Từ Cần Đước, tôi đi vào con đường văn nghệ

0
451

NHÂM HÙNG

Bỏ xứ Cần Thơ cùng gia đình chạy nạn, về trú ngụ tại xóm Ao Xoài, năm 1957.  Tôi bở ngỡ vô lớp tư, học ở nhà cô giáo Hường mấy tháng. Ấn tượng ngày ấy khó phai mờ, bởi khung cảnh lớp quê, thân thương đầm ấm. Nhớ nhứt, sau buổi học, cô Hường hay kêu chị Tám, em cô lên múa hát cho đám học trò coi, cho có không khí vui tươi, thư giãn. Lúc này, chị Tám đang học trường Trung học ngoài chợ quận. Có lẽ nhờ vậy, bộ điệu chị múa uyển chuyển, ăn rập lời ca. Với chúng tôi, vậy là hay quá rồi! Sẵn máu mê văn nghệ từ truyền thống gia đình, nằm lòng 3 bài Hòn Vọng Phu, nên tôi nhanh chóng bị các bài múa hát của chị Tám chinh phục: “Ươm tơ tằm! Ta kéo tơ dệt áo…”. Lần đầu tiên được xem “nghệ thuật múa”, dù đơn sơ nhưng đã in sâu vào ký ức trong tôi. Dường như, đây cũng là dấu ấn đam mê dầu tiên, đưa tôi bước vào con đường văn nghệ suốt cả cuộc đời!

Nguyễn Văn Ngọc (đội nón) đóng vai Quang Trung đứng cạnh tác giả (Ngô Văn Tươi – Nhâm Hùng) vai Ngô Văn Sở

Mấy năm sau, ra ở chợ quận, vô trường Kiều Quang học hiệu,  có dịp được thầy Tàu dạy, tập ca nhiều bài hát Trung Hoa. Khi cây xăng Shell dựng nên, anh Bảy bơm xăng, tối rãnh ôm cây lục huyền cầm vừa đờn, vừa ngân nga bài vọng cổ “Gánh nước đêm trăng”. Chơi với anh, tôi mê mẩn luôn cổ nhạc. Đặc biệt, khi vào Trung học Cần Đước, qua 4 niên khóa thì cánh cửa văn nghệ càng mở rộng…
Vào năm đệ thất, mỗi tuần có 2 giờ học môn âm nhạc, thầy Thạch dạy lớp chúng tôi. Qua bài mở dầu, tôi nhớ mang máng lời thầy: “Đức Khổng Tử nói, thuật trị nước cốt ở hai việc quan trọng là Lễ và Nhạc. Lễ làm cho xã hội trật tự, nhạc khiến cho tâm hồn người ta điều hòa”. Sau đó, thầy dạy từ 7 nốt nhạc vỡ lòng, đến ký âm pháp. Cả lớp học một cách hào hứng, bởi thầy vừa dạy lý thuyết vứa ôm đàn thực hành. Qua năm đệ ngũ, không còn học giờ nhạc, vì thầy Thạch nghỉ dạy. Thấy vậy, tôi lên Sài Gòn mua cây ghi ta và sách ”Tự học Tây ban cầm”, để tự học thêm cho thỏa lòng yêu thích tân nhạc.
Thế rồi, căn nhà tôi gần như trở thành “Trung tâm đờn ca tân nhạc”, luôn thu hút bạn bè, cả lính tráng sư đoàn 25 biết văn nghệ đóng quân gần đó, cũng kéo tới nhập bọn. Dân đàn, hát có Hùng Anh, Kính, Mãnh, Hai Tưởng thường đến ôn luyện, hòa tấu. Nhờ có sách, tôi dần đọc được nhạc, biết chút chút về cách đánh solo, ắc- co, nên ngón đàn khá lên, theo đánh giá của bạn bè. Cứ vậy, mỗi sáng, chiều, ngoài giờ học, bạn bè tụ tập, đàn ca vang dội khu vực Ngã Ba bến xe. Các bản tình ca: “Những đồi hoa sim”, “Hai mùa mưa”, “Căn nhà ngoại ô”, “những đóm mắt hỏa châu”, “Xin anh giữ trọn tình quê”…đều nhuần nhuyễn. Có lúc hứng quá thì chơi “Một trăm phần trăm, em ơi! Chiều nay một trăm phần trăm”, hay “Cớ sao buồn này Kim” và “Tình yêu thủy thũ”… Những đêm buồn, lại thả hồn theo ‘Trăng tàn trên hè phố”, “Những ngày xưa thân ái…Uống nước dừa hay nước mắt quê hương?”.v.v.

Từ năm đệ lục về sau (1965,1966, 1967, 1968), chúng tôi may mắn được học môn quốc văn với thầy Đặng Xuân Dũng, rất thích giờ thầy dạy, vì thầy hay nói chuyện làm thơ, viết văn; nhất là khi thầy sáng tác bài thơ “Tình mắc mô”, cả lớp, cả trường chuyền tay nhau đọc. Có lẽ, cái “hồn thơ” của tôi cũng thai nghén từ lúc này.
Tháng cuối khoá lớp đệ ngũ (5/1967), một sự kiện văn nghệ đặc biệt, chuẩn bị bế giảng năm học đã cuốn hút lớp chúng tôi: Thầy Dũng táo bạo viết và dàn dựng vỡ kịch thơ ”Quang Trung đại phá quân Thanh” cho lớp chúng tôi trình diễn. Trời ơi ! hồi nào tới giờ có đứa nào biết diễn kịch đâu? Lại là kịch thơ nữa! Nhưng rồi được thầy chỉ bảo, công việc dần đi vào nề nếp, thầy chọn: Nguyễn văn Ngọc đóng vai vua Quang Trung, Ngô văn Tươi (Tôi), đóng tướng Ngô văn Sở. Do lớp không có nữ sinh, nên thầy mượn em Nghuyệt Ảnh, bên lớp bạn làm Ngọc Hân công chúa. Nhiều bạn khác làm tướng, làm quân sĩ, hay dân chúng. Thế rồi, chỉ sau một tuần tập luyện, vỡ kịch thơ được công diễn phục vụ buổi lễ bế giảng. Hôm đó, thầy Dũng gần như bao trọn gói: Mang áo mão, kiếm cung , cờ quạt từ Sài Gòn xuống; vẽ mặt, vẽ râu cho tướng sĩ, ba quân. Tôi và Ngọc cầm 2 cây kiếm sáng lòa, Nguyệt Ảnh chỉ cần đội lên cái mấn, thì ra vẻ  công chúa Ngọc Hân ngay. Tôi còn nhớ không rõ lắm. mấy lời thơ Quang Trung ( Ngọc) dõng dạc:
Nay Sĩ Nghị đem quân chiếm Kinh Bắc
Ôi ! điêu tàn xương máu thảm
Đường quân đi rợp bóng cờ hồng…
Ta quyết đánh, nghĩa là ta sẽ thắng”

Đáp lại lời vua, tôi hô to:
Phụng mạng! Phụng mạng!

Riêng Ngọc Hân (Nguyệt Ảnh), thì e lệ “Thiếp thiếp chàng chàng”, rồi cầm nhánh bông tặng vua Quang Trung. Lúc đó thầy nhắc cả lớp reo hò vang dậy: “tiến quân, tiến quân!“. Như đồng cảm, cả hội trường nhao nhao lên vỗ tay khen ngợi.
Có thể nói, diễn kịch nói, kịch hát đã khó, diễn kịch thơ lại càng khó hơn, vì phải biết ngâm thơ; mà chúng có biết ngâm nga gì đâu? Nhưng thầy Dũng đã dám nghĩ, dám làm đề cao tinh thần dân tộc qua vỡ kịch thơ; Tin tưởng học trò mình, dù về nghệ thuật trình diễn còn ở dạng đơn sơ, nhiều hạn chế.

Tác giả Nhâm Hùng – Ngô Văn Tươi với cây đàn ghi ta

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi luôn xem Cần Đước vừa là quê hương thứ hai; vừa là nơi khởi nguồn đưa tôi vào con đường văn học nghệ nghệ thuật, từ không chuyên, đến chuyên nghiệp, gặt hái những thành công nhất định. Sau này, mỗi lần đảm nhiệm các sự kiện, chương trình nghệ thuật lớn, tôi luôn tri ân thầy Dũng và không bao giờ quên cái thời non trẻ, chập chững bước vào nghề. Nhớ mãi những “ươm tơ tằm..”,  “Hòn vọng phu”, : “Trăng tàn trên hè phố”, “Quang Trung đại phá quân Thanh”… ngày xưa; vẫn sưởi ấm tâm hồn văn nghệ của tôi hôm nay !
Nhâm Hùng

Bài trướcÔng Lãnh Thế
Bài tiếp theoSong thất & Tình đồng hương Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây