Miễu Bà Lựu

0
659

HUỲNH VĂN HẠNH  

Theo lời kể của Ba tôi và các chú bác từ gần 70 năm về trước, lúc tôi đã đến trường và sắp rời bậc tiểu học đầu những năm 50:

– Ngày xưa, có một người phụ nữ tên là Trương Thị Lựu, không rõ từ đâu đã đến xóm này lập nghiệp, gia thế thuộc tầng lớp khá giả, có nhiều ruộng đất và xóm mang luôn tên của bà: xóm Bà Lựu.

Xóm Bà Lựu có thể là những tụ điểm dân cư xuất hiện sớm nhất ở vùng này vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 và cái chợ đầu tiên ở vùng Hạ Cần Đước trước khi có chợ Cần Đước là chợ Bà Lựu.

Tương truyền chợ là những chòi lá nên một lần đã bị cháy rụi không chữa được. Sau đó khi kinh tế phát triển chợ đã được dời sang bên kia sông là chợ Cần Đước có từ đầu thế kỷ 19 cùng thời với chợ Cần Giuộc. Chợ Bà Lựu tuy không còn nhưng địa danh “chợ Bà Lựu” vẫn còn tồn tại mãi đến những năm 60 thế kỷ 20, vì khi có công chuyện cần tới xóm Bà Lựu thì người ta lại thường nói là: “Đi chợ Bà Lựu” chứ không nói: “Đi xóm Bà Lựu”!

Ảnh Hương Lê

 Khi Bà Lựu tuổi cao, Bà cho lập Miễu để thờ cúng Bà Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với mong ước sẽ phù hộ cho dân trong xóm được sống bình an, khoẻ mạnh và từ đó dân quen gọi là Miễu Bà Lựu. Miễu Bà Lựu có tuổi khoảng hơn 150 năm. Và từ khi có miễu thì Bà Lựu đã hiến tất cả đất đai của mình trong xóm thuộc về quyền sở hữu của Miễu.

 Sau này khi chế độ VNCH thực hiện chương trình Người cày có ruộng, những nông dân nào hiện đang trực canh tác phần đất nào sẽ được chính quyền cấp giấy chủ quyền thường được gọi là Bằng khoán và chủ của phần đất trên sẽ được bồi thường bằng tiền theo quy định của luật Người cày có ruộng hiện hành.

Thời đó chú Ba Vạn ở xóm Bà Lựu đang canh tác phần ruộng sát đường lên cầu Chùa đến con rạch chảy vào xóm Bà Lựu, nhưng không được cấp Bằng khoán và không rõ lý do. Khi xem lại các giấy tờ liên quan của Phái viên điền địa xã Tân Lân thì phần đất này được ghi chủ quyền thuộc Miễu Bà Lựu, do đó không được cấp. Cũng từ lý do này, nên bà con sống trong xóm Bà Lựu không phải đóng thuế thổ cư hàng năm từ hàng trăm năm trước.

 Ảnh Hương Lê

Để tưởng nhớ công ơn người sáng lập xóm và miễu nên người dân trong xóm đã lập bàn thờ trong miễu để thờ cúng Bà Lựu và tổ chức cúng Miễu Bà Lựu hằng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, nhân ngày giỗ của Bà.

 Đây là ngày hội lớn nhất trong năm của bà con xóm Bà Lựu. Vào ngày này con cháu đi làm ăn xa ở đâu cũng ráng thu xếp công việc để trở   về, trước là để cúng Bà, sau cũng là dịp để gặp lại bà con chòm xóm.

Các bậc trưởng lão ngày xưa quy định, bà con trong xóm được chia làm 4 nhóm và tuần tự thay phiên có nhiệm vụ lo tổ chức cúng giỗ hàng năm. Mọi người dân trong phiên luôn thể hiện sự thành kính nên phiên cúng được tổ chức, đón tiếp, chiêu đãi thấm đậm tình bà con chòm xóm.

 Sáng mùng 6 Tết khi nghe tiếng chiêng, trống, mõ nổi lên 3 tiếng, được thay đổi liên tục, thì mọi người dân trong xóm đều thu xếp công việc riêng để đến Miễu Bà Lựu dự lễ đông đủ với tấm lòng hiếu kính và trang trọng.

Những trẻ nhỏ ngày xưa nay đã trở thành lão ông đều nhớ như in, khi ba trưởng lão khai chiêng, trống, mõ và hành lễ thì các thanh niên mới được tiếp tục đánh chiêng, trống, mõ, và cuối cùng thì mới đến trẻ em. Nhờ thay phiên như vậy, nên tiếng chiêng, trống, mõ vang lên không đứt đoạn, hơn nữa khi ấy các anh chị trong phiên cúng cũng thường xuyên tiếp tế bánh, trái cây.

 Cuộc đời thật đúng là “Vật đổi sao dời”. Ngày nay, chợ Cần Đước lại được dời về cạnh ngay xóm Bà Lựu, xóm đã ở vào khu vực trung tâm của thị trấn Cần Đước, kinh tế sầm uất nên lượng người đỗ về cúng Miễu Bà hàng năm lại càng đông hơn xưa rất nhiều.

 Điều đáng nhớ và trở thành thông lệ là cúng miễu xong, sau khi kiểm tra thu chi, số tiền còn dư sẽ cho bà con vay lại để làm ăn xem như là hưởng Lộc may của Bà, tiền vay không tính lãi và tất cả đều được ghi chép và bàn giao sổ sách cho phiên cúng sau. Những người vay tin tưởng vào tiền cúng Bà linh nghiệm, nên chăm chỉ làm ăn để sang năm trả lại số tiền dôi hơn rất nhiều, mặc dù không quy định lãi suất. Ngay cả những người khá giả cũng vẫn vay tiền vì tin vào sự phù trợ của Bà.

 Ngày xưa khi có tranh cải nhau trong xóm các ông kỳ lão được mời tới, phân xử mà không cần đến chính quyền. Khó khăn nhất là tranh chấp ranh giới đất đai, các ông thì luôn nhớ rõ như in, vì khi ấy các ông nhớ lại ngày xưa gốc cây này là nơi núp chơi trốn tìm là của ai.

Ảnh Hương Lê

Nếu như ai không đồng ý thì các ông bỏ về và nói: -“bây có thưa tới xã, cũng giải quyết như vậy thôi” và cũng nói thêm: – “ngày xưa còn ông bà bây, anh em tao chỉ nói như vậy là xong“, vì các ông biết xã muốn phân xử cũng hỏi lại địa phương. Đó mới đúng là “phép vua thua lệ làng”.

 Dù nay mọi người tuổi đều cao, nhưng khi gặp lại nhau trong bữa ăn cúng Miễu Bà Lựu họ đều sôi nổi kể lại những kỷ niệm lúc còn thơ tại quê nhà, cũng như nhắc đến những anh em bạn chơi thân ngày xưa, mà nay đã ra đi.

 Những ngày cúng Miễu Mùng 6 tháng Giêng hằng năm không thể nào xoá mờ trong ký ức của những người con của xóm Bà Lựu.

 Huỳnh Văn Hạnh

 

Bài trướcMừng sinh nhật Ngoại
Bài tiếp theoCó duyên với Cần Đước!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây