THANH MINH – HUỲNH VĂN HẠNH
Cù lao Long Hựu bao gồm hai xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Gọi là cù lao vì địa phương nầy bị cách biệt với đất liền bởi con kinh nước mặn và phần còn lại được bao quanh bởi sông Vàm Cỏ và sông Cần Giuộc. Từ lâu chợ Kinh Nước Mặn ở cù lao nầy là nơi giao thương vùng sông nước của khu vực. Do ngăn sông cách trở nên cù lao nầy phát triển chậm so với các địa phương khác. Năm 2010 chiếc cầu bắc qua kinh nước mặn, giao thông thuận lợi, đời sống người dân khấm khá hơn, du khách biết đến Long Hựu nhiều hơn thông qua các điểm tham quan như Ngôi nhà trăm cột, Đồn Rạch Cát…Tuy vậy, việc phát triển du lịch tại đây chưa tương xứng với tiềm năng của nó.
Ngôi nhà trăm cột – Ảnh Thanh Minh
Thế mạnh của cù lao Long Hựu
Như đề cặp phần trên cù lao Long Hựu có con kinh nước mặn là đường giao thông thuỷ nối liền Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long. Ngày xưa khi chưa có con kinh nầy tất cả tàu thuyền đều phải vòng ra vàm Bao Ngược của Sông Vàm Cỏ và cửa sông Soài Rạp để đi lại giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Từ khi có kinh nước mặn việc đi lại được rút ngắn hơn 30 cây số nên ghe thuyền qua lại con kinh nầy rất đông. Do vậy đây là điểm tham quan lý thú, nhiều người ưa thích khi đến địa phương nầy. Mặc khác hai di tích nổi tiếng là Ngôi nhà trăm cột và Đồn Rạch Cát mỗi tháng đón hàng trăm du khách đến tham quan là thế mạnh sẵn có của Long Hựu.
Du khách tham quan Đồn Rạch Cát – Ảnh Thanh Minh
Một nét độc đáo của Long Hựu là vùng đất ven biển có những loài thuỷ hải sản đặc trưng như cá Thòi Lòi, con Còng, cá Kèo…có thể chế biến thành đặc sản tại địa phương. Ngoài ra, Long Hựu nổi tiếng với nghề làm bánh in có thể tổ chức thành những điểm tham quan cho du khách.
Thánh thất Cao Đài tại Long Hựu Đông – Ảnh Thanh Minh
Đối với Long Hựu là một trong những cái nôi đờn ca tài tử của huyện Cần Đước, nhiều soạn giả, ca sĩ thành danh là người Long Hựu. Du khách có thể học hỏi, giao lưu, giải trí với người dân địa phương qua các nghệ nhân đờn ca tài tử.
Làng quê thanh bình thu hút nhiều du khách – Ảnh Thanh Minh
Khu du lịch sinh thái thí điểm
Với diện tích gần 40 km2 của hai xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây có nhiều lợi thế để tổ chức thành khu nghỉ dưỡng sinh thái. Đó là khu vực gần biển có nắng, có gió, có nhiều sông rạch có nhiều cây ngập mặn, thủy sản vùng đất ven biển, nơi đây có thể xây dựng nhiều ngôi nhà, khu nghỉ dưỡng bên cạnh kinh rạch, trên áo nuôi cá… để phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, Long Hựu cần tổ chức thêm các điểm tham quan được du khách yêu thích như:
⁃ Hàng cầu Tân Trụ
⁃ Đường hoa Gò Công
⁃ Vườn hoa Cẩm Tú Cầu Phú Quốc
⁃ Căn nhà màu tím Cần Thơ
⁃ Nuôi con Càng Đước ở An Giang
Ngôi nhà của người dân có thể tổ chức theo dạng Homestay – Ảnh Internet
Với địa thế gần biển, có bờ sông rộng thoáng mát, nơi giao nhau giữa ba địa phương lớn là TP. HCM, Long An và Tiền Giang và cách trung tâm Sài Gòn khoảng 40 km, đi lại thuận lợi. Từ Sài Gòn theo quốc lộ 50 chỉ mất hơn 1 giờ đi xe ô tô để đến Long Hựu, do vậy việc phát triển du lịch tại đây là thuận lợi so với địa phương khác.
Bánh in Long Hựu – Ảnh Thanh Bạch Ngôi nhà trăm cột
Trước mắt Long Hựu có thể vận động người dân tổ chức những nhà nghĩ theo dạng Homestay, du khách có thể ở lại nhà người dân cùng sống, cùng ăn, cùng sinh hoạt với họ. Bên cạnh đó, Long Hựu có thể tổ chức những Tour khép kín tham quan bằng thuyền dọc kinh nước mặn, thăm Ngôi nhà trăm cột, Đồn Rạch Cát, thăm lò làm bánh in… thưởng thức các món đặc sản như cá thòi lời, lạp xưởng Cần Đước, gạo Nàng thơm chợ Đào… kết hợp giao lưu đờn ca tài tử nam Bộ.
Cá Thòi Lòi nướng đặc sản của Long Hựu – Ảnh Thanh Minh
Để làm được điều nầy, trước mắt phải có “người tiên phong” đi đầu trong việc đầu tư các dịch vụ du lịch và vận động nhiều người dân tại địa phương cùng tham gia. Điều quan trọng hơn là được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm thí điểm tại địa phương.
Thanh Minh – Huỳnh Văn Hạnh