Xe đò Rạch Kiến

0
619

LÊ VĂN HẬU

Những năm trước 1975, do tình hình chiến tranh ác liệt, gia đình tôi phải di chuyển lên Sài Gòn sinh sống vì vùng Cầu Bà Tượng là vùng “chiến sự”, không ai dám vào đó. Bà Ngoại tôi còn ở lại Rạch Kiến với người Dì ruột (Nhà cách chợ Rạch Kiến khoảng 1 – 2 cây số). Mỗi năm, tôi thường được Mẹ dẫn về quê thăm Ngoại đôi ba lần và ở nhà người Dì đó.

Xe đò với cửa bên hông mỗi hàng ghế (Ảnh:Internet)

Mỗi lần về quê, ban đêm, cả nhà phải chui vô hầm (người dân gọi là “trảng xê” – có lẽ phiên âm từ tiếng Pháp “Tranchée”, nghĩa là hầm trú ẩn). Hầm được làm trên mặt đất, xung quanh xây gạch, rồi đắp đất bên ngoài. Phía trên hầm đặt những tấm ván dày (Bộ ván ngựa thời xưa) rồi để lên trên những bao trấu (để cho mảnh đạn có rớt vào sẽ bị cản lại).

Bọn nhỏ chúng tôi lúc đó không biết gì, lại lấy làm thích thú! Có lúc chui vô hầm lại đùa giỡn. Trong hầm tối om, chỉ được đặt một cái đèn dầu nhỏ ở cạnh cửa hầm. Nhiều đêm, nằm trong hầm mà nghe đạn bắn ì đùng, sáng hôm sau thì chui ra, trở lại cuộc sống bình thường. Thỉnh thoảng, ở ngoài vườn còn thấy những đầu đạn lạc …

Từ Chợ lớn về Rạch Kiến, Mẹ con tôi phải đi bằng xe đò. Xe đò thời đó chạy từ Bến xe Chợ Lớn về Bến xe Rạch Kiến, và luôn rước khách dọc đường. Đi xe đò đối với tôi thời đó là một “cực hình”. Xe đò thời đó có “cấu tạo” khác với bây giờ, mỗi hàng ghế có một cửa mở ra cho khách vào. Khách ngồi hàng ghế nào thì không “đi lại” được với các hàng ghế khác. Chính vì đặc điểm này mà các nhà xe “nhồi nhét” khách vào một hàng ghế sẽ làm khách ngồi sát nhau, chịu đựng … Trẻ con có khi phải ngồi hoặc đứng trong lòng mẹ. Những hành khách có hàng hóa, xe đạp … thì được “ràng” trên mui xe làm cho chiếc xe nhìn thấy có cảm giác … “nặng trĩu”!


Ảnh do anh Nguyễn Hoàng Tuấn sưu tầm

Một điều “bực mình” là nạn rước khách dọc đường. Thời gian dừng lại để rước khách và cho khách xuống chiếm gần gấp đôi thời gian đi! Ngồi trên xe, tôi luôn mong sao cho khách xuống bớt để “dễ thở”. Được một hai người khách xuống rồi thì đến một điểm khác lại có khách lên xe. Tình trạng vẫn “như cũ”… Thương cho các ông “lơ” xe. Họ chỉ “đu bám” ngoài xe hoặc ngồi trên mui xe để “phục vụ” khách. Thật là nguy hiểm! Về đến Rạch Kiến, tiếp tục là một “hành trình đi bộ”. Hai Mẹ con phải đi bộ từ Chợ Kiến (Chợ Rạch Kiến) về nhà Ngoại.

Thời chiến tranh, gian khó là như vậy, nhưng đối với tuổi thơ lại là những kỷ niệm đẹp, dấu ấn của tình yêu thương ông bà cha mẹ, tình yêu quê hương – nơi “chôn nhau cắt rốn”. Mặc dù đi giữa vùng “tên bay đạn lạc” nhưng tình thương của Mẹ đối với Ngoại đã để lại trong tôi một bài học đạo đức, con cái phải biết hiếu kính cha mẹ, dù không trực tiếp chăm sóc nhưng phải sớm hôm thăm viếng.

Lê Văn Hậu 

 

 

Bài trướcU70 đón nắng, đón gió duyên hải miền Trung!
Bài tiếp theoNghệ sĩ Thanh Hằng – người con của gia tộc cải lương ở Cần Đước!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây