơn xưa, nhưng thỉnh thoảng vẫn liên lạc hỏi han nhau, tình cảm bạn bè vẫn tràn đầy như cái thuở học trò hàn vi xưa ở quê nghèo Cần Đước.
Sài Gòn, Tháng 3/2022
Nguyễn Thế Phong
Có 01 bạn nữ rất giỏi toán, cùng là học sinh Cần Đước, trong đội tuyển học sinh giỏi tỉnh năm ấy với bạn Ngô Trần Công Luận, tên là Nguyễn Thị Phương Dung. Tác giả có quen biết bạn này không?