Ba Má tôi.

0
549

TRƯƠNG THỊ XUÂN SƠN

Ngày mồng 4 tháng 7 AL hàng năm là ngày đám giỗ má, vì con đi xa hai năm rồi không về dự đám giỗ được, nhưng lòng con bao giờ cũng nhớ về cha mẹ mình.

Hôm nay con muốn nói với ba má những điều con luôn nhớ về Ba Má: 15 tuổi má được cưới về nhà chồng, ở cái tuổi đó, những bé gái ngày nay mãi mê học tập, chơi đùa và làm nũng với cha mẹ, thì má về quán xuyến một gia đình giàu có, phải làm dâu với mẹ chồng, coi sóc nhà cửa ruộng vườn với hàng chục người ăn kẻ làm, đặc biệt phải tự tay làm hàng vạy mắm, sàng gạo, giã lúa vì bà nội muốn má phải biết làm tất cả mọi việc để có thể quản lý gia đình sau này. Má cứ phải mặc áo dài và quấn hai tà áo vào lưng quần để làm việc. Công việc vất vả như thế đối với cô gái mới từng ấy tuổi đầu, nhưng má chưa hề than van. Nhưng không may cho má, ba là con trai duy nhất, gia đinh cần người nối dõi mà má không thể sanh, do đó phải trả về nhà ông ngoại, lúc đưa má đi về nhà ngoại, ông nội dặn dò “con cứ ở yên trên đó đến khi tía dàn xếp việc nhà xong, tía lên xin anh chị cho con về lại.” Rồi người con dâu sau, bà nội rước về cũng không thể ở nỗi phải bỏ đi và ba với ông nội lại lên xin má về. Má về được vài năm thì có thai và lần lượt sanh ra một trai, ba gái. Má không học hành được bao nhiêu, không dạy con nhiều bằng lời mà tôi vô cùng nể phục má, không biết các anh chị lớn thế nào, chứ đến giờ tôi không thể nào quên được lời hát ru của má:
Ba mẹ ơi thân con là gái,
Biết thuở nào trả ngãi mẹ cha.
Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha chết gót con như bùn”


và còn biết bao câu ca dao tục ngữ mẹ hát ru con vừa nói lên tâm sự một cô gái trẻ về nhà chồng ở cái tuổi hái hoa, bắt bướm, phải xa cha mẹ quá sớm, hàng năm chỉ được vài lần thăm viếng song đường, khắc khoải, nhớ nhung không biết kiếp nào đền đáp cho cha mẹ.


Còn ba tôi, một người đàn ông mẫu mực, nhân từ, hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận và yêu thương chị em. Ngày đó những năm 30, ông từng học ở Chasseloup Laubat và đậu bằng Diplome, định đi du học ở Pháp, nhưng khi nghe ông nội buồn vì sợ ba đi không bao giờ về, nên ba không đi nữa về quê làm ruộng để ở cạnh hầu hạ cha mẹ lúc tuổi già, lo những viêc cho làng xã…
Ba là người theo Tây học, nhưng ảnh hưởng lớn tư tưởng Khổng Mạnh, ngoài chữ hiếu còn Đạo làm Người. Nhưng rồi chiến tranh xãy ra, cục diện đều thay đổi, ba bỏ làng ra chợ sống, mở trường dạy học để truyền dạy văn hóa, khoa học…và đạo đức cho học sinh. Ba lên Saigon để tìm thầy giỏi về dạy cho học sinh, lại lấy học phí rẻ, ba dạy Pháp văn, cứ mỗi khi thầy từ Saigon xuống dạy bị kẹt đường, đắp mô thì ba kêu học trò vào học Pháp Văn, không bao giờ cho bỏ một buổi học nào. Tôi còn nhớ lúc đó mặc dù là trường tư ở một quận nhỏ, nhưng dạy đầy đủ tất cả các môn học chính cho đến tất cả các môn phụ như vẽ, thủ công, may vá, âm nhạc. Mỗi khi Tết đến ba đều tổ chức Cây Mùa Xuân cho học sinh vui Tết vừa hiểu rõ thế nào là Tết Cổ truyền, còn vào dịp nghỉ hè thì tổng kết năm học, phát thưởng, phát giấy danh dự, văn nghệ… trước khi nghỉ hè.

Đối với học sinh ba đã hết lòng, bao nhiều người đã thành đạt từ ngôi trường quê nghèo nàn đó. Còn đối với các con thì yêu thương hết mực, dạy dổ nghiêm khắc, nhưng bao dung và tha thứ. Tôi là đứa con út trong nhà, ốm yếu, xấu xí, nhưng có lẽ các con lớn đều đi cả, chỉ còn lại nhà đứa con út này, ba rất cưng yêu vì nó ngoan hiền, học giỏi, nhưng không bao giờ ba thể hiện tình cảm ra mặt. Nhớ nhiều đêm nằm ngủ, ba hôn hoài, tôi giả đò ngủ say không hay biết, nghe má hỏi ba “sao ban ngày không hun mà nó ngủ mới hun” ba nói: “hun cho nó biết nó lừng à! “, tôi đã mĩm cười sung sướng trong bóng đêm. Sau đó giặc giã nổi lên, ruộng vườn bị chiếm, công việc dạy dỗ của ba thất bại, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, ba càng yêu thương đứa con gái út vì “giàu út ăn, khó út chịu”!
Khi tôi đến tuổi cập kê, có người theo đuổi, tôi thường hỏi ý kiến ba, ba phân tích chuyện nọ chuyện kia và tâm sự như hai người bạn, có lần khi ba biết tôi thích theo học ngành sư phạm, ba nói “cô giáo thì sống mẫu mực, hay bênh vực lẽ phải và cũng hay lý sự coi chừng sau này có chồng không được hạnh phúc. Nhớ những lần đau bệnh, một tay ba chăm sóc tôi, làm sao quên được tình yêu thương trời biển của ba, tôi thường ao ước mình đi học thành tài để đền đáp phần nào công ơn cha mẹ. Vậy mà ba đành bỏ tôi ra đi khi tôi tròn 20 tuổi, đau đớn ngập lòng nhưng cũng phải đứng lên vừa đi học vừa may vá để kiếm tiền trang trải cho đến ngày tốt nghiệp, cố gắng tiếp nối sự nghiệp của ba.

Bây giờ ba má không còn nữa, những gì ba má dạy dỗ con đã cố gắng thực hiện để xứng đáng là đứa con của gia tộc Trương Văn Tráng ở Cần Đước!

Trường  Thị Xuân Sơn
Ảnh do anh Nguyễn Hoàng Tuấn cung cấp.

Bài trướcNghề truyền thống Cần Đước xưa: Nghề đi ghe xã Phước Đông
Bài tiếp theoBệnh viện Cần Đước xưa – Vấn đề nước sạch, nước uống

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây