Xe đò Cần Đước và hội xe đò Đồng Hiệp

0
594

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

 Cần Đước là vùng sông nước nên đi lại chủ yếu bằng đường sông tính từ khi được bắt đầu khai phá từ đầu thế kỷ (TK) 17 cho đến năm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh vào lập phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình, và dinh Phiên Trấn tức Sài Gòn được chọn làm thủ phủ của huyện Tân Bình. Từ vùng Cần Đước chèo ghe về Sài Gòn theo sông Rạch Cát mất thời gian chừng một buổi.

Từ năm 1748 đường thiên lý nối Gia Định với phía Bắc được thực hiện. Cho mãi đến năm 1790 Nguyễn Ánh cho xây thành Gia Định làm kinh đô và cho đấp đường thiên lý đi về phía Nam nối Gia Định với Mỹ Tho năm 1792. Và có lẽ con đường bộ nối Gia Định với Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công cũng hình thành trong thời gian nầy. Đó là tiền thân của quốc lộ 50 ngày nay.

Xe đò Cần Đước – Ảnh Hồ Tấn Việt

Thường trên đường thiên lý được chia thành những cung đường và mỗi cung đường có nhiều dịch trạm làm nhiệm vụ trung chuyển công văn giấy tờ xuống địa phương với cự ly khoảng 20km, mỗi trạm có khoảng 15 đến 30 lính trạm và một số ngựa. Lính trạm có thể chạy bộ hoặc đi ngựa. Nếu đi gấp thì trên đầu ngựa có để một dấu hiệu cục than cháy nên gọi là hoả tốc.

Một dịch trạm như thế được thiết lập ở vùng chợ trạm xã Mỹ Lệ, sau đó một cái chợ được nhóm để phục vụ nhu cầu của trạm và cư dân chung quanh nên có địa danh Chợ Trạm cho đến ngày nay.

Qua tìm hiểu thực tế thì giai đoạn nữa cuối TK 18 nầy thì vùng Cần Đước đã được khai phá khá mạnh và ngoài đường sông thì việc đi lại giữa Sài Gòn và Cần Đước đã có đường bộ với phương tiện gồm đi bộ hoặc đi ngựa từ cuối TK 18.

Đường thiên lý thời Nguyễn khi qua sông thì phải đi đò vì chưa đủ khả năng để làm cầu lớn, đến khi người Pháp sang thì họ nâng cấp đường thiên lý trải đá hoặc tráng nhựa và bắt cầu sắt qua sông.

Đến đầu TK 20 thì xe ô tô mới được nhập vào Đông Dương và ở Việt Nam có lẽ xe ô tô có nhiều là từ sau Thế chiến lần thứ nhất 1914-1918.

 Tỉnh Chợ Lớn được thành lập từ năm 1900 và quận Cần Đước được lập năm 1909 với tên gọi là Sở đại lý Rạch Kiến, đến năm 1923 mới chính thức đổi tên thành Cần Đước và huyện lỵ đóng tại chợ Cần Đước. Có lẽ xe đò Cần Đước cũng ra đời vào khoảng thời gian nầy do hai yếu tố tác động là xe ô tô đã có và việc thành lập quận tại Cần Đước. Và thêm một yếu tố nữa là các cây cầu sắt từ Chợ Lớn về Cần Đước như cầu Ông Thìn, cầu Cần Giuộc, cầu Mồng Gà, cầu Chợ Trạm, cầu Chùa, cầu Chợ đã được người Pháp xây dựng xong.

Đò đầu tiên là từ được dùng để chỉ phương tiện chở khách trên sông; từ bến sông nầy sang bến sông kia thì gọi là đò ngang, còn đò nối liền hai bến theo dòng sông thì gọi là đò dọc. Và khi xuất hiện xe đưa khách trên đường bộ thì người ta cũng mượn từ đò sẵn có để gọi loại xe nầy là xe đò, cũng là một loại đò dọc.

Xe hơi (ô tô) xuất hiện ở Châu Âu năm 1885 và xuất hiện đầu tiên ở Nam Kỳ vào năm 1907 với chiếc thứ hai của Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Nhưng đến sau Thế chiến 1 năm 1919 thì xe hơi được nhập ồ ạt vào Nam kỳ lên đến cả ngàn chiếc, chủ yếu là xe của các hãng Pháp. Và có thể đoán xe đò Cần Đước xuất hiện vào thời điểm này, đầu những năm 20.

Về kiểu dáng thì xe đò Cần Đước cũng có kiểu đặc trưng và có lẽ người ta chỉ nhập đầu máy và thùng xe thì được đóng ở VN. Xe có khoảng 30 ghế hành khách, phía trước thường có ba hàng ghế ngang, sau đó là ba băng ghế dọc và sau cùng là một lồng cu có thể lên xuống trực tiếp từ phía sau. Phần phía  sau nầy thường là nơi của các bà buôn chuyến nông sản thực phẩm từ quê như gà vịt và trứng, rượu đế, me, chùm ruột… Còn cá tôm thì thường đi bằng xe lô.

Xe lô là xe ô tô con được cải tiến dùng chở khách chứa khoảng 8 đến 10 người nên thời gian rước khách nhanh hơn và chạy cũng nhanh hơn, một kiểu xe tốc hành và giá đắt hơn xe đò. Ngày trước thầy cô giáo ở Sài Gòn xuống Cần Đước dạy thường đi loại xe nầy cho kịp giờ.

Xe đò Cần Đước rước khách từ bến Cầu Nổi về đậu ở bến chính chỗ bồn binh cây xăng Năm Tích rồi mới chạy lên bến xe Xóm Củi nằm phía trước chợ Xóm Củi chỗ toà nhà của công ty Prudential bây giờ. Còn xe lô thì chỉ đậu tại bến Cần Đước chứ không rước khách ở Cầu Nổi.

Dân làm xe đò xe lô Cần Đước tập trung nhiều ở xóm Lộ cũ giờ thuộc khu phố 3 thị trấn Cần Đước, sau này lan ra ở xóm chùa Phước Thiện khu 4 và thêm một số ở xóm Cầu Nổi, Phước Đông và thường cha truyền con nối nhiều đời, gốc của họ cũng là những gia đình có tích luỹ tiền từ nông thôn đầu tư làm nghề xe và định cư lại thị trấn.

Ngay từ đầu họ đã ý thức được sức mạnh của tập thể đoàn kết tương trợ trong nghề nghiệp nên đã lập nên Hội xe đò có tên Đồng Hiệp, sau nầy có lúc đổi tên là Vĩnh Hiệp, đều là những tên rất có ý nghĩa cùng đồng tâm hiệp lực và hiệp lực muôn đời và thực tế họ đã sống và làm ăn đúng như vậy.

Hội xe đò Đồng Hiệp ngoài tương trợ nghề nghiệp còn có những hoạt động khác như có đội bóng đá nổi tiếng và cao hơn là ủng hộ và tham gia hoạt động cách mạng.

Xuất hiện đầu những năm 20 của thế kỷ 20 cùng với xe đò Cần Đước là một đội ngũ lái xe và lơ xe trở thành một tầng lớp mới trong xã hội, là một đội ngũ công nhân xuất phát từ nông thôn họ cũng được  tiếp nối truyền thống yêu nước, ghét bất công, biết đoàn kết trong lao động, trong nghề nghiệp.

Từ khoảng 1927 đến 1930 chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản đã xuất hiện ở Cần Đước và ngay ở chợ Cần Đước và đội ngũ lái xe lơ xe của hội xe đò Cần Đước cũng là một đối tượng đặc biệt được tuyên truyền tinh thần yêu nước, chống thực dân phong kiến, chống áp bức bất công và họ cũng giác ngộ rất nhanh.

Từ đó họ đã tích cực ủng hộ hoạt động của những người cộng sản và có người trở thành đảng viên cộng sản như ông Ngô Văn Tốt (Năm Tốt), ông  Phạm Văn Túc (Tám Túc)…Từ năm 1930 trở đi chi bộ hội xe đò Đồng Hiệp Cần Đước là một chi bộ mạnh có nhiều đảng viên và tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng những năm 1936 – 1939 cho đến giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám 1945. Nhờ xe đò Cần Đước – Chợ Lớn mà tin tức từ Sài Gòn Chợ Lớn được truyền về Cần Đước rất nhanh hàng ngày và xe đò Cần Đước cũng góp phần đảm bảo liên lạc giữa Cần Đước với cấp trên.

Là người có uy tín ở chợ Cần Đước ông Năm Tốt có mối quan hệ thân thiết với làng lính, với ngay cả  Phủ Hải là quận trưởng. Nhờ mối quan hệ nầy mà trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 ông Tốt đã tác động Phủ Hải tự giác đầu hàng cách mạng, không chống cự và tự nguyện giao chính quyền. Nhờ vậy việc cướp chính quyền ở Cần Đước đã diễn ra nhanh chóng và êm thấm và ông Tốt, ông Túc đều ở trong quận uỷ Cần Đước và được cử giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng.

Nay do xã hội phát triển xe đò Cần Đước được tổ chức thành hợp tác xã và chuyển thành xe buýt, và nối tuyến đến tận thị xã Gò Công, chạy rất đúng giờ cứ 15 phút một chuyến rất thuận lợi cho dân đi lại. Nhờ vậy đã có nhiều người Cần Đước làm việc, học tập ở Sài Gòn đã chọn cách sáng đi chiều về nhờ phương thức hoạt động hoạt động đúng giờ của xe buýt nầy.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNghệ sĩ Thanh Hằng – người con của gia tộc cải lương ở Cần Đước!
Bài tiếp theoĐừng quên những ngón đàn đờn ca tài tử!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây