Xóm Đáy của tôi

1
668

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG


Xóm Đáy, xưa thuộc xã Phước Đông nay thuộc khu phố 2 Thị trấn Cần Đước, được hình thành đến nay khoảng hơn một thế kỷ. Ông cố, cha của bà nội tôi, gốc ở xóm Bà lựu, sinh khoảng năm 1880, khi lập gia đình đã sang ở rể Xóm Đáy và sinh con đầu là bà nội tôi năm 1904, Giáp Thìn (năm Thìn trời bão).


Ảnh minh họa

Gia đình bà nội là một trong những gia đình đầu tiên của Xóm Đáy vào khoảng giữa thế kỹ 19. Lúc đó xóm chỉ có vài căn nhà cất bên bờ rạch, mãi đến năm 1960, tức hơn nửa thế kỷ sau, cũng mới có khoảng 20 hộ, chủ yếu là các thế hệ con cháu ra ở riêng, chứ không có người ngoài vào ở.

Gọi là Xóm Đáy vì ngoài làm ruộng, đa số gia đình ở xóm nầy có thêm nghề đóng đáy, từ đời cha truyền đến đời con, khai thác khúc sông từ chợ Cần Đước vô tới Rạch Lóc, Rạch Su và có đâu chừng 10 miệng đáy. Nhà tôi cũng có một miệng đáy nhỏ ở trong ngọn Rạch Su, cách nhà hơn cây số chèo ghe.

Ảnh minh họa

Xóm Đáy bây giờ đông đúc là có thêm dân nhập cư từ xóm Cầu Nhứt Bạn do từ năm 1963 chính quyền Sài Gòn dồn dân vào đây lập ấp chiến lược. 50 năm sau họ đã sinh thêm mấy thế hệ. Bây giờ Xóm Đáy nhà ở đông đúc như phố chợ. Ngày xưa Xóm Đáy cách chợ Cần Đước một đoạn sông khoảng 200m, đi ngang qua cầu Chùa. Sau ngày giải phóng, chính quyền đã đấp hai con đập và xây cái chợ mới nên Xóm Đáy giờ ở cạnh bên chợ. Do sông không còn chảy nên nghề đóng đáy cũng đậu ghe nghỉ luôn, bà con lên bờ kiếm nghề khác sinh sống mà đa số là bám vào cái chợ này.

Ảnh minh họa

Ở Xóm Đáy có năm họ là Nguyễn, Tô, Đỗ, Huỳnh, Phạm và các họ nầy đều có bà con xa gần với nhau. Sau này dân nhập cư có thêm họ Trương, cũng là một họ lớn…

Lúc chưa có con đập thì sông Cần Đước thuộc vùng sinh thái nước lợ, mùa mưa nước ngọt, mùa khô nước mặn và cá tôm cũng khá phong phú.

Chiều chiều quạ nói với diều

Ngã ba Cần Đước có nhiều cá tôm!

 Tôm thì có tôm bạc, tôm đất, tôm càng, tôm tít. Cá thì có cá bóng kèo, bóng xệ, bóng cát, bóng dừa, cá đối, cá ngát, cá dứa, cá chốt, cá hủn hỉnh, cá mặt quỷ, cá chình, cá sủ. Ngoài ra còn có cua, còng, rạm. Ngon nhất là cua gạch son thường được dùng làm món chả cua trong những đám giỗ.

Gặp những con nước rông lớn, cua nhèm chạy đáy rất nhiều phải đổ xuống khoang ghe, còn con nào bò trên sàn thì hất luôn xuống sông vì sợ không khéo sẽ bị cua kẹp rất đau. Bây giờ ra chợ thì loại nầy cũng phải trả lắm tiền. Mắm tôm chua cũng là món đặc sản thường được ăn với bún tươi, thịt ba rọi luộc, rau sống. Những bữa đóng đáy nước ngày về trưa quá tôm bán không kịp nên bà nội tôi thường lấy tôm làm mắm, mà phải là tôm đất. Món cá chốt nấu canh chua với lá me, cá chình nấu cà ry ăn cũng rất hấp dẫn.

Cây cối ven sông thì có cây bần, cây mắm, cây đước, mái dầm, cốc kèn, ô rô, lá dừa nước. Lá dừa nước được dùng phổ biến để lợp nhà. Cà bắp là lá dừa nước non được dùng để thắc gào tát nước ghe rất tiện.

 …Chèo ghe đi hái búp bần

Thấy hai ông địa chầng vầng chun ra

…Chèo ghe đi hái búp bần

Chèo lại gần gần bóp v. chị sui!

Chim thì có cò, còng cọc, dòng dọc, chài chài, chim cu…Ở trong rạch Su từng có một vườn cò rất lớn của nhà ông Tám Hối. Chim dòng dọc thường làm tổ ở cây bần và bao giờ cũng có một tổ ong sắt canh chừng. Leo lên bắt chim mà không quan sát là bị ong đánh ngay. Không biết là chim làm tổ ngẩu nhiên cạnh ổ ong hay là do chim khôn ngoan mà biết lựa nơi có ong để làm tổ!. Trong các loại tổ chim có lẽ tổ chim dòng dọc là đẹp nhất, có tổ cho con trống, con mái riêng. Còn các giống cò, cu thì làm tổ đơn giản hơn, có vẻ lười biếng làm cho có lệ để có chỗ đẻ trứng mà thôi.

Trái bần ăn cũng rất ngon, thường ăn với mắm ruốc, mắm sặc sống. Có hai loại bần là bần ổi và bần rạch. Cây bần ổi thì ít thấy hơn, thường mọc ở gần nhà; còn bần rạch thì rất nhiều, mọc cặp theo bờ rạch, bờ sông. Món nầy nhậu với rượu đế cũng rất đúng điệu. Con cá dứa rất thích ăn trái bần rạch chín rụng xuống sông. Bột bần, sản phẩm từ trái bần, giờ đã có mặt ở siêu thị, dùng để nấu canh chua và có hương vị cũng rất đặc trưng.

Ảnh minh họa

Sau 1975, người ta đấp đập ngăn sông Cần Đước để giữ nước ngọt, từ đó hệ sinh thái bị thay đổi hoàn toàn và đã làm biến mất toàn bộ hệ tôm cá và cây cối vùng nước lợ này. Trẻ con sau nầy lớn lên sẽ không biết cây mắm, cây bần là gì. Hồi nhỏ, trẻ con thường chơi trò lấy bông mắm quăng vào tóc nhau, nhất là tóc đám con gái, nó bám chặc gở không ra. Ở dưới sông ngoài nghề đóng đáy còn có các hình thức đánh bắt khác như đăng, chài, kéo lưới, ghe cần chong, ghe trễ…Có những địa danh như Xóm trễ ở Phước Đông, Bến trễ ở Tân Ân.

Chiều chiều ông Nữ đi đăng

Cá tôm nhảy hết nhăn răng cười hoài !

 Xóm Đáy không có rừng cây nhưng có lòng dân, trong suốt thời kỳ chống Pháp cho đến những năm 1954-1960 Xóm Đáy dù ở sát huyện lỵ Cần Đước, sát dinh quận trưởng nhưng Xóm Đáy lại là căn cứ cách mạng nuôi dấu che chở cán bộ huyện ủy, tỉnh ủy hoạt động an toàn, và là một trạm giao liên quan trọng giữa cấp trên với căn cứ Rừng Sác.

Giờ xóm đã có đường nhựa khang trang và cùng phát triển đi lên trên con đường đô thị hoá.

ThS. Nguyễn Văn Đông

 

Bài trướcNhững bước đường hội nhập!
Bài tiếp theoNghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy-một lòng vì nghệ thuật cải lương

1 BÌNH LUẬN

  1. Anh Đông rất hay, có được hết tư liệu về thời ông cố, bài viết giúp tôi hiểu biết thêm về một phần đất địa phương mình, Rất thú vị! !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây