ThS. NGUYỄN VĂN ĐÔNG
I-Tên huyện: –Cần Đước.
*Tên nầy gọi lên nghe mộc mạc, dân dã và không rõ nghĩa tiếng Việt. Nó được các nhà nghiên cứu xác định là có nguồn gốc từ tiếng Kme, nhưngcó nghĩa chính xác là gì thì đến nay cũng chưa được giải thích rõ ràng vàthuyết phục.
Chỉ mới tạm thống nhất nghĩa của chữ “cần”. Theo đó thì “cần” theotiếng Kme có nghĩa là “xóm nhỏ” hay là có nguồn gốc từ chữ “mạc cần” nhưng rụng “mạc” chỉ còn “cần” như địa danh “Mạc cần dưng” và có nghĩalà “con đường nước”.
Còn “đước” theo tiếng Kme nghĩa là gì thì chưa giải thích được. Từ đócó người cho rằng Cần Đước có nghĩa là “xóm (làng) cây đước”. Cách giảithích nầy hơi gượng gạo vì tại sao trong khi từ “cần” được giải nghĩa theotiếng Kme, còn từ “đước” lại giải nghĩa theo tiếng Việt là “cây đước”!. Vậy“đước” trong tiếng Kme có nghĩa là gì hay cũng có nghĩa là “cây đước“?.
Từ đó có một cách giải thích đơn giản hơn, không đi sâu vào câu chữmà nghe dễ hiểu và có thể tạm chấp nhận được: -“Cần Đước” là gọi theo têncủa con cần đước!.
Trong thực tế có một con có tên gọi là con cần đước, cũng là một loạirùa và được phân biệt với rùa ở một chút khác nhau chỗ viền của cái mai. Gọi con cần đước là người Việt gọi theo tiếng của người Kme (candok), hiệnnay vùng Đồng Tháp Mười con nầy cũng còn khá nhiều.
Cho nên tên Cần Đước là cách phát âm theo từ candok là tiếng kmer đểgọi một loại rùa chứ không có nghĩa tiếng Việt. Vì vậy các cách giải thích địadanh Cần Đước theo cách chiết tự Cần là gì rồi Đước là gì theo tiếng kmer đãđi vào bế tắc cho đến nay.
Con cua đinh (ba ba) cũng là con cùng loại và người ta thường nói mộtcâu có vần là: -“cua đinh – cần đước”, tức là nói đến hai con: -con cua đinhvà con cần đước. Nhưng có người không biết có con cần đước thì lại hiểu: –nói như vậy là nói: -“con cua đinh ở xứ Cần Đước”. Có nghĩa là từ Cần Đướcđược hiểu là một “xứ” chứ không phải là một “con”.
Trong thực tế, khi đi xa gặp người lạ họ hỏi mình ở đâu, mình trả lời làở xứ Cần Đước, thì người ta hỏi ngay là: -ở Cần Đước mà có con cua đinhhông?. Hỏi như vậy là cũng từ một cách hiểu câu: -“cua đinh cần đước” nhưđã nói trên.
Vua Tự Đức có một bài thơ có tên là: -“Trảm cần đước chi đầu!” cónghĩa là “chặt đầu con cần đước”.
Ở Nam bộ có nhiều địa danh có nguồn gốc tiếng Kmer và có nghĩanhư: Sóc Trăng là Srok Khleang (kho lẫm), Trà Vinh là Prah Trapeang (nơithánh thiêng), Bạc Liêu là Pô Loenh (cây đa lớn), Cà Mau là Tuk Khmau(nước đen), Mỹ Tho là Mê Sâr (bà trắng), Sa Đéc là Phsa Dek (chợ sắt)…vìvậy Cần Đước cũng ở Nam Bộ và có nguồn gốc tiếng Kmer cũng là điềutương tự nhưng có khác là không có nghĩa Việt mà chỉ là tên gọi một loạirùa.
II-Tên xã:
*Huyện Cần Đước có 17 đơn vị hành chính gồm 16 xã và thị trấn Cần Đước (ttcđ). Các xã vốn là các làng được chính thức lập từ sau năm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập nền hành chính và được chính quyền đặt tên theo âm Hán-Việt bắt đầu bằng các từ Tân, Long, Phước, Mỹ và đọc lên nghe rất hay và có ý nghĩa. Tân có nghĩa là mới. Long có nghĩa là thạnh [sung mãn]. Phước có nghĩa là điều may mắn. Mỹ có nghĩa là đẹp.
Có 4 xã bắt đầu bằng chữ Tân là Tân Chánh (tc), Tân Ân (tâ) có nghĩalà ơn mới, Tân Lân (tl) là xóm mới, Tân Trạch (ttr) là đất mới. Có 8 xã bắtđầu bằng chữ Long là Long Hựu Đông (lhđ), Long Hựu Tây (lht), Long Hòa(lh), Long Trạch (ltr), Long Khê (lk), Long Sơn (ls), Long Cang (lc), Long Định (lđ). Có 3 xã bắt đầu bằng chữ Phước là Phước Đông (pđ), Phước Tuy(pt), Phước Vân (pv) và chỉ có 1 xã bắt đầu bằng chữ Mỹ là xã Mỹ Lệ (ml).
III-Tên trên địa bàn ấp, xóm
1-Tên ấp:
–Xã Tân Lân:
.Ấp Ao Gòn, ấp Cầu Xây, ấp Rạch Bọng, ấp Bà Thoại, ấp Nhà Thờ, ấp Xóm Mới, ấp Nhà Dài, ấp Nhà Trường, ấp Bình Hòa, ấp Bà Chủ, ấp Xóm Chùa:
.Ấp Ao Gòn nằm cạnh quốc lộ 50 và bao bọc bởi rạch Lóc, rạch Sâu và sông Cần Đước. Vùng Hạ Cần Đước hàng năm chịu hết 06 tháng nước mặn nên từ xa xưa người dân đã sáng tạo ra cái ao để trữ nước ngọt mùa mưa và hầu như xóm nào cũng có một cái ao, và tên ao lại được lấy đặt tên cho xóm ấp. Ao Gòn là vì bờ ao có trồng nhiểu cây gòn là một loại cây có thân to, có rất nhiều trái thường to bằng cườm tay trong có đầy sợi tơ mịn bóng dân gian gọi là bông gòn, thường được dùng dồn làm gối nằm rất êm hoặc còn được dùng dồn vào hộp quẹt tẩm dầu hay xăng làm bật lửa rất nhạy và xài rất phổ biến, nhưng ngày nay không còn xài nữa vì đã có quẹt ga, quẹt diêm và cây gòn cũng mất dần.
Ngoài ao gòn còn có những địa danh như ao sài nói trại ra từ ao soài tức cây soài (PĐ); ao tranh…
.Ấp cầu xây đúng ra là cầu xoay hay cầu quay, nằm cạnh rạch vàm tắc nối từ sông Cần Đước ra sông Rạch Cát nên ngày xưa là một tuyến giao thông đường thủy quan trọng, ghe thuyền qua lại nhiều vì vậy người ta bắc một cây cầu bằng cây có thể quay xuôi theo dòng nước cho ghe thuyền đi qua vào những giờ nhất định. Xoay là nói theo người gốc miền ngoài vào định cư ở đây và dần dần người Nam nói từ xoay thành ra xây. Ở Cần Đước có nhiều xã có địa danh cầu xây nầy.
.Ấp xóm mới: do nhu cầu làm ruộng hay ra riêng cho con, người dân từ xóm cũ là xóm chùa ra ruộng cất chòi để ở dần đông lên thành xóm, và để cho có tên người ta gọi là xóm chòi, sau đó tên xóm chòi gọi thấy nghèo quá nên đổi thành xóm mới để phân biệt với xóm cũ. Đây là quá trình phát triển tự nhiên do dân số gia tăng mang tình phổ biến ở vùng đất mới nên ở Cần Đước cũng có nhiều địa danh xóm mới.
.Ấp nhà dài: tương truyền ngày xưa có một ngôi nhà có chiều dài được cất làm lẫm lúa của nhà giàu.
.Ấp nhà trường do ở đây có ngôi trường làng, bây giờ có một ngôi trường tiểu học rất to.
.Ấp xóm chùa do ấp có đến 4,5 ngôi chùa, có chùa có lịch sử hơn 100 năm như chùa Phước Lâm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ngoài ra còn có chùa Phật Quang, chùa Phật Sơn, v.v..
.Ấp Bình Hòa: là tên hành chính, ngày xưa chắc là một thôn (làng nhỏ) nên được chính quyền đặt tên và mang theo khát vọng một đời sống thuận hòa bình an. Tương tự có các ấp Vạn Phước, Long Mỹ, Tân Mỹ, Mỹ Tây (ml); Long Hưng, Mỹ Điền, Hựu Lộc, ấp Tây (lht); Minh Thiện, Long Thanh, Phước Vĩnh, Đồng Tâm (ltr); Đông Trung (tc)
.Xã Mỹ Lệ
Ấp Rạch Đào, ấp Cầu Làng, ấp Chợ Mỹ, ấp Cầu Nhỏ, ấp Chợ Trạm, ấp cầu Tam Binh, ấp Cầu Chùa, ấp Vạn Phước, ấp Long Mỹ, ấp Tân Mỹ, ấp Mỹ Tây
.Ấp Rạch Đào ở ngay cầu Chợ Đào. Chỗ nầy là con rạch nhỏ từ ngoài sông Rạch Cát chảy vào thành một ngọn cùng. Năm 1819 thời Gia Long đã cho đào con kinh Xóm Bồ từ sông Vàm Cỏ Đông nối với ngọn rạch nầy và cho đào rộng con rạch nầy ra tạo thành một tuyến giao thông quan trọng cho ghe thuyền từ miền Tây về Sài Gòn, vì vậy có tên là Rạch Đào.
.Ấp cầu Tam Binh: binh đây có nghĩa là binh lính và được giải thích có lẽ có từ thời đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của Bùi Quang Diệu và Nguyễn Văn Tiến…và là chỗ hội quân của ba cánh quân, hoặc cũng có cách giải thích là tạm binh, là nơi tạm dừng quân!
.Ấp Cầu Làng: là cây cầu do làng lập (cũng có những địa danh như chùa làng (chùa Quang Minh ttcđ) giao chó làng quản lý, đám lá làng (tâ) đất công của làng.
.Ấp Chợ Trạm: chỗ nầy có cái chợ tên Chợ Trạm và cây cầu Chợ Trạm. Thời phong kiến nơi đây ban đầu có một dịch trạm (trạm bưu điện) để chuyển giấy tờ từ trên xuống cho địa phương, dần hình thành cái chợ nên gọi là chợ trạm và trở thành một địa danh.
.Xã Long trạch: ấp Cầu Xây, ấp Cầu Tràm, ấp Xoài Đôi (ltr)
ấp Xoài Đôi ở ngã tư Xoài Đôi xã Long Trạch, nơi giao nhau của hai đường tỉnh 826 và 835; còn có chợ Xoài Đôi hay còn gọi Chợ Ma vì do điều kiện bận rộn sản xuất ban ngày như trồng rau…nên người ta họp chợ ban đêm và đốt đèn dầu leo lét trông mờ mờ như cảnh ma. Gọi là Xoài Đôi vìngày xưa chỗ nầy có hai cây xoài hay một gốc xoài có hai nhánh!
.Xã Tân Chánh
..ấp Đình, ấp Lăng (tc)
ấp Lăng xã Tân Chánh nơi đây có ngôi mộ to của ông Nguyễn Khắc Tuấn tòng quân theo chúa Nguyễn Ánh lúc còn gian khổ ở Gia Định 1783, sau làm quan triều Gia Long, Minh Mạng lập được nhiều công, khi chết được vua cho đưa về táng ở quê nhà Tân Chánh, dân địa phương thấy mộ lớn thì gọi là lăng. Đối diện bên kia đường là đình Tân Chánh thờ thành hoàng và thờ ông Nguyễn Khắc Tuấn nên gọi là ấp đình.
2-Tên xóm thường là tên dân gian đặt theo những đặc thù địa phương:
.xóm bờ kinh, xóm chợ cũ, xóm đập Hiệp Phát, xóm ao hội, xóm công điền, xóm trong, xóm cầu, xóm thủ, xóm rạch cốc, xóm rạch lức, xóm tre, xóm trên, xóm dưới cống, xóm nhà lầu, xóm ngoài, xóm trong, xóm ngoài rẫy, xóm rạch đôi, xóm ông Rèn, xóm biền, xóm bầu, xóm bần, xóm đáy, xóm đình, xóm chùa ông (lhđ):
.xóm nhà giàu, xóm đảo, xóm cù lao, xóm đáy, xóm tre, xóm chùa Thiên Mụ, xóm hội, xóm mới, xóm bồ (ttr).
.xóm giồng, xóm mới, xóm lá làng, xóm miễu cây da (tâ).
.xóm mương bần, xóm mương lá, xóm đầu lộ, xóm ao tranh, xóm cầu bà bóng, xóm vàm, xóm sông Lưu, xóm giồng, xóm đình, xóm đạo, xóm doi, xóm hàng xáo, xóm lăng, xóm ấp Hảo, xóm Dinh, xóm Hòa Quới (tc).
.xóm giữa, xóm đò giữa, xóm cù lao, xóm chợ mới, xóm ao bầu, xóm bờ lộ bót, xóm cây dương, xóm cầu xây, xóm phèn lạnh, xóm đình, xóm chùa, xóm chùa thất, xóm miễu, xóm đáy, xóm cò chim, xóm cây dương, xóm cầu bà Cai (pt).
.xóm bờ xe, xóm cầu cau, xóm hốc nghệ, xóm bến đò, xóm rạch sâu, xóm thánh thất, xóm đình Long Thới, xóm công điền, xóm Ba Tròn, xóm ông Bình, xóm đình, xóm đồng, xóm ao làng, xóm ao Bà Tân, xóm cây mắm, xóm mới, xóm cầu tre (lc).
.xóm rạch su, xóm bến, xóm cầu Nhứt Bạn, xóm lộ, xóm chợ mới, xóm vườn cò, xóm ao xoài, xóm mương, xóm cầu nổi, xóm lò rèn, xóm nhà máy, xóm rạch gốc, xóm bờ tre, xóm bến đò, xóm Xã Tài, xóm Cả Sóc, xóm lăng, xóm trễ, xóm nhà vựa, xóm hàng xáo (pđ).
.xóm tre, xóm ao xoài, xóm bàu, xóm ngọn, xóm mới, xóm 5 căn, xóm trường, xóm bột, xóm đình, xóm cầu ông Mộc, xóm Năm Cai, xóm ao bà Vạn, xóm ao Bà mụ, xóm bà Lành (ls).
.xóm đáy, xóm rạch ranh, xóm mới, xóm rẫy, xóm bến đá, xóm bến cống, xóm rạch sâu, xóm giồng, xóm tre, xóm chùa, xóm nhà tu [đạo cao đài], xóm nhà thờ [đạo thiên chúa], xóm ông Cả (lht).
.xóm cầu xây, xóm cầu tràm, xóm đình Long Thanh, xóm Phước Vĩnh, xóm mồ côi, xóm ngã tư Xoài Đôi, xóm nghĩa trang, xóm cống (ltr).
.xóm 14 căn, xóm bờ vịnh, xóm mới, xóm vườn, xóm lò heo, xóm chùa, xóm đình, xóm công điền, xóm bờ kinh, xóm miễu điền (lh).
.xóm bò cạp, xóm bàu vịnh, xóm bàu điển, xóm bà Bèo (lk).
.xóm đình, xóm chùa, xóm đồng, xóm Ba Lai, xóm cây điệp, xóm bà Que (lđ).
xóm đình Tuy Lộc, xóm Bảy Mi (pv).
.xóm trầu, xóm chài, xóm đáy, xóm bình địa, xóm cầu cháy, xóm rỗi, xóm lộ cũ, xóm bà Đông, xóm hồ nước, xóm bà Lựu, xóm bà Chủ (ttcđ).
.xóm Chín Chiêu, xóm chòi, xóm Thầy Cai, xóm nhà tu, xóm chùa, xóm nhà thờ, xóm mới, xóm ao gòn, xóm rạch bọng, xóm nhà trường, xóm cầu xây (xoay), xóm Bà Thoại (tl).
.xóm đình (ml)
3-Tên sông, rạch,….
.Tên sông:
.sông rạch sâu, sông rạch lóc, sông rạch rô, sông Bà Thoại, sông Nha Ràm (tl); sông Rạch Đào, sông Chợ Mỹ, sông Lưu (tc); sông rạch ranh, sông rạch cát (lhđ); sông rạch chanh (lk); sông rạch tranh (pv), sông đôi ma (lc-ls); sông ông Bình (lc); sông Vàm cỏ, sông Cần Đước [sông Mương ông Quỳnh] (tc, pđ, tl).
.Tên rạch:
.rạch kiến vàng, rạch cầu xây, rạch bọng, rạch mương lượng, rạch cây đá, rạch nhà thờ, rạch bà Vẹn, rạch Bà Hủ, rạch Ba Cai, rạch bà Hương, rạch ông Bài (tl);
.rạch nhà, rạch miễu, rạch đào, rạch kiếng vàng, rạch cầu làng (ml);
.rạch cốc, rạch lức, rạch đôi (lhđ);
.rạch xẻo dừa, rạch ngọn mương, rạch cầu tre, rạch bà Phó (tc);
.rạch su, rạch gốc, rạch bà Soi, rạch ông Bán, rạch ông Dư (pđ);
.rạch ranh, rạch sâu, rạch dừa, rạch cảm tử (lht).
.rạch sâu, rạch đình, rạch cầu quay, rạch bà Vệ (lđ);
.rạch cống, rạch mương nổi, rạch miễu, rạch chùa, rạch cây xộp, rạch sâu, rạch ông Sắn, rạch ông Cồ, rạch bà Phượng, rạch bà Lư, rạch bà Chủ, rạch bà Rô (lc);
.rạch lớn, rạch đồn, rạch nhành, rạch trường, rạch cống, rạch miễu, rạch đình, rạch ông Mộc; rạch bà Xiển, rạch bà Tám, rạch bà Lắc, rạch bà Đình, rạch bà Ngọt, rạch bà Lành, rạch bà Lý, rạch bà Chủ (ls);
.rạch ông Bí, rạch ông Kế, rạch bà Cẩm (pv);
.rạch ông Lớn, rạch ông Kiểu, rạch bà Nghị, rạch bà Rơm, rạch 10 Chắc, rạch 6 Phát, rạch 10 Đạo, rạch 10 Đẹt, rạch 9 Triệu, rạch út Sử, rạch 10 Triều, rạch 2 Khâm (pt);
.rạch ông Xà (tâ);
.rạch ông Cả, rạch ông Thiệu, rạch ông Trinh, rạch Cả Cơm (tc);
.rạch bà Xã Thảo, rạch bà Tượng (ttr);
.rạch bà Xã, rạch bến thuyền, rạch xóm đáy, rạch cầu cống, rạch cầu nhỏ, rạch trại cưa, rạch bà Chủ, rạch nhà máy, rạch lộ cũ (ttcđ);
.Ngọn (đoạn đầu rạch): -xóm ngọn (ls).
.Mương: –mương bần, mương lá (tc); xóm mương (pđ); mương lá, mương lớn, mương trai, mương tam (lht); vàm mương (pđ-tc), mương ông Quỳnh (pđ-tc).
.Vàm: -xóm vàm (tc); vàm mương (pđ-tc); vàm Cần Đước, vàm tắt (tl); sông Vàm cỏ
.Vịnh: -xóm bờ vịnh (lh); xóm bàu vịnh (ls).
.Hốc: -hốc nghệ (lc).
.Xẻo: -rạch xẻo dừa (tc).
.Bàu: -xóm bàu (ls); xóm bàu vịnh, xóm bàu điển (lk).
.Bọng: -rạch bọng (tl).
.Doi: xóm doi (tc)
4.Tên ao:
-ao ổi, ao bầu, ao vông, ao tre, ao xương rồng, ao ông Cả (pt)); ao hội, ao chuối (lht); ao gòn, ao xộp, ao mới, ao ngọt, ao lũy, ao Bình Hòa, ao rạch bọng, ao nhà dài, ao xóm mới, ao nhà thờ (tl); ao tranh (tc); ao hội (lhđ); ao xoài (pđ); ao bà Vạn, ao bà mụ (ls), ao ông Lớn, ao rong (ml); ao làng, ao Bà Tân, ao Bà Điền, ao cây điệp (lc); .
5.Tên cầu:
–cầu xây, cầu Bà Thoại, cầu rạch rô (tl); cầu nhỏ. cầu chùa, cầu xoay, cầu Tam binh, cầu làng, cầu chợ Mỹ, cầu rạch đào, cầu chợ trạm, cầu dân sinh (ml); cầu xây, cầu tràm (ltr); cầu xây, cầu Bà Cai, cầu hàng (pt); cầu cau (lc); cầu Nhứt Bạn, cầu nổi (pđ); cầu quay (lđ); cầu kinh, cầu xóm đạo, cầu Bà Quyên, cầu Bà bóng (tc); cầu cháy, cầu Chủ Thơ, cầu chùa (ttcđ); cầu Ông Mộc, cầu Ông Bộ (lh); cầu Bà Thầy, cầu Ông Mít (lht); cầu Bà Chủ, cầu Ông Bình, cầu Ông Sắn (lc); cầu Thầy Lưu, cầu Tổng Trân, cầu chùa (lk); cầu 5 Rê, cầu 8 Uông, cầu 5 Tra, cầu 9 Na, cầu Bà Bông (lhđ); cầu Tổng Điêu, cầu Bà Đắc (pv)
6.Tên bến:
–x.bến, x.bến đò (pđ); x.bến đá, x.bến cống (lht); r.bến thuyền (ttcđ); bến đò ông Du, bến đò bà Nhờ (tâ); bến đò Xã Bảy (pt); bến trễ (tâ), bến bạ(ttr); bến đò Long Cang (lc).
7.Tên chợ: -chợ cũ, chợ Kinh nước mặn (lhđ); chợ mới (pđ, pt); chợ Mỹ (ml), chợ Cần Đước, chợ Rạch Kiến, chợ Trạm, chợ Đào, chợ Long Cang, chợ Phước Vân, chợ Tân Chánh.
—
IV-Những nội dung được phản ảnh qua địa danh:
1-Nghề nghiệp:
-x.đáy (ttr, lht, lhđ, pt, ttcđ); x.chài, xóm rỗi, x. trầu, r.nhà máy xay lúa, r.trại cưa (ttcđ); x.trễ (pđ); bến trễ (tâ); x.bột (ls); x.hàng xáo (tc-pđ); x.bồ (ttr); x.lò heo (lh); x.lò rèn (pđ).
2-Loại đất: -x.rẫy (lhđ, lht); x.biền (lhđ); x.phèn lạnh (pt); x.đồng(lđ, lc); x.giồng (tâ, tc, lht); x.công điền (lhđ, lc), x.vườn (lh),
3-Động vật:
-x.bò cạp (lk); x.cò chim (pt); r.kiến vàng (tl); x.vườn cò (pđ).
4-Cây cối:
-x.tre (lhđ, lht, ttr, pđ, ls); x.cây điệp (lđ); r.cốc, r.lức (lhđ); x.ao bầu, x.bầu (pt, lhđ); x.cây dương (pt); r.xẻo dừa, r.dừa (tc, lht); r.su (pđ); x.ao xoài, xoài đôi (pđ, lh); r.mương lá (lht); x.cầu tràm (ltr); x.bần (lhđ); r.chanh (lk); r.tranh (pv); r.cây xộp (lc); ao ổi, ao vông, ao xươn grồng (pt); ao chuối (lht); ao gòn (tl); x.trầu (ttcđ).
5-giàu-nghèo:
-xóm nhà lầu (lhđ); xóm nhà giàu (ttr); xóm chòi (tl); xóm mới (lht, ttr, lh, tâ, ls); xóm 5 căn (ls); xóm 14 căn, x.mồ côi (ltr);
6-Quân sự:
-x.thủ (lhđ); r.đồn (ls); x.lũy (tl); r.cảm tử (lht); x.bình địa (ttcđ); x.Lãnh Thế (pđ).
7-Tôn giáo, tín ngưỡng:
-x.đạo (tc); x.miễu, rạch miễu (pt, lh, ls, lc); x.thánh thất, xóm chùa thất; x.nhà tu [trung thừa] (lc, pt, lht); x.nhà thờ (tl); xóm (rạch) đình, xóm (rạch) chùa (lh, lhđ, pv, tc, pt, lc, lht, ttr, ls), x.lăng (tc, pđ);
8-Hành chánh: -x.ấp Hảo, x.ấp (tc, pđ));
9-Theo địa hình:
-xóm bờ kinh, xóm trên, xóm dưới cống, xóm ngoài, xóm trong (lhđ); xóm giữa (pt); xóm đầu lộ (tc); xóm lộ, xóm chợ mới, xóm vườn cò (pđ); xóm bờ lộ bót (pt); xóm bờ xe (lc); xóm chợ cũ (lhđ); xóm nhà máy, rạch nhà máy (pđ, ttcđ); xóm ngã tư xoài đôi, xóm nghĩa trang (ltr); xóm bờ kinh (lh); x.đảo, x.cù lao (ttr, pt);
10-Theo tên người:
-Ông: -cầu ông Mít (lht); rạch ông Bí, rạch ông Kế (pv); rạch ông Sắn, sông ông Bình, rạch ông Cồ (lc); rạch ông Bán, cua Lãnh Thế (pđ); rạch ông Mộc (ls); bến đò ông Du, xóm thầy cai Bằng (tâ); bến đò Xã Bảy, rạch ông Lớn, ao ông Cả, rạch ông Kiểu (pt); cầu Chủ Thơ (ttcđ); rạch ông Cả, rạch ông Thiệu, rạch ông Trinh, rạch Cả Cơm (tc); mương ông Quỳnh (pđ-tc); cầu Tổng Tấn, cầu Thầy Lưu (lk); cầu ông Bộ (lh); rạch ông Xà (tâ); cầu năm Rê, cầu tám Uông, cầu năm Tra, cầu chín Na (lhđ); rạch mười Chắc, rạch sáu Phát, rạch mười Đạo rạch mười Đẹt, rạch chín Triệu, rạch út Sử, rạch mười Triều, rạch hai Khâm (pt).
-Bà: -rạch bà Vệ (lđ); đường bà mười Đạo, rạch bà Nghị, rạch bà Rơm (pt); rạch bà Xiển, rạch bà Tám, rạch bà Lắc, rạch bà Đình, rạch bà Ngọt, rạch bà Lành, rạch bà Lý, rạch bà Chủ, miễu bà Quạ (ls); cầu bà Bông (lhđ); cầu bà Thầy (lht); bến đò bà Nhờ (tâ); rạch bà Xã Thảo, rạch bà Tượng (ttr); xóm bà Chủ, xóm bà Lựu, xóm bà Đông, rạch bà Xã, miểu bà Xẫm (ttcđ); rạch bà Thượng, rạch bà Lư, rạch bà Chủ, cầu bà Chủ, rạch bà Rô (lc); cầu bà Quyên, rạch bà Phó (tc); rạch bà Cẩm (pv); rạch bà Soi (pđ). Rạch Bà Hương
11-Khác: -x.hội (ttr); miễu chung hòa hợp (pt).
—
V- Vài ghi nhận qua địa danh
V.1-Tên của huyện gọi theo dân gian, ban đầu dùng để chỉ một xứ -xứ Cần Đước- và sau đó được dùng đặt cho một đơn vị hành chánh là Sở đại lý Cần Đước (1923) và quận Cần Đước (1928). Tên nầy được cho là có nguồn gốc từ tiếng Kme và có nhiều cách giải thích nhưng đến nay vẫn còn chưa rõ nghĩa.
V.2-Tên của xã là do chính quyền chủ động đặt ra. Tên các xã và một số ấp đều mang âm Hán-Việt hoa mỹ. Ở vài xã như Long Hựu Tây, Tân Chánh, Mỹ Lệ, Long Trạch, Tân Lân cũng có một số tên ấp theo âm Hán-Việt và những tên nầy đã có từ lâu đời như: ấp Bình Hòa (tl); Long Hưng, Mỹ Điền, Hựu Lộc (lht); Minh Thiện, Long Thanh, Phước Vĩnh, Đồng Tâm (ltr); Vạn Phước, Long Mỹ, Tân Mỹ, Mỹ Tây (ml); Đông Trung, Hòa Quới (tc).
V.3-Còn lại thì hầu hết tên ấp, xóm, sông rạch, cầu, bến, chợ, …không phải do ai đặt mà là do nhu cầu giao tiếp người ta gọi riết rồi thành tên và thường được gọi mộc mạc, dân dã theo những gì gần gủi với tự nhiên và sinh hoạt đời sống như đất đai, thổ nhưỡng, cây cối, loài vật, tên người hay gọi theo đình, chùa, miễu, lăng, thánh thất, nhà thờ…v.v.
Qua thống kê bước đầu thì thấy tên xóm và tên rạch là nhiều nhất. Có 163 tên xóm và 85 tên rạch. Có hơn 40 tên cầu. Có nhiều rạch nên cũng có nhiều cầu. Cầu đây là cầu nhỏ bắt để đi qua rạch chứ không phải qua sông.
Có khoảng 80 địa danh mang tên Ông (40) và mang tên Bà (40), không thấy địa danh mang tên Anh, Chị, Chú, Bác!.
V.4-Đặc điểm qua tên ở cơ sở (ấp, xóm, sông, rạch…).
/-Qua danh sách tổng hợp địa danh, nhất là qua tên xóm, tên rạch, tên cầu…cũng thấy phản ảnh khá đầy đủ đặc điểm của vùng sông nước.
+Như thấy có tên của tất cả các loại đường thủy như sông, rạch, vàm, vịnh, xẻo, ngọn, hốc, bàu, bọng, kinh, mương, ao. Tên sông, rạch thì xã nào cũng có nhưng tên vàm thì chỉ thấy có ở vùng Hạ như vàm mương (pđ), xóm vàm (tc), vàm Cần Đước (tl) và tên bàu thì chỉ có ở vùng Thượng như xóm bàu vịnh, xóm bàu điển (lk), xóm bàu (ls).
+Có hai con sông lớn là sông Vàm Cỏ, sông Rạch Cát làm ranh giới tự nhiên phía ngoài của huyện, còn lại là vài con sông nhỏ hơn chảy sâu vào nội địa huyện như sông ông Bình, sông Đôi Ma (lc), sông Bến Trễ (tâ), kinh Xóm Bồ (ttr-pt), sông Lưu (tc), sông Cần Đước (tc-pđ-tl). Đặc biệt là hầu hết các con sông nhỏ nầy đều từ sông Vàm Cỏ ở phía Tây chảy vào nội địa các xã nằm dọc bên tả ngạn, còn bên sông Rạch Cát ở phía Đông thì ít thấy có tên sông nhỏ chảy vào, chỉ có rạch Nha Ràm, rạch Cần Đước…
Và từ các con sông nhỏ nầy lại rẽ vào một hệ thống rạch len lỏi vào sâu trong khắp ruộng đồng. Rạch thì thống kê được rất nhiều tên, có khoảng 85 tên rạch và trải khắp trên địa bàn các xã.
Có thể nói, qua khảo sát địa danh cũng cho thấy rất rõ Cần Đước là một vùng sông nước với một hệ thống sông, rạch chằng chịt. Và tên sông, rạch thì cũng gắn liền, gần gủi với tự nhiên và cuộc sống.
Sông, rạch thì đã có từ bao đời trong tự nhiên nhưng khi có con người đặt chân đến đây mấy trăm năm trước thì chúng mới bắt đầu có tên, đặc biệt là hệ thống rạch.
Ta thấy có những tên như mương ông Quỳnh, rạch mương, sông vàm mương. Mương, rạch, sông, vàm là tên của từng loại hình sông nước nhưng ở đây ta thấy mương đi liền với rạch, hay mương đi liền với sông gắn chung một tên.
Mương là một đường nước nhỏ do con người đào để dẫn nước. Nhưng theo thời gian nước chảy đã biến nó thành rạch, thậm chí rạch thành sông và còn được phản ảnh rõ qua địa danh.
Mương ông Quỳnh nối từ sông Vàm Cỏ vào đến chợ Cần Đước, bây giờ gọi là sông Cần Đước. Tương truyền ngày xưa nó rất nhỏ, người ta có thể nhảy qua được. Vậy mà giờ nó đã lở rộng thành sông. Bây giờ vẫn còn tên xóm mương (pđ), xóm vàm (tc) hay trong ngôn ngữ người ta vẫn còn nói: -“đi ra Vàm mương”.
Từ Vàm thường được dùng để gọi nơi tiếp giáp giữa hai con sông lớn và nhỏ, hay giữa sông với rạch. Ở đây thì có sông Vàm Cỏ tiếp giáp với sông Vàm Mương (mương ông Quỳnh).
Ở địa bàn xã Tân Lân có sông Rạch Lóc, sông Rạch Rô, sông Rạch Sâu. Hay ranh giới phía Đông của huyện có sông Rạch Cát. Ở đây ta thấy người ta gọi tên sông gắn với tên rạch. Có nghĩa là ban đầu nó là rạch nhưng sau đó rạch lở rộng thành sông nhưng người ta vẫn gọi sông theo tên của rạch. Tên Rạch Sâu cũng có ở nhiều xã (tl, lht, lđ, lc), cho thấy thủy triều ở những vùng nầy chảy rất mạnh.
Tên rạch cũng gắn với các loài thủy sản như cá Lóc, cá Rô và có lẽ nguồn lợi nầy cũng rất dồi dào đến mức người ta đã lấy để gọi thành tên như Rạch lóc, Rạch rô (tl).
Chiều chiều quạ nói với diều,
Ngã ba Cần Đước có nhiều cá tôm
+Là vùng sông nước nên địa danh cũng phản ảnh khá đầy đủ các loại hình nghề nghiệp đánh bắt cá tôm trên sông như nghề đóng đáy, đi chài, đi ghe trễ, đi ghe rổi. Đặc biệt có nhiều tên xóm đáy ở các xã vùng Hạ như lhđ, lht, pt, ttcđ, ttr. Nghề đi ghe trễ thì thấy có tên liên quan ở vùng Hạ như Phước Đông (xóm trễ), Tân Ân (bến trễ).
Đặc biệt nghề đi rổi cũng có ở Cần Đước qua tên “xóm rổi” (ttcđ). Được biết ở ven biển miền Trung như Bình Định có nghề rẩu. Đây là nghề của các bà mỗi sáng sớm ra bãi biển đón mua cá của các ghe đánh bắt cá ngoài biển vào và phân phối lại cho các nơi và nghe nói các bà làm nghề nầy “miệng lưỡi ghê lắm!”.
Ở Cần Đước không có biển nhưng ở gần cửa sông Soài Rạp chảy ra biển, nên cũng có một đoàn ghe ở xóm rổi (khu 4 thị trấn Cần Đước) hàng đêm chạy ra cửa biển Vàm Láng mua cá của ghe đi biển vào, mang về phân phối lại cho bạn hàng đem bán ở chợ huyện và đem bán cả ở Chợ Lớn-Sài Gòn. Có lẽ từ “rẩu” nầy khi mang vào Nam lại nói thành “rổi”.
Một trong những nghề đánh bắt tôm cá tự nhiên cũng phổ biến ở Cần Đước là nghề đăng nhưng từ nầy lại không thấy phản ảnh qua địa danh vì xóm nào cũng có một hai ghe đăng nhưng tập hợp thành xóm như nghề đáy, nghề chày… nhưng thấy có phản ảnh qua ca dao:
Chiều chiều ông Nữ đi đăng
Cá tôm nhảy hết nhăn răng cười hoài!
/-Địa danh còn phản ảnh một số nghề ở địa phương như x.bồ, x.hàng xáo, x.lò rèn, x.bột, x.nhà máy, x.lò heo, r.trại cưa…
Ở ấp 5 xã Phước Đông có xóm hàng xáo. Nghề hàng xáo là nghề mua lúa vựa nhiều và tổ chức xay gạo dần đem bán các nơi theo nhu cầu thị trường. Có một xóm hàng xáo tức là xóm tập hợp nhiều người làm nghề nầy và tạo ra một lượng gạo hàng hóa rất lớn, một phần cũng do gạo ở Cần Đước có chất lượng ngon có tiếng: “gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”.
Còn có câu: “Anh đi ghe cá mũi son / Bắt em sàng gạo cho mòn ngón tay…”. Sàng gạo cho đến mòn ngón tay là một cách nói hình tượng nhưng qua đó cũng cho thấy người vợ nầy phải sàng một lượng gạo lớn thế nào. Ghe mũi son là ghe mũi đỏ Cần Đước. Qua câu ca dao nầy cũng cho thấy rất rỏ ngoài sản xuất nông nghiệp thì kinh tế Cần Đước đã sớm phân công lại lao động, phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ như hàng xáo, đi ghe, có cả trại cưa, và không dừng lại sàng gạo mà đã có nhà máy xay lúa gạo ở xóm…
/-Từ buổi đầu hoang sơ nên địa danh cũng được gọi với những loài cây hoang dã đang có vùng nước lợ như tre, tranh, bần, lá, dương, điệp, vông, xộp, su, lức, gòn, tra, đa, cau, điên điển, xương rồng, bầu., ổi, xoài, chanh, cốc…Ta thấy có nhiều tên xóm tre, cầu tre; nhiều tên gắn với cây xoài như ao xoài (pđ), xoài đôi (ltr).
/-Địa danh phản ảnh đời sống thiên nhiên còn thấy có những tên xóm, tên rạch mang tên cầm thú như chim, cò, bò cạp, kiến vàng…
/-Qua địa danh chúng ta cũng thấy phản ảnh rõ đặc điểm thổ nhưỡng của vùng Cần Đước. Như thấy có đất rẫy (xóm rẫy), đất biền (xóm biền), đất phèn lạnh, đất đồng, đất giồng (xóm giồng ở tâ, tc, lht)…và các địa danh nầy hầu hết chỉ thấy ở vùng Hạ, chỉ có địa danh đất đồng thì có ở vùng Thượng như xóm đồng (lđ, lc).
/-Ngoài ra còn thấy địa danh phản ảnh một loại đất đai sở hữu của nhà nước thời xưa là đất công điền như “xóm công điền” ở lhđ và lc, “xóm lá làng” ở Tân ân.
/-Địa danh, nhất là tên xóm, rạch, còn mang tên người với những tên Ông, tên Bà như ông Sắn, ông Cồ (lc), ông Kế, ông Bí (pv); bà Lắc, bà Lành, bà Ngọt (ls)…Trên danh sách thống kê đọc được khoảng 80 tên ông (40) và tên bà (40).
Về ghi chép lịch sử thì cho rằng: -khi sáp nhập Đồng Nai- Gia Định năm 1698 thì chúa Nguyễn đã có chủ trương cho di dân từ vùng ngũ Quảng gồm Quảng Bình, Quảng trị, Quảng Đức (Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi vào khai khẩn!.
Nhưng có điều đáng chú ý là tất cả địa danh mang tên Ông, tên Bà còn lưu lại ở Cần Đước đều được gọi thẳng tên chứ không có kèm theo thứ như cách gọi của người miền Nam. Điều nầy chứng tỏ đây là tên của những người di dân đầu tiên từ miền ngoài vào khẩn hoang nên vẫn còn được gọi tên theo cách gọi ở ngoài đó.
Theo tìm hiểu thực tế thì cách gọi thẳng tên nầy là của người ở từ vùng Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình trở ra Bắc, còn từ vùng Quảng Nam trở vào thì người ta gọi tên người có kèm theo thứ như người ở miền Nam, thí dụ như anh hai, bà ba, anh bốn (người miền Nam gọi là anh Tư)…
Và cũng qua tìm hiểu thực tế gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng ở xã Tân Ân thì có ghi nguồn gốc từ Hương Điền, Thừa Thiên – Huế; hay dòng họ Hồ ở ngã ba Tân Lân, xã Tân Lân thì có nói nguồn gốc từ Nghệ An và một số dòng họ lâu đời như Trương, Hồ, Phan con cháu đều nói ông bà kể là từ Huế vô.
Và ở Cần Đước còn có lưu truyền câu ca dao:
Anh về ngoài Huế lâu vô
Họa bức tranh đồ để lại cho em
Sài Gòn mũi đỏ
Gia Định síp-lê
Giã hiền thê ở lại lấy chồng
Buồm anh ra cửa như rồng gặp mây!
Rất nhiều xóm, rạch mang tên người qua đó cũng cho thấy vùng nầy cư dân thường bám theo rạch mà sống và hình thành nên làng xóm. Trên thực tế điều nầy thể hiện rất rõ các cụm dân cư thường ở phía trong các con rạch chứ không ở cặp theo mé sông để tránh sóng gió và sạt lở, xuồng ghe đậu cũng thuận tiện an toàn.
/-Địa danh còn mang tên các hương chức hội tề làng thời phong kiến như cai tổng, hương cả, hương chủ, xã trưởng…
/-Địa danh cũng thấy phản ảnh các loại hình gắn với sông nước là cầu, bến (bến bạ, bến trễ..), chợ…
Như trên đã nhận xét do địa hình có nhiều rạch nên muốn đi lại thì người ta phải bắc cầu và rất nhiều cầu đều có tên. Đặc biệt có nhiều tên cầu xoay (ml), cầu quay (lđ), cầu xây (tl, ltr). Đây là một loại cầu cây người ta thiết kế có thể xoay xuôi theo dòng sông để xuồng ghe lớn có thể qua lại được, giống như những chiếc cầu hiện đại bây giờ và người ta đã nói trại “cầu xoay” thành ra “cầu xây”.
Và đối với sông lớn không đủ khả năng bắc cầu thì có đò ngang với những bến đò. Có những tên bến đò từ Cần Đước băng ngang sông Vàm Cỏ sang Châu Thành, Tân Trụ như bến đò bà Nhờ (tâ), bến đò Xã Bảy (pt).
-Bên cạnh bến đò ngang thì cũng có những tên phản ảnh bến đậu ghe xuồng như xóm bến (pđ), rạch bến thuyền (ttcđ), bến trễ (tâ), bến đá (lhđ), bến bạ(ttr).
Từ xa xưa, Xóm Bến (Phước Đông) là nơi ghe chài từ sông Rạch Cát vào vàm Cần Đước, qua Vàm Tắt đến Rạch Su cặp bến “ăn gạo” để chở về bán trên Sài Gòn-Chợ Lớn, nên nơi nầy có tên Xóm bến. Hiện vẫn còn con đường nông thôn rộng gọi là “đường Bờ mồi Xóm Bến” dẫn từ quốc lộ 50 xuống tận xóm bến bây giờ. Người ta kể đó là con đường làm cho xe bò chở gạo từ các nơi xuống bến để bốc lên ghe. Và có lẽ chuyến đến họ chở đồ gốm đến bán nên tại chỗ bến nầy người ta cũng tìm thấy nhiều dấu tích của đồ gốm.
-Bến Trễ là nơi về đậu của các ghe đi trễ hoạt động ở ven sông Vàm Cỏ, loại hình nầy thấy có địa danh ở Tân Ân, Phước Đông. Loại ghe trễ nầy có gốc tích từ miền Trung và được lưu dân mang vào vùng đất nầy. Ghe có hình dáng khá đặc biệt dài thon, chỉ có một chỗ ngồi sau lái, trước mũi có dằn một cục đá cho cân bằng, bên phải có một sào chà. Khi hoạt động là lúc nước ròng sát, một số loài cá vào mé kiếm ăn, nắm được thói quen nầy người đi trễ chống ghe đi sát mé và hạ sào chà, cá đụng phải chà theo phản ứng nhảy ngược ra và rơi đúng vào khoang ghe, có khi gặp may được cá cở vài ký. Bây giờ nghề trễ chỉ còn địa danh chứ đã mai một rồi, người trẻ ở Cần Đước không thể hình dung ra cái nghề sông nước miền Hạ nầy.
Xóm trễ ở Phước Đông là xóm nghèo nhưng người dân rất có tinh thần cách mạng, thời kháng chiến nhiều người tham gia hoạt động chiến đấu. Hâu duệ của họ sau nầy có người trưởng thành làm tới Bí thư tỉnh.
-Bến bạ được tạm hiểu là nơi đậu ghe xuồng tạm bợ, không ổn định, đậu một lát do nhu cầu gì đó rồi đi như đậu để chờ con nước. Từ “bạ” ở địa phương thường nói là: “bạ đâu nói đó”, “bạ đâu ngồi đó!”. Có địa danh Bến Bạ ở Tân Trạch. Theo nhà văn Sơn Nam trong sách Đất Gia Định Xưa thì “ở Nam bộ chủ yếu giao thông đường thủy, ở ngã ba ngã tư sông thì tụ lại thành chợ, nơi không thành chợ thì gọi là bến bạ”.
-Ở xã Phước Đông có địa danh Chợ Mới và xã Mỹ Lệ có địa danh Chợ Mỹ, nhưng giờ những nơi nầy là vùng nông thôn chứ không thấy chợ. Qua tìm hiểu thì ngày xưa ở những nơi nầy thực sự có chợ, nhưng khi điều kiện tồn tại không còn thì chợ biến mất và chỉ còn để lại địa danh. Trước khi kinh Nước Mặn được đào năm 1879, để tránh ra Vàm Bao Ngược và sông Soài Rạp sóng to gió lớn nhiều hiểm nguy, ghe buôn loại nhỏ và vừa đã chọn hai tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn vùng Hạ Cần Đước để đi từ sông Vàm Cỏ qua sông Rạch Cát để chở hàng về Sài Gòn và ngược lại.
Anh đi ghe gạo Gò Công
Về vàm Bao Ngược gió giông đứt buồm!
Tuyến thứ nhất từ sông Vàm Cỏ vào kinh Xóm Bồ – rạch Chợ Đào – rạch Nha Ràm để ra sông Rạch Cát. Tuyến thứ hai cũng từ sông Vàm Cỏ vào Vàm Mương – sông Cần Đước – vàm Tắt – vàm Cần Đước rồi ra sông Rạch Cát.
Ghe buôn lưu thông trên hai tuyến nầy rất tấp nập đưa hàng hóa nông sản từ miền Tây về Sài Gòn. Có những hàng hóa chở ghe thẳng lên Sài Gòn và cũng có loại đến Cần Đước thì chuyển lên bộ đưa về Sài Gòn bằng xe ngựa. Đó là cơ sở hình thành nên chợ Mỹ (ml).
Một cơ sở nữa là: -chợ Mỹ (ml) và chợ Mới (pđ) đều nằm ngay nơi “giáp nước” của sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát, nên ghe buôn đi đến đây đều dừng lại chờ con nước lớn để đi tiếp. Từ đó xuất hiện nhiều nhu cầu của họ cần được đáp ứng như ăn uống, nước ngọt, giải trí (cờ bạc, đờn ca..) và ngay cả nhu cầu “chị em”! (do những người lớn tuổi kể lại). Như thế là chợ dần dần xuất hiện.
Đến khi người Pháp xâm lược do nhu cầu khai thác thuộc địa đã cho đào kinh Nước Mặn rộng rãi (1879), thuận tiện dễ đi thì người ta đã bỏ hai tuyến đường trên.Vì vậy chợ Mỹ và chợ Mới cũng lụi tàn để chỉ còn lưu lại như một địa danh của một thời phát triển xa xưa của vùng đất nầy!.
/-Ở đây có địa danh Nha Ràm như rạch Nha Ràm, cầu Nha Ràm (cầu Chợ Trạm), nhà thờ công giáo Nha Ràm (ttr) đều nằm rải trên tuyến thứ nhất nhưng nghĩa Nha Ràm là gì thì cũng chưa rõ. Có người giải thích do ở đây có nhiều con nha, con rạm nên người ta gọi theo, hay đây cũng là tiếng Kme?.
/-Địa danh kinh Xóm Bồ?. Kinh Xóm Bồ là một đoạn kinh dài khoảng 01km do con người đào để nối rạch Chợ Đào thông với sông Vàm Cỏ, đáp ứng nhu cầu giao thương đường thủy giữa Nam Bộ với Sài Gòn qua địa bàn Cần Đước như đã nói trên. Tuyến nầy cực kỳ quan trọng nên chính quyền phong kiến ngày xưa đã nhìn thấy và mạnh dạn đầu tư. Kinh được phóng tuyến đi ngang qua Xóm Bồ nên được gọi là kinh Xóm Bồ.
Trở lại lịch sử ta biết năm 1705 tướng Nguyễn Cửu Vân sau khi đem quân đánh Chân Lạp đã lui trở về cho đấp một tuyến phòng thủ và đào một con rạch nhỏ gọi là rạch Vũng Gù nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây ở khu vực Tân An.
Đến thời Gia Long năm 1819 do nhu cầu vận chuyễn hàng hóa, công văn giấy tờ nên đã cho nạo vét lớn rạch Vũng Gù và đặt tên là Bảo Định Giang. Và từ đó có thể đoán được kinh Xóm Bồ cũng được tiến hành trong đợt nầy để thông tuyến từ song Tiền qua sông Vàm Cỏ Tây, vào kinh Xóm Bồ, ra sông Rạch Cát để về Gia Định. Rạch Tàu Hủ ở quận 8 TpHCM cũng được nạo vét năm nầy. Những công trình nầy thời Gia Long đã góp phần phát triển cơ bản giao thông giữa Gia Định và vùng Nam Bộ, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ. Và Cần Đước trở thành một đầu mối giao thương quan trọng từ bấy giờ cho đến mãi sau nầy khi có con kinh Nước Mặn (1879).
Vậy tại sao gọi là Xóm Bồ?. Có một cách giải thích quen thuộc là do xóm nầy chuyên làm cái Bồ nên gọi là xóm Bồ. Vậy Bồ là gì?.
Thực tế đến nay trong đời sống sản xuất ở Cần Đước có hai loại Bồ: -cái bồ lúa (bồ chứa lúa) và -cái bồ đập lúa.
+Cái bồ đựng lúa thì đã có từ lâu đời đối với người nông dân có lúa thu hoạch cần dự trữ trong năm. Bồ được gia đình tự làm đơn giản bằng cách lấy các tấm cà-tăng (cót tre) ví tròn lại với đường kính từ 2-3m và cao cũng từ 2-3m. Tấm cà-tăng thì ở Cần Đước không tự làm được mà phải mua từ nơi khác mang về. Vậy người ta mua cà-tăng về nhà và ví thành nơi đựng lúa gọi là cái bồ lúa chứ cái bồ lúa không phải được làm sẵn ở một nơi nào đó để bán. Vậy xóm bồ không phải là nơi làm ra cái bồ (lúa) nầy!.
+Còn cái bồ đập lúa thì chỉ xuất hiện ở vùng nầy khoảng đầu thập niên 60 khi những giống lúa mới có thân ngắn được sử dụng và người ta đã chế ra cái bồ để đập lúa tại ruộng. Còn trước đó người ta thường làm những giống lúa xưa như Nàng Quớt, Móng Chim…có thân dài và gặt mang về sân nhà, xây thành bã cho trâu đạp.
Cái bồ đập lúa được lấy từ hình ảnh của cái cộ lúa và được thu nhỏ lại, đóng thêm vách ván xung quanh để chứa lúa và cũng dùng cà-tăng ví bên trên để khi đập thì lúa không văng ra ngoài. Loại bồ nầy cũng dễ làm nên cũng không cần phải có nơi sản xuất tập trung để bán. Vậy xóm bồ cũng không phải là nơi làm ra cái bồ đập lúa nầy. Như vậy có thể khẳng định thời đào kinh Xóm Bồ đầu thế kỷ 19 (1819) thì chưa có cái bồ đập lúa nầy.
Đây là lập luận thôi, chứ tên “xóm bồ” đã có trước đó hàng trăm năm, trong khi cái bồ đập lúa thì mới xuất hiện có vài chục năm. (Kinh Nước mặn được đào năm 1879, kinh Xóm bồ được đào trước khi có kinh nước mặn, và xóm bồ thì lại có trước đó từ bao đời!). Như vậy, theo phân tích trên thì Xóm Bồ không phải là nơi sản xuất “bồ đựng lúa” và “bồ đập lúa” được sử dụng phổ biến ở Cần Đước. Vậy “Bồ” là gì?. Hay là tên người?.
/-Địa danh phản ảnh các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo.
Cần Đước có đời sống tín ngưỡng rất sâu thể hiện qua sự hiện diện của đình, miễu, lăng và có đủ các tôn giáo lớn như Phật giáo, Cao đài, Công giáo, Tin lành và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân khi họ lấy những cơ sở tôn giáo gắn với tên xóm, ấp.
Có rất nhiều tên ấp, xóm, rạch gắn với đình, miễu, lăng, chùa (Phật), chùa thất, thánh thất, nhà tu (trung thừa của Cao đài), nhà thờ (Công giáo).
Có khá nhiều tên xóm chùa, xóm đình, xóm miễu, xóm lăng, xóm chùa thất, xóm thánh thất ở các xã lhđ, lh, ttr, pv, tc, pt, lc, tl, lht, pđ, ls.
Cơ sở thờ tự của Phật giáo thì gọi là chùa, của đạo Cao đài gọi là thánh thất, nhưng người dân xem thánh thất cũng là một dạng chùa nên có nơi người ta không gọi thánh thất mà lại gọi là chùa thất (pt).
-Qua địa danh thì cũng thấy có hai loại miễu: miễu xóm và miễu ao. Loại tên miễu ao nầy thấy có nhiều ở xã Phước Tuy.
Ao là một loại hình dự trữ nước mưa rất sáng tạo của cư dân vùng nước mặn Cần Đước. Ao thường được đào ở đất đồng để tránh nhiễm mặn nên cách xa với xóm dân cư thường ở gần sông rạch. Vì vậy việc giữ gìn nguồn nước ngọt quý giá nầy không bị những người kém ý thức lội tắm hay cho trâu bò ỉa đái làm nhiễm bẩn, nhất là vào mùa khô, là vấn đề sống còn đối với bà con trong xóm. Nên người ta đã lập miễu thờ Bà Thủy Long ở ao để: -một là thể hiện lòng quý trọng nguồn nước quý của cộng đồng. -hai là nhờ cái uy của thần thánh (Bà) để dọa những người kém ý thức sợ “bà vật” mà không dám làm bẩn nước ao.
-Cơ sở tín ngưỡng ở xóm phần lớn là miễu và thờ Bà Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) hay thờ Bà Chúa Xứ nhưng có xóm cũng có dạng giống miễu nhưng không gọi là miễu mà gọi là nhà vuông và thờ Tiên sư như nhà vuông ở Xóm Chùa (tl) và ấp Tây (lht).
-Ta cũng thấy có địa danh Xóm Lăng ở Tân Chánh và Phước Đông. Đây là nơi có những ngôi mộ khá lớn của quan chức triều đình hay người giàu có mà dân lại gọi là Lăng.
Ở Xóm Lăng (Tân Chánh) là nơi có mộ của ông Nguyễn Khắc Tuấn, sinh năm 1767 ở làng Hòa Qưới nay là Tân Chánh, mất ngày mùng 7 tháng 2 âl năm Quý Mùi 1823 (năm Minh Mạng thứ 4).
Ông là một vị võ quan, theo Nguyễn Ánh lúc được 16 tuổi (1783), có nhiều công trạng như chỉ huy tiền quân trấn giữ đồn lũy biên cương ở phủ Lạng Giang, thống lĩnh hạm đội hải quân bảo vệ cửa biển, ở miền Bắc, làm tướng hậu cần cung cấp quân lương khí giới, dẹp giặc ở Bắc thành thời Gia Long, Minh Mạng và từng được phong chức:
Khâm sai Chưởng cơ thống quản trung quân chấn định thập cơ Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn
Khi ông chết vua Minh Mạng trọng vọng công lao nên đã cho một đoàn quân hộ giá quan tài đưa về chôn tại quê nhà Tân Chánh, cấp tiền cho xây mộ đồng thời cấp sắc truy tặng ông là Nghiêm Oai tướng quân, Thượng Hộ quân Thống chế, thụy Tráng Nghị và đưa sắc vào thờ ở đình Tân Chánh (1823). Đây là ngôi đình có sắc phong duy nhất ở Cần Đước. Vua Minh Mạng có ban tặng ông hai câu đối còn được khắc ở cổng lăng mộ với nội dung như sau:
Tích nhậm Bắc thành quân dân mông thiệt huệ
Kim quy cố thổ thiên địa giám cô trung
Dịch nghĩa:
Xưa trấn nhậm Bắc thành quân dân chịu trọng ơn
Nay về quê cũ có đất trời soi rõ tấm lòng trung.
Trước năm 1975 ở quận lỵ Cần Đước chỉ có hai con đường được đặt tên đó là đường Nguyễn Khắc Tuấn (nay là đường Nguyễn Trãi) và đường Mai Văn Hiến (nay là đường Trần Hưng Đạo).
Ông Mai văn Hiến là vị xã trưởng làng Tân Trạch từng che chở và giúp đở quân lương cho chúa Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn rượt đuổi chạy từ Gia Định về tá túc tại chùa Thiên Mụ, thôn Tân Trạch (lúc đó chùa có tên khác nhưng nay không ai còn nhớ) khoảng thời gian 1782, 1783. Sau đó quân Tây Sơn đã phát hiện ông Mai Văn Hiến cùng hòa thượng trụ trì chùa đã che chở và giúp đỡ chúa Nguyễn Ánh nên đã đem xử tử cả hai người .
Còn ngôi mộ ở Xóm Lăng (xã Phước Đông) thì nghe nói đọc được trên mộ bia ghi đó là một vị quan Hộ đê (thủy lợi) ngoài Bắc bị sai sót sao đó mà đưa vào đây rồi chết và chôn ở đây. Trong cuốn Lịch sử truyền thống xã Phước Đông thì viết hay đây là mộ của người thuộc dòng họ Sầm là một họ giàu có ở xóm nầy (mộ ông Phong, mộ ông Bộ?).
/-Địa danh cũng phản ảnh các chức sắc làng thời thực dân phong kiến như Cai tổng, Cả (hương cả), Chủ (hương chủ), Xã (xã trưởng)…ngoài ra còn có Lãnh binh (Lãnh Thế) và Thầy giáo…
Ông Lãnh Thế, nhà ở ấp 5 Xã Tài, xã Phước Đông, là một lãnh binh chiến đấu ở Cần Đước dưới quyền Trương Định. Nghe kể: -khi Trương Định chết ông đã để tang và giặc Pháp vào nhà đã bắt được khăn tang giấu trên nóc mùng và bắt ông, buộc phải hợp tác với chúng!.
Còn chức Cai Tổng thì dân lại thường gọi là Thầy Cai như có Xóm Thầy Cai Bằng (Tân Ân), xóm Thầy Cai Hối (Tân Lân).
/-Có những địa danh gắn với lĩnh vực quân sự như đồn (xóm đồn, ls), thủ (xóm thủ, ấp Rạch Cát, lhđ), lũy (xóm lũy, tl.)
+Xóm Lũy thuộc ấp Bình Hòa, xã Tân Lân và nằm bên bờ sông Rạch Cát. Có lẽ đây là một chiến lũy phòng thủ đã được xây dựng thời chiến tranh giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn ở vùng nầy. Đây là cuộc chiến đầu tiên xảy ra ở Nam bộ kể từ khi vùng nầy về tay chúa Nguyễn và tài liệu lịch sử có ghi hai bên đều có đấp lũy để chống lẫn nhau trong giai đoạn từ 1776 đến 1786. Đến khi người Pháp xâm lược chiếm Sài Gòn 1859 rồi đánh chiếm Cần Giuộc, Cần Đước thì tháng 11/1863 cũng có xây lũy ở chợ Cần Giuộc, chợ Cần Đước. Ở huyện Cần Giuộc giờ cũng còn địa danh ấp lũy ở xã Long Hậu, xã Phước Lại.
+Xóm Thủ thuộc ấp Rạch Cát, xã Long Hựu Đông và nằm ngay nơi gặp nhau của ba con sông Vàm Cỏ, sông Rạch Cát và sông Soài Rạp chảy ra biển, nên đây là một vị trí chiến lược về quân sự. Ngày xưa chính quyền phong kiến đã từng cho lập ở đây một thủ (đồn) để kiểm soát và thu thuế ghe thuyền qua lại, có lẽ vì vậy mà xóm nầy có tên Xóm Thủ.
Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn năm 1776 có ghi rõ lực lượng quân đồn trú ở Thủ sở Soài Rạp có 9 chiến thuyền và 360 quân. Năm 1821 (Minh Mạng thứ 2) đã cho đấp tại thôn Long Hựu một đồn phòng thủ cửa biển gọi là Lôi Lạp tấn bảo (Lôi Lạp là tên xưa của Soài Rạp).. Đến năm 1904 – 1910, thực dân Pháp cũng đã cho xây dựng một pháo đài to lớn, kiên cố và hiện đại tại mõm đất nầy và gọi là Đồn Rạch Cát (Rạch Cốc) là một pháo đài có tính chất phòng thủ to lớn kiên cố nhất nước để bảo vệ thuộc địa trước nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918).
/-Địa danh chỉ vị trí: có xóm trên, xóm dưới, xóm trong, xóm ngoài, xóm giữa.
/-Địa danh phản ánh sự giàu nghèo và quy mô xóm: xóm nhà lầu, xóm nhà giàu, xóm mới, xóm chòi, xóm mồ côi, xóm 5 căn, xóm 14 căn.
Gọi là xóm chòi vì ban đầu từ xóm cũ người ta ra ruộng cất chòi để tiện làm ruộng. Sau dần dần thì cho con ra riêng luôn và đông dần thành xóm, xóm chưa có tên nên để phân biệt với xóm cũ người ta gọi là xóm mới, có nhiều xóm mới ở các xã qua đó cũng thể hiện sự phát triển dân số và hộ gia đình.
Kinh tế phát triển thì cũng dẫn đến phân hóa giàu nghèo trong đó cũng thể hiện qua thu nhập và đầu tư xây dựng nhà cửa ở nông thôn, có nhà ngói nhà tầng mà dân gọi là xóm nhà giàu, xóm nhà lầu…
Ở xã Long Hòa có xóm 14 căn là xóm thuộc vùng căn cứ cách mạng chỉ có 14 căn nhà, nổi tiếng là xóm có truyền thống trung kiên cách mạng, đa số tham gia hoạt động cách mạng, nhiều người là cán bộ lãnh đạo huyện…
/-Tên xóm lại đi liền với tên ấp: xóm ấp Hảo ở Tân Chánh và xóm ấp (ấp 2) ở Phước Đông.
/-Yếu tố người Hoa: miễu Bà Xẩm ở khu 4 Thị trấn Cần Đước. Bà Xẩm đây không phải là tên người mà là tên gọi người phụ nữ Tàu – Bà Xẩm tàu. Tương truyền ngày xưa có một bà Xẩm tàu không biết từ đâu đã đến cất một cái chòi ở sát bên ngôi miễu nầy để ở và bán trà?. Vì vậy lâu ngày người ta gọi luôn là Miễu Bà Xẩm.
/-Địa danh gắn với truyền thuyết: -Sông Đôi Ma.
Theo Gia Đinh thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì sông Đôi Ma có tên chữ là Song Ma giang, còn gọi là Tình Trinh giang ở bờ bắc sông Thuận An (Vàm Cỏ Đông).
-“Tương truyền xưa có người con gái nhà giàu họ Phạm, vừa đến tuổi lấy chồng, đem lòng yêu một người học trò họ Nguyễn, gặp gỡ hẹn ước nhưng lại hổ thẹn không dám bày tỏ với cha mẹ; người học trò vì nghèo túng không dám cậy người dạm hỏi. Rồi cô gái mang bệnh tương tư héo mòn mà chết, cha mẹ thương tiếc không vội chôn, làm mái lều để quan tài sau vườn. Người học trò nghe tin bèn tới chỗ quan tài cô gái thắt cổ chết theo, người ta mới đặt quan tài anh học trò ở cạnh bên. Lâu ngày âm khí nơi đó tụ thành ma quỷ, lúc ban đầu còn có vẻ kín đáo, chỉ hiện bóng khi đêm khuya thanh vắng, sau thì bạo dạn hiện cảnh ân ái cả lúc ban ngày, nhưng chưa làm hại đến ai. Đến sau khi cha mẹ cô gái qua đời, nhà cửa suy sụp, hai cái quan tài ấy không chôn được, cây cỏ mọc thành rừng, vong hồn ấy khi thì giả làm con gái để gạt dân địa phương, khi thì giả làm thuyền buôn để chọc ghẹo khách hàng, nhiều người khó chịu nên đặt tên chỗ ấy là Song Ma (hai con ma) để biết mà tránh. Tới lúc Tây Sơn vào chiếm, nhân đi qua đây nghe việc ma quỷ thấy ghét, bắn cho mấy phát súng rồi đốt luôn căn lều để quan tài, từ đó dứt chuyện ma quái”.
Qua câu chuyện nầy cũng cho thấy vùng Cần Đước cũng từng là vùng hành quân của quân Tây Sơn trong cuộc chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh(1776 – 1786).
—————-
Tóm lại
Xứ Cần Đước vốn là vùng đất hoang vu đã được khai phá qua hàng trăm năm và do nhu cầu của cuộc sống một hệ thống địa danh đã được sớm hình thành để gọi tên đất, tên rạch tên sông, tên ấp, tên làng…Hệ thống địa danh nầy cũng thể hiện rất rỏ nét đặc thù của vùng đất sông nước nầy.
Bài viết nầy chỉ là kết quả khiêm tốn bước đầu của việc tìm hiểu hệ thống địa danh ở Cần Đước, chủ yếu qua điều tra thực tế, ngoài ra sách vở tài liệu thì không có sẵn ngoài bài viết “Tìm hiểu chữ Cần” của tác giả Cao Tự Thanh.
Do hoàn cảnh khách quan nên đây chỉ là bước tập hợp đầu tiên mang tính cơ bản và còn nhiều thiếu sót cần được bổ sung, vì việc tìm hiểu đầy đủ hệ thống địa danh ở Cần Đước có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu biết về một vùng đất trên nhiều lãnh vực có ý nghĩa thực tiễn ./.
//-Tài liệu tham khảo:
-Điều tra điền dã
-Sách:
1- Cần Đước đất và người (Huyện ủy Cần Đước)
2- Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức)
3– Gia Định xưa (Sơn Nam)
———————————
——